27 tháng 2, 2014

ĐẦU NĂM ĐI VỀ HƯỚNG TÂY!

Từ trái qua: Andi, Xuân Thu, Tuyết Lê, Thu Thủy, Tuấn "ngố"

Trước khi về học chung tại trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng, tất cả chúng tôi đều là những người xa lạ với nhau. Và như một chân lý sinh ra, dù cùng học chung trong một mái trường đại học, nhưng khi ra đời, cuộc sống của mỗi người có nhiều thay đổi, khác nhau….. 

Có thể bây giờ, dù chúng tôi không thể lấy lại được những năm tháng đẹp của ngày xưa ấy, cũng như có lại cảm xúc nguyên vẹn của một thời cùng ăn cơm ký túc. Mọi thứ đã “sang trang”, nhưng vẫn còn lại trong chúng tôi một điều mãi mãi, đó là tình bạn “tri âm tri kỷ”, không khoảng cách giàu nghèo, địa vị và luôn gọi, xưng hô với nhau bằng ông, bà, tui, tớ v.v.v. 

Cuộc sống thường ngày nhiều khi con người không thể điều khiển được sự dao động vốn có, nhưng trong tình bạn chúng tôi, mỗi người đều luôn chủ động và cháy mình với nhau cho mỗi khi có dịp gặp gỡ hoặc cùng nhau ngao du đến một vùng miền nào ấy. 

Theo lời hẹn của bạn bè xưa cũ ấy, giữa ngày cuối tháng giêng, tôi rời công trường gần Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) về Sài thành nhộn nhịp để chuẩn bị hành hương đến Miều Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Núi Cấm (An Giang) nơi có nhiều huyền thoại và truyền thuyết dân gian có từ thời tiền nhân khai mở đất phương Nam. 

Trước khi đi, trong mỗi chúng tôi, ai cũng đều có tâm nguyện đến nơi ấy để cầu mong mọi sự tốt lành năm mới cho chính mình và người thân. Sau đó cũng là đi cho "biết đó biết đây" với mọi người, mùa hành hương về hướng Tây, nơi địa đầu Tổ quốc.

Lời đầu tiên tôi xin cảm ơn chị Ái Châu, người tôi đã quen biết và “thân thiết” qua thế giới ảo Blog và nay tôi mới được gặp gỡ ngoài đời nhưng chị đã dành cho chúng tôi sự đón tiếp chu đáo và ân cần hiếm có. Hẹn gặp lại chị trong một ngày không xa!. Thành thật cảm ơn chị nhiều! 

Xin cảm ơn sự nhiệt tình và chân thành của các bạn: Xuân Thu, Tuyết Lê, Thu Thủy, Tuấn “ngố” và bác tài có cái tên rất “dễ nhớ”: Trộng!. Chính sự nhiệt tình, vui vẻ và vô tư của mọi người đã mang lại cho chuyến đi thành công mỹ mãn…. 

8 GIỜ TỐI TẠI PHÀ VÒM CỐNG
ĐƯỜNG VỀ MIỀN TÂY. 

Đúng hẹn, 1 giờ chiều tài xế Trộng chạy chiếc xe Inova màu trắng bạc đến nhà từng người để đón chúng tôi. Dù khoảng cách giữa các nhà cũng gần với nhau, nhưng vì đường phố Sài thành lúc nào cũng người người đông nghẹt nên gần đến 2 giờ chiều, chúng tôi mới chạm quốc lộ 1 để hướng về miền Tây. 

Hiện nay, đoạn đường từ Ngã tư Gò Me chạy về chợ Đệm- Bình Chánh để vào đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương không còn là “con đường đau khổ”, nhưng chiếc xe chúng tôi vẫn phải chạy rì rì vì lượng xe cộ ngược xuôi trên tuyến đường huyết mạch này đông như đàn kiến. Rồi dẫu có khi xe chạy đến đoạn đường được cho là “dễ thở”, vậy mà chẳng có một bác tài xế nào dám cho xe vượt phạm luật. Theo kinh nghiệm của cánh lái xe đi về miền Tây, nơi cung đường nào “sáng nhất” (dễ chạy nhất) luôn là nơi “tốt nhất” để Police ngụy trang chĩa súng bắn tốc độ. Biết "nguy hiểm" ở nhiều nơi "ẩn nấp", nên tài xế Trộng của chúng tôi cứ lừ đừ nối đuôi xe trước. Mãi đến gần 3 giờ chiều, xe chúng tôi mới chạm lối dẫn vào đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương. 

Mặt đường cao tốc Sài Gòn- Trung Lương mới làm thật đẹp. “Chiếc áo” siêu mỏng tạo nhám mặt đường bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay đã giúp cho những chiếc xe có lúc đạt đến tốc độ 100 km/h vẫn không hề bị rung hay lắc. 

Cùng đi xe lôi với thủ lĩnh XUÂN THU
Chiếc xe cứ thế lao về phía trước thật êm. Đỗ Xuân Thu - cô bạn học cũ của chúng tôi quả thật là người thủ lĩnh của nhóm vì sự chuẩn bị chu đáo và tỉ mỉ của cô ấy cho chuyến đi. Ngoài những chiếc khăn lạnh (dùng cho lúc buồn ngủ), cùng với mấy thùng nước khoáng, “bà” còn mang theo nước nhiều loại trái cây để cho mọi người trên xe “lai rai” vui miệng. Tôi thầm nghĩ, chắc ở nhà “bà” luôn là người chăm bón cho chồng con tốt, bởi như một điều rất nhỏ, “bà” bóc tách từng múi mít cho tôi, Tuấn “ngố” và tài xế Trộng ăn thỏa thích. Hơn nữa, giữa thời kinh tế thị trường đang eo xèo, đi du lịch mà Xuân Thu đã mượn được chiếc xe của công ty nơi mình đang làm việc và cả luôn tài xế trẻ, năng động như Trộng quả thật là quá quý. Mọi thứ như giảm bớt cho chúng tôi về sự lo ngại tính cằn nhằn gần xa, cũng như giới hạn đi thêm đó đây, vốn thường có ở những người lái xe dịch vụ cho thuê. Còn thêm, mọi thứ đều dễ dàng, như mùa này miền Nam bắt đầu nắng nóng, nên nhu cầu của hệ bài tiết có cấp thúc cũng chẳng mấy khó khăn và e dè bảo bác tài tìm WC dọc đường. Gần 60 km trên đường cao tốc, chúng tôi cứ trò chuyện rôm rả, không bận tâm đến mọi vấn đề, thị giác cứ thả theo từng cảnh vật quen thuộc dọc đường. 

Thư giản trên Chùa Núi Cấm
Ngao du tự do trên chiếc xe, ai cũng mang cảm giác tự nhiên thoải mái và như thế nhiều câu chuyện kể bắt đầu. Tuấn “ngố” của ngày xưa ấy cũng chính là nguyên cớ của những trận cười bể bụng trong suốt chuyến đi và về. Bao nhiêu năm rồi nhưng hắn vẫn vậy, chân thành, thật thà và “ngố, ngố” với mọi người trông quá dễ thương. Còn Tuyết Lê và Thu Thủy đều là những "bà Tám chính hiệu" nên khi bắt câu chuyện hài hước nào cũng có thể tham gia, không bỏ sót. Lại có khi hứng chí, hai "bà Tám" này cứ hồn nhiên tầm phào, cứ y như tôi, Tuấn “ngố” và tài xế Trộng là …. “liệt sĩ”. Cũng phải, là bạn bè cùng trang cùng lứa, lại học cùng với nhau, nay cũng đã gần thành “ông già bà cả”, vui là chính chứ e dè sẽ mất vui. 

"Xì, Già, Đầm, Ri, Thập"
Xe chạy vừa qua khỏi cầu Mỹ Thuận rồi rẽ phải theo quốc lộ 80 hướng về Sa Đéc. Từ thị xã Sa Đéc chạy về Long Xuyên, chiếc xe chúng tôi nhiều đoạn đường song song bên những con sông, con rạch êm ái, không hề biết đến thác ghềnh. Sau vài ba năm tôi mới trở lại mảnh đất này nên thấy cuộc sống của người dân ở đây khác quá. Nhớ những năm trước, khi đi ngang qua đây, ai cũng đều thấy hai bên đường những mái nhà lá, nhà sàn, những con lạch con sông chằng chịt, những mẻ lưới buông, tiếng cò, tiếng vạc hòa cùng với tiếng máy ghe khua rộn trên mặt sông. Tất cả tạo nên một không gian nguyên sơ, hồn nhiên và rất dỗi yên bình nhưng cuộc sống của bà con lại thiếu thốn và trần ai. Nhưng hôm nay trong nắng chan hòa của buổi chiều cuối tháng giêng, dù lướt qua nhưng tôi đã cảm nhận được cuộc sống của bà con nơi đây đã thư thả và khấm khá. Và không biết có phải vì “tháng giêng là tháng ăn chơi” hay không mà tôi đã thấy dưới mặt sông, những chiếc ghe lớn ghe nhỏ hay những chiếc đò dọc, đò ngang nằm im ngang ngãng dọc hai bên bờ. Tâm tính của người dân miền Tây khác với mọi miền Tổ quốc, họ sống rất chậm, thư thả, thong dong, không bị thúc bách hối hả cho mọi sự nhiêu khê. Bởi thế mùa viếng miếu, viếng chùa trong tháng giêng tháng hai hàng năm, người miền Tây đã bủa đi muôn nơi ở các tỉnh miền Đông và nhiều tỉnh thành khác. 

NGƯỜI NGƯỜI VIẾNG MIẾU BÀ CHÚA XỨ 

Đêm viếng Miếu Bà Chúa Xứ
Xe bị kẹt phà Vòm Cống, cho nên đến 8 giờ tối, chúng tôi mới đặt chân đến thành phố Long Xuyên để ăn cơm tối. Và như thế chỉ còn vài chục cây nữa là chúng tôi đến được nơi đã định – Miếu Bà Chúa Xứ. 

Đường đi về hướng ấy, màn đêm mang vẻ nguyên sơ. Mà nguyên sơ cũng chính là nguyên cớ của vô vàn những điều gian khó cho người dân xứ này. Có nhiều cái khó đều xuất phát từ việc giao thông đi lại quá khó khăn. Người dân sống ở nơi đây, hàng ngày họ phải dùng "vỏ", dùng ghe đi làm, đi chợ, để nâng bước trẻ con đến trường như xe hai bánh, dùng thuyền để chuyên chở như xe tải nặng ở vùng miền Đông. Ấy vậy mà nói đến đường bộ lại có nhiều đoạn đường nhỏ hẹp, không ánh đèn đường, lại nhiều gấp khúc nên giới hạn tốc độ cho mọi phương tiện xuống chỉ còn 20 km/h. Chiếc xe cứ chầm chậm xuyên màn đêm.

Đích đến càng gần, trong tôi lại nghe hồn mình đang nghĩ về sự an lành cần có của đời người, một điểm tựa tâm linh nơi Bà Chúa Xứ. Dù rằng ở đây vẫn còn nhiều điều bí ẩn nhưng luôn ở trong tâm thức của nhiều người miền Nam. 

Trước đây tôi đã từng nghe nhiều người nói, không biết pho tượng Bà Chúa Xứ là đàn ông hay đàn bà. Nhưng theo tôi được biết, nhà “Nam bộ học” Sơn Nam có viết trong công trình khảo cứu: “Đồng bằng sông Cửu Long - nét sinh hoạt xưa” (NXB Trẻ) ông đã đưa ra nhận định, tượng Bà Chúa Xứ thực ra là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer. Pho tượng này bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Rồi sau này người Việt từ Bắc di cư vào, đã đưa tượng vào miếu, dùng sơn điểm tô, mặc áo lụa, đeo dây chuyền, và biến pho tượng đàn ông thành đàn bà. 

Cũng giống như Sơn Nam, nhà nghiên cứu Trần Văn Dũng cũng có nhận định như vậy trong cuốn sách: “Lịch sử khai phá vùng đất Châu Đốc 1757 -1857”. Và ông đã nói rõ hơn là phần đầu của tượng không phải nguyên gốc, mà là được chế tác sau bằng loại đá không giống thân tượng. 

Còn nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret sau khi đã khảo sát tỉ mỉ miếu Bà Chúa Xứ và kết luận: Tượng Bà Chúa Xứ thuộc loại tượng thần Vishnu, tạc dáng ngồi nghĩ ngợi, quý phái, bằng chất liệu đá son, có giá trị nghệ thuật cao, ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI. 

Nói như thế thì cho dù pho tượng mang hình thức là thế nào đi chăng nữa, thì trong tâm thức của mỗi chúng tôi, sự thành tâm với đấng tối cao luôn là điểm tựa tâm linh, sẽ che chở cho chúng tôi nhiều điều trong cuộc sống 

Cùng với cô bạn TUYẾT LÊ
Gần 9 giờ đêm. Xe chúng tôi mới đặt chân đến khu vực miếu Bà. Mọi ngã đường dành cho xe hơi đều bị phong tỏa. Nhưng thật may, ngay từ lúc chiều, tôi đã liên hệ được với chị Ái Châu, một blogger tôi từng quen biết và thân thiết qua mạng ảo. Chị có bảo: “Khi nào đến nơi, em nhớ gọi để chị cho người đến đón!”. Lại có thuận lợi thêm, khách sạn HT của chị nằm ngay đối diện cổng Miếu Bà Chúa Xứ nên việc di chuyển đến viếng sẽ bớt phần vất vả đi nhiều. 

Khi chiếc xe chúng tôi được đưa vào bãi gởi xe chung, cũng là lúc người nhà của chị Ái Châu vừa đến. Mặc dù chúng tôi đã có dân “thổ địa” nhận là người quen, nhưng tiếng mời chào năn nỉ ỉ ôi của cánh xe lôi lao nhao lên từ mọi phía. Từ bãi gởi xe về khách sạn của chị Ái Châu đi xe lôi chỉ có 10 ngàn đồng một người và như thế mỗi chiếc xe “kéo” đến 2 người trong chúng tôi. 

Hòa trong dòng người hành hương đi bộ tuôn về Miếu Bà Chúa Xứ, có rất nhiều khuôn mặt lớn, mặt nhỏ, đàn ông, đàn bà nhễ nhại mồ hôi. Họ đứng san sát hai bên đường rao bán hương, bán đèn và đủ các thứ lộc để cúng viếng Bà Chúa Xứ với nụ cười nửa vời bí hiểm chực hiện trên môi. Không những thế, những người này còn bu sát theo khách thập phương chèo kéo. Tôi nhớ lời chị Ái Châu căn dặn  trước, người dân ở đây, một năm buôn bán trông vào thời điểm này. Và đây cũng là mùa “làm ăn” của các thành phần bất hảo với những trò lừa được giăng ra để “bẫy” khách thập phương. Bởi vậy chúng tôi bảo trọng, cảnh giác mọi thứ hơn. Ấy vậy mà trong lúc chúng tôi hành hương hướng thiện, ai cũng băn khoăn trước đám người ăn xin nhan nhãn đang chờ lòng thương cảm của du khách ngó ngàng. Hoàn cảnh của họ có thật không?. Hay mình giúp họ dù chỉ vài ngàn đồng rồi nhận lại từ họ lời cảm ơn mỉa mai, vì mình là người dễ tin và khờ nhất trên đời! 

Len lõi trong dòng người tấp nập, cuối cùng năm đứa chúng tôi cũng đã chiêm bái và dâng được lể vật cúng Bà Chúa Xứ. 11 giờ khuya chúng tôi trở về khách sạn, dòng người đổ về Miếu Bà Chúa Xứ nườm nượp không ngớt. Tôi đứng trên ban công khách sạn HT nhìn xuống, dù đã khuya nhưng dòng người vẫn kiên nhẫn nhích từng bước để được vào lễ trong miếu. 

Mặt trời đang ngủ yên! Gần chấm dứt một ngày hành hương về hướng thiện. Chương trình ngày mai, chúng tôi sẽ về tham quan ngọn núi Cấm (cao 710 m), uy nghi và hùng vĩ. Nơi ấy còn được ví như một Đà Lạt thứ 2 vì khí hậu mát mẻ quanh năm cũng như có nhiều thắng cảnh độc đáo. Núi Cấm đang chờ đón bước chân của những người vừa hành hương, vừa phiêu lãng như chúng tôi sẽ là một ngày nắng đẹp......

(Kỳ sau: Núi Cấm - Nơi huyền bí của núi rừng phía Tây.)
Andi Nguyễn Ánh Nhật
-->Đọc thêm...

20 tháng 2, 2014

THỬ BÀN VỀ CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN.


Khi đề cập đến sự lãng mạn, có người cho rằng anh này, cô kia lãng mạn vì như họ đã vướng vào chuyện yêu đương. Một tay blogger kia được gọi là lãng mạn thì có người cho rằng vì ông ta nằm mơ... thấy ma. Quả thật nói đến lãng mạn là bất luận. 

Tôi có một người chị khá thân đang sinh sống ở Pháp, khi mọi người vào blog của chị đều cho rằng chị ấy khá lãng mạn vì blog của chị đa phần là những tấm ảnh đẹp của thiên nhiên và động vật chim chóc trong những chuyến ngao du của chị .v.v.v. Điều đó có nghĩa rằng sự lãng mạn ấy do chị rất yêu cuộc sống thiên nhiên và thường xuyên lắng nghe tiếng chim hót. Và tôi cũng có một anh bạn MCT là luật sư ở Hà Tĩnh, tôi nghĩ anh ta là người lãng mạn vì anh luôn để tâm hồn lắng nghe tiếng nói của tôn giáo. Vậy lãng mạn là gì?

CỘI NGUỒN CỦA LÃNG MẠN

Trước hết phải khẳng định chữ lãng mạn được bắt nguồn từ văn học Châu Âu. Trong cuốn sách: "Khái luận nghiên cứu văn học Pháp" của Pierre Goerges Castex có ghi: "Từ ngữ lãng mạn được phổ dụng nhưng thật khó mà định nghĩa. Cho đến cuối thế kỷ 18, dưới ảnh hưởng của danh từ Anh ngữ Romantic, chữ lãng mạn thích dụng vào những điểm mà cái đẹp diễm lệ và hoang vu được diễn tả bởi những tiểu thuyết có tính chất thời trang. Vào đầu thế kỷ 19, dưới ảnh hưởng của Đức ngữ Romantisch, lãng mạn là tên gọi của khuynh hướng văn học có vẻ đối nghịch với khuynh hướng cổ điển: coi thường những quy luật tôn thờ sự tưởng tượng và tình cảm. Tới năm 1830, phần đông những nhà văn Pháp tự xưng là những người thuộc trường phái lãng mạn, nhưng mỗi người tạo cho danh từ này một sắc thái thích nghi với cá tính độc đáo nhất của mình". 

Còn trong cuốn sách "Lịch sử văn học Anh Quốc", nói đến lãng mạn người ta có ghi: "Romance, chữ gốc là do từ ngữ bình dân La tinh Romannicus dùng để gọi một thổ ngữ xuất phát từ tiếng La tinh do quân sĩ La Mã, dân bị trị ở Gaul cùng nhiều xứ phía Tây của đế quốc La Mã dùng. Từ hình dạng từ ngữ này trong câu Scribere romanice, người ta có từ roman. Về sau chữ roman được dùng để chỉ một loại truyện, như truyện về vua Arthur, đặc biệt có tính chất giả tưởng, tưởng tượng, kỳ lạ, kỳ diệu. Và từ chữ này, Anh ngữ mới có chữ romance. Đã có thời chữ romance được dùng như một tính từ để chỉ cho đặc tính vừa kể. Cho mãi đến thế kỷ 17, tính từ romantic mới xuất hiện trong tiếng Anh. Thời đó từ này được dùng theo nghĩa không đứng đắn, ám chỉ một người tưởng tượng điều không có trong thực tế. Đến thế kỷ 18, romantic được dùng để chỉ ba trạng thái tâm hồn hoặc thái độ sống: Tình yêu thiên nhiên, nỗi buồn cá nhân và cảm xúc đam mê"

Còn chữ "lãng mạn" trong ngôn ngữ chúng ta là từ Hán Việt và Từ điển của Đào Duy Anh trang 390 và trang 438 có ghi :

Lãng: a, sóng b, phóng túng không có gì bó buộc.



Mạn: a, tràn đầy b, không giới hạn, không biết tự kiềm chế.


Như vậy nghĩa đen của chữ "lãng mạn" là sóng tràn lan. Nhưng sóng là hình ảnh của sự bất định, lưu chảy cho nên lãng mạn trong ý nghĩa tượng trương đó là sự phóng túng, gạt bỏ mọi câu thúc của luân lý, của phong tục, của xã hội để thể hiện con người cá thể và tự do.

TÍNH LÃNG MẠN TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC

Phải nói rằng "lãng mạn' được thấy sử dụng không chỉ trong văn học cũng như nghệ thuật mà nó còn có trong cả lĩnh vực toán học, kinh tế và triết học. Chẳng hạn như nhà toán học người Nga N.L Kovantxov đã có cuốn sách: "Toán học và chất lãng mạn" được rất nhiều người ưa thích. Còn nhà triết học Bonchenski có cuốn "Triết học Tây phương hiện tại" và ông đã viết "Đây là phong trào đa dạng khó mà xác định. Nhưng ta có thể nói mà không sợ quá giản lược rằng những sắc thái chính yếu của nó là tán dương đời sống tâm linh, được gợi lên nhằm chống lại chủ thuyết cơ giới. Rõ ràng các nghệ sĩ đã cự tuyệt tính chất cằn cỗi của khuôn hình thế giới khoa học., họ nổi lên chống lại khoa học thuần túy bằng cách nêu cao cảm xúc đời sống và tôn giáo. Đồng thời họ xác quyết rằng có những ngã đường khác tiến đến thực tại ngoài con đường khoa học"

Và như thế trong lãnh vực triết học, chủ nghĩa lãng mạn nhằm chống lại sự súng bái, tuyệt đối hóa vai trò của khoa học. Lãng mạn đã xác định đời sống tâm hồn và cảm xúc con người, đồng thời xác tín rằng ngoài chân lý khoa học, con người còn có những chân lý khác.

Tiếp theo kỳ sau: "TÍNH LÃNG MẠN TRONG VĂN HỌC VÀ VỚI NHỮNG NGƯỜI VIẾT BLOG"

Andi Nguyễn Ánh Nhật
-->Đọc thêm...

11 tháng 2, 2014

Cha mẹ của Chí Phèo là ai?




Chí Phèo là nhân vật chính trong tác phẩm nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nam Cao. Trong tác phẩm này nhiều nhà nghiên cứu, phê bình thường chỉ phân tích bản chất của Chí là do bị xã hội xô đẩy đến chổ không lối thoát cũng như quá trình bần cùng hóa đã đẩy Chí trở thành con quỷ dữ, hành động mù quán liều lĩnh ở làng Vũ Đại ngày ấy, rồi dẫn đến mâu thuẩn của giai cấp thống trị và giai cấp bị trị ngày xưa.

Nhưng ai là cha mẹ của Chí?. Trong tác phẩm, Chí Phèo được ai đó bỏ lại trong một cái lò gạch hoang ở đầu làng từ khi mới lọt lòng và được dân làng chuyền tay nhau nuôi đến khi lớn, rồi đi làm thuê cho nhà Bá Kiến nên không biết ai là cha mẹ của Chí!.

Đã có nhiều người nói vui. Chỉ có nhà văn Nam Cao mới biết cha mẹ của Chí hoặc như: "Cha của Chí Phèo là chồng của mẹ Chí" v.v.v. Nhưng không phải theo những cách lý giãi như để bỏ qua ấy mà chúng ta bó tay trước một nhân vật qua ngòi bút tài hoa của nhà văn. Và còn một điều nữa là chẳng lẽ Nam Cao tung ra đời một con người không có gốc tích?

Cha của CHÍ PHÈO là ai?
Để tìm hiểu cha của Chí là ai, trong tác phẩm, đầu tiên chúng ta chú ý đến chi tiết lúc Chí nằm ăn vạ ở cổng sau khi ẩu đả với Lý Cường và Bá Kiến có nói: "Ai chứ, anh với nó còn có họ hàng kia đấy!". Chi tiết này nhiều người cho rằng đây là thái độ mềm mỏng của cụ Bá. Nhưng theo tôi không hẳn như vậy. Vả lại theo phân tích dưới góc độ logich về tâm lý là trong một cuộc xô xát suýt xảy ra án mạng bất ngờ nên Bá Kiến rất dễ buột miệng nói thật điều bấy lâu nay cụ gìn giữ. Vả lại khi ấy Bá Kiến là con người tỉnh táo nên lời nói ấy có tính chất "xa xa" sự việc. Nhưng chính hoàn cảnh ấy đã "tố cáo" Bá Kiến đã nói lên sự thật. Còn nữa lúc ấy cụ Bá dùng uy quyền của mình đuổi hết hàng xóm cũng như các bà vợ của ông ta về và đã "phát ngôn" lời nói đó. Theo cách suy luận của một quan tòa, Bá Kiến là người lõi đời, ông ta không muốn hàng xóm, nhất là mấy bà vợ của y sẽ suy diễn về trang quá khứ mà ông ta đã dày công che đậy trong mấy chục năm. Trong khi đó lúc ấy chỉ còn lại Lý Cường là người nhỏ tuổi hơn y thì làm sao biết được quan hệ của Bá Kiến với những người đàn bà khác!?. Còn nữa, sự việc xảy ra quá độ ngột, thái độ lúng túng của y được "vạch trần", hắn quát vợ: "Các bà đi vào nhà, đàn bà chỉ lôi thôi biết gì!" . Rồi y lại trách con: "Chỉ có thằng Lý Cường nóng tính không nghĩ trước nghĩ sau". Rõ ràng Lý Cường biết gì mà nghĩ trước nghĩ sau và chỉ có Bá Kiến vì "có tật mới giật mình". Phải xét lời câu nói "nhỏ" mang tính cách dàn xếp nội bộ trong gia đình y khi xảy ra sự việc bất ngờ mà y không bao giờ nghĩ đến.

Và mọi người còn nhớ, lần đến nhà bá Kiến sinh sự chỉ vì không lấy được Thị Nở, Bá Kiến cho tiền và bảo: "Rồi làm ăn chứ báo người ta mãi à?". "Người ta" ở đây chính là Bá Kiến chứ còn ai nữa!?.


Xét về tác phẩm, sự tài tình qua ngòi bút của Nam Cao làm cho người đọc quên đi quy luật của môn đời: "Ác lai ác báo". Chí rượu vào chửi cha mẹ hắn và chỉ có người ấy mới bỏ qua cho hắn: "À! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra thằng Chí Phèo". Còn vai vế của Bá Kiến, hắn lõi đời như thế dại gì rước họa vào thân. Hơn nữa hắn cũng là quan chức, nào là "lý trưởng, chánh tổng, bá hộ, tiên chì làng Vũ Đại, chánh tổng hội đồng lỳ hào, Bắc Kỳ nhân dân đại biểu" cho nên với Chí, Bá Kiến phải có cách xử sự hơn người. Tống Chí vào tù cách này Bá Kiến đã làm nhưng không hiệu quả mà lại có tác dụng ngược lại. Nhưng cái sai lầm của Bá Kiến là lợi dụng Chí làm chân tay để trị những đàn anh khác trong làng. Cách này Bá Kiến phải trả giá. Còn trong cách xử mềm trước "công cụ Chí", Bá Kiến vẫn để lộ cái tình máu mủ, tuy còn rất kín đáo và chừng mực. Người đọc còn nhớ lúc Chí tự rạch mặt, ăn vạ, cụ Bá đối xử tử tế như thế nào, mời vào nhà cơm nước đàng hoàng, lại còn cho một đồng về mua thuốc chữa bệnh. Nếu cho tiền mà không nói, thì có nghĩa đền bù sự mất mát của một đứa con bị từ chối. 
Lợi dụng được Chí, Bá Kiến vẫn mong Chí có một cuộc sống tự lập. Sự việc Bá Kiến sang nhượng mảnh vườn 5 sào phía bờ sông cho Chí cũng là bằng chứng thể hiện cái tình của Bá với Chí hoặc Chí tất nhiên được hưởng tài sản của cha. Tự nhiên một thằng khố rách áo ôm như Chí lại có gia tài cơ nghiệp. Chí một thời ao ước "có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải, chung bỏ lại một con lợn nuôi để làm vốn. Khá giả thì mua năm ba sào ruộng làm". Điều đó nghĩa rằng tài sản Bá Kiến sang nhượng cho Chí rất lớn. Và sau đó Bá sai Lý Cường làm thủ tục cho đất Chí. Rõ ràng Bá Kiến đã có một chút thể hiện trách nhiệm của người làm cha. Bá không hẳn là người chỉ biết lợi dụng, còn biết lo, chỉ cách làm ăn lương thiện cho Chí.

Tìm hiểu thái độ trong quan hệ giữa Bá Kiến và Chí Phèo ta thấy dường như Nam Cao để cho Chí một cảm giác, một linh tính mình là con đẻ của Bá Kiến bị bỏ rơi và thường xuyên cạnh khóe, ám chỉ

Trong cách nói của Nam Cao, ông đồng tình với Chí và nhấn mạnh rằng chỉ khi Chí mới dám chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra chính hắn, và người không nhận hắn. Hơn nữa, Chí "chắc chắn có một cái cớ rất chính đáng để hắn có thể hùng hổ đi báo thù.". Chí đi báo thù người đẻ ra hắn, lại thiếu trách nhiệm nên mới ra nông nổi này. Và như thế mỗi lần Chí gây sự đều đến nhà Bá Kiến, cho dù có lúc hắn không nhằm đến mục đích đó. Nhưng cái gì làm cho nó đổi mục đích hướng đi?. Không ai biết và chỉ có Nam Cao mới hiểu điều này. Nói chính xác hơn Bá Kiến và người phụ nữ đẻ ra Chí biết. Nam Cao biết tỏng điều gì rồi mà Bá vẫn giấu, cho thiên hạ là không có mắt. Nam Cao cũng tức lắm chứ?. Bởi vậy ông đã dùng điều đó để a dua, đồng tình với Chí trong mỗi việc làm, mỗi lời chửi và hành động kiên quyết này

Cuối cùng xét về tuổi tác giữa Chí và Lý Cường và Chí với Bá Kiến không có gì làm cho ta nghi ngại cả. Lý Cường và Chí là ngang nhau hoặc có chênh lệch cụng không đáng bao nhiêu. Còn tuổi của Bá Kiến so với Chí vượt quá hai mươi. Vậy Chí cũng đáng tuổi con của Bá Kiến.
Kỳ 2: MẸ CỦA CHÍ PHÈO LÀ AI?

Andi Nguyễn Ánh Nhật.
-->Đọc thêm...

1 tháng 2, 2014

Đời có mùa xuân!

                                               Mùa xuân cách đây 15 năm

Vậy là mùa xuân thực sự đến. Xuân đến rồi, nhưng xuân sẽ qua. Lần nào xuân về cũng làm lòng ta tự nhủ, lại khởi đầu cho một năm mới và cuộc đời sẽ có thêm nhiều điều thú vị nhưng lại mất đi một tuổi xuân vĩnh viễn...

Mùa xuân là gì nhỉ? Đó một mùa nắng ấm, một khoảng khắc đẹp và lãng mạn nhất trong năm. Xuân mãi lành lặn trơn tru nên người người khao khát..... Năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, có những khoảng thời gian lúc ấm áp, lúc nóng ran, lúc nắng vàng mật ngọt, hay lạnh giá cùng mây mù che phủ bao quanh, nhưng chỉ có mùa xuân con người yêu hơn hết thảy.

Xuân là gì hỡi nàng xuân (!?), xuân có phải như cốc nước đầy tạo hóa mang về nghiêng rót. Dù ai đó bất hạnh vẫn có một cốc cầm tay. Một cốc nước chứa thật nhiều cảm xúc, kẻ nhấm pháp, nhâm nhi từng chút, người buồn phiền lại nốc cạn một hơi. . Nhớ đừng để cốc rượu xuân vuột khỏi tầm tay, rồi phải tiếc nuối một vị ngọt đầu môi, một chút cay cay nơi đầu lưỡi.

Xuân như một chuyến đò cặp bến, đến dừng đỗ rồi đi, và chưa bao giờ có mùa xuân nào là cuối. Người người trên đò xuân, kẻ mộng mơ không tưởng và người hạnh phúc ăm ắp đầy khoang. Kẻ chất chồng bạc tiền khư khư ôm giữ, còn người chỉ mong có miếng cơm cho đỡ đói cầm hơi. ...

Mùa xuân đến như đã hết tháng ngày năm cũ, nhưng  có người vẫn còn mớ bòng bong mà  chưa thể nào tháo gỡ. Xuân - Khoảng thời gian của nhiều người chờ đò về bến, để được lên Thiên đường với những gì họ có, rồi cũng không ít người lỡ chuyến, phải ở lại với Địa ngục trần gian cùng niềm đau cả nỗi ưu phiền. Nhưng vòng quay vô định mùa xuân vẫn vô tư đến mãi đến hoài......

Ai có nghĩ gì hay không thì dòng thời gian vẫn không ngừng chảy, cũng chằng bao giờ đứng lại dù chỉ có một giây. Xuân là dòng suối mát trên bờ đầy những lá, những hoa, cứ róc rách, róc rách như điệu nhạc dịu êm. Hỡi ai có biết , dòng chảy ở suối kia đã gọt qua bao nhiêu núi đá để lần nào đến xuân vẫn cứ vẹn nguyên ăm ắp tràn đầy.

Xuân nào đến rồi đi như bao mùa khác. Thời gian như chỉ vừa thấy sớm mai lại đã trưa, chiều, tối. Rồi cũng chỉ một khoảng thời gian, như đời người kia cũng đã trôi nhanh. Nếu ai đó đợi xuân ắt sẽ thấy dài dằng dặc, mong xuân về để làm dịu lành những vết thương đau.

Mùa xuân khởi đầu cho một năm mới đến, ta lại nhớ về ta một đời lang bạt. Ta có muốn hay không muốn cũng không bao giờ lấy lại được những gì đã mất. Hoặc nếu có tìm lại được ít nhiều thì cũng chẳng một lợi ích chi thêm. Xuân đến rồi, ta vẫn còn thấy thêm những mùa xuân sau tiếp nối cho sự sống ngàn đời. Nhưng tiếc thay, khi cuộc đời ta đang ở bên kia sườn dốc nên xuân chỉ còn dành cho cuộc đời ta một phần ít ỏi. Xuân bây giờ luôn quý hóa với cuộc đời ta.

Xuân đến ta thấy bầy chim én lượn, một nhóm trẻ reo đùa, lòng ta bỗng dưng quên hết thảy hận thù, dứt day và cả nổi tận cùng khổ đau. Ta đang vui, đang lâng lâng cho mùa xuân đến. Mùa này, sự sống đã “sinh ra” không chỉ riêng ta mà cho cả niềm vui đồng loại.

Mùa xuân đến mang bao vẻ đẹp si mê làm ấm áp mọi người. Dù nỗi buồn đang có ở trong ta, nhưng ta vẫn phải thao tiếp cuộn chỉ hồng sự sống, một màu của thời gian mang đến cuộc đời. Dẫu đoạn cuối là mớ bòng bong không sao tháo gỡ, thì ta cũng chẳng cần biết trong lõi kia cuộc sống thật sự màu gì !?. Mỗi năm mùa xuân đến, ta có thêm nghễnh ngãng những mùa xuân và phải còn lo toan bao nhiêu thứ, cũng như đành thấm nhận những bức xúc tê cay, đắng ngót cuộc đời.

Mùa xuân đến, thì ai kia cũng đừng có hỏi vì sao xuân không ở lai!. Bởi mùa xuân như một cuộn băng. Khi bên này nhả ra tức bên kia cuốn lại. Đất trời cất mùa đông, lại mở ra cho mùa xuân đến đó, rồi hạ giành xuân. Xuân đến ta cứ vui, cứ say để quên hết buồn vui của chuyện đời. Ta sẽ cùng với mọi người, với người thân dành nhau những tình cảm vị tha trong nồng ấm yêu thương, và chia sẻ những vất vả bon chen trong vòng xoáy cuộc đời....

Andi Nguyễn Ánh Nhật


                                          Cùng với con trai GIA BẢO
-->Đọc thêm...

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC