28 tháng 8, 2017

Thủ phủ “HOÀNG TRIỀU CƯƠNG PHỔ” – Một giấc mơ ôn đới (Tiếp theo)

Dalat đón chúng tôi một ngày mưa lất phất, gió cù vào bàn tay một cảm giác se se. Sự dễ chịu của Dalat chính là nét tĩnh lặng chênh vênh của những con đường dốc lại không có đèn tín hiệu giao thông. Thành phố không xích lô, không máy lạnh điều hòa.
Xứ sở có rất nhiều khu vườn rộng thênh thang nhưng đều phân biệt nhau bằng hàng rào mắc cáo như những mũi kim khâu. Dalat nhỏ xíu với khoảng 200 ngàn dân. Tổ tiên thật sự ở đây là người Lat và người Chill (hai tộc người K'Ho). Nhưng theo thống kê, đất thủ phủ “Hoàng Triều Cương Phổ” có đến 70 % là người gốc Huế, 20 % người xứ Bắc và người gốc Quảng cũng chỉ 10 %.

Đalat không có món ăn riêng để được gọi “quốc hồn quốc túy”, chỉ có hoa và đặc sản dâu, rượu được làm từ ấy, nhưng còn khá nhiều địa chỉ dẫn dụ du khách từ muôn nơi. Muốn thác, có thác. Muốn đồi, có đồi. Muốn xem vườn dâu, có vườn dâu. Muốn chùa, có chùa. Muốn có chi có nấy!.
Vậy mà có một điều lạ rằng vào ngày lễ hội, ở những nơi như Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng hay Sài Gòn ta đều gặp nhan nhản những mắt xanh mũi lỏ. Thậm chí còn thấy những bà mẹ ví dặm phiêu lưu trên tay bế, tay bồng đứa con còn đỏ lỏn khóc oe oe. Dân Tây mà, có sá chi, họ luôn dày dạn, lãng du, phượt khi con còn ẵm ngửa. Nhưng với Dalat vào ngày lễ hội chỉ thấy toàn thấy “mũi tẹt da vàng”. Dalat ngày xưa cũng vậy, chẳng có khu tập trung đông ký giả trong nước và quốc tế để đánh hơi hay tán gẫu tình hình thế sự hoặc là nơi R&R của lính Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Nói đến dân Tây, Hà Nội có ngã tư quốc tế với khu Tạ Hiện, Mã Mây, hay trong Sài Gòn là khu Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, đông nghịt. Còn Dalat chắc “bọn nó” khôn hơn vì nhiều nhẽ:
Đầu tiên, như đến hẹn lại lên, giá thuê phòng tăng cao ngất ngưỡng. Một Hotel lơ phơ ở những con đường Bùi Thị Xuân, Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng v.v.v cũng có thể hét giá 1triệu đồng một phòng/ ngày. Còn lực lượng cò kéo cho dịch vụ này ngày càng bổ sung thêm quân số. Đã kinh nghiệm qua nhiều lần lên đây, nhưng khi nhìn thấy họ chào mời Hotel hay tham quan những vườn dâu sinh học. Tôi vẫn cứ tưởng ngành du lịch Dalat đã biết mời gọi, một “mấu chốt của triết lý giao thương”. Ai dè khi đi theo lời dẫn dụ của họ thì mới bật ngửa, Dalat vẫn còn rất đông người kiểu làm ăn “tay không bắt giặc”. Nhớ nhiều lần tôi lên đây vào ngày lễ, giá ăn uống, hàng lưu niệm sốt chưa từng thấy. Chặt chém là chuyện bình thường và cũng chỉ biết “ngậm bù hòn làm ngọt”.
Vậy người Dalat ngày nay giàu có!?. Một vạn lần không!. “Nước nổi chứ bèo đâu có nổi”. Thấy cánh xe ôm, hay tiểu thương buôn bán nhì nhằng ngoài chợ, người đọc báo, kẻ đú đởn phởn phơ mà thật ra họ đều héo hắt ruột gan vì giá sinh hoạt cho gia đình hàng ngày đâu có “tàn bạo”như vào dịp lễ. Tiền chỉ chạy vào túi của những người có của và biết nắm bắt thời cơ.
Người ta đang thương mại hóa hay du lịch hóa Dalat. Ngồi trên xe dạo quanh thành phố, tôi cùng những suy tư bạt gió. Nếu ai đó vô tình nghe câu hát “Ai lên xứ hoa anh đào” mà nức nở. Dalat sương mù đã thôi giăng, trà, café cũng thôi ngon. Hớp ngụm café bỗng dưng lòng lại nghĩ, muốn thưởng thức café ngon chắc cứ phải về…..Sài Gòn. Uhm thì về, nhưng biết đến nơi đâu để ngồi nhớ Dalat một thời xa ngái. Dalat không chỉ đẹp và mộng mơ mà còn là chiếc nôi sinh ra bao nghệ sĩ hào hoa. Mà nay giọt nắng nhạt hòa trên lá cỏ, thông xanh xưa reo ngân dài lời ru buồn bất tận, lớp nhạc sĩ Lê Uyên Phương, Hoàng Nguyên v.v.v đã về cõi vĩnh hằng, lớp còn lại Khánh Ly, Lê Uyên v.v.v.nay phiêu bạc về đâu…!?
Tôi đi tìm chất liệu của đời sống. Dalat đẹp và mông mơ không chỉ ở sắc đẹp của những loài hoa, những súp lơ, xà lách, cà rốt, khoai tây…. Phải chăng vẻ đẹp là ở những tàn tích, những hồn cốt, những giá trị tinh thần ẩn sâu. Người có quyền lực biết lắng nghe và hồn cốt văn hóa của người bản xứ cũng chẳng đâu xa, chỉ có sự trưởng thành trong nhận thức mới có thể cứu rỗi được những gì đã mất. Đó là những thử thách thời cuộc mà tôi cảm nhận về “Một giấc mơ ôn đới!”….. (Còn tiếp)
Andi Nguyễn Ánh Nhật.


-->Đọc thêm...

Thủ phủ “HOÀNG TRIỀU CƯƠNG PHỔ” – Một giấc mơ ôn đới


Thời tiết mỗi năm thật lạ lùng, đất phương Nam mưa triền miên và chưa bao giờ trải qua một mùa mưa dữ dội như vậy. Coi mòi như ông trời bị vợ bỏ mà khóc miết. Nhưng khi chúng tôi đã hẹn lại lên đường….Rồi như thế tôi lại có dịp được ghi chép thêm đôi điều về thủ phủ “Hoàng Triều Cương Phổ” (1950-1954), nơi còn in đậm những kỷ niệm hồi hương của cựu hoàng Bảo Đại.
Ngủ một mình không có ai kêu réo, khi tôi bật tỉnh dậy thì trời đã tảng sáng. Loay hoay chưa định làm gì cũng là lúc trưởng đoàn Thu Hiền – Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã XH giục tôi qua điện thoại: “Xe gần đến đón anh rồi đó nghe!”. Chỉ xếp vội được vài bộ áo quần vào ba lô là chiếc xe trờ tới, tôi dọt lên đường….
Đường lên mạn ngược, xe chúng tôi hướng về Đức Linh – Bình Thuận xuôi trong tiếng gió, qua nhiều triền co đồi núi. Mùi hương sớm miền đất đỏ có chút ẩm ương, vạt gió xám vô tình lọt qua khe cửa kính châm chích thịt da se sắt. Vội khi đi chỉ mặc một chiếc áo sơ mi mỏng, tôi lại trách mình nhở lên trên ấy lạnh thì biết tính sao (!?). Tôi cảm thấy lạnh trong lòng, hình như thiếu một điều gì đó, cũng có thể là giấc mơ, như có thêm tiếng chuông tình reo theo gió, như ai đã cùng tôi trong những lần lữ thứ. …
Xe bon bon chạy, 9 giờ đã đến chân đèo Bảo Lộc. Con đèo này mới đây cũng có đến hai lần báo chí bị hố. Xe chạy nhanh vượt ẩu đến khi xảy ra tai nạn cánh tài xế lại bi bô với nhau: “Giải cứu chứ không dẫn đến thảm họa này kia (!?)” và suýt nhận được giải thưởng của UBANGT quốc gia. Cho đến khi nhà điều tra lật mặt, báo chí rút bài còn cánh tài xế mới chịu lặng thinh. Lần này leo theo cung đường ấy, trong mắt tôi, nhiều chiếc xe cứ nối đuôi nhau rù rì như đàn ngựa già leo dốc, tiếng máy xe như lấp mờ tiếng gió hú từ trên đỉnh xa. Giữa một màu xanh đa sắc của rừng, của núi. Bình thân, tôi thả mắt nhặt nhạnh từng hình ảnh của vùng đất “Hoàng Triều Cương Thổ” qua ô cửa xe. Đại ngàn có thể là cái gì đó rất khó tưởng minh của thiên nhiên và cuộc sống phía sau vách núi. Cuộc sống sinh động, gần ngày lễ xe hơi cứ nối đuôi nhau ùn lên xứ sở hoa anh đào, nhiều cô gái chàng trai đèo nhau đi phượt. Đèo B’lao, người Mạ đã từng lấy nơi đây làm “thủ phủ” từ khi có vương quốc Phù Nam, vậy mà dõi mỏi mắt tôi vẫn chưa thấy bóng dáng của họ đi nương rẫy. Ðèo ngoằn ngoèo, tay tôi lăm lăm khẩu Nikon được gắn lens AF-S - Nikkor 70–300 mm mà cứ ướt chi chộp được vài dáng cánh áo của người bản tộc hay mái tranh, chuồng gà mán lợn của họ. Còn với núi rừng, ngôn ngữ của máy ảnh có thấm thóp gì so với những sắc màu của tạo hóa…..
Gần đến đỉnh đèo, xe chúng tôi ghé vào thăm “Phật hai Cô”. Nơi đây thật tĩnh lặng, không nhang trầm mây thu nhưng đủ cho ai vừa đặt chân đến cũng đều có cảm giác tịnh thiền. Núi là Phật, nhìn ngược xuống là những quanh co đời. Mặc kệ với những suy tư hằng có, tôi tự quên cho mình giữa dòng đời ngược xuôi một sự thưởng ngoạn từ tầm nhìn trên cao. Bồng bềnh phiêu du, núi rừng đẹp quá, một vẻ đẹp luôn cần nhấm nháp chậm rãi như sự thưởng thức hương vị của một tách café ngon. Giữa chốn thiêng linh, nếu ai đó lụy cảm với cái vẻ đẹp bạt ngàn huyền bí của núi rừng chắc có lẽ cũng là điều thường tình..
Một Bảo Lộc hiện ra trước mắt chỉ với con đường lớn là quốc lộ 20, nhưng theo cách cảm nhận của riêng tôi là trù phú. Thị xã rất ít có những tấm bích chương quảng cáo du lịch được thêu dệt những mỹ từ mời gọi trên những gam màu hư huyễn mà tôi từng thấy nhiều nơi. Tôi nhận diện Bảo Lộc một màu “thô mộc”, xa xa bạt ngàn màu xanh của những đồi Chè, cà phê vây bủa v.v.v. Rất khác với Tây Nguyên lô nhô màu sắc, những ngôi nhà mái chảy, con đường bụi đỏ gieo neo. Bảo Lộc rất riêng và cảm nhận.
Nơi đây chỉ còn khoảng hơn 100 km nữa là chúng tôi sẽ đặt chân đến thủ phủ đất “Hoành Triều Cương Phổ”. Không phải ngẫu nhiên nhà Nguyễn phóng tầm nhìn đến Đà Lạt để xây một hành cung cho mình. Và lịch sử được ghi lại qua việc triều Nguyễn đã phái đại thần Đoàn Đình Duyệt, Thượng thư bộ Công, Cơ mật đại thần, kiêm Quản đốc Đô sát viện lên đường đến Đà Lạt giữa tháng 7 năm 1918. Đường sá xa xôi và khó khăn, “đoàn quân” của Đoàn Đình Duyệt phải đi xe lửa đến Đà Nẵng rồi vào phương Nam bằng tàu thủy cho đến trước leo đèo Eo Gió (Bellevue) thuộc cao nguyên Lâm Viên có độ cao 1.045 mét. Họ đã đến đây vào dịp hè nhưng khí hậu như đầu xuân. Trú ở đây đến mùa đông hàn thử biểu nhiệt độ chỉ có xuống một hai, đôi khi lại có mưa tuyết như miền Nam châu Âu. Điều kỳ lạ đã có trên đất nước Lĩnh Nam – Một giấc mơ ôn đới…..(Còn tiếp)
Dalat Ngày 26 tháng 8 năm 2017Andi Nguyễn Ánh Nhật

-->Đọc thêm...

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC