29 tháng 9, 2015

MẬT ĐẰNG .





Với chỉ một tập thơ in chung và một tập tạp bút in riêng: "Mật đắng - Chuyện nhỏ" thì không thể gọi Võ Đan Thùy là người trong đạo "làng văn". Bởi trong những câu thơ hay dòng viết chỉ là điều Thùy đã góp nhặt sau lần yêu, lần gặp gỡ hay biết người này, người nọ trong đời. Song tôi nghĩ, cái được nhất và để nhiều người thích, chính là Võ Đan Thùy đã vẽ nên những bức chân dung, ngoài giọng văn đậm chất Nam Bộ còn đó một tấm lòng chân thành và trân trọng. ...Là chủ của một doanh nghiệp nhỏ, nên việc viết của Thùy đơn giản cũng chỉ để lưu giữ hình ảnh con người và những giá trị văn hoá vùng đồng bằng sông Cửu Long trong dòng chảy mải miết của thời gian.....

Với Sài Gòn, nơi đây khái niệm thân, yêu hay lạ chỉ cách nhau bởi một tờ giấy gọi là tiền. Và nơi Thùy đang sống xung quanh có biết bao người lạ mà quen, quen mà lạ. Nhưng với một người đàn bà tuổi chỉ trên 30, lại có sự nhảy cảm trời phú nên mỗi khi Thùy tuôn câu chữ với những gì đã trải qua luôn chính xác đến không ngờ. Ngược lại với riêng tôi, đâu đó cũng có chút lo âu cho một người cả tin, cả nghĩ, nhiệt thành và nhạy cảm...Rồi cho đến bao giờ Thùy mới hết đau....(!?)

Với thân phận con người, như trong "Ngày nắng ngược" là những con chữ mộc mạc và giản dị mang đậm nhãn mác - Võ Đan Thùy : "Cái nắng vẫn rung rúc nhảy trên vai nó, tròn xoe như những hoa nắng cuối mùa. Ờ hén, mùa mưa lại về rồi kìa... Vài hôm nữa thôi, là biết bao đứa con lại rời quê tìm đến Sài Gòn, ôm trong mình một hoài bảo... Không biết trong đám di cư ấy, có cánh chim nào ngược nắng bay đi như nó ngày xưa không hén ?". Thùy đã thấy và chứng kiến biết bao tuổi thơ đã trở nên tàn khốc. Liệu có được đi đày tự do, tháo bỏ những gông xiềng trên người, để trở lại là một chú chim ưng oai phong ???. Rồi cuộc đời với nó có thể tha thứ cho nhau, tha thứ cho qúa sớm rời bỏ con đường sách vở, tha thứ vì đã không đọc được những quyển sách thánh hiền.....

Như vậy cũng không khó lắm để nhận ra thông điệp, Thùy muốn gởi gắm mọi người.

Sẽ là một điều thiếu sót nếu không nhắc đến những người bạn của tôi in chung với Thùy trong tập thơ như Huong Nguyen (đang sinh sống ở Bỉ), Nguyễn Phú Hữu, Violet, Thái Di Vương, Hồ Quốc Thái ....Họ đã sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau. Đời văn chỉ là đời sống riêng, có vui có buồn, có vinh quang, có lận đận. Ấy còn là những riêng tư trong những lúc trà dư tửu hậu, nhưng có khi lại hầu hạ cho họ trong một buổi đàm đạo thơ văn. Hạnh phúc là vậy, còn gì hơn thế nữa....

Andi Nguyễn Ánh Nhật.
-->Đọc thêm...

28 tháng 9, 2015

“Cử đầu vọng minh nguyệt. Đê đầu tư cố hương”


Lần về họp mặt cách đây 5 năm

Cổ nhân có câu: “Toán năng thế sự kim năng ngữ” (Ngẫm đời, thấy vàng bạc có khả năng nói được). Thứ có sức mạnh toàn năng như vàng bạc trong quan hệ xã hội cũng chỉ so với ngôn ngữ. Ngôn ngữ là thế, luôn luôn được tôn lên ngôi vị cao trọng và giữ quyền năng tối thượng trong mối quan hệ xã hội cũng như giữa người với người. Có nhiều giai thoại tôn vinh ngôn ngữ. Chuyện kể rằng, có nhà mưu lược và tài trí chỉ dùng lời nhục mạ nhưng mắn chết được kẻ thù giữa trận chiến. Lại có người dùng bài văn tế đọc giữa sông đã đuổi được bầy cá dữ. Và những người chúng tôi, thật tự hào ngoài tiếng mẹ đẻ lại được học thêm tiếng Nga, một ngôn ngữ cấp tiến và văn minh nhân loại”.

HÁO HỨC ẤT MÙI

Theo những nhà khoa học và nhà làm sự kiện, có đến hơn chục loại năm khác nhau để đo thời gian. Như năm thông thường, thời gian được tính một chu kỳ của trái đất xung quanh mặt trời, dài 365 ngày. Năm thiên văn, là thời gian hai lần mặt trời đi quanh một điểm cho trước trên bầu trời dài 365 ngày, 6 giờ, 9 phút. Còn năm vũ trụ, là thời gian quay vòng của mặt trời quanh trung tâm giải Ngân Hà dài 225 năm thông thường……

Với cô giáo và bạn bè cũ
Các nhà khoa học tâm linh còn cho rằng: Năm ra đời của mỗi con người, mỗi tổ chức đều liên quan đến Can (Giáp, Ất, Bính, Đinh…) và Chi (Tý, Sửu, Dần, Mẹo…) như bản chất của con vật cầm tinh. Bởi vạn vật đều chịu sự tác động của những quy luật vũ trụ, của không gian và thời gian. Hơn nữa, chính những quy luật này đã giúp con người tính ra lịch dương, lịch âm bằng cách kết hợp giữa Thiên can và Địa chi.

Ta còn nhớ cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã thành công vào mùa thu năm 1945, hay cuộc đại thắng lịch sử mùa xuân năm 1975…. đều “ngẫu nhiên” nhằm vào Can - Ất (Ất Dậu - Ất Mẹo) . Hay những năm Ất trước đó cũng từng sản sinh những tên tuổi lớn, những sự kiện lớn làm rạng danh non sông đất nước Việt Nam. Năm 925 – Đinh Bộ Lĩnh đã có công dẹp loạn cát cứ, để trở thành vị Vua đầu nhà Đinh. Năm 1765 – Đại thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều đời đời bất hủ….

Với Thầy Nguyễn Đức Hùng
Khoa Nga trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng thành lập năm 1985 trúng vào năm Ất Sửu là một “tín hiệu” tốt lành trong thuyết Âm Dương . Vậy với năm Ất Mùi này? Đây là năm kỷ niệm 30 năm ngày thành lập khoa và 40 năm Tiếng Nga được giảng dạy tại thành phố Đà Nẵng. Cho dù có những chu kỳ Giáp, Kỷ, Hội, Thập và Thế kỷ….thì lịch sử cũng không bao giờ lặp lại y nguyên đến từng chi tiết mà luôn luôn vận động, đổi mới và phát triển. Biết rằng sự phát triển của lịch sử bao giờ cũng mang đậm tính kế thừa và truyền thống…….Nhưng với “Dịch lý” sự ra đời của vạn vật vẫn có sự tương tác của thuyết ngũ hành.

VẤN VƯƠNG “NGÀY VỀ PHÍA CŨ”

“Núi cao ta trông, đường rộng ta đi

Đích thì chưa tới, nhưng lòng hướng về…”

Cứ mỗi lần nhớ lại lời Khổng Tử ấy, dù là người có thành đạt hay không, ai mà không dứt cho nhiều mối suy tư …..

Năm ấy, từ mái trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng thân yệu, chúng tôi đi muôn nơi theo tiếng gọi mưu sinh và ra đời lập nghiệp. Đường đời muôn lối, nhưng ở đời, thường để kiếm việc làm luôn khó hơn khi công việc đã…. chọn người. Với những người bạn cùng thời, học khoa Anh, khoa Pháp, họ như “Chim vàng hót líu lo đậu bên góc núi” (Kinh Thi). Còn lũ chúng tôi, với vốn kiến thức tiếng Nga được học 4, 5 năm ở giảng đường (còn được đi thực tập sinh ở nước Nga nữa), nhưng lại có rất ít cơ hội để kiếm công việc phù hợp với những gì mình đã học. Chập chững vào đời, bước chân lại đi giữa nhá nhem phía trước và lờ mờ sau lưng. Khóc giữa Sài Gòn!. Hay nhiều người đã đi về muôn nẻo, hành trang chỉ vỏn vẹn mớ kiến thức tiếng Nga, nhưng không nghề nghiệp, không người họ hàng thân thích. Họ đã khóc như một người cận thị nặng bị đoạt kính giữa trời đầy mưa... Cuộc sống của con người là thế, để sống được với đời có bao giờ là chuyện dễ dàng….

Nay chuyện cũ đã trôi về phía sau, có thất vọng mới có niềm tin, có khó khăn nay mới có hạnh phúc tràn đầy. “Ngày về phía cũ” sau hơn một phần tư thế kỷ, tôi nghĩ ai cũng như tôi, có rất nhiều những kỷ niệm với thầy cô và bạn bè yêu quý. Nhưng để ghi chép hoặc kể lại bằng ngôn ngữ trên trang viết riêng mình về “ngày ấy”, về những câu chuyện xưa đã cất giữ sau bao nhiêu năm là điều không thể. Chỉ khi không xác định tháng ngày và gom hết mọi cung độ yêu thương hờn giận “người cũ – chuyện xưa” với dòng viết chân tình, mộc mạc thì mới có thể gọi tên cho một “Hồi ký yêu thương”……

Với Lâm Trường Giang
Ngày về hội ngộ gặp mặt lại thầy cô và bạn bè cũ!. Với thầy cô, chắc còn gì vui hơn khi những người khách sang sông đã nhớ về bến xưa và người chèo đò lặng lẽ. Với học trò, biết nói sao cho hết nỗi niềm, khi đã lớn khôn mới hiểu hết được những tấm lòng. Cả một đời, người thầy cô luôn luôn như điều Giáo sư người Pháp gốc Việt Cao Huy Thuần từng viết: “Dạy với cái nghĩa tinh khôi nhất, nghĩa là không phải dạy bằng chữ mà bằng chính con người mình, cuộc đời mình, ý chí của mình, đức hạnh của mình…”. Vậy đó, qua bao nhiêu năm rồi, thầy cô như bãi cát dài nâng mình con sóng, dẫu con sóng sau đùa đi con sóng trước xóa sạch vết cưu mang, nhưng bãi cát vẫn nằm đó nhớ hoài từng con sóng vỗ. Thương quá là thương! Người lái đò cứ miệt mài, cặm cụi đưa khách sang sông, mồ hôi cứ rơi trên tấm ván đò cũ kỉ. Khách đi rồi, lặng lẽ quay về lái tiếp chuyến đò sau…..

Một đời người – Một dòng sông trí thức. Đường đời nay có, làm sao quên được đã nhờ người đưa……

Với cây thơ Nga Liên
Ngày về gặp lại bạn bè xưa, có người tha hương lận đận, người ở lại thành danh ngay trên dải đất miền Trung nắng gió. Rồi dẫu có ai “lớn lên vạm vỡ”, ai cuộc đời “mờ dấu ngựa xe” cũng sẽ bỏ tất cả vai vế đời thường vốn có, cùng những ưu tư nhọc nhằn hiện tại. Cứ để niềm vui vỡ òa và những giận hờn xưa cũ lùi sâu. Cùng siết chặt tay nhau để nhận mặt tháng ngày, một quãng đời từng được học hành chung một mái trường cùng thầy cô kính mến. Rồi hôm nay, ai ai cũng ngon lành chứ không phải “cùi thơm xác mía”….

Trường Ngoại Ngữ Đà Nẵng trước năm 1975
Ngày tha hương trở về chốn cũ, “bâng khuâng đợi chờ người sao chẳng đến, hỏi lá hỏi hoa chỉ thấy im lìm”. Lòng đau thắt và nước mắt chợt rưng khi có người thầy, người cô nay đã đi về nơi xa….xa hơn cả cuộc đời!. Và có cơn gió thoảng mưa sầu bất hạnh đã cuốn “bạn cũ xa rồi có người về đất buông xuôi” .

Dẫu có muộn màng, cúi xin dâng quý anh linh một nén tâm hương thành kính biết ơn – Người đưa đò vĩ đại….

Một phút mặc niệm tưởng nhớ những buổi cơ đầu có bạn còn lưu dấu. Bạn đi xa không vươn vấn chút bụi trần, nhưng vẫn còn đây giọt lệ buồn luôn chan chứa tình bạn muôn năm….

THAY LỜI MUỐN NÓI

Trường Ngoại Ngữ Đà Nẵng trước năm 1975
Ngày hạnh ngộ ngắn ngủi, rồi sẽ nói với nhau lời “Hẹn gặp lại!”. Người người phải xuôi về muôn nẻo, bịn rịn níu chân làm lòng người chùng lại. Nhưng hãy nhớ dặn dò và nhắc nhở với nhau, lòng sẽ nhẹ nhàng thanh thản khi biết sống xứng đáng với quảng thời gian còn lại ……ngày mai. Và giảng đường xưa kia mới là thiên đường đầy hoa và mật ngọt. Còn những khoảng khắc vui buồn đang còn ở lại hay đã trôi xa cũng là điều trải nghiệm để nuôi ta khôn lớn, chẳng thấm tháp chi so với những sóng gió dành cho mỗi cuộc đời….

Andi Nguyễn Ánh Nhật
-->Đọc thêm...

29 tháng 8, 2015

VÀI CẢM NGHĨ VỀ MỘT BÀI THƠ


                                                                          
Gởi VÕ ĐAN THÙY

Nhiều nhà thơ cho rằng định nghĩa thơ chỉ làm cho thơ… cứng nhắc.Tôi nhớ có lần đọc trên một tạp chí cách nay hơn mười năm đã trích dẫn vài ba chục định nghĩa: “Thơ là gì?”. Rồi tất cả, tôi nghĩ cũng chỉ đúng ở một khía cạnh nào đó mà thôi. Là một người không biết làm đến nửa câu thơ nhưng tôi luôn đồng cảm với dòng viết của nhà thơ Bằng Việt trong cuốn “Thơ tình thế kỷ XX” ..." ….Khi người ta đã mệt mỏi vì chủ nghĩa hiện đại và các thứ chủ nghĩa khác từng bung phá thơ suốt 70, 80 năm của thế kỷ XX thì người ta nghĩ đến món súp Tả- pí - lù hậu hiện đại…” .

Với thơ của Võ Đan Thùy, có thể đây cũng là món “Tả- pí- lù chính hiệu” của thơ ở “thì hậu hiện đại”. Hoặc đây là món gì đó khác hơn, tôi không quan tâm cách nấu và nguyên liệu làm ra. Vì với bút lực như Võ Đan Thùy, tôi nghĩ Thùy có thể làm thơ như mọi người “muốn hình thức thì hình thức, muốn thể loại có thể loại…muốn gì có nấy v.v.v!”. Nhưng tôi tin rất ít người có những kiến giải “lý trí và thực lòng” trước những khắt nghiệt trớ trêu của “cuộc sống và tình yêu” trong thơ như vậy. 

Nay thử hỏi, nếu chọn một cách “keo kiệt” để bình, tôi cũng tin sẽ không có nhà bình thơ nào chọn bài thơ này để viết. Hoặc nếu có với Võ Đan Thùy thì phải là bài thơ khác hay hơn (mà riêng tôi, Thùy có những bài thơ khác hay hơn nhiều). Nhưng thôi, ai lại hơn thua với một người thơ mà lòng mình hằng yêu quý !.

Từ thời Yahoo Blog nhiều người ngưỡng mộ Võ Đan Thùy trong lồi viết văn hơn là thơ. Người đọc có lý của người đọc, nhiều khi họ khen thơ trước mặt rồi phán …..“nặng trịch” sau lưng. Âu đó cũng là lẽ thường tình vì người ta chưa tìm thấy cái đẹp, cái kín đáo trong thơ của Thùy như một thứ hương thầm gợi nhớ gợi thương. Có người nói với tôi rằng thơ của Võ Đan Thùy câu cú dài lê thê. Đánh giá ấy cũng đúng về mặt lý luận thơ ca trong nhà trường. Nhưng theo cách nói của “cây đa cây đề” Bằng Việt, tôi nghĩ thơ hay ở “thì hậu hiện đại” là thơ được khơi nguồn từ sự thành thực của lòng thi sĩ trong những lúc thăng hoa, mà không cần nghiền ngẫm gì cho cứng nhắc. Như Võ Đan Thùy - Yêu chỉ biết yêu và đau khi mất mát, như đó là điều vốn có của người đàn bà. Và tác giả cũng không phải nằm trong trường hợp ngoại lệ. Lại nữa, đã là kiếp phận đàn bà, nên khi trái tim đập vỗ, ai lại không có cảm giác bất an chen ngang cảm xúc yêu thương!?. Một “quy luật muôn đời” của phái yếu và nay Thùy thi cảm:
“Em nghĩ thật nhiều về những cuộc chia tay
Tự hỏi khi quay lưng con tim có quay đầu nhìn lại
Hay cũng như chiếc lá
Lẳng lặng gieo mình cho đỏ miền vụng dại
Vạt cỏ có chợt đau?”

Đàn bà mà, cảm giác yêu thương càng trỗi dậy thì cảm giác bất an cũng tỷ lệ thuận bấy nhiêu. Không phải là “Những phút xao lòng”, ngoài chồng, ngoài vợ như Thuận Hữu, nhưng khi yêu người đàn bà vẫn sợ….. Ngọn lửa tình đang ngun ngút cháy, có khi nào “con tim có quay đầu nhìn lại” rồi mình phải “Lẳng lặng gieo mình cho đỏ miền vụng dại”. 

Hay quá! Một chiêm nghiệm lặng lẽ và sâu sắc về tình yêu. Tôi cũng nghĩ đó còn là cách vào đề “vô giới tính”, bởi tôi, tác giả hay một ai đó cũng có thể thay đại từ xưng hô: “Anh”, “Em”, “Tôi” để nói hộ nỗi lòng của chính mình khi yêu, khi một lần đổ vỡ.

Điều hay nữa trong thơ của Võ Đan Thùy không phải ở chổ bố cục mà đó là ngôn ngữ và dáng dấp. Trong thế giới màu sắc - Màu đỏ luôn như ngôn ngữ có sắc độ mạnh chỉ đứng sau hai màu “đen, trắng”, có sức nâng dậy tình cảm thực. Và nay Thùy dùng hình ảnh này để đào xới chi chút từng biến động của nội tâm. Biết rằng ai cũng có một quá khứ “vụng dại”, giờ đã đi qua, nhưng “Vạt cỏ có chợt đau?” khi lòng dạ người đàn bà cứ thường yếu đuối, lăn tăn….

Nhớ một thời đã rất xa với hôm nay, khi đọc bài thơ “Những phút xao lòng” của Thuận Hữu, nhà thơ Xuân Diệu có nhận xét: “Viết như thế là bạo nhưng mà thật, có thể chấp nhận được”. Tư tưởng thơ của Võ Đan Thùy và Thuận Hữu khác nhau và tôi cũng không so sánh nghệ thuật làm thơ giữa hai tác giả này. Nhưng tôi nghĩ, với tâm hồn mẫn cảm của một người đàn bà, Thùy đã tự vấn với chính mình những hình ảnh, những chi tiết từng có trong đời thường bằng thơ như thế này quả là quá hiếm:
“Rồi em nghĩ nếu chúng mình yêu nhau
Không biết anh có bao dung khi thi thoảng em nhói lòng câu thơ cũ
Còn em, liệu em có tủn mủn hờn ghen khi anh nhớ về ngày xưa bằng một nhịp tim không ngủ
Và biết đâu lúc dỗi hờn mình lại cứa nát lòng nhau
Anh đau
Em cũng đau” 

Cảm xúc yêu hiện tại và kỷ niệm năm xưa đôi khi cũng có thể đan xen làm cho những người đang yêu cay cay nơi sống mũi. “Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ” (Thuận Hữu). Bởi vậy tác giả tự hỏi: “Liệu em có tủn mủn hờn ghen khi anh nhớ về ngày xưa bằng một nhịp tim không ngủ”, còn : “Anh có bao dung khi thi thoảng em nhói lòng câu thơ cũ”. Con người mà, sẽ có bản năng, sẽ có những thường tình, khi "tình xưa và câu thơ cũ" cùng rủ về ghé thăm! Và lúc ấy “ biết đâu lúc dỗi hờn mình lại cứa nát lòng nhau”. Rồi “Anh đau” và “Em cũng đau” – Người ta thường nói thơ từ trái tim, là tiếng nói của trái tim, ở đoạn thơ này cảm xúc của người viết như đã lên đồng vì đường thi tả thực. Đọc lên nghe như tiếng lòng của giai nhân đang tâm sự, đang muốn giãi lòng mình trước khắt nghiệt của hạnh phúc và tình yêu!. Hay!

Khi đã có sự chín chắn và trải nghiệm, người đàn bà yêu sẽ lý trí hơn. Còn tình cảm?. “Phạm trù” ấy vẫn cứ song song. Yêu - Hạnh phúc là được muốn tận hiến nhưng lo âu trăn trở kia cũng đã nhì nhằn sánh bước!. Món “Tả - Pí – Lù” của Võ Đan Thùy lại trôi tiếp theo dòng cảm xúc:
Em sợ mùa yêu cũng đau cho lá bàng rấm rức khóc đỏ hoài con mắt
Em sợ Sài Gòn của em cũng đau cho ly cà phê trên tay đắng ngắt với bao điều dằn vặt"

Người đàn bà là thế, lúc “rấm rức”, lúc “đắng ngắt” cũng là lúc họ chùn bước, lạc đường và lỗi nhịp. Thương còn có thể!. Nhưng đưa người đàn bà đến một tình cảm xa hơn luôn khó gấp bội phần. Muốn hạt giống nảy mầm, nên người ta phải chôn sâu vào lòng đất lắm bùn và hỏi:
“Và nơi anh biển có dậy sóng vỡ toang bờ ?
Em lại nghĩ một ngày mình xếp lại hết những giấc mơ
Ôi ! Trăm chuyện làm em cáu giận.
Liệu khi đó, mình có còn thương nhau?”
Mà có trách chi những phút xao lòng! :
“Thôi
Chẳng thèm nghĩ nữa đâu.
Nhắm mắt lại nghen anh
Mình hôn nhau đi, anh nhé!” 

Một khổ thơ tự do được viết theo cảm xúc để kết thúc món “Tả-Pí-Lù”. Dù vắng đi chữ “yêu” hoặc “thương” nhưng ai cũng nhận ra một điều, tình yêu đã đến với người đàn bà và họ đã vượt qua những trăn trở và sự suy ngẫm đời thường…..

Rất ý vị và đậm chất men tình Thùy ơi và Thùy ơi! .

Andi Nguyễn Ánh Nhật.






-->Đọc thêm...

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC