9 tháng 1, 2013

ĐẤT QUẢNG tôi yêu ! (Kỳ 2)

(tiếp theo)…….Một đêm tôi sẽ không lo âu, không suy nghĩ mà cảm thấy điều gì chắc chắn như đã có một tình yêu mà mình từng biết trên cõi đời này. Một năm mình ra đây một hai lần cũng là điều quá ít. Còn mùa mưa bão ? Chắc cũng phải một lần đến để biết, ngại làm chi. Khi đã yêu mảnh đất này, có nghĩa là phải yêu, như tình yêu không cần lý giải và nguyên cớ sao ta yêu. Chắc những tháng ngày mưa bão ấy nếu ta không một lần khám phá thì còn gì là bí ẩn và hấp dẫn cuộc sống vùng đảo quê hương, ta mới biết được nỗi gian nan, phải vật lộn hằng ngày với thiên nhiên khắc nghiệt trong công cuộc mưu sinh đầy thách thức. Hãy dành thời gian để đến thăm Cù Lao Chàm trong thời gian ấy – Một báu vật của thiên nhiên, và chia sẻ với người dân nơi đây những băn khoăn, trăn trở của họ sao cho giữ bằng được vẻ đẹp hoang sơ đang còn lại rất hiếm hoi ở đất nước này”

"Vượt chướng ngại vật!"
Sáng hôm sau, tôi và DH bắt đầu cuộc hành trình đi bộ thăm Giếng Chăm ở xóm Cấm. Ngày hôm ấy có thể được gọi là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đối với hai chúng tôi khi mà bầu trời cao xanh vời vợi với nắng vàng rực rỡ và gió thoảng đưa, cơ thể như đã gần được thanh lọc độ cồn quá chén với hải sản chiều hôm qua. Dường thời tiết như vậy, ngôi làng ven biển hôm nay cũng như đẹp hẳn ra. Chúng tôi men theo đường ngoằn ngoèo và dốc dọc theo bờ biển, bãi tắm như tựa lưng vào núi. Có đoạn chúng tôi đã đi trên những con đường rậm rạp một cánh rừng nguyên sinh và có nhiều khe suối hiểm trở cắt ngang.. Tôi cứ tưởng DH không thể nào chịu nổi, nhưng vừa đi và vừa nhìn những bãi tắm dưới chân ngọn dốc, như những mảnh trăng lưỡi liềm ôm viền thềm biển, cát trắng mịn xen kẻ là nhiều hình thù của đá và cứ dốc thoai thoải kéo dài…. Đẹp quá! Hình như DH không thấy mệt. Riêng tôi tuy trong người không được khỏe cho lắm, nói còn bay bay mùi rượu, nhưng trời nắng đẹp và mình cũng chẳng phải làm gì ngoài việc động viên DH phải cố lên thôi, hoặc khi đùa giỡn để như leo dốc cũng không hao tổn gì tới sức lực của mình nhiều lắm. Chỉ có điều là nếu như hôm nay là ngày nắng nóng hay gió lớn thì chắc chúng tôi cũng sẽ rất mệt và phải thường xuyên….tiếp nước. Trời đất như thương mình mà để cho gió ngày hôm nay cũng nhè nhẹ thổi – Tôi thầm nghĩ.
DSC03299
Tác giả "Về đích" trước!
Đến giếng nước xóm Cấm, tôi thực sự ngạc nhiên vì ở giữa một hòn đảo độc lập, bốn bề là nước biển mặn mà lại có giếng nước đem lại nguồn nước ngọt trong suốt đến như vậy. Nghe người dân ở đây kể lại, giếng này có gần hai trăm năm. Theo người dân nơi đây, nước giếng xóm Cấm cực kỳ hiệu nghiệm khi giải chứng bệnh say sóng. Nếu người nào đi từ đất liền ra Cù lao Chàm mà bị say sóng thì chỉ cần lấy nước giếng xóm Cấm nấu với lá rừng của cù lao rồi uống vào là hết say. Là dân xây dựng, quan sát kỷ giếng này, tôi chợt nghĩ kỹ thuật xây dựng giếng là nguồn tư liệu quan trọng góp phần làm rõ thêm kỹ thuật xây dựng giếng Chăm ở Hội An, cũng như sự kế thừa kinh nghiệm xây dựng giếng của cư dân Việt tại đảo. Với những di tích này cùng với đời sống của người dân, du khách có thể cảm nhận được nền văn hóa đương đại kết hợp hài hòa cùng với văn hóa Chămpa và văn hóa cổ xưa của người Việt Nam. Theo một số nhà nghiên cứu, Giếng Xóm Cấm từ trước không chỉ cung cấp nguồn nước ngọt mát lành dồi dào cho cư dân trên đảo Cù Lao Chàm mà còn cung cấp nước ngọt cho tàu thuyền trong và ngoài nước thường xuyên qua lại nơi này, bởi trước đây, Cù Lao Chàm (tên cổ là Chiêm Bất Lao) là điểm dừng chân và định hướng cho tàu thuyền qua lại thời kỳ Chămpa. Hiện nay, theo như tôi đã nói ở phần đầu kỳ trước về nước sinh hoạt hiện nay ở đảo. Giếng Xóm Cấm không những tiếp tục cung cấp nguồn nước ngọt đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân địa phương và cho tàu thuyền đi biển. Nay là điểm tham quan và là nguồn tư liệu quý để du khách cũng như các nhà văn hóa, nghiên cứu hiểu rõ hơn về sinh hoạt văn hóa của cư dân địa phương, quá trình phát triển làng xã cũng như vai trò, vị trí Cù Lao Chàm trên chặng đường giao thương hàng hải ven biển Đông trước đây.Nếu trong đời người, có những phút ngẫu hứng thăng hoa, chiêm nghiệm những gì mình thấy thì với tôi chính là những giây phút ở bên giếng Xóm Cấm này đây.
Giếng Chăm Xóm cấm !
Giếng Chăm xóm Cấm !
Tranh thủ ở đây chừng một tiếng, chúng tôi xuôi về miếu thờ Thành hoàng. Đây là mảnh đất thiêng, giữa muôn trùng sóng gió. Miếu được xây dựng để thờ các bậc tiền nhân có công khai lập cộng đồng dân cư Cù Lao chàm . Từ xưa tôi chỉ biết những ngôi miếu ở đảo qua trang sách và lời kể, đã nuôi dưỡng trong tôi, từ thuở cắp sách tới trường, biết bao suy cảm về một hòn đảo gần của quê hương Xứ Quảng. Huống chi hôm nay khi tóc chỉ còn một vài sợi lưa thưa, tôi lại được tự tay thắp hương trước bàn thờ tổ tiên của đảo. Từ trong tâm khảm, tôi vái lên lời thành kính biết ơn.
Tôi không hề nghĩ, mình sẽ viết lại những gì sau chuyến đi này nhưng lạ thay, từ trong sâu thẳm tâm hồn, những sire hình ảnh cứ tự nhiên hiện ra, như lời tự nhủ chính mình: Không nơi đâu lôi cuốn như Cù Lao Chàm bởi nét đẹp hòa nguyện giữa núi rừng hùng vĩ và nét dịu dàng mát mẽ của làn sóng biển trong xanh. Vì công việc, hai chúng tôi ngày hôm sau phải qua về đất liền. Còn bao nhiêu nơi chưa đi như thêm dịp lại lỡ hẹn, còn đình Đại Càn, , miếu Tiền hiền, miếu Thần nông, miếu Tổ nghề yến, lăng Ông Ngư, lăng Cô…..chưa lại ghé thăm. Đó là những minh chứng cho sự hưng thịnh của người Chăm và người Việt cổ cách đây hàng ngàn năm, hay còn là nền văn hóa đương đại kết hợp hài hòa cùng với văn hóa Chămpa và văn hóa cổ xưa của người Việt Nam.
Chiếc tàu sáng sớm hôm ấy đưa chúng tôi trở về đất liền. Vừa rời khỏi đảo tôi lại nhớ một bài thơ thật mộc mạc, anh Ngây một người dân đảo lâu năm đọc cho tôi nghe lúc “trà dư tửu hậu “:
“Ra Lao đốn Lụi thật Dài
Chờ Mồ Khô Lá, xuống Tai chực Nồm”

(Lao, Lụi, Dài, Mồ, Khô, Tai, Lá – là 7 hòn đảo tại đây)
Và khi đặt bút viết về loạt bài “Đất Quảng tôi yêu !”, tôi có đọc một bài viết đăng trên báo Báo BÀ RỊA- VŨNG TÀU số ra ngày 16-3-2012 trích lời của nhà “ ĐÀNG TRONG HỌC” Nguyễn Văn Xuân trong bài báo “ Hoang sơ Cù Lao Chàm” có đoạn viết :”…… nhiều tư liệu thú vị về những chuyến đi liên tiếp của các phái bộ Anh, nhằm thuyết phục nhà Nguyễn “trao nhượng” Đà Nẵng và cù lao Chàm cho họ bằng một hiệp ước cấp quốc gia. Đổi lại, người Anh lập liên minh quân sự Anh – Việt để chống người Pháp. Điều đó cho thấy một điều là người Anh đã nhận rõ tầm quan trọng của cù lao Chàm và Đà Nẵng với khu vực biển Đông, thậm chí rộng hơn: từ Nhật Bản về đến khu vực Đông Nam Á ngày nay. Vì thế, dù chưa chiếm cứ được Đà Nẵng nhưng họ đã gọi vùng đất này là New Gibraltar. Ông Nguyễn Văn Xuân còn cho biết thêm cái tên Tân Gilbraltar đã được nhiều nhà văn Anh nhắc lại trong các tác phẩm văn chương. Tuy tham vọng như thế nhưng sau ba lần thương thuyết, đề nghị, thậm chí mang thư của nữ hoàng Victoria để xin được thỏa thuận hợp tác song đều bị từ chối quyết liệt, giấc mộng của người Anh về vùng đất này không thành và rồi năm 1819 người Anh chiếm cứ đảo Singapore và sau đó là Hồng Kông”
Theo thói quen của riêng tôi, mỗi hành trình khám phá, dù ở đâu đâu trên mảnh đất hình chữ S này, mỗi chuyến đi tôi đều ghi lại những cảm nhận về cuộc sống, con người, chính với riêng tôi là để cảm nhận được mạch nguồn đất nước trong từng bước chân đi. Và với chuyến đi Cù Lao Chàm, tôi đã viết :
“ Từ ngày yêu nhau. chúng ta có còn biết bao kỷ niệm hải hồ cho những chuyến đi em nhỉ? Anh không vô tình với những bước chân của tụi mình trên trần thế! Anh không thể gỗ đá, hay sứt mẻ cảm xúc của trái tim mình trong cõi sống và cõi yêu! Và em cũng nên đừng hỏi ở anh, sao anh đã lãng mạn và thật nồng nàn, nhớ nghe em, đừng có ….hỏi với anh điều ấy! Anh đang viết những gì anh và em đã qua và đã đến . Một lời văn thô mộc về Cù Lao Chàm như một nàng tiên đang thức dậy sau một giấc ngủ dài và giờ đây anh là thế hệ hậu sinh chẳng góp được gì cho vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ ấy ngày càng đẹp thêm!. Anh viết trong cái chân tình và ngẫu hứng mà cứ diết da, vì anh không muốn mình lại quên đi những điều đáng nhớ. Và anh không muốn hối tiếc, vì mình đã quên …….không viết về Đất Quảng tôi yêu, có Cù Lao Chàm đang đứng ở đầu ngọn gió! Anh mãi yêu em và yêu mãi cho những chuyến đi , khi trên đời ta luôn có nhau! Em nhé……!
( Kỳ sau – AI ĐI HỒ PHÚ NINH, GỌI MÌNH VỚI NHÉ !)
Andi Nguyễn Ánh Nhật !

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC