31 tháng 1, 2014

Ý NGHĨA TÂM LINH TRONG 15 NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN.

Trong 15 ngày Tết, mỗi ngày đều có một ý nghĩa riêng. Hãy cùng đi tìm ý nghĩa đặc biệt của từng ngày Tết trong tâm thức người Việt

Công việc sửa soạn cho ngày Tết chính thức bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp Âm lịch. Đây cũng là ngày người Việt cúng Táo quân. Theo quan niệm của người Việt thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong một năm qua. Ông Táo sẽ lên chầu trời, báo cáo với Ngọc Hoàng những chuyện tốt xấu đó của gia chủ.Sau ngày 23 tháng Chạp là những ngày giáp Tết, các gia đình đều tranh thủ lau dọn, sơn quét, trang trí lại nhà cửa, vứt bỏ những đồ cũ hỏng, không còn dùng tới, đồng thời, họ cũng chuẩn bị sắm sanh dần cho những ngày Tết sắp đến.

Sau lễ cúng ông Táo, lễ cúng Tất niên 30 tháng Chạp cũng là lễ rất quan trọng trước Tết. Đây là ngày gia đình sum họp, ngồi lại với nhau để ăn cơm tất niên. Buổi trưa hoặc chiều ngày 30 tháng Chạp, người ta thường làm cỗ cúng tất niên, tiễn năm cũ.

Giữa ngày 30 tháng Chạp và ngày mùng 1 tháng Giêng, vào giờ Tý (từ 23h hôm trước đến 1h hôm sau), trong đó thời điểm Chính Tý (0h ngày mùng 1 tháng Giêng), là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết. Thời khắc này đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, được gọi là thời khắc Giao thừa.

Ở thời khắc này, người ta thuờng làm hai mâm cỗ: một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ trong nhà và một mâm cúng thiên địa ở ngoài trời. Cúng Giao thừa theo quan niệm truyền thống là để những điều xúi quẩy của năm cũ đi qua, đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.

Mâm cúng ngoài trời là để đón các vị Thiên binh nhà Trời. Lúc đó, họ đi thị sát dưới hạ giới rất vội vã, không kịp vào tận bên trong các nhà, vì vậy, bàn cúng được đặt ngay trước cửa chính để các vị Thiên binh chứng giám được lòng thành của gia chủ.

Hết một năm, vị Hành khiển đã cai quản hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc lại cho vị Hành khiển mới. Mâm lễ ngoài trời lúc Giao thừa nhằm thể hiện lòng thành kính, tiễn người nhà Trời đã cai quản mình trong năm cũ trở lại Thiên đình và đón người mới xuống.

Mâm cúng Giao thừa trong nhà là để cúng tổ tiên. Trước khi khấn tổ tiên để mời tiền nhân về ăn Tết cùng con cháu, gia chủ thường phải khấn Thổ Công để xin phép.


Vào đêm Giao thừa, người ta cũng thường đi xem pháo hoa hoặc đi lễ chùa cầu may.


Ngày mùng Một Tết là ngày Tân niên cũng là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. Không kể những người tốt số, hợp tuổi, được mời xông đất, vào sáng sớm ngày này, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình.

Đối với những người con đã tách khỏi cha mẹ ra ở riêng, vào sáng mùng Một, họ sẽ đến chúc Tết bậc sinh thành.

Sáng mùng Một Tết còn gọi là ngày Chính Đán, con cháu tụ họp để dâng hương lên bàn thờ tổ tiên, sau đó chúc Tết ông bà, cha mẹ, các bậc cao niên, huynh trưởng trong nhà. Lúc này, con cháu mừng thọ ông bà, trẻ nhỏ được mừng tuổi.

Người Việt quan niệm rằng nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn trong ngày mùng Một thì cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào trong nhà đều được coi là người xông đất cho gia chủ. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong năm cũng vì thế mà trở nên quan trọng.

Cho nên cứ đến cuối năm, mọi người thường để ý tìm xem có người quen nào hợp tuổi, hợp mệnh, tính tình vui vẻ, hoạt bát, yên bề gia thất và sự nghiệp vững vàng để nhờ sang xông nhà. Người đến xông nhà thường không ngồi lại lâu, hàm ý chúc cho mọi việc trong năm mới của gia chủ cũng được trôi chảy, hanh thông.

Trong ngày mùng Một, người ta thường xuất hành - đi ra khỏi nhà lần đầu tiên trong năm mới. Việc xuất hành là để đi tìm may mắn cho bản thân và cho gia đình. Trước khi xuất hành, người ta thường xem ngày giờ, phương hướng.

Ngày mùng Hai Tết tiếp tục hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau khi việc cúng lễ xong xuôi, việc thăm hỏi chúc Tết diễn ra thoải mái hơn, người ta có thể đến chúc Tết họ hàng, bạn bè rất vô tư, thoải mái mà không còn lo mình sẽ trở thành người xông nhà “bất đắc dĩ” cho gia chủ nữa.

Đàn ông chuẩn bị lập gia đình sẽ đến nhà cha mẹ vợ tương lai để chúc Tết, con gái đã đi lấy chồng sẽ quay về nhà chúc Tết cha mẹ đẻ và họ hàng.

Ngày mùng Ba Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy cô giáo cũ theo tục “mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy”.

Trong ngày Tết, người ta thường trao đi những chiếc phong bao đỏ đựng tiền mừng tuổi. Xưa còn có lệ chỉ cho tiền lẻ vào phong bao với ngụ ý số lẻ là còn tiếp tục sinh sôi, nảy nở thêm.

Ngày mùng 4 Tết theo lịch cổ là ngày con nước. Trong ngày này, người Việt làm lễ hóa vàng, tiễn tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu, đồng thời, đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm nhiều tiền vốn đầu năm. Lễ hóa vàng có thể diễn ra vào ngày mùng 4 hoặc mùng 5 Tết, thường bao gồm cả việc làm cơm cúng.

Ngày mùng 7 Tết được coi là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết Nguyên đán. Trong ngày này, người Việt cổ làm lễ hạ cây nêu, kết thúc dịp Tết Nguyên đán và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới từ ngày mùng 8 hoặc mùng 9 tháng Giêng.

Đến ngày Rằm tháng Giêng, người Việt lại ăn một cái Tết nữa, là Tết Nguyên Tiêu hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên. Tết này tổ chức tại chùa và tại gia. Vào ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình Việt sẽ tiếp tục làm cơm cúng thịnh soạn dâng lên bàn thờ gia tiên với quan niệm “Giỗ tết cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.

Đối với người Trung Quốc, Tết Thượng Nguyên mang nhiều ý nghĩa tinh thần. Khi xưa, vào dịp này, những văn sĩ, học giả thường ra vườn, uống rượu, ngắm hoa, thưởng trăng và làm thơ đầu năm.

Rằm Tháng Giêng ở Việt Nam tách khỏi quan niệm này và đưa vào ngày Tết Nguyên Tiêu ý nghĩa tôn giáo, bởi thế mà dân gian còn có câu “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”. Vào ngày này, người Việt sau khi hoàn tất việc cúng bái tại gia, thường lên chùa dâng hương và đặc biệt hay lên chùa vào lúc trời tối, khi trăng tròn đầu năm đã lên cao.

Dù kinh điển nhà Phật không nói đến ngày rằm Tháng Giêng nhưng trong dân gian thì đây là dịp thích hợp để lên chùa dâng sao giải hạn, ước nguyện điềm lành.

Andi Nguyễn Ánh Nhật
-->Đọc thêm...

27 tháng 1, 2014

10 CHUYỆN CƯỜI THƯ GIÃN CUỐI NĂM.

          Những ngày cuối năm 2013, đi khảo sát một dự án sẽ làm trong năm 2014

1. TẠI ĐỒN CẢNH SÁT
Một cô gái mặt tái mét, nước mắt đầm đìa, đến báo cảnh sát:
- Thưa ngài cảnh sát, em vừa đi xe buýt, kẻ cắp lấy hết sạch tiền của em rồi ạ, một khoản tiền rất lớn, em mang đi mua xe ô tô.
- Chị để tiền ở đâu mà mất? – Cảnh sát hỏi.
- Thưa ngài cảnh sát, em giắt gói tiền trong cạp quần của em ạ.
- Thế lúc hắn luồn tay vào trong cạp quần chị không cảm thấy gì hay sao?
- Dạ, thưa ngài cảnh sát, có, nhưng em tưởng hắn có ý đồ tốt…

2.CHUYỆN CÁI QUẦN ĐÙI
Chồng đi dự liên hoan cuối năm mãi tận khuya mới về nhà, anh ta thay quần áo để đi ngủ. Bỗng người vợ phát hiện thấy chồng mình không còn quần đùi:
- Quần đùi của anh đâu rồi? – Người vợ hỏi.
- Thôi chết, anh bị mất cắp rồi, – người chồng nhanh nhẩu đáp.

3. TRONG XE TAXI
Đôi trai gái ngồi trong xe taxi:
- Anh yêu em muốn chết đi được, – chàng trai nói.
- Em cũng cảm thấy như em đang chết đi vì yêu anh, – cô gái đáp lại.
- Xin lỗi hai anh chị! – người lái xe nói chen. – Tôi xin lỗi vì làm gián đoạn cuộc trò chuyện của hai anh chị, nhưng xin hai anh chị hãy thanh toán tiền xe taxi cho tôi trước khi cả hai anh chị… qua đời.

4. CHA LINH MỤC VÀ CON CHIÊN
Một người đàn bà đến xưng tội:
- Thưa cha, hôm qua con vừa đập vỡ chiếc bình gốm trên đầu chồng con.
- Con ơi, con có lấy làm tiếc về hành động của con hay không?
- Dạ, thưa cha, con lấy làm tiếc lắm ạ. Vì con đã phải bỏ ra năm triệu để mua chiếc bình gốm này.

5. TRÒ CHUYỆN VỚI MA CHỒNG
- Hồn ơi, hồn có phải là chồng quá cố của em hay không?
- Đúng, chồng quá cố của em đây…
- Hồn có được sung sướng như hồi sống với em trên dương thế hay không hả hồn?
- Có… y như hồi sống trên dương thế.
- Hiện giờ hồn đang ở đâu?
- Dưới địa ngục!

6. ĐI TÙ HAY ĐI DƯỠNG SỨC?
Vợ, chìa tờ báo ra trước mặt chồng nói:
- Anh xem này, tòa vừa phạt tù một người đàn ông lấy những năm vợ.
- Theo em, tòa cho anh ta đi tù hay đi dưỡng sức? – người chồng hỏi.

7. MẸ TRẢ LỜI CON GÁI
- Mẹ ơi, có phải cái váy mới này là quà sinh nhật bố mua cho con?
- Làm gì có. Con ơi, nếu mẹ mày mà cứ đợi bố mày thì ngay đến cả mày cũng không có trên đời này… – người mẹ trả lời.

8. TẠI MỘT PHIÊN TÒA
- Lúc hai giờ đêm bị cáo lẻn vào nhà người khác. Bị cáo định ăn trộm gì trong đó?
- Thưa quý tòa, lúc đó tôi đi nhậu về, say rượu, tôi tưởng đó là nhà tôi.
- Thế tại sao khi phát hiện thấy chị chủ nhà bị cáo lại nhẩy qua cửa sổ?
- Thưa quý tòa, tôi tưởng đó là vợ tôi.

9. HAI VỢ CHỒNG XEM PHIM TRÊN TIVI
Hai vợ chồng ngồi trước tivi xem phim.
- Anh xem kìa, chàng âu yếm với nàng đến như thế, – người vợ, giọng ghen tỵ, nói.
- Nhưng mà em có biết, người ta đã phải trả cho hắn bao nhiêu tiền để hắn làm như vậy hay không? – Người chồng nói.

10. TẮT ĐÈN
- Mẹ ơi, hôm nay, lúc bố mẹ đi xem phim, anh Ađam đến chơi và anh ấy định hôn con…
- Thế con đã phản ứng ra sao?
- Con nói: “Em không muốn nhìn cái mặt anh!”
- Rồi sao, hắn ra về?
- Không, anh ấy tắt đèn…

Andi Nguyễn Ánh Nhật (Sưu tầm).


-->Đọc thêm...

23 tháng 1, 2014

Thị trường hoa Tết - Đoạn trường ai có qua cầu mới hay !


Tôi từng đi bán hoa Tết trong những năm đầu tiên vào Sài Gòn sinh sống. Khi ấy dù mới ra đời lập thân nhưng tôi là người may mắn, vì sau khi đặt chân đến mảnh đất này vài tháng, tôi đã kiếm được một công việc ổn định. Còn chuyện đi bán hoa tết của tôi cũng chuyện ngẫu nhiên, do trong lúc trà dư tửu hậu có ông bạn thân rủ rê hùn vốn ….làm thêm. Đối với công việc mới mẻ này, do tuổi còn trẻ lại độc thân, tôi rất muốn trải nghiệm thứ cảm giác xa nhà ngày áp Tết, chứ chưa hy vọng tiền lời hoặc có thể hòa vốn cũng xong. Thế mà năm nào tôi cũng được nhiều người khen là “cao thủ số 1” trong nghề bán hoa tàn, hoa dở thật vui. Còn nữa, tuy chỉ làm chơi nhưng ăn thiệt, nên năm nào tôi cũng kiếm được một số tiền kha khá, dư bù vào số "tài khoản" đã bỏ ra mua ……vé máy bay về quê. Là dân nhà quê ra tỉnh chính hiệu, với tôi cách đây hơn 20 năm được đi máy bay ra vào Sài Gòn – Đà Nẵng trong dịp tết quả thật là quá...oánh (!?). Heee.


Có người nói: "Cuộc sống của con chuột tùy thuộc vào con mèo”. Còn người bán hoa tết có về nhà trước giao thừa hay không là tùy thuộc vào... người mua hoa. Người bán hoa ngày Tết có nhiều thành phần, đa số thuộc dân chuyên nghiệp trồng hoa và bán hoa Tết hàng năm. Nhưng cũng không ít người công chức như tôi hoặc nhiều người làm ngành nghề khác, tranh thủ khoảng thời gian nghỉ Tết ..... làm thêm. Người bán hoa Tết dù là ai đi chăng nữa cũng đều có cùng chung một tâm trạng, một nổi niềm "không chỉ riêng ai" (!?). Tất cả họ vừa mong có được nhiều đồng lời để trang trải trong những ngày vui Tết, lại vừa muốn bán nhanh hết hoa và về nhà sớm trong đêm 30 để thắp lên bàn thờ gia tiên một nén nhang. Mừng năm mới!. Bán hoa Tết là công việc vô cùng cực nhọc, đêm phải nằm ngoài sương, ngoài gió trông hoa. Còn ngày tâm trạng luôn phập phồng, hồi hộp như sắp bị ...hành hình. 

Thời tuổi trẻ đã qua, nhưng tôi đã có trong đời mình những ngày, những niềm vui trong công việc bán hoa cận Tết như một kỷ niệm đẹp không phai. “Con cá trong lờ đỏ lơ con mắt” nên tôi rất rõ “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” của nghề buôn bán " 5 ăn, 5 thua" này.

Nhớ lần đầu chuẩn bị xuống Sa Đéc, Long Xuyên để mua hoa về bán Tết. Tuy đã chuẩn bị tâm lý vững vàng, nhưng tôi vẫn có những "đêm trước" cứ trằn trọc suy nghĩ vẫn vơ:  "Có khi nào công sức, tiền bạc bỏ ra rồi sẽ lỗ chỏng gọng?. Tôi sinh ra ở vùng quê miền Trung, rồi lớn lên theo năm tháng cũng chỉ phụ giúp cha mẹ làm ruộng, tỉa lúa trồng khoai và đi học, nên việc này vốn chưa quen. Huống chi chuyện mua bán hoa Tết đất Sài Thành lại  “mắt chưa từng ngó..”....

Biết chừng tôi hơi hoang mang, ông bạn thân tôi liền phán: "Buôn bán là phải…..liều và nghề bán hoa tết còn phải …..liều hơn, bởi nó chứa đựng nhiều điều rủi ro và phi logic, như “hoa đẹp bán rẻ, hoa xấu bán đắt”. Ông bạn tôi còn khuyên , hãy chấp nhận luật chơi tréo ngeo của nghề này mà bắt tay vào việc. Người ta thường nói: “Học thầy không tày học bạn”, và trong bài học đầu tiên của công việc mới mẻ này, ông bạn tôi còn chỉ giáo, nghề này phải phán đoán thật nhanh “đối tượng” để biết sở thích, sau đó mới là khả năng giao tiếp trong đó có cả khả năng “dụ khị”. Có thời điểm còn phải đừng nghĩ đến đồng lời mà xoay xở, giải quyết trôi nhanh mớ hàng tồn đọng. Đó mới là thắng lợi của người bán hoa. . . . (!?)

Qua một vài năm bán hoa Tết “văn nghệ”, tôi rút ra một điều là hoa những ngày Tết không năm nào có một mức giá chuẩn hay nói cách khác, một điều chuẩn tương đối cũng không. Người bán muốn ra giá bao nhiêu là…tùy nghi, còn người muốn mua bấy nhiêu là…tùy thích. Ấy vậy nên nhiều người thường nghĩ, nghề bán hoa tết rất …ngon ăn (!?).


Thị trường hoa tết dường như năm nào cũng “bất định”, nơi đây giá đắt, nhưng nơi kia chỉ cách năm ba km giá cả lại vô cùng rẻ mạc như biếu không. Bởi vậy nên có người gọi đây là thị trường “đỏng đảnh, sáng mưa chiều nắng. Sợi nhớ sợi thương ..... Hay nói đúng hơn sức mua mặc hàng này hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu, sở thích, cả những buồn vui bất chợt của người tiêu dùng. Hoa đối với ngày Tết, ngày xuân kể ra ai cũng cần, cũng có nhu cầu mua sắm, hơn cần mua một thùng bia hay chai rượu, nhưng không cần đến mức như …cơm gạo. Điều đó có nghĩa, mọi người mua hoa phụ thuộc vào hầu bao của mình. Người làm ăn khấm khá thì chậu hoa xinh và lớn hay cây mai kia đẹp và lâu năm. Nhưng người khó khăn lại chỉ cần vài cây vạn thọ nhỏ chưng trước nhà là cũng đủ....vui xuân, thậm chí là không cũng đặng. Còn sở thích?. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào trào lưu từng năm, như năm trước người ta thích loại hoa này, nhưng năm nay người người lại loài hoa khác. Đó cũng là sự vui buồn của thượng đế. Bởi vậy người trong nghề bán hoa Tết, họ không bao giờ lấy kinh nghiệm thị trường năm trước để giúp cho việc mua bán năm sau. Nói tóm lại nghề bán hoa tết không có quy luật nào cả, có khi còn phải phụ thuộc vào thời tiết, như gặp thời tiết khác thường hoa nở rộ sớm trước nhiều ngày là coi như …. toi.

Người ta nói thương trường là chiến trường, kẻ thắng cũng nhiều và người thua không ít. Đa phần những “người thắng” thường có kỹ năng mua bán. Nhưng "năng khiếu" này luôn khác cho  những món hàng khác. Đó là ngoài tài “khóe ăn khóe nói”, người bán hoa Tết còn phải nhẫn nại và tươi tỉnh…..như hoa và phán đoán thị trường chính xác. Ví dụ ế là phải giảm giá nhanh, hoặc hàng đang “hút”, phải kịp thời …tăng giá !!.

Qua những lần bán hoa Tết đã cho tôi kinh nghiệm. Tâm lý người mua thường bị chi phối …..bởi đám đông. Như đã có lần, chỉ còn 2 ngày nữa là "năm hết tết đến", nhưng nhiều vựa hoa đang phải “đứng bánh” phất phơ trong gió. Lúc ấy, “cái khó, ló cái khôn”, họ thường “bấm bụng” bán rẻ đôi chậu hoa cho một vài “thượng đế” vô tình lạc vào vườn hoa trong cách gọi bán “mở hàng” lấy hên. Lại nữa họ phải "dùng chiêu" kéo dài thời gian cho khách hàng lựa chọn. Còn tâm lý người mua, họ thường đứng lại để hỏi thăm trước giá cả đặng mua, tất nhiên sẽ kéo theo người này người nọ, cho đến khi trong vựa "ăm ắp" cả người và hoa. Đến lúc này, kỹ năng “Phản ứng nhanh 113” của người bán được tung ra để giải quyết, có thể giá sẽ được tăng lên gấp bội. Thực tề “cái bẫy” này được giăng ra đều luôn luôn thắng. Người bán nói bao nhiêu là khách hàng móc hầu bao bấy nhiêu, nếu có mặc cả cũng là điều lấy lệ, bởi ai cũng sợ chậu hoa mình đã ưng ý, buông ra là có người lấy ngay. Kinh nghiệm này là bài học vỡ lòng dành cho những người bán hoa Tết. Và trong thực tế tôi cũng có vài lần trong một giờ đồng hồ đã giải quyết gần hết số hoa tồn đọng trong nhiều ngày.

Còn người trồng hoa, thực tế qua vài năm tôi về miền Tây để mua hoa bán Tết nhận thấy, dù biết hoa đầu mùa có giá cao, nhưng không có một nhà vườn nào ôm hết số hoa của mình trồng để..... bán lẻ. Có người phải chấp nhận bán với giá “bán buôn” cho thương lái 50% số cây đang trồng trong vườn khi mới vừa nở nụ. Bán cho thương lái như thế này còn gọi là … “bán lúa non”, vì người trồng hoa cũng muốn lấy lại chắc trước một phần chi phí bỏ ra, bởi hoa Tết là thị trường ... "dỡ hơi". Số còn lại họ đợi đến giờ cao điểm mới bán tiếp cho thương lái, sau đó mới là "của để dành"... bán lẻ. Tính toán thị trường chi li như vậy, nhưng qua thực tế  nhiều năm có không ít người trồng hoa đến những ngày cận Tết phải huy động nhân lực “ôm hoa chạy chợ”. Còn thương lái cũng phải rơi vào cảnh “tính một đàng, quàng một nẻo” dẫn đến ..."chết tươi". Bởi thị trường hoa Tết biến động nhanh như trở bàn tay, chỉ cần nửa giờ đồng hồ là có thể chuyển ế thành đắt hay chuyển thắng thành bại, hoặc sức mua chỉ còn một nửa cũng là chuyện thường tình. Và thực tế có nhiều năm gần đến giao thừa, không ít người bán hoa đã phải “bỏ của chạy lấy người” để cho người công nhân lao công dọn dẹp vệ sinh đón chào năm mới.

Ngày hết, tết đã đến, xuân đang về gần làm cho mọi người cảm thấy gần gũi với cây cỏ. Tôi mạo muội viết vài dòng lan man trong nhiều điều bất luận về hoa ngày tết và đây cũng là bài viết …. “Tất niên”. Tết là những ngày đặc biệt trong năm, mọi người đều có thể chọn cho mình những chậu hoa theo ý thích. Mùa xuân đến rồi đó, chúc mọi người đều chọn được những chậu, những bình hoa đẹp, ưng ý và giá cả phải chăng. 

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Andi Nguyễn Ánh Nhật


-->Đọc thêm...

21 tháng 1, 2014

Những điểm khác biệt ăn Tết giữa SÀI GÒN - HÀ NỘI

Loài hoa đặc trưng ngày Tết ở Hà Nội là hoa đào, còn ở Sài Gòn phải là hoa mai. Món ăn đường phố ở Hà Nội thường là những gánh hàng rong, còn Sài Gòn lại dùng xe đẩy v.v.v. Bộ ảnh đồ họa "The Difference Between Hanoi and Saigon" (Sự khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn) của một sinh viên thiết kế đồ họa đã gây ấn tượng lớn với dân mạng. Với góc nhìn vui, hài hước, Nhất đã mô tả khái quát về sự khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn qua những cảm nhận và trải nghiệm của bản thân.


Điểm khác đầu tiên phải kể đến thời tiết. Ngày Tết, miền Bắc se se lạnh, hay có mưa phùn, miền Nam thì ấm áp nắng vàng. Thời tiết cũng dẫn đến một điểm khác biệt trong ngày Tết ở hai miền, đó là cách ăn mặc diện Tết của người dân

Người miền Bắc thích chơi hoa đào, còn miền Nam thì không thể thiếu hoa mai vàng.

Về cơ bản, hai loại bánh này giống nhau về nguyên liệu, nhưng bánh chưng được gói thành hình vuông, bánh tét được gói thành hình trụ dài.

Người miền Bắc thường muối dưa hành để ăn Tết, còn người miền Nam có món củ kiệu.

Người miền Bắc kiêng ăn trứng đầu năm vì cho rằng trứng có hình thù giống với số không. Còn người miền Nam luôn có món thịt kho hột vịt ngày Tết.

Món ăn đặc trưng ngày Tết của miền Bắc là canh bóng bì hoặc là canh măng nấu xương, món canh của miền Nam là khổ qua hầm.

Mâm ngũ quả của miền Bắc hay có chuối, với ý nghĩa là bàn tay hứng tinh túy của mùa xuân. Người miền Nam lại kiêng chuối vì đồng âm với "chúi", nghĩa là thất bát, làm ăn đi xuống.

Ngày cúng ông Công, ông Táo, người miền Bắc hay cúng cá chép rồi đem thả sông. Người miền Nam không có tập tục này.

Khách đến nhà, người miền Bắc đem trà, mứt kẹo ra mời rồi ngồi hàn huyên. Người miền Nam thì dọn mâm cơm mời khách, rồi ngồi ăn nhậu.

Xu hướng du xuân phát triển ở miền Nam nhiều hơn ở ngoài Bắc.

Andi Nguyễn Ánh Nhật (Theo afamily.vn)



-->Đọc thêm...

15 tháng 1, 2014

Phụ nữ biết mặc BIKINI từ khi nào?


Bộ đồ tắm mang tên Bikini từ khi xuất hiện cho đến nay đã gần được 70 năm. Đó là cuộc hành chinh phục với nhiều thách đố nhất trong thế giới thời trang của loài người. Vậy bộ đồ tắm được cho là “nghèo” nhất này bắt nguồn từ đâu?. 

Người ta còn nhớ, chỉ sau chưa đầy một năm vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), ngày 30-6-1946, tại đảo san hô Bikini thuộc quần đảo Marshall, người Mỹ lại cho thử tiếp bom hạt nhân. Sự kiện này nếu như ngày nay, Bắc Triều Tiên hay Iran cũng "chơi ngông" như thế thì chắc chắn sẽ bị dư luận thế giới la làng “õm tỏi”. Nhưng cuộc thử bom nguyên tử của Mỹ lúc ấy được báo chí tán dương và ủng hộ hết lời cho hành động của chú Sam. Truyền thông hân hoan một cách “ngây thơ”, bởi họ cho rằng chính nhờ 2 quả bom nguyên tử của người Mỹ đồng minh mà Chiến tranh Thế giới thứ 2 mới kết thúc (!?), và "thành tựu" này là điều tốt lành đối với loài người.


Ngay thời điểm ấy, Jacques Heim – Một nhà thiết kế người Pháp, kiêm ông chủ một cửa hàng đồ tắm ở Cannes đã “liều mạng” tung ra mẫu áo tắm có diện tích vải nhỏ đến ngộp thở mang tên Atome (Nghĩa là “nguyên tử”) đầy mùi ca tụng quả bom chí mạng mà người Mỹ đã dùng để đánh gục Nhật. Trong chiến dịch quảng cáo rầm rộ sản phẩm của mình, Jacques Heim đã thuê máy bay viết khói trắng đầy trên nền trời nước Pháp với dòng chữ Atome kiêu hãnh cho bộ đồ tắm được cho là nhỏ nhất thế giới. Thế nhưng Jacques Heim lại không thể ngờ sau lưng mình còn có một gã "đồng hương" “ranh mãnh hơn cả kẻ ranh mãnh nhất nước Pháp” - Đó là Louis Réard, 50 tuổi, một Kỹ sư cơ khí. Louis Réard đang có một cửa hàng thời trang bán đồ tắm tại đại lộ Opéra ở Pari. Hơn nữa ông có cùng "tư tưởng lớn" như Jacques Heim nghĩ ra đây là cơ hội để làm ăn lớn cho mẫu áo tắm sắp tung ra của mình. Một nhãn hiệu nào để khai trương cho bộ đồ tắm gồm hai mảnh vải nhỏ vửa che sơ bộ ngực và nơi kín đáo của nữ giới?. Thì chính cái tên Bikini ngộ nghĩnh và dễ nhớ này sẽ mang hàm ý về một cuộc “cách mạng các bãi tắm và dục năng”. Và như thế chỉ có sau có 3 tuần "sự kiện Atome", Louis Réard đã cho ra một bộ áo tắm còn nhỏ hơn “bộ đồ tắm nhỏ nhất thế giới của Jacques Heim" và được xếp gọn trong một chiếc ….hộp quẹt làm hiệu ứng marketing. Quả thật vậy, sản phẩm mới độc đáo và táo bạo Bikini đã có ngay được sức tiêu thụ ồ ạt, có lúc “cháy hàng” đến không ngờ. Và không thể để bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng, ngày 18-7-1946, Louis Réard đã nhanh tay đăng ký cho mình là "Cha đẻ" nhãn hiệu Bikini.

                     Marilyn Monroe từng làm người mẫu cho bộ Bikini

CUỘC CHIẾN VÀ NHỮNG TRANH CÃI QUANH BỘ ĐỒ TẮM BIKINI
Hiện nay, nhiều người cho rằng không phải Louis Réard là người đầu tiên sáng chế ra bộ đồ tắm “con nhà nghèo Bikini” mà ngay từ những năm 30, các tạp chí thời trang ở Mỹ đã giới thiệu rộng rãi kiểu đồ tắm này. Lúc đó hãng Du Pont de Nemuors cũng đã dùng chất liệu nylon để may sản phẩm này để tăng thêm sự hấp dẫn quyến rũ của phụ nữ khi đi tắm ở bãi biển. Hơn nữa sự ôm bó sát thân người của bộ áo quần là điều “dễ dàng” trong mọi động tác bơi và đặc biệt là nhanh khô sau khi lên bờ vài phút.

Có người còn khẳng định rằng bộ Bikini có từ năm 1940, khi diễn viên Ronald Reagan (sau này là Tổng thống Mỹ) đã cùng vợ là Jane Wyman đã chụp ảnh tại bãi biển Palm Springs để làm trang bìa cho tạp chí Vogue. Lúc ấy Ronald Reagan vẫn mặt bộ đồ tắm kiểu cũ nhưng vợ của ông, cô Jane Wyman đã vận bộ đồ tắm hai mảnh bằng chất liệu nylon, lúc ấy người ta gọi là “da cá mập”. Từ sự kiện này, người ta cho rằng Louis Réard năm 1946 chỉ đơn giản thâu nhỏ bộ trang phục vốn đã quá nhỏ này thành "nhỏ thêm nữa" và ông có công đặt tên cho một bộ áo quần tắm mà tưởng chừng như không thể đặt tên được mà thôi. Còn người khác lại nói, vì bộ trang phục Bikini của Louis Réard được “trình làng” trên tạp chí thời trang của Pari năm 1946 do một người mẫu thỏa thân bốc lửa Micheline nên đã tạo một Xì-căng-đan lớn và “bùng nổ” như vậy. Nhưng theo tờ Libération của Pháp thời bấy giờ lại bình luận: “ Đây là triệu chứng đầu tiên của một thời hậu chiến đang bắt đầu lay động, rũ bỏ sự đau thương và trật tự tinh thần của những năm tháng qua”.

Bộ Bikini chưa dừng ở ý tưởng của Louis Réard, năm 1947, nhà thiết kế Chistian Dior đã tung ra một “Bikini thế hệ mới” dựa theo ý tưởng của Louis Réard. Đến lúc này một tờ báo thời trang của Pháp buộc phải thốt lên rằng:  “Bộ đồ tắm Bikini đang trở thành một tượng đài thu hút những cô gái đĩ thỏa của những bãi biển rực rỡ tươi vui của chúng ta”.


THĂNG TRẦM BIKINI.
Một sự “phấn khích đểu giả”, đó là lời của những nhà đạo đức và các bậc cha mẹ đã dành cho bộ áo quần tắm hai mảnh nhỏ xíu Bikini khi mới trình làng. Năm 1949, một nhà nghị sĩ theo đạo Công giáo đã chất vấn trước Quốc hội Pháp, ông cho rằng ý tưởng về vật phẩm phụ “ma quỷ” này chỉ có thể phát sinh trong đầu của kẻ trụy lạc., thóai hóa và đề nghị Quốc hội nên …..cấm tiệt. Và Tòa Thánh Vatican cũng đồng tình với ông ta. Không những thế một số nước Bắc Âu, tuy đã quen với thể thao ngoài trời và thậm chí cả “chủ nghĩa tự nhiên” hoặc một số nước theo nền văn hóa La- Tinh, bộ đồ tắm “quỷ dữ” này cũng thật sự khó chấp nhận, nhất là Tây Ban Nha. Còn một số nước Hồi giáo như Iran, thông điệp cha mẹ đưa ra đối với con cái của mình là ….. “một vạn lần không”
Người mẫu HANH LE

Ngày 29/07/1951 cuộc thi Hoa hậu thế giới được tổ chức tại nhà hát Lyceum, Luân Đôn , Vương Quốc Anh. Đây là lần đầu tiên 21 thí sinh từ khắp nước Anh và 5 thí sinh nước ngoài tham dự đều trình diễn trang phục áo tắm 2 mảnh Bikini. Và người chiến thắng cuộc thi này là Kiki Hakansson (Thụy Điển) đã trở thành người đầu tiên và duy nhất mặc bộ áo quần Bikini khi lên nhận vương miện Hoa hậu. Qua cuộc thi này nhiều người nhận định đây là cuộc chiến du kích của Bikini vào mặt trận thời trang chính thống. Thế nhưng đến cuộc thi vào năm sau đó (14/11/1952) cũng diễn ra tại đây, một số nước tham gia tranh giải bất mãn, dọa tảy chay trước sự táo bạo của ban tổ chức cuộc thi, nên bộ Bikini phải đành xếp xó và 11 thí sinh lần này phải trình diễn áo tắm ….một mảnh.

Hoa hậu Hakansson là người đầu tiên và duy nhất đội vương miện, mình vận đồ Bikini . Và người đàn ông duy nhất nguyền rủa nàng là Đức Giáo Hoàng.

Tình hình có vẻ căng thẳng trước bộ Bikini, nên “cha đẻ” của nó là Louis Réard cũng phải chấp nhận “cài số lùi”, các mẫu Bikini của ông được thiết kế trong những năm cuối thập niên 40 có chừng mực hơn: mảnh vải để dùng che ngực có diện tích lớn hơn, còn mảnh dưới được viền thêm ren.

Khắp cả hành tinh là như vậy, nhưng sự bạo dạn và ủng hộ bộ Bikini lại diễn ra tại đất nước Mỹ và công đầu là thuộc về những  minh tinh màn bạc. Năm 1948, trong bộ phim: “Một hòn đảo với em” của Richard Thorpe, hay phim “Cuộc thao diễn mùa xuân” của Charles Walter các diễn viên nữ đã xuất hiện trong những bộ đồ tắm hai mảnh Bikini đầy vẻ khoái lạc. Và như thế theo gót họ, các ngôi sao Hollywood như Virginia Mayo, Ava Gardner, Rita Hayworth và tất nhiên có Marilyn Monroe đều chọn bộ áo tắm này để chụp hình quảng cáo. Khi những “đàn chị” như vậy, nên “đàn em” sau này như BB khi mới bắt đầu “ló dạng” (1956) cũng đã có những kiểu ảnh trong trang phục Bikini bằng vải bông ca-rô ở bãi biển Madrague.

                              Bộ Monokini vô cùng mật ngọt thiên đường
Lịch sử của bộ Bikini đến năm 1960 được cho là thời kỳ cao trào của những “sáng kiến”. Những mẫu áo tắm Bikini được phá cách như Monokini  hay Maillot được dùng bằng nhiều chất liệu và kiểu mẫu mà khi nhìn người mặc, ai đó cũng có thể tha hồ tưởng tượng ra một thiên đường mật ngọt. Nhiều dạng đủ dài, đủ ngắn, đủ kín và đủ hở những mảnh tối sáng, những khoảng khuyết, đầy và cả cái sự ôm sát thân thể ấy cũng khiến cho phụ nữ càng thêm gợi tình, khiêu khích và dữ dội hơn. Như đã có thời bộ Monokini, mảnh che bộ ngực cứ thu nhỏ dần cho lúc biến mất, người mặt Bikini chỉ còn có slip mà không có nịt ngực (nhưng không thể gọi là bộ đồ tắm cổ điển có một vạt che từ ngực xuống dưới). May thay làn sóng đôi vú trần không che đã phải thoái trào do có lời khuyến cáo của giới y học về nguy cơ tia tử ngoại rất có hại da khi bộ ngực hoàn toàn không che, chứ không có thể ngày nay phụ nữ chẳng có mặc gì khi ….tắm biển!?.

Đến cuối năm 1980 và đầu 1990 sự hưng thịnh lẫy lừng của Bikini đã qua và sự hắt hủi của giới thời trang và các tín đồ đã đến. Lần này áo tắm được tái xuất một mảnh với đường hông khoét cao ngặt nghèo đến tận eo, mô phỏng theo trang phục aerobic gây sốc toàn cầu qua các video hướng dẫn của minh tinh Jane Fonda và siêu mẫu Cindy Crawford


Tóm lại, có một bài báo đề cập về bộ Bikini: “Người ta không bày ra một cách nào tốt hơn khi được tắm trần truồng mà vẫn mặt đồ”. Nhưng thực tế hiện nay bộ Bikini chưa “toàn thắng” trên các bãi biển của Việt Nam ta. Điều đó không có nghĩa rằng kiểu áo tắm hai mảnh này không dừng lại sự đảo điên, khuấy động sóng biển lẫn sóng tình đã từng có trong suốt gần 70 năm qua và sau này nữa. Và ở Việt Nam theo một điều tra thì cũng chưa bao giờ có một bộ Bikini nào được mua về để nhúng nước một lần lấy lệ.....Bikini mãi mãi là hiện tượng xã hội về ý thức thẩm mỹ cơ thể, quan niệm đạo đức và thái độ giới tính. Một vụ nổ thử bom nguyên tử của Mỹ trên quần đảo Marshall năm xưa dù sao cũng đã để lại cho nhân loại một thứ quyền năng hủy diệt. Còn bộ đồ tắm Bikini dù ở hình dạng nào đi chăng nữa thì cũng có lúc làm cho cánh mày râu phải “tối tăm mặt mũi” trước sự khiêu gợi nhiễu nhương của các quý bà.
Andi Nguyễn Ánh Nhật.


-->Đọc thêm...

13 tháng 1, 2014

MỘT NĂM CÓ BAO NHIÊU CÁI TẾT ?


Trải qua bao biến thiên của thời đại, đến nay, ngoài Tết Nguyên Đán ra, người Việt của chúng ta còn rất nhiều cái Tết khác trong năm. Hơn nữa ngày nay mọi người cũng đã có nhiều thay đổi về mặt khái niệm lẫn cách vui chơi, như  người ta quan niệm là “nghỉ Tết”, “nghỉ Lễ” chứ không còn là “ăn Tết”, “ăn lễ” nữa. 

Trong đời sống hiện đại, văn hoá Đông – Tây cũng đã làm cho cách sắm sửa của mọi người trong ngày Tết, ngày Lễ thay đổi và ”hiện đại”, cũng như phải chịu sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây rất rõ nét. Một cái lễ thường có ăn uống, nhưng phần nhiều người dành cho du ngoạn. Hoặc có cái lễ đi dù không được nghỉ ngơi hoặc đi đây, đi đó, như lễ Giáng Sinh ai cũng thấy vui như…. Tết. Hoặc một số lễ lộc, được nghỉ ngơi, ăn uống, đi chơi nhưng không có cúng kiếng như 30/4 -1/5, Quốc Khánh 2/9, Giỗ Tổ Hùng Vương (ở Phú Thọ và 1 số nơi có đền thờ Vua Hùng thì có cúng kiếng, nhưng chỉ cúng tại đền, chứ không cúng tại nhà) cũng có thể coi là.... Tết.

Ở Việt Nam ta, xưa nay với một hệ thống lễ nghi vô cùng phong phú và giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc, như Tết Nguyên Đán là một phong tục đẹp mà nhân dân ta còn duy trì tới ngày nay, đó là cúng kiếng. Nhưng Tết Dương Lịch là ngày Tết lớn nhưng lại chả có cúng kiếng gì.

Vậy một năm ở Việt nam ta có bao nhiêu cái Tết?. Bài viết sau đây, tôi chưa thống kê đầy đủ tất cả các cái Tết trong năm của người Việt Nam. Như Tết Chol- chnam-thmay của người Khơ Me ở Sóc Trăng vào ngày 14, 15 và 16 tháng 4 Dương lịch hàng năm, hay nhiều cái Tết của các dân tộc khác nhau đang sinh sống trên bản đồ chữ S. Mỗi dân tộc anh em Việt Nam đều có một kiểu ăn tết riêng mang bản sắc văn hóa của họ. Như có những cái Tết được kéo dài cả vài ba tháng liền được tạo thành là …..mùa Tết. Và nay tôi đã tổng hợp lại, sau Tết Nguyên Đán người dân Việt Nam còn nhiều cái Tết nữa. Mời các bạn cùng vui cùng những cái tết sau đây:

Tết Khai hạ: 
Tết này còn gọi là tết Hạ nêu đúng vào ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch. Bởi theo cách tính của người xưa là hoàn toàn không phải. Mà theo cách tính dân gian, là ngày mùng Một tháng Giêng ứng vào gà, mùng Hai – chó, mùng Ba – lợn, mùng Bốn – dê, mùng Năm – trâu, mùng Sáu ngựa, mùng Bảy – người, mùng Tám – lúa. Trong 8 ngày đầu năm cứ ngày nào sáng sủa thì coi như giống thuộc về ngày ấy cả năm được tốt. Vì vậy, đến mùng Bảy, thấy trời tạnh ráo thì người ta tin cả năm mọi người sẽ gặp may mắn, hạnh phúc. Mùng Bảy kết thúc Tết Nguyên Ðán thì cũng là lúc bắt đầu Tết Khai hạ – như Tết mở đầu ngày vui để chào mùa Xuân mới. Hiện nay Tết “lại” này vẫn còn được tổ chức sau Tết Nguyên Đán cổ truyền, nhưng chỉ còn thấy ở một số vùng ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn… Năm 2014 này Tết Hạ nêu đúng vào ngày 06-02 dương lịch (Thứ 5). Thật ra theo quy định của Thủ tướng Chính phủ ngày nghỉ Tết Nguyên Đán năm nay là 09 ngày (Theo đó, trong dịp Tết Âm Lịch năm nay, cán bộ, công nhân viên chức được nghỉ từ ngày 28/1/2014 (Tức ngày 28 tháng chạp âm lịch) đến hết ngày 5/2/2014 (tức ngày 6 tháng giêng âm lịch) và đi làm bù vào ngày thứ Bảy 25/1/2014 và thứ Bảy ngày 8/2/2014. Vậy nên tết “Khai hạ” năm Bính Ngọ này gần như không có Tết.

Tết Thượng nguyên (Hay còn gọi là tết Nguyên Tiêu) :
Tết Nguyên Tiêu cũng gọi là Nguyên Tịch, Nguyên Dạ và là Tết Thượng Nguyên. Đó là sau những ngày Tết Nguyên đán ấm áp, những ngày lễ hội tưng bừng, người dân lại náo nức chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên tiêu. Bởi vậy mới có câu : "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng giêng”. Câu nói ấy chứng tỏ ngày Tết Nguyên Tiêu là ngày Tết vô cùng đặc biệt để mọi người tưởng nhớ đến gia tiên và cầu ước một năm nhiều may mắn.Tết này đúng vào rằm tháng giêng, đó là ngày trăng tròn của đầu năm mới. Tết Nguyên Tiêu năm Bính Dần – 2014 này nhằm vào ngày 14-02 dương lịch (Thứ 6) và trùng với ngày lễ Tình yêu - Valentine.

Tết Hàn thực : 
Đa phần Tết của người Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, Tết Hàn thực – vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm, đã trở thành một ngày Tết không thể thiếu trong năm của người Việt Nam theo phong tục cổ truyền. Vào ngày này, người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên.
Từ thời Lý, Tết Hàn thực đã được Việt hóa. Tết Hàn Thực giờ cũng hiếm thấy, chỉ một vài nơi phía Bắc,giáp với Tàu, còn miền Trung đổ vào thì không thấy . Người Việt Nam ăn tết Hàn thực với mục đích chủ yếu là để lễ Phật và cúng gia tiên. Tết Hàn thực ở Việt Nam không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện. Người Việt tượng trưng cho Tết Hàn thực bằng bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa đó là những thức ăn nguội (hàn thực) và gọi tết này là “Tết bánh trôi-bánh chay.”. Cũng xin nói thêm rằng nhiều người đã cho rằng Bánh trôi và bánh chay có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng sự tích bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương. Tục làm bánh trôi, bánh chay để nhắc lại sự tích ”bọc trăm trứng” của bà Âu Cơ.
Hiện nay, Tết này vẫn được duy trì ở miền Bắc, nhất là các tỉnh xung quanh Hà Nội.
Tết Hàn thực năm nay đúng vào ngày mồng ba tháng ba âm lịch hàng năm. Năm nay TẾT Hàn thực đúng vào ngày 02-04 dương lịch (Thứ Tư). Hàn thực có nghĩa là ăn đồ nguội. Nguồn gốc Tết này có ở Trung Quốc thời Xuân Thu

Tết Thanh Minh:
Tết Thanh minh có nghĩa là tiết trời mát mẻ, trong lành. Tết Thanh minh thường được tổ chức vào tháng hai hoặc tháng ba âm lịch và trùng với ngày 4 hoặc ngày 5 tháng 4 dương lịch tùy theo mỗi vùng miền
Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, từ xa xưa Tết Thanh minh đã trở thành lễ hội quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của biết bao người Việt Nam trong và ngoài nước, so với các Tết khác Tết thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam – bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên. Từ ngàn xưa ông bà ta đã có câu :
“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”
Cũng chính vì ý nghĩa của Tết Thanh minh nên từ năm 2007, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nâng lên thành quốc giỗ, quốc lễ  vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, lễ hội  này ở một số nơi như dân tộc Mường ở phía Bắc, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã diển ra  từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng), hành hương tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên Đền Thượng.
Năm 2013 này ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đúng vào ngày 09-04 dương lịch (Chủ nhật).

Tết Đoan ngọ: 
Tết này còn có một tên gọi khác là tết Đoan Dương
Trước hết là xuất xứ của ngày tết này có liên quan đến cái chết vào ngày 5/5 âm lịch của Khuất Nguyên ở sông Mịch La, một vị quan của nước Sở (Trung Hoa cổ đại) cách đây hơn 2.000 năm.
Tết Đoan Ngọ bắt đầu từ giữa trưa giờ Ngọ.Theo học thuyết âm dương ngũ hành, Ngọ được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa. Trong một ngày, dương khí cao nhất là giờ Ngọ. Trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần (đầu tháng). Trong năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ (tháng 5). Như vậy, dương khí đạt cực điểm vào giờ Ngọ của ngày Ngọ đầu tiên trong tháng Ngọ.
Nhưng tại sao người ta lại chọn ngày 5/5 mà không chọn ngày Ngọ đầu tiên của tháng 5 làm tết này ?
- Thứ nhất là để mọi người dễ nhớ.
- Thứ hai là để tưởng nhớ Khuất Nguyên.
- Thứ ba, theo lịch cổ thì ngày này xuân vận đã hết, hạ vận chuyển sang. Sự chuyển tiết giữa hai mùa dễ gây bệnh thời khí ở con người. Sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển, gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Bởi vậy vào tiết này, người ta làm lễ dâng hương cầu cho sâu bọ có hại bị tuyệt diệt, người tai qua nạn khỏi, được mùa.
- Thứ tư, 5/5 là ngày cực dương hoặc gần với cực dương, con người cũng như mọi vật cần dự trữ năng lượng để chống lại dương khí quá cao của trời đất. Họ cần ăn một số hoa quả hay thực phẩm giàu năng lượng như trứng luộc, cái rượu, cháo chè kê, bánh đa, uống rượu xương bồ… để khai mở cửu khiếu (9 cái lỗ tự nhiên trên cơ thể), thông dương khí hòa cùng trời đất. Nhiều người còn ăn những hoa quả có vị chua như mận với hàm ý giảm sự mãnh liệt của Can (gan khí), hạn chế những tác động xấu tới tạng Tâm và hệ thống mạch máu.
Nhiều người cho rằng vào tết Đoan Ngọ, cây cối sẽ tích trữ nhiều dược chất để chống lại dương khí khắc nghiệt. Do đó nhiều lương y tổ chức hái thuốc vào trưa 5/5 để mong có hiệu quả cao hơn.
Tết Đoan Ngọ năm 2014 đúng vào ngày 02 – 06 dương lịch (Thứ 2).

Tết Trung Nguyên :
Lễ rằm tháng Bảy trùng với Tết Trung Nguyên của đạo Lão. Ngày xưa, tin theo sách Phật, người dân cho rằng ngày rằm tháng bảy là ngày vong nhân được xá tội. Lễ lớn tại các chùa, gồm có: lễ Vu Lan của Phật giáo (còn gọi là lễ xá tội vong nhân) – lễ báo hiếu của nhà Phật: cầu kinh giải oan, lễ mở cửa xá tội vong nhân, lễ cúng vong và thí thực. Đây cũng là ngày địa quan xá tội cho các linh hồn chết được lên trần hưởng lộc. Bởi vậy trên dương thế mọi gia đình đều làm cỗ bàn, đốt vàng mã cúng gia tiên và đồng thời cúng những linh hồn bơ vơ không được ai chăm sóc. Người ta cũng thả chim lên trời, thả cá xuống sông, để làm điều phúc đức.
Tết này có tục cúng cháo tại các cầu quán, đình chùa. Còn ở tư gia, ngoài lễ cúng Thổ Công, người ta còn bày ra trước nhà cháo để cúng gia tiên cho các cô hồn. Và tục đốt mã, tục này có từ bên Trung Hoa truyền sang ta. Nguyên đời xưa dùng đồ bạch ngọc để cúng tế. Ðời sau, vì bạch ngọc đắt và hiếm, người ta dùng tiền để thế cho bạch ngọc. Những tiền này cúng xong đều bỏ đi, rất phí tổn. Trước sự phí phạm này, vua Huyền Tôn nhà Ðường ra lệnh dùng tiền giấy thay cho tiền thật.
Những thoi vàng, thoi bạc giấy được cúng thay cho vàng bạc thật, những hình đồng tiền vẽ trên giấy được cúng thay cho tiền quan. Ðến đời vua Ðường Thế Tôn, quan Từ tế sứ, lo việc tế tự là Vương Dữ, đã cho cúng toàn tiền giấy rồi đốt đi. Về sau, từ đời Ngũ Ðại, có thêm tục cúng quần áo, mũ và đồ dùng bằng giấy. Ta theo ảnh hưởng đó, cũng có tục đốt mã.
Rằm tháng 7 và tết Trung Nguyên năm 2014 đúng vào ngày 10 -08 dương lịch (Chủ nhật).

Tết Trung Thu: 
Tết này là rằm tháng tám. Tết này còn gọi là Tết thiếu nhi…..Tết này đúng vào ngày 08-09 dương lịch (Thứ hai)

Tết Trùng Cửu: 
Tết này còn có tên gọi khác là tết Trùng dương. nhằm vào ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch hàng năm. Đây là tết truyền thống quan trọng trong dân gian TQ Trong mấy cái Tết của Andi đưa ra, thì cái Trùng Cửu (9/9 Âm lịch) là đặc Tàu, Việt mình không có truyền thống ăn cái Tết này. Mỗi khi đến ngày này, mọi người đều dìu già dắt trẻ, đi leo núi, ngắm hoa cúc, còn cắm thủ dũ (một loại thực vật để làm thuốc có mùi thơm), ăn bánh bò. Theo giải thích của nhiều người, ngày này gọi là tết Trùng cửu là vì người xưa lấy 9 là “số dương”, ngày 9 tháng 9 là 2 số 9, cũng tức là ngày trùng cửu. Theo thời cổ Tết Trùng Cửu còn có ý là “Trường thọ”. Bởi vì người ta cho rằng, những tập tục của tết Trùng Cửu”có thể khiến con người trường thọ”. Thêm nữa về lai lịch của ngày tết Trùng cửu, còn có một truyền thuyết mang đậm màu sắc thần thoại, bắt nguồn từ sự tích của Đạo Lão. Trước đây nhân dân ta trong dịp này uống rượu cúc nhấm với cá khô để thưởng ngoạn Tết Trùng dương. Tết Trùng cửu năm 2014 nhằm vào ngày 02-10-2014  (Thứ năm)

Tết Trùng Thập : 
Tết này nhằm vào ngày 10 tháng 10 âm lịch. các thầy thuốc bắt và thuốc Nam đều chọn ngày này đi hái lá thuốc về sao vàng, hạ thổ vì họ cho rằng trong ngày tết này tích tụ được sắc của bốn mùa Xuân- hạ- Thu- Đông. Còn nhân dân trong ngày Tết này thường hay làm bánh dày, nấu chè để cúng tổ tiên. Tết này năm 2014 đúng vào ngày 01-12 dương lịch ( Thứ hai)

Tết Cơm mới 
Người ta truyền tụng rằng vào đời nhà nhà Lý cách đây 1000 năm, Tết này tổ chức vào ngày mùng 1 hay ngày rằm tháng mười âm lịch tùy thuộc vào vụ mùa kết thúc sớm hay muộn. Bởi vậy trong dân gian có câu: "Rằm tháng mười, mười người mười quảy”. Tết này được người dân ở nông thôn tổ chức rất trọng thể, vì đây là dịp nấu cơm mới cúng tổ tiên, sau là hưởng lộc cày cấy một năm

Tết Táo Quân: 
Tết này nhằm vào ngày 23 tháng 12 âm lịch. Ngày xưa người dân cho rằng ngày này vua bếp lên chầu trời để tâu việc làm ăn của gia đình mà mình đã ở một năm. Tết này ở năm 2014 trùng đúng vào ngày 11-02-2015 dương lịch
Tết Dương Lịch : Đây là cái Tết của phương tây và cũng là cài Tết mọi người được nghỉ lễ
Cuối cùng là tết Ất Tỵ 2015 tiếp theo.

Andi Nguyễn Ánh Nhật




-->Đọc thêm...

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC