28 tháng 11, 2013

GỎI SỨA MIỀN TRUNG !



Vừa qua, bạn tôi – Amal H hiện đang định cư ở Mỹ về thăm quê hương Đà Nẵng. Chúng tôi đều là những người bạn của Amal H khi xưa, tất cả cùng học chung ở trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng trong những năm cuối cùng của thế kỷ trước. Quý người bạn hiền, bạn tri âm v.v.v về từ phương xa, chúng tôi có những người như Nga Liên ở Quảng Ngãi, Diệu Hương, Kiều Ngân ở Quảng Nam dù rất bận rộn công việc, nhưng cũng bôn ba "phóng" ra, còn tôi lâu lâu về cũng gặp dịp may mắn trùng phùng. Và một lẽ tất nhiên, chúng tôi có cuộc họp mặt thân mật ở Đông Tây Quán nằm trên đường 2-9, thành phố Đà Nẵng.

Tôi không phải là người Đà Nẵng chính gốc, song tôi biết những người bạn của tôi nơi đây, khi có "khách" cũng sẽ phân vân, không biết chọn quán ăn hay nhà hàng nào để có được món ăn ưng ý và không gian thân thiện, bởi hiện nay ở Đà Nẵng có quá nhiều nhà hàng quán xá. Như tôi đây, lâu ngày về Đà Nẵng nhiều lúc cũng phải lừng khừng, đi tới, đi lui, chỗ nào cũng thích, nơi nào cũng muốn thử.

Trong ẩm thực, khẩu vị luôn luôn mỗi người mỗi khác, sở thích mỗi người mỗi "E". Vậy mà hôm đó, không biết có phải nhờ bạn nào ấy trong số chúng tôi “nhảy” vào góp ý, chọn quán, chọn nhà hàng và chọn cả thức ăn hay không, mà chúng tôi đã có một bữa tiệc thật là thân mật và ngon miệng. Hơn nữa đúng theo tiêu chí của cả nhóm đề ra: Không gian vui nhộn và “Ngon – Bổ - rẻ”

Với Đông Tây Quán này, cái ngon của nhiều món ăn, thực khách đã thấy ngay từ khi người của quán mới bê lên, chưa nhấm pháp. Còn một điều đặc biệt nữa là người đầu bếp ở đây đã chế biến món ăn rất đa phong cách nên đã làm ngon miệng chúng tôi. Với riêng tôi, tôi xin cảm ơn người bạn nào đó đã biết chọn món “Gỏi sứa” thật là hấp dẫn và vô cùng ngon tại Đông Tây Quán này.

Trong kho tàng ẩm thực của Việt nam có vô kể những món ăn. Nhưng có thể nói gỏi sứa ở Quảng Nam - Đà Nẵng là món ăn phổ biến vì cách làm đơn giản, khá rẻ và không chỉ ngon mát trong mùa nắng nóng mà ngay cả mùa đông cũng rất thích hợp (mùa này người ta dùng sứa khô). Khi thưởng thức món này, ai cũng đều nghe vị chát nơi đầu lưỡi và vị ngọt lành nơi cuống họng như mơn man thấm vào tận từng tế bào cơ thể…

Ở Miền trung món gỏi sứa còn gọi là sứa trộn. Món này không chỉ được những bà nội trợ thường xuyên làm cho gia đình ăn mà còn đãi khách, đãi người thân từ phương xa về thăm quê hương như muốn nhắc đến một đặc sản của quê nhà. Vào mùa hè nóng nực, khi muốn làm một món ăn nào đó để "giải nhiệt" cho chồng, cho con, thì đĩa gỏi sứa thơm ngon và bắt mắt luôn là sự lựa chọn hàng đầu, như một niềm hạnh phúc của các bà nội trợ miền Trung. Chính vì vậy, sứa biển lúc này sức mua rất lớn, nên chuyện nhiều bà nội trợ tuy có tiền rủng rỉnh nhưng “đi trễ là về không!” là "chuyện thường ngày ở huyện".

Sứa là một loại hải sản có trong câu nói dân gian “Nhát gan như sứa!". Điều ấy có nghĩa rằng sứa thân mềm, không có gan, có phổi….   không có “lục phủ ngũ tạng”, cũng không có vị tanh như các sinh vật khác sinh sống ở biển.

Cách chế biến món gỏi Sứa cũng dễ. Khi chúng được mua ở chợ về, đầu tiên là gọt bỏ lớp vỏ ngoài “nham nhám” của thân sứa, xong rửa sạch để ráo nước, đây là việc quan trọng của tất cả món ăn. Làm món gỏi sứa cũng nên không vội vàng, đó là trước khi sứa được thái nhỏ nên lấy một ít lá ổi xắt nhỏ, rồi ngâm với chúng khoảng 2 tiếng đồng hồ. Công đoạn này mục đích làm cho sứa được săn lại và dai.

Còn gia vị cần để làm một món sứa ngon lành cũng dễ dàng, tất cả đều thấy trên ngăn bếp của những bà nội trợ như: tỏi ớt, gừng, bọt ngọt… và nước cốt chanh. 

Làm món gỏi sứa trộn ta chuẩn bị thêm một số “rau rác” như : Cải bẹ xanh, chuối chát được thái sợi nhỏ (Hoặc trái vả), cùng các loại sau thơm như rau húng, rau thơm, rau răm v.v.v cũng được thái nhỏ vắt chặt cho ráo . 

Gỏi sứa phải cần có tôm tươi và thịt heo luộc. Tôm chỉ cần loại lớn vừa, một lạng khoảng 13, 14 con là được. Tôm luộc chín bóc vỏ, còn thịt heo ba chỉ luộc cho vừa chín tới rồi thái thật mỏng. 

Tất cả đã sẵn sàng, chúng ta trộn đều các nguyên liệu này vào sứa, khi chúng đã được vắt khô ráo nước. 

Khi múc ra đĩa, rắc đậu phụng rang. Món này xưa kia được ăn cùng với bánh tráng nướng, nhưng ngày nay người ta ăn cùng chung với bánh phồng tôm cũng  vô cùng thú vị. 

Vậy là chúng ta có một món ăn dân dã ít tốn kém so với “sơn hào hải vị”. Khi ăn bạn sẽ “nghe” từ trong lưỡi vị mặn của nước mắm ngon, vị chua của nước cốt chanh, vị cay the của ớt và gừng hòa lẫn như hối thúc người ăn phải thưởng thức món này thật no nê.
Andi Nguyễn Ánh Nhật

MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐÊM GẶP MẶT


                      Khách mời đặc biệt Tí Nị và Lâm Mạn Ngọc!

























-->Đọc thêm...

21 tháng 11, 2013

CƠM GÀ TAM KỲ !




Hôm qua, nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi được Đức Huy, ông xã của bạn Kiều Ngân mời đi ăn bửa cơm thân mật: “Cơm gà Tam Kỳ” ở quán Hạnh nằm trên đường Tôn Đức Thắng – Tam Kỳ để chúc mừng cô giáo Kiều Ngân. Đây là quán cơm gà nổi tiếng của đất này.

Là một “Tín đồ ăn uống” nên tôi có thể nói về món ăn ở mọi miền đất nước từ sáng đến chiều vẫn…..không chán. Nhưng khi đặt bút viết chẳng biết kể sao đây. Như nhà văn Thạch Lam chỉ về gia vị của món phở thôi, nhưng ông ta rất giỏi trong việc nắm bắt và miêu tả những cảm giác tinh vi, rất mong manh hư thoảng của sự sống thiên thiên và sự sống con người, ông đã viết: “Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm ngát, lại điểm thêm một chút cà cuống thoảng nhẹ như một nghi ngờ….”.  

Vậy đó, đọc áng văn trên, ai cũng có thể nghĩ tiếng mẹ Việt Nam chỉ có thể đẹp đến thế là cùng!.  

Còn “Cơm gà Tam Kỳ” là món ăn vô cùng ngon, ai đó chỉ cần thưởng thức một lần là nhớ mãi không thôi, vậy nên dù có bất lực với chữ nghĩa tôi cũng cố “khắc họa” một món ăn mà tôi mới dùng hôm qua.


                                                 Cùng nhau đi ăn!
Vào một quán ăn bất kỳ ở mọi miền đất nước, gọi món cơm gà thì nơi nào chả có, vì món ăn đơn giản và dễ làm! Nhưng nói đến “Cơm gà Tam Kỳ” thì không thể có nơi nào có thể bắt chước được. Bởi lẽ, tất cả cái “tinh túy” của đĩa “Cơm gà Tam Kỳ” đều nằm trong từng hạt cơm, từng miếng gà xé, từng miếng “húp” nước Nhưng, hay từng cọng ngò xứ Quảng v.v.v. 

Thử hỏi thành phố Đà Nẵng cách Tam Kỳ 70 km hay Phố cổ Hội An cách nơi đây chưa đầy 50 Km và lại cùng chung dân Quảng, nhưng hàng quán vẫn “chịu thua”, bởi không thể nấu được một đĩa cơm “Cơm gà Tam Kỳ” như là….. muôn thuở!.Hoặc giả, như tôi biết Sài Gòn là “thủ đô ẩm thực”, ở chốn phồn hoa này thứ gì cũng có, cũng ngon và quang trọng hơn là các món ăn ở đây vẫn giữ được hương vị của mỗi miền. Vậy mà những quán “Cơm gà Tam Kỳ” nằm ở đường Chu Văn An, ở bến xe miền Đông (Bình Thạnh), 114 Trần Quang Khải, Tân Định, hay “Cơm gà Tam Kỳ” nằm ở đường Hưng Đạo Vương (Biên Hòa) hương vị vẫn không bao giờ bằng nơi đã sinh ra món này – TAM KỲ - QUẢNG NAM chắc cũng còn nhiều nhẽ....

                                       Với Đức Huy - Ông xã Kiều Ngân

Đã có lần một người bạn từ Sài Gòn ra chơi, tôi mới đề nghị đãi khách một món ăn độc đáo, đặc sản quê hương: …… “Cơm gà Tam Kỳ”. Nghe vậy, người bạn như cười ruồi: “Tưởng gì, cơm gà ở đâu chẳng có! Toàn quốc đều có!”. Đúng! Cơm gà ở đâu chẳng có, nhưng khắp mọi nơi đó món là cơm trắng với gà luộc, hoặc cơm với gà chiên, gà kho gừng, gà lá chanh hay gà kho sả ớt v.v.v. Còn nói về “Cơm gà Tam Kỳ” đây là một món ăn ngon, độc quyền, dù nhìn rất dân dã nhưng sẽ  lạ lẫm đối với những người lần đầu tiên thưởng thức. Cũng phải nói thêm rằng không chỉ như bạn tôi, nếu có một du khách bất cứ nơi nào mới đặt chân đến Tam Kỳ, rồi khi được ăn một đĩa “Cơm gà Tam Kỳ” cũng phải thốt lên rằng : “Ngạc nhiên chưa!?”

Cơm gà Tam Kỳ! Ngoài những quán danh tiếng như “cơm gà bà Luận”, “cơm gà bà Tam Duyên” nằm trên đường Phan Chu Trinh , hay “cơm gà bà Hạnh” ở đường Tôn Đức Thắng v.v.v. Những quán này đều có bí quyết riêng trong nghề nghiệp của họ. Nhưng không phải thế mà không khẳng định đây là món “sở hữu toàn dân” của người Tam Kỳ, bởi ở nơi đây ai ai cũng biết nấu món này. Bởi “công nghệ” làm ra món ăn này thật ra cũng không có gì cầu kỳ như món “Cơm hến”, “cơm Cung đình”, “Cơm muối” của Huế hay “Cơm Lam” của nhiều vùng miền núi của Việt nam chúng ta.


Nấu “cơm gà Tam Kỳ” trước tiên là khâu chọn gạo, đó là những loại gạo “chim rơi” ít nở, thon dài, thơm. Phải vo gạo thật sạch vài ba lần mới xong! Gạo vo để cho ráo nước, tiếp đến là chiên gạo với một ít bột nghệ cho hạt gạo vừa săn, vừa có màu vàng sáng. Nếu chiên bằng dầu đậu phông chính gốc thì còn gì ngon hơn! Đối với gà thì việc chọn lựa gà là số một. Ngoài câu dân gian : “Gà đen chân trắng mẹ mắng cũng mua, Gà trắng chân chì mua chi thứ ấy ” mà còn phải lựa những chú gà tơ, không ăn loại thức ăn “công thức”, là những chú gà luôn luôn “chạy bộ” kiếm ăn thì thịt mới dai và mùi thơm nức….

Việc chọn gà đã xong, việc luộc gà cũng là “nghệ thuật”, luộc sao cho gà vừa chín tới thịt không nhão và da vàng tươi. Luộc xong, vớt ra khỏi nồi nước nóng là đưa liền vào nồi nước lạnh đã đun sôi để nguội, công đoạn này làm cho thịt gà săn lại. và da vàng lâu. Một ít nước dùng để nấu “nước Nhưn”, phần còn lại dùng vào cho việc nấu cơm. Nếu “tinh túy” của món “Cơm hến Huế” là những cây Bạc Hà được thái tỉ mỉ thành những sợi như tăm, hay rau ngũ rau thơm được thái nhỏ, thì “tinh hoa” của “Cơm gà Tam Kỳ” nằm trong từng hạt cơm là không nở, không ướt và không bám lấy nhau, và từng múi thịt gà xé thành miếng nhỏ, bỏ xương trộn lẫn với rau răm.

Còn nữa, nếu nấu món “Cơm gà Tam Kỳ” lại thiếu món xào lòng gà với nấm mèo, cà rốt, su su là điều thiếu sót, tất nhiên sẽ mất đi hơn tám mươi phần trăm đặc sản “Cơm gà Tam Kỳ” là cái chắc!. Cũng thật là đơn giản, lòng gà được thái nhỏ ướp hành tỏi, gia vị khoảng chừng 15 phút. Còn nấm mèo và một số củ quả như Cà rốt, khoai tây, su su v.v.v đều thái hình hạt lựu, tất cả “xào xáo” với nhau thành món ăn thơm phức.

Sự hấp dẫn và ngon của “Cơm gà Tam Kỳ” còn ở chỗ nét trang trí sao cho thật đẹp. Cơm được múc ra vừa vặn trên đĩa, thịt gà bóp với rau răm dù có ít hay nhiều cũng sắp xếp sao cho bắt mắt. Cơm vàng, thịt gà trắng, rau răm xanh, món xào lòng gà hơi đỏ cộng thêm một vài cọng ngò tươi, vài lát cà chua, dưa leo điểm xuyết, nhìn có khác chi là một bức tranh tuyệt mỹ, thế mới gọi là ngon!

                                            Với gia đình Kiều Ngân.

Ăn với món “Cơm gà Tam Kỳ” cần phải kèm theo tương ớt Miền Trung, như loại tương ớt Triều Phát, Hội An mới thấy cái nồng nồng cay cay đặc trưng chẳng nơi nào có được. Còn thêm điều này nữa với “Cơm gà Tam Kỳ” nước nêm cho vừa ăn chỉ là một loại nước Tương của cách nói Miền Nam, còn Miền Trung là xì dầu mới là đúng “gu”!

Tóm lại, có thể nói “cơm gà Tam Kỳ” là món ăn “độc đáo”, ngon, bổ khỏe và chỉ cần một lần ăn thử lại ghiền như một loại rượu ở trong câu thơ đã truyền tụng bao đời nay :

“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng đào chưa nhấm đã say!”

Andi Nguyễn Ánh Nhật
-->Đọc thêm...

16 tháng 11, 2013

Những chuyến ngao du . (Kỳ 15 - ĐÔI MẮT PLEIKU!)



Tiếp theo kỳ 14 :

Quê hương Quảng Nam là đất mẹ đã cho tôi niềm tin. Sài Gòn, Biên Hòa hơn hai mươi năm qua đã cho tôi cách sống chung với nhiều người có những niềm tin khác với mình. Còn những nơi khác tôi từng đến, sự quyến rũ của mỗi nơi, mỗi chốn đã cho tôi sự giao thoa tự nhiên, giàu về kiến thức và ý tưởng cũng như thêm sự từng trải với đời. 

Tôi đã nhiều lần đến với Tây Nguyên, tôi đã thấy, đã cảm nhận, đã nghĩ những điều hay, nét đẹp của nơi đây. Vậy mà đến khi ngồi vào bàn viết, trước mặt tôi trang giấy như là một pháp trường trắng, tiêu đề đã có mà vẫn lo, vì sợ không phát họa được những gì miền đất Tây Nguyên đang có: Con người hài hòa, thành phố đẹp và núi rừng hùng vĩ, cũng như sự thanh thoát, nhẹ nhàng của từng con phố núi, nếu có lặng thinh nhưng đó vẫn là thứ dễ chịu nhất trong lòng tôi.

Tôi đã yêu Tây Nguyên! Có thể ai đó sẽ cho tôi đã quá lời. Xin thông cảm, bởi tôi thật sự yêu mảnh đất luôn ẩn tàng nhiều điều thú vị và yêu con người nơi đây như lỡ yêu một cô gái mà mọi điều không thể cưỡng. Mà tình yêu luôn là điều đẹp nhất trên đời.
Andi Nguyễn Ánh Nhật
 

KON TUM HẸN NGÀY GẶP LẠI

Đời sống thì dài, nhưng Kon Tum lướt qua chúng tôi chỉ hai, ba ngày ngắn ngủi, nên tất nhiên còn nhiều điều tiếc nuối. Thời gian chỉ có vậy, chúng tôi không thể đi tham quan những vùng, những khu du lịch nổi tiếng nơi đây như: Ngục Kon Tum, Tòa Giám mục, các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu du lịch sinh thái, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, cũng như di chỉ khảo cổ học Lung Leng, lòng hồ v.v.v . Vì chương trình đi lên thăm Tây Nguyên đã lên lịch từ lúc ở nhà, không gì khác hơn, chúng tôi đành phải chuẩn bị hành trang để sáng ngày hôm sau lên đường về thành phố núi Pleiku.

Sáng sớm, chúng tôi ra đường Phan Đình Phùng - Kon Tum, chỉ một cái vẫy tay, chiếc xe khách lạ hoắc chạy tuyến đường Bắc – Nam, lem lấm bên ngoài len bùn, len đất, đổ xịch. Chúng tôi nhảy lên xe, xuôi theo đường quốc lộ 14 về thành phố núi Pleiku.

Chiếc xe chạy qua chiếc cầu bắt ngang qua dòng sông Đăk Bla rộng lớn. Từ trên cao nhìn xuống, mực nước đang mùa khô cạn nhưng dòng sông vẫn còn biếc xanh, uốn lượn bao bọc quanh thành phố Kon Tum thật đẹp. Dòng sông Đăk Bla lừng lẫy, kiêu hãnh mà tôi vẫn ngưỡng mộ trong "Đất nước đứng lên" của Nguyên Ngọc. Khi tạm biệt thành phố, dòng sông, trong tôi dâng lên một xúc cảm khó tả. Hình như những gì kì vĩ cũng đều giản dị và thật gần gũi. Tạm biệt Kon Tum, tôi muốn nhắn gởi bạn bè thân quen của mình nơi thành phố này treo dùm tôi status “Kon Tum hẹn ngày gặp lại!”.


QUỐC LỘ 14: CON ĐƯỜNG ĐAU KHỔ

Ngồi trên chiếc xe khách chạy đường dài từ ngoài Bắc vào Nam, bỗng nhiên lịch sử con đường quốc lộ 14 lại hiện về trong ký ức, hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong đi phá núi mở đường năm xưa, hình ảnh "Nếu phải đi trở lại, tôi lại đi đường này. Gặp mùi cỏ cháy suốt thời trai" của Hoàng Nhuận Cầm trong bộ phim tư liệu "Mùi cỏ cháy", mọi thứ như bám lấy tôi. Một mét đường có được hôm nay, lịch sử đã ghi nhận, quân và dân ta phải đổi biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Vậy mà hiện nay hình ảnh con đường quốc lộ 14 trông thật là thảm hại.

Đường quá xấu, sáng sớm, sương mù quấn quýt những chiếc xe nối đuôi nhau nhích từng chút một, trông giống như những chiến xa của bộ đội giải phóng năm xưa (1975) đổ về Tây Nguyên “bức tử” Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Khi ấy Tây Nguyên bị “điểm đúng huyệt”, hơn 15 nghìn tàn quân của chế độ Sài Gòn ở đây buộc phải chạy theo con đường quốc lộ 14 để rẽ qua quốc lộ 25, quốc lộ 19 rút quân xuống đồng bằng. Trong cuộc tháo chạy hoảng loạn này, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa đã ép hàng nghìn đồng bào Tây Nguyên di tản. Đã 38 năm rồi, nhưng người dân Tây Nguyên vẫn chưa quên được lịch sử của con đường quốc lộ 14 trong những ngày hè đỏ lửa đau thương…


Nhớ những năm đầu thông tuyến, con đường này thật là thông thoáng, xuyên qua nhiều khu rừng già bên sườn Đông Trường Sơn. Người người đánh giá là tuyến lý tưởng cho hành trình Bắc-Nam và đã chọn đi, nhất là trong mùa mưa lũ, để trách đoạn qua miền Trung. Vậy mà mấy năm nay, phương tiện truyền thông thường xuyên phản ánh chất lượng đường đã xấu, xuống cấp, lại thi công kéo dài dở dang. Thế nhưng mọi điều “vũ như cẩn” (vẫn như cũ) trong khi đây vốn là những cung đường  phức tạp do có nhiều chủng loại phương tiện tham gia giao thông. Anh tài xế chở chúng tôi đi than vãn, trong 30 năm kinh nghiệm lái xe, anh không sợ đèo cao, dốc đứng, mà chỉ sợ những cung đường như thế này, chỉ cần sơ sẩy là tai nạn có thể xảy ra. Đoạn đường chúng tôi đi từ Kon Tum sang Pleiku chỉ 50 km, nhưng cũng có hết hơn 30 km “mặt đường như mặt trận năm 75”, vụn nát. Một tiềm ẩn tai nạn giao thông sẽ đến lúc nào chẳng hay, bởi tôi mỏi mắt nhìn nhiều đoạn đường đang thi công dang dỡ mà vẫn không thấy biển bảng cảnh báo, hướng dẫn phân luồng cũng như lực lượng tham gia điều phối giao thông. Trong khi xe công nông, xe chở nông sản và cả xe máy của những thanh niên là người dân tộc bản địa "phóng nhanh vượt ẩu", không tuân thủ Luật Giao thông, rồi có khi lại “đua” với các xe loại lớn như chúng tôi đang đi.

Chiếc xe khách chúng tôi chạy cứ lắc lư liên tục, có khi phải gầm rú ga mới có thể vượt qua liên tiếp những đoạn hư hỏng, nát tan, tôi cũng phải nhổm người lên, gồng mình chịu trận. Nhìn DH, người đồng hành với tôi trông “mềm” như là con bún. Tôi nghĩ giá cứ điệp khúc những dốc cua tay áo, hay núi cao, vực sâu như hôm chúng tôi leo đèo Violac thì chắc có lẽ cố ấy cũng sẽ khỏe hơn nhiều.

Thông tin truyền thông báo động thực trạng này đã khá lâu, song chưa được giải quyết dứt điểm, nghe nói do các dự án đang thiếu vốn trầm trọng (?). Tây Nguyên là khu vực kinh tế giàu tiềm năng, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, trong khi mức sống người dân còn thấp, nên từ năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch-Đầu tư  xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng Tây Nguyên. Vậy không biết phải cần thêm một “cây đũa thần” nào đây để giải quyết dứt điểm cảnh dang dở, xuống cấp trầm trọng này?- Tôi một thoáng băn khoăng.


Đi trên đường bụi mị mù khủng khiếp, nhìn nhà của người dân hai bên lem luốc đất đường bám dính, tôi vẫn nhận ra đó là những buôn làng trù phú, những thị trấn, thị tứ sầm uất nối tiếp nhau. Chúng tôi đi giữa màu xanh bạt ngàn của cà phê, lúa, bắp, hồ tiêu tương phản với đường sá hiện nay quá xuống cấp. Và cũng chính màu xanh này đã làm cho chúng tôi vơi bớt những xa xót trong lòng. Núi rừng Tây Nguyên không chỉ là trùng điệp hùng vĩ với những huyền thoại, những giá trị bản sắc văn hóa điệp trùng mà nay còn có cả tiếng thở dài, nặng trĩu……

Nhìn bộ mặt Tây Nguyên ngày nay, chắc tôi sẽ thực sự khâm phục và kính nể khi một ai đó là nhà báo, nhà văn đến với Tây Nguyên và đi trên con đường quốc lộ 14 này, không bị mờ mắt trước cái lạ, cái đẹp của Tây Nguyên mà dấn thân vào cuộc đấu tranh quyết liệt, để bảo vệ Tây Nguyên nguyên vẹn, cũng như phản ánh, thúc giục mọi thứ để ngày càng tốt đẹp hơn. Còn các cấp Ðảng và Nhà nước cần có những quyết định, cũng như chính sách ưu tiên để phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào Tây Nguyên. 


MỘT GÓC NHÌN VĂN HÓA TÂY NGUYÊN

Đường về thành phố núi, lâu lâu trôi qua cửa xe chúng tôi là những chiếc cổng sắt cao có dòng chữ “Làng Văn Hóa”, đã làm tôi hơi ngỡ và buộc mình suy nghĩ, sao cụm từ này lại giống ở miền xuôi?. Bởi xưa nay nói đến Tây Nguyên, người ta thường hay nghĩ đến cái buôn của người Ê-Đê, Mơ- Nông, hay vùng của người Bahnar, Jrai v.v.v mới đúng. Thì ra điều tôi bâng khuâng ấy là một khái niệm mới của nông thôn Tây Nguyên ngày nay, họ là một cộng đồng dân tộc khác nhau, là quần cư với nhiều khác biệt, nay đã trở thành một cộng đồng thống nhất, thành đồng bào hòa trộn máu huyết sau chiếc cổng “Làng Văn Hóa” ấy. Vùng đất Tây Nguyên ngày xưa dân cư thưa thớt, đến sau năm 1975 mới bắt đầu những cuộc di dân từ miền Trung lên, từ miền Bắc vào, chính “dân ngụ, dân lậu” đã thực hiện thành công việc cộng cư với dân bản địa, phần nhiều là dân tộc thiểu số mà không cần bất cứ sự thôn tính bạo lực nào. Tôi nghĩ đây có lẽ là ý của riêng tôi, “Làng Văn Hóa” hiện nay ở Tây Nguyên cuộc sống sung vui, hòa hợp cũng chính nhờ người dân bản địa ở đây, họ chứ không ai khác, họ đã chấp nhận và bảo trợ những “di dân tự do”, đã chia đất và nguồn nước, rồi khi tối lửa tắt đèn có nhau. Đó là bản tính tốt của người Tây Nguyên bản địa. Nay sau chiếc cổng “Làng Văn Hóa” là một nếp sống mới cộng đồng, hưởng thụ được chia đều, nhưng đến lúc khó khăn thì  hạt muối cắn đôi. Tây Nguyên mãi mãi là nơi cư ngụ của tình yêu, chứ không phải hận thù trong lịch sử hình thành và phát triển hơn một trăm năm nay.

ĐÔI MẮT PLEIKU!

Đến hết địa phận huyện Chư Păh, xe chúng tôi chạy chậm trên đường Phạm Văn Đồng cũng là quốc lộ 14 để vào thành phố Pleiku. Như thế chỉ còn vài km nữa là đến ngã ba Hoa Lư nơi có người thân của chúng tôi đang chờ đón. Khi chúng tôi đến đường Tô Vĩnh Diện, nhìn quang cảnh nhà dân đang sinh sống dọc hai bên con đường mang tên vị anh hùng cứu pháo, là thung lũng rộng lớn, khó có thể hình dung ra là họ đang sinh sống trên một ngọn núi lửa như lịch sử  Pleiku ngày nay được hình thành trên tàn tích của 15 ngọn núi lửa (có tài liệu ghi là 30, đã tắt cách đây chừng trên dưới 10.000 năm).

Chưa đi về thẳng nhà, chiếc xe 4 chỗ ngồi của người thân đưa chúng tôi chạy một vòng quanh thành phố. Theo quan sát của tôi, có lẽ điểm nhấn lãng mạn của thành phố núi Pleiku này là những con đường đồi dốc. Tôi đã đến đây nhiều lần nên bảo DH hãy quan sát kỹ, những khu vực hõm và tròn nằm rải rác trong thành phố đó có thể là một vết tích còn lại của một miệng núi lửa xưa kia. Nếu như mấy ngày trước tôi được chiêm ngưỡng thành phố Kon Tum, dịu dàng, đằm thắm khi màng đêm buông xuống với đèn điện và sao trời hòa trộn, thì nay Pleiku lại hiện ra trước mắt tôi rực rỡ dưới nắng vàng gần về ngọ. 


Trong lần tôi đi tìm hiểu, vì sao có tên gọi Pleiku, thì có một bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân trên một tờ báo, đã đưa ra căn cứ  một giả thuyết về cái tên “Pleiku” thuyết phục : “Trong tài liệu thư tịch, tại Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 4-7-1905, Plei-Kou đã xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản, với nội dung: Đem vùng miền núi phía Tây tỉnh Bình Định thành lập một tỉnh tự trị, lấy tên là Plei-Kou-Derr”.

Phân tích cách viết tên “Plei-Kou-Derr” và tên “Pleiku” ngày nay là cách viết được biến đổi từ cách viết  “Plei-Kou”. Còn cái đuôi “Derr”, tra từ điển Pháp-Việt, không có từ “Derr”. Như vậy, “Derr” ở đây chính là một yếu tố của từ tiếng Jrai. Cái tên “Plei-Kou-Derr” có thể đây chính là từ “Plơi Kơdưr” được phiên tự theo cách viết tiếng Pháp.

Xưa kia Pleiku là một thị xã nhỏ, nằm trên độ cao gần 1 ngàn mét so với mặt nước biển, được hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ bao quanh, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm chỉ dao động ở mức từ 21-25oC. Những năm tháng chiến tranh, Pleiku bị tổn thất khá nhiều, vậy mà ngày nay đã là một thành phố rộng hơn 26.166,36 ha với gần 214.710 người sinh sống. Nhà cửa, đường phố khang trang, đẹp nhiều hơn tôi tưởng. Quả là xứng đáng khi TP vừa được Chính phủ ký quyết định công nhận là đô thị loại II. Dẫu cũng còn một vài tiêu chí chưa đạt chuẩn, nhưng chắc chắn trong tương lai không xa, thành phố trẻ này sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa.
 

Mượn chiếc xe Honda của người thân, chúng tôi đèo nhau thả hồn trên phố. Con đường phố núi cứ nhấp nhô dốc. Từ trên đỉnh nhìn xuống thung lũng phía xa kia là những mái nhà chen trong tầm mắt. Với tôi thành phố Pleiku đẹp nhất vào buổi chiều. Phố núi có sự tĩnh mịch của phố, những dãy phố trong những khu mới phát triển im ắng đẹp đến nao lòng. Nhưng sẽ thiếu sót nếu chúng tôi không đến thăm Công Trường Đại Đoàn Kết mang một tinh thần Tây Nguyên, nằm trong lòng thành phố được xây dựng và hoàn thành vào cuối năm 2012. Một chiều lảng bảng nắng, chúng tôi đứng trước tượng đài Chủ Tịch Hồ Chí Minh được đặt ngay tại quảng trường bằng tấm lòng thành kính. Nhiều người tham quan như chúng tôi đều lặng yên trước tác phẩm điêu khắc cao 10,8 mét bằng đồng nguyên chất, đứng trên bệ bê tông đá quý. Bác đứng đó giữa bầu trời Tây Nguyên với dáng vẻ uy nghi nhưng thật dung dị, tay phải giơ cao trong tư thế vẫy chào. Phía sau tượng Bác là dãy phù điêu bằng đá uốn cong như vòng Xoan Tây Nguyên bất tận với những hình ảnh được chạm khắc tinh tế về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu của đồng bào nơi đây. Đó cũng là hình ảnh gần gũi, thân thương của vị Cha già dân tộc Việt Nam với con cháu các dân tộc Tây Nguyên. Tại quảng trường này, tôi gặp một du khách đi từ Hà Nội vào tham quan. Anh ta cho biết địa điểm đầu tiên anh đặt chân tham quan tại TP Pleiku chính là quảng trường Đại Đoàn Kết. Anh  chia sẻ: “Pleiku có một bức tượng Bác Hồ rất lớn. Tôi đã được nhìn thấy rất nhiều tượng Bác Hồ tại Việt Nam nhưng chưa có nơi nào có bức tượng Bác Hồ hoành tráng và làm bằng chất liệu quý đến vậy”. 


Một buổi chiều đầu đông, trời trong, mây xanh, gió se se mát, chúng tôi lòng vòng trong lòng thành phố dưới nắng vàng như rót mật. Một cảm giác say mê ngay lập tức len nhẹ trong lòng khi tôi thấy những cô con gái Pleiku má hồng như nỗi nhớ. Sực nhớ một bài thơ thật hay của Nguyên Đỗ viết về thành phố Pleiku:
“Ôi ánh mắt người Pleiku có khác
Nhiều suy tư, đằm thắm, chứa chan ghê
Anh nhìn theo, thoáng thoáng muốn theo về
Mưa tháng Sáu, có chớp loè sấm sét

Ôi ánh mắt người Pleiku tha thiết
Cửa hồn mơ mây trắng Hàm Rồng xưa
Trường Pleiku, Minh Đức, dáng Bồ Đề
Áo dài trắng màu tranh thanh thiếu nữ”

Tôi không thể làm được thơ, nhưng trong khung cảnh y như thể “Phố núi cao, phố núi trời gần. Phố xá không xa, phố núi tình thân” mà không có một ly rượu vui với bạn bè thì chẳng còn gì ý nghĩa cho một đêm Tây nguyên, có khi còn lại chán cho mớ đời ngược xuôi. Nhưng may thay, chúng tôi đã có một cuộc hẹn với đầy đủ các bạn bè học cùng trường Đại học khi xưa tại nhà hàng Cao Nguyên, nằm trên đường Phan Đình Phùng. Họ là những người đang sinh sống và làm việc nơi đây, là những người bạn mà chúng tôi chưa gặp lại một lần sau hơn 20 năm dài dăng dẳng……

Nắng chiều khuất dần trên đỉnh núi xa xa, chúng tôi bắt đầu đi đến nhà hàng đã hẹn……
(Còn tiếp – Kỳ 16 – TRI ÂM KHÔNG LÀ ĐÓ ĐÂY!)
Andi Nguyễn Ánh Nhật.

-->Đọc thêm...

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC