30 tháng 7, 2013

Thưa gởi ngài DAVID McCOLLOUGH!


David McCollough Jr với bài diễn văn gây sốc
Thưa các bạn gần xa, kỳ thi Đại học và Cao đẳng 2013 đã kết thúc và đang có kết quả. Tôi là phụ huynh không đi thi, nhưng thực tế tôi đã bị áp lực nhiều, bởi thi vào Đại học thời nay sao khắc nghiệt quá, không giống ngày xưa
Lời đầu tiên, tôi xin gởi cảm ơn đến tất cả bạn bè gần xa đã từng chia sẻ tôi và động viên con trai GIA BẢO trong kỳ thi vừa qua. Và cũng chính nhờ động lực này, con trai GIA BẢO đã chính thức là Tân sinh viên khoa Cơ – Điện tử trường ĐẠI HỌC BÁCH KHOA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH. Một niềm vui đến với tôi hơn mọi niềm vui!
Trong kỳ thi qua tôi đã viết: “Thơ với mùa thi”, “Lướt sóng cùng mùa thi”, “Thư gởi con Trai” ... Nay lần dở lại trên mạng, tôi đã đọc được một bài phát biểu của ngài David McCollough trong lễ tốt nghiệp của các học sinh lớp 12 Trường trung học Wellesley High ở bang Massachusetts (Mỹ) đã đánh động dư luận xôn xao. Mời các bạn xem ở địa chỉ: 
Và đây bức thư tôi gởi lại cho ngài David McCollough kính mến của tôi. 
                                                                                            Thân! 
                                                                    Andi Nguyễn Ánh Nhật
                 Bài phát biểu của Ngài David McCollough
Tôi là một công dân Việt Nam, vinh dự thay, đây là một Châu lục được cả thế giới gọi là vùng “đang trỗi dậy”, còn ngài quả là một người hạnh phúc hơn tôi vì đang sinh sống ở một lục địa “Thế giới mới”, một nơi mà ai ai cũng ao ước được sống trên mảnh đất ấy như ngài.
Qua sử sách đã ghi, tôi biết lục địa của ngài từ xa xưa được Christopher Columbus phát hiện ra hồi thế kỷ 15, là vùng đất hoang sơ nhưng tươi đẹp và nhiều hứa hẹn. Còn riêng đất nước Mỹ của ngài cho đến bây giờ đã bình yên được suốt mấy trăm năm, và mọi công dân luôn tự hào bởi một “Tuyên ngôn độc lập” nổi tiếng năm 1776. Ở đó quyền con người và quyền công dân được chính thức công bố trước toàn thể nhân loại và được đề cao như một sự thách thức đối với chế độ thực dân cũng như chế độ quân chủ chuyên chế đang thống trị “hoành hành” khắp lục địa Bắc Mỹ và Châu Âu lúc ấy. Và tôi cũng chưa được biết cha ông của ngài thuộc dòng người di dân nào đến với nước Mỹ, như họ đã góp được gì cho quá trình phát triển và hình thành nên một cộng đồng như nước Mỹ hôm nay – Vô cùng tiến bộ, năng động và đa dạng nền văn hóa  
Ngài David McCollough thân mến! Tôi đã mang dòng máu đỏ da vàng và rất tự hào, tự tôn dân tộc chúng tôi. Thưa ngài, bài học lịch sử đầu tiên tôi đã học và dân tộc tôi ai cũng tự hào truyền thuyết đậm chất sử thi “Lạc Long Quân và Âu Cơ”- Truyện kể trăm trứng nở trăm con để rồi năm mươi con xuống biển, năm mươi con lên rừng… (!), và lịch sử đất nước chúng tôi có ngàn năm dựng nước và giữ nước...
Thưa ngài David McCollough! Từ ngày hòa bình lập lại và thống nhất nước nhà năm 1975, con em chúng tôi đều được học hành dưới mái trường XHCN và ngay từ bài học vở lòng chúng đã phải ê a học thuộc: “Đất nước ta giàu có, có rừng vàng, biển bạc….”. Rồi hàng năm con em chúng tôi luôn được tiếp thu cái mới, cái thường xuyên được gọi là “Cải cách giáo dục”. Và cho đến nay chúng tôi đã thấy điều “hiệu quả” nhất của việc “Cải cách giáo dục” là mỗi năm học theo cấp độ lớn hơn, con em chúng tôi phải mang sách vở đến trường mỗi ngày nhiều thêm!?. Ngài David McCollough có biết, dân tộc Việt Nam tôi xưa nay có truyền thống nhẫn nại và chịu đựng, nên những chiếc cặp thật nhiều sách vở và nặng đến tưởng chừng như còng lưng, gãy cổ, nhưng con em chúng tôi vẫn thong thả như….. “giọt đàn bầu !”….

 
Con em chúng tôi "oằn lưng" vác cặp mỗi ngày 
Ngài David quý mến! Dân tộc tôi từ xưa đến nay còn có truyền thống hiếu học và đã có nhiều con em đã đạt nhiều giải thưởng lớn trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Như ngài đã biết những Lê Bá Khánh Trình, Lệ Tự Quốc Thắng hay Trần Nam Dũng đã từng “làm mưa, làm gió” trong những kỳ thi toán học quốc tế. Dân tộc tôi đã sản sinh ra những người con “văn võ song toàn”, anh hùng trong mặt trận chống giặc ngoại xâm và thông minh trên mặt trận văn hóa. Và nền giáo dục của đất nước chúng tôi rất ưu việt, luôn luôn lấy “Tiên học lể, hậu học văn” làm nền tảng cho cả hệ thống giáo dục, làm kim chỉ nam, làm sợi chỉ xuyên suốt trong quá trình học tập của mọi người....
Thưa ngài! Nhiều người cho rằng bài phát biểu của ngài trong lễ tốt nghiệp của các học sinh lớp 12 Trường trung học Wellesley High ở bang Massachusetts (Mỹ) đã qua thực sự là sốc, là khác thường, là vân vân và vân vân.... Nhưng đối với tôi, ngài không có gì gọi là khác thường, bởi ngài đã được sống và làm việc trong một đất nước tự do và dân chủ, ở đó ngài có thể nói những gì ngài muốn nói. Ngài được dân chủ, thẳng thắn trong việc dựng xây cho một nền giáo dục hữu ích. Hơn nữa, ngài có một điều rất “lợi thế” là xung quanh ngài có rất nhiều người “uy quyền” nhưng họ đã “luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu”…  
Thưa ngài, tôi đồng ý lời phát biểu của ngài: “Các em được người lớn ngợi khen đến tận trời xanh, được gọi là cục cưng. Đúng vậy đó. Chúng tôi đã ở bên cạnh các em trong các trò chơi, vở kịch, các cuộc biểu diễn âm nhạc, hội chợ khoa học. ..”. Bởi cũng như ở đất nước tôi, Hồ Chủ Tịch từng dạy “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Đó là quyền sống, quyền hưởng thụ của một thế hệ tương lai đất nước, ở đó các em được tất cả những gì mà các em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Các em không chỉ là người tiếp nhận thụ động lòng nhân từ, bảo che của người lớn, mà các em là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển, ngoài học hành các em được vui chơi và giải trí…..
Nhưng thưa ngài, mỗi mùa hè hàng năm, tôi đã nhìn thấy nhan nhản hàng ngàn con em ở những đất nước tiến bộ như nước Mỹ của ngài đã sang đất nước hình chữ S chúng tôi để thư giãn, du lịch cho một mùa hè bổ ích. Còn con em chúng tôi phải vùi đầu nhồi nhét những kiến thức học thêm, “học vẹt”, “học trước” chương trình của năm sau, để bước vào năm học mới học thêm…. lần nữa. Đây là vấn nạn, là hậu quả của sự thiếu trách nhiệm, thiếu triệt để lâu năm của ngành giáo dục Việt Nam, mà toàn xã hội chúng tôi như bó tay và lo sợ cho thế hệ tương lai. Chúng tôi đã báo động, nhưng những người có trách nhiệm vẫn chưa tìm ra lối thoát cho nền giáo dục đang khủng hoảng toàn diện. Nền giáo dục đang duy ý chí, chưa dạy cho con em chúng tôi phải độc lập một tư duy sáng tạo mà chỉ biết nhồi sọ “nhồi qua, nhai lại” như một chú vẹt con.

 
Cõng chữ, trèo non đến trường 
Tôi biết đất nước của ngài trong xã hội, ngoài đời còn tràn ngập nhiều vấn nạn và gương xấu, nhưng trong giáo dục của đất nước ngài ít có tiêu cực hay vấn nạn học hè, học thêm….Nhưng đây ở đất nước tôi “học thêm” lại như một vòng kim cô, là một sức ép tâm lý đang đè nặng lên tâm hồn các con em chúng tôi. Bởi hiện nay thi tuyển đầu vào không cần học giỏi, chỉ cần đi học thêm để “học tủ”, học thuộc lòng những “bộ đề” mà người ta sắp thách đố trong mỗi kỳ thi tuyển.
Ngài David McCollough! Xin thưa với ngài đất nước tôi đã trải qua bao nhiêu đời Bộ trưởng nhưng chưa bao giờ tôi nghe được một câu nói như ngài David kính yêu của tôi: “Xin chào mừng các em đến với cuộc đời thực !”. Đời thực của các em học sinh ở Mỹ ngày nay là gì hỡi ngài David McCollough? Còn đời thực của con em Việt Nam chúng tôi ở ngoài cổng trường là vấn nạn đau đầu. Cả xã hội Việt Nam đang nhức nhối về hàng loạt những vụ bạo lực học đường xảy ra như cơm bữa. Những clip đánh đập với nhau cứ đua nhau lên Youtube.com ngày này sang ngày khác như một bộ phim truyền hình nhiều tập.
Ở nước Mỹ xa xôi, ngài David McCollough có đồng ý với tôi rằng, đó là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục lệch lạc lâu ngày, như một quả bóng căng phồng đã đến lúc phải nổ tung. Và chúng tôi không biết cho đến bao giờ những nhà tâm lý học, xã hội học và những người làm công tác giáo dục Việt Nam phải vào cuộc một cách triệt để tìm ra giải pháp cho vấn đề nan giải này đây!?. Ngài có biết chúng tôi là những bậc phụ huynh hiện nay lo âu rằng, sẽ đến một ngày nào đó phải đau xót cho tình thương yêu bạn bè và giúp đỡ lẫn nhau của con em chúng tôi bị mất hết, rồi có thể điều ấy như là thứ xa xỉ hay chỉ là một thứ viễn mơ trong học đường XHCN.
Còn nữa, ngài có biết rằng ở đất nước tôi, những con em chúng tôi đâu phải như là những học sinh ở trường Wellesley High của ngài, Đó là một nền giáo dục phương Đông mà hàng ngày con em chúng tôi phải chứng kiến và đau khổ biết chừng nào khi những thần tượng của mình sụp đổ. Một nhân vật “Vàng Anh” cùng tên của một bộ phim truyền hình nhiều tâp, được tất cả con em chúng tôi sùng bái và mến mộ, rồi bỗng dưng một clip sex tung lên. Một chú chim Vàng Anh được yêu thích trong câu chuyện cổ tích “Tám Cám” ngày xưa bỗng dưng “chết ngắt” trong lòng con em chúng tôi.
 

Bà TƯNG hết showbiz lại tấn công vào HỌC ĐƯỜNG  
Ngài ạ, nếu Pháp có truyện cô gái Lọ Lem, Đức có Cô Tro Bếp, Trung Quốc có Nàng Diệp Hạn, hay Thái Lan có Con Cá Vàng, còn ở đất nước tôi chú chim Vàng Anh là hình ảnh của một Cô Tấm hiền thảo và tốt bụng. Vậy mà khi Clip “nổi đình nổi đám” ấy tung lên đã làm con em chúng tôi có đứa bỏ ăn, bỏ uống mấy ngày trời, tội nghiệp! 
Hàng ngày con em chúng tôi còn trở thành nạn nhân bởi những chiêu trò tạo ra scandal để nổi tiếng của người lớn. Những bức hình Nude trâng tráo cứ nhan nhản tung lên trên mạng, một Ngọc Quyên như là con châu chấu, Mai Hải Anh như một con bạch tuộc vùng biển Nha Trang hay Ngọc Trinh như là con heo mộng thịt, rồi Thái Nhã Vân “thoát” trong cửa thiền, nay lại bà Tưng mất nết, hư thân lại muốn hăm he "xông" vào học đường của trẻ nhỏ v.v.v làm con em chúng tôi nhiễm bệnh.
Thưa ngài David McCollough! Cả thế giới trước đây đều biết ở đất nước ngài có Tổng thống Abraham Lincoln từng gửi thư đến cho một thầy hiệu trưởng: “Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết; nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với năm đôla nhặt được trên hè phố…”  
Còn đất nước tôi đang có một hệ thống giáo dục với chương trình nhồi nhét….."ưu việt", và các bậc phụ huynh chúng tôi phải chạy trường, chạy điểm theo "phong tào" để con em đến được nơi coi là “có lý” . Người dân chúng tôi ai ai cũng thuộc lòng : “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” của cụ Đồ Chiểu. Nhưng vấn nạn thi cử là của trẻ nhỏ, còn nạn chạy trường chạy lớp là của người lớn hiện nay ở đất nước chúng tôi lại là ……. “chuyện thường ngày ở huyện” và gần như bó tay!. Công luận và truyền thông hàng ngày lên tiếng nhưng mọi căn bệnh trong giáo dục cứ mỗi ngày trầm kha. Nếu kỳ thi tốt nghiệp ở bên đất nước ngài là thật sự có giá trị và ý nghĩa thì đất nước tôi thi cử quả là hài hước, ảnh hưởng nặng nề của căn bệnh thành tích như là muôn thuở không có thuốc chữa.
Với thuốc tây ở đất nước Mỹ của ngài mang sang, con em chúng tôi cũng phải “Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng”, nhưng kết quả thi tốt nghiệp lớp 12 con em chúng tôi chỉ “tư duy đơn giản” là “Không cần đọc và dò kết quả” thật là có một không hai trên thế giới, phải không ngài David? . Và tôi cũng tin chắc ở đất nước của ngài không thể có những “cao trào” và bảng thông báo kiểu này chứ? Mong ngài xem ảnh kế bên mà ngẫm nghĩ….

 

Bảng thông báo ...trời ơi! 
Chắc ngài sẽ lạ lùng và “ngạc nhiên chưa!” về những con số trống rỗng nhưng đầy sức mạnh để người lớn có thể “thăng quan tiến chức”. Tôi nghĩ chính điều này đã giết chết sự trung thực, lòng tự trọng của nhiều con người trẻ tuổi, một thế hệ quyết định đến sự tồn vong của đất nước sau này. Nghĩ về câu “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” của cha ông xưa mà chúng tôi hổ thẹn.
Thưa ngài, nếu như ngài đã nói: “Trước khi các em tỏa đi khắp nơi, tôi kêu gọi các em hãy làm những gì mình yêu thích và tin tưởng. Hãy kháng cự lại sự thỏa mãn nhất thời, vẻ lóng lánh bề ngoài của vật chất, sự tê liệt của lòng tự mãn. Hãy xứng đáng với những lợi thế mà mình có”. Thì ở đất nước chúng tôi, học xong bậc phổ thông trung học, các em học sinh phải đối phó với những vấn đề hóc búa mà xã hội mang đến. Đó là 20 năm trước, nếu sinh viên Việt Nam tốt nghiệp Đại học với tấm bằng cử nhân trong tay, thì đoan chắc có thể tìm được việc làm cho mình thì nay những tấm bằng ấy đã trở nên vô dụng. Ở đất nước tôi có vô số sinh viên ra trường phải đi bán kẹo kéo, phải làm đủ thứ nghề không phải chuyên môn để mưu sinh. Vì sao?
Trước nhất là trường Đại học được mở ra tràn lan, rải rác trên khắp nước Việt thân yêu một cách vô tội vạ, theo tìm hiểu của tôi có đến 186 trường Cao Đẳng, 61 trường Đại học Dân Lập, 21 trường Đại học Địa phương, 23 Học Viện và 86 trường Đại học công lập. Một con số khủng khiếp, nhưng không có chất lượng đào tạo cũng như đầy đủ cơ sở vất chất để dạy và học. Như ngài đã biết qua kênh thông tin, trường Đại học Phan Thiết với quy mô “3 không” : Không giảng đường, không giảng viên, không thiết bị học tập mà cơ sở vật chất được tính đến từng đôi đũa cái chén, rồi đến nồi xoong chảo……Hay Đại học Văn Hiến tồn tại bao nhiêu năm chuyển đổi và di dời đến nay gần như chết yểu v.v.v.


Sự gia tăng con số các trường đại học ở Việt Nam đã khiến việc kiếm một tấm bằng Kỹ Sư hay Cử Nhân thật dễ dàng hơn bao giờ hết. Và một lý do nữa là việc cắt giảm công việc ở trong mỗi công ty trong thời buổi khó khăn chung hiện nay. Do vậy nên ngài cũng thừa hiểu nhiều sinh viên của con em chúng tôi thay vì phải rời trường đại học, cao đẳng để ra làm việc mang lại sản phẩm cho xã hội, họ lại phải tiếp tục học để lấy bằng cao hơn, như một giấy thông hành để mong việc kiếm việc làm sẽ dễ dàng hơn.
Trong điều kiện xã hội chúng tôi hiện nay, nhiều con em giỏi đổ xô vào những ngành hot như Ngân hàng, Sư phạm, Y khoa…., điều này cũng giống như ngài đã nói: “có thể giết chết sự trung thực, sự tự trọng của nhiều con người trẻ tuổi, thế hệ quyết định mọi sự tồn vong của đất nước sau này”. Số còn lại con em chúng tôi là luôn tìm cơ hội để làm việc ở nước ngoài với niềm hy vọng là chen chân được sống ở một xã hội phồn vinh như đất nước ngài. Ngài có biết ở Việt Nam nhiều học sinh ở nông thôn muốn được ra học ở những thành phố lớn như Saigon, Hanoi .v.v.v với hy vọng sau này sẽ được ở lại nơi đây làm việc, hốt bạc và sống cuộc sống tiện nghi. Nhưng thực tế đã có nhiều con em không thể bon chen được những nơi này và đã trở về nhà với giấc mơ tan vỡ
Một thực tế nữa ai cũng đều nhận ra và không thể phủ nhận là con em hôm nay tự lập trễ hơn chúng tôi ngày trước. Trước đây chúng tôi rời cha mẹ đều sống tự lập, tự tìm nguồn trang trải để bù vào thêm khoản nhà nước đã “bao cấp” cho giáo dục, thì ngày nay con em chúng tôi phải ở lại với cha mẹ lâu hơn vì chưa có công ăn việc làm ổn định
Ngài David McCollough thân mến! Thư gởi đến ngài tôi có thể và muốn tâm sự với ngài đến 1001 chuyện giáo dục ở Việt Nam. Song thư đã dài dù tôi mới chỉ nói với ngài chỉ có một vấn đế nhỏ. Cảm ơn ngài đã cố gắng đọc thư tôi. Chúc ngài mạnh khỏe. Hẹn thư sau.
Trân trọng!
Andi Nguyễn Ánh Nhật








-->Đọc thêm...

26 tháng 7, 2013

TÌNH YÊU LÀ GÌ ?


Vừa qua có một tình yêu giữa anh chàng chàng ca sĩ nổi tiếng với cô Việt Kiều đã làm báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực và dư luận xôn xao. Lật qua lật lại những thông tin đăng tải trên báo chí và trên cả facebook của những người trong cuộc, vẫn còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh mối quan hệ của hai người. Suy cho cùng, chỉ có người trong cuộc mới biết được rõ thực chất chính câu chuyện của họ.
Đan Trường và Dung
              Đan Trường và Dung.
Và hơn nữa dù ai có "thắng" hay "thua", nhưng riêng tôi nghĩ câu chuyện này có phần hơi khác, đó là tất cả họ đều là thua cuộc và không có kẻ thắng, bởi họ đã phải chịu áp lực như thế nào đằng sau scandal đáng tiếc này…
Vậy quan niệm về tình yêu hôm nay là gì. Tôi đã lần giở lại bài dịch của mình đã đăng trên Tạp chí KIẾN THỨC NGÀY NAY . Xin mọi người đọc để suy ngẫm về quan điểm của tình yêu ở hôm qua và ngày nay
Andi Nguyễn Ánh Nhật Dịch từ Nauka


Tình yêu là gì? Vì sao chúng ta lại quyết định yêu người này mà không yêu người kia? Câu hỏi đó đã bao đời nay làm tổn hao tâm trí và giấy mực của bao thế hệ triết gia, văn nghệ sĩ , nhà khoa học.......
Suốt hàng thế kỷ qua, các nhà thơ, các họa sĩ, các nhà soạn nhạc, soạn kịch đã xoay quanh câu hỏi: Tình yêu là gì? Đề tài này không cạn, chưa ngã ngũ, và người ta cũng chưa có thể định nghĩa được một cách rạch ròi. Vậy tình yêu là gì? Hay đó chẳng qua là một cách biểu hiện đỏng đảnh của của sự say mê thể xác? Là biểu hiện của một phản ứng hóa học độc đáo? Là một con dao hai lưỡi? Hay còn là một cái gì khác? Cho đến hôm nay, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Nhưng họ vẫn đi đến cái chung nhất, dù chúng ta có hiểu tình yêu là gì thì nó vẫn có thể “đánh gục” con người mau lẹ đến mức kỳ lạ. Và hơn nữa đó là một loại “thần dược” giúp con người vượt qua gian khổ , thử thách, hay nói đúng hơn là tình yêu “mạnh hơn cái chết” (!?).
Bác sĩ tâm thần học Eloise Snyder đã quả quyết rằng ngay chỉ trong 5 phút của lần gặp đầu tiên, đa số con người đã quyết định được là họ sẽ chia tay vĩnh viễn, trở thành bạn bè thân thiết, hay người yêu của nhau (?)
Nhưng cách nào mà lại quyết định nhanh đến thế việc yêu hay không yêu? 
Nhưng có một điều chắc chắn là sau khi gặp hoặc nhìn một ai đó, thì bạn cũng có thể xác định được là bạn có muốn biết rõ thêm về người ấy hay không. Nhà tâm lý học người Mỹ Aylin Bersit đã tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến ở các đứa trẻ trong vướn trẻ với câu hỏi: "Các em muốn kết bạn với ai hơn cả?".  Và kết quả cho thấy những đứa trẻ ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, dễ thương được nhiều người kết bạn hơn hết 
Các nhà tâm lý học cho rằng ở mỗi con người đều thường xây dựng các định kiến của mình về người yêu. Đó là những mẫu “lý tưởng” về nhân cách, về tư duy và thậm chí cả trí tuệ nữa. Ngoài ra, cánh đàn ông phần lớn thiên về “thẩm mỹ” hơn ở phụ nữ. 
Về tình yêu, một số nhà khoa học đưa ra luận thuyết gen “vị kỷ”. Họ cho rằng con người chỉ quan tâm tới sự sống còn của mình mà thôi. Theo thuyết này, cánh đàn ông là “năm thê bảy thiếp”. Nếu đàn ông càng có nhiều người tình thì các gen của họ còn có cơ may tốt hơn (?). Trong khi đó ở phụ nữ, điều cần thiết trước tiên phải là đức hạnh, thủy chung, trung thành, giúp đỡ chồng và giáo dục con cái. Người phụ nữ có như thế thì các gen của họ mới tiếp tục tồn tại! Những người theo thuyết “vị kỷ” này còn khẳng định là chính vì lý do đó mà người đàn ông thường hay “mèo mỡ” với phụ nữ đẹp. 
Còn người phụ nữ khi yêu không chỉ nhìn cái hình thức bên ngoài của người đàn ông mà họ còn chú ý đến lối sống, nhân cách và những hành vi trong đời sống hàng ngày của anh ta. Người phụ nữ muốn biết người đàn ông đó có trung thành với mình không và có lo cho cuộc sống gia đình sau này hay không?. Đó là cái cốt lõi nhất mà người phụ nữ cần ở người mình yêu. 
Nhưng trong thực tế, vẫn có nhiều người phụ nữ đã say mê một người nào đó trong lần gặp đầu tiên. Liệu tình yêu có là một chất men hay là một thứ bùa mê không? 
Bởi vì không phải vô cớ mà nhiều nhà sinh hóa đã quả quyết là sự say mê xâm chiếm lòng người có tác dụng như một thứ thuốc mê. Tình yêu là như thế, vì nó mà con người cảm thấy đau khổ tột cùng khi phải chia tay với người yêu – sự xa cách với người yêu làm cho con người mắc phải “hội chứng xa cách”. Và chính vì “hội chứng xa cách” này mà các nhà tâm lý học ở New York cho rằng đó là nguyên nhân chính yếu nhất làm cho một số người phụ nữ vẫn tiếp tục rơi vào những “thuyền tình” mới. 
Theo ý kiến của các giáo sư trường Đại học Tổng hợp Chicago thì mỗi người đều muốn chọn vợ, chọn chồng muốn có những phẩm chất, tiêu chuẩn mà mình khát khao. Và trong mỗi con người đều luôn tồn tại hai cái “tôi” : một cái “tôi” thực tế và một cái “tôi” lý tưởng. Thay đổi tư cách của mình là một nhiệm vụ tương đối phức tạp, khó khăn. Chính vì thế mà mỗi người, để thay cho việc phải thay đổi tư cách, đều muốn có một người khác phái có thể đưa mình tới mẫu hình lý tưởng. 
Trước đây, người Hy Lạp cổ đại cho rằng Chúa Trời tạo ra con người là chỉ tạo ra một vật thể, rồi sau đó mới chia vật thể đó là làm thành hai nửa : một nửa là đàn ông, một nửa là đàn bà. Nữ văn sĩ theo “xu hướng lãng mạn” Barbara Kartlend đã nói rằng cho tới nay mỗi người vẫn đi tìm và nuôi trong mình một hy vọng sẽ có được một nửa thứ hai (xin nói thêm rằng nữ văn sĩ này đã là tác giả của 263 cuốn tiểu thuyết nói về tình yêu, những cuốn tiểu thuyết này bán chạy như tôm tươi, số lượng sách đã được bán ra là 500 triệu bản). Nữ văn sĩ này còn khẳng định rằng mỗi con người chỉ thực sự hạnh phúc khi đã bắt gặp nửa thứ hai đó. Chỉ có một nửa này mới cùng nửa kia tạo thành một khơi toàn vẹn mà thôi!. 
Tuy nhiên, theo quan điểm trái ngược của một số chuyên gia khác thì họ cho rằng tình yêu và lòng yêu thương giữa hai con người được nảy sinh trước hết là do sự hấp dẫn về thể xác.
Tác giả của cuốn sách “Mối tình đầu và sự gần gũi đầu tiên” cho rằng tình yêu có thể chia làm 3 giai đoạn : 
Giai đoạn thứ nhất là thời kỳ tuyệt diệu. Người đang yêu thì niềm say mê sẽ tăng lên gấp bội, trái tim rung động mạnh và người đó sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp hơn. Thường thường ở trạng thái như thế được gợi ra bởi một ham muốn về thể xác. Trong thời gian đó khó mà nói được chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng nếu là tình yêu thực sự khi kéo dài nó sẽ chuyển sang giai đoạn thứ hai. 
Giai đoạn thứ hai là thời kỳ bắt đầu cảm thấy thân thuộc thật sự với người mình yêu. Đây là lúc con người cảm nhận đuợc tâm trạng của người mình yêu và tâm trạng đó ảnh hưởng mạnh đến mình. Lúc ấy bắt đầu tìm thấy được cái chung của sở thích, cái chung trong quan điểm sống và bắt đầu giới thiệu người yêu với cha mẹ, bàn bè, đồng nghiệp và những người thân thiết nhất. Nếu giữa hai người có nhiều cái chung đó thì quan hệ tiếp tục chuyển sang giai đoạn thứ ba. 
Giai đoạn này, hai người yêu nhau có trách nhiệm nhất định với nhau. Cả hai tin cậy vào nhau hơn, yêu nhau hơn và tin chắc rằng không gì có thể chia cắt được. 
Cho dù tình yêu thật sự hiếm khi phát sinh từ cái nhìn đầu tiên như có “ánh lửa”, nhưng tất cả vẫn bắt đầu từ “đôi mắt”. Đó chính là lúc trao nhau ánh mắt. Ở mỗi trường hợp khác nhau, ánh mắt nhìn khác nhau. Chẳng hạn nếu bạn nhìn lâu hơn chỉ một giây thôi thì điều đó có thể hiểu “bạn làm tôi thích đấy”. Bằng cách đó hai người giữ cho nhau những thông điệp được ngụy trang (việc này diễn ra rất khác nhau). Chẳng hạn đôi mắt mở to biểu hiện sự thích thú. 
Sau đó các tuyến nội tiết bắt đầu phát huy tác dụng, trong cơ thể bắt đầu xuất hiện các hormone hoạt động giống như Adrenaline (hormone thượng thận, vẫn xuất hiện trong máu ở những tình huống nguy cấp). Chính vì thế mà các nhà chuyên môn cho rằng những cảm giác đầu tiên của tình yêu phần nhiều giống với những gì chúng ta vẫn thường gặp trước một sự kiện nào đó gắn với phản ứng thần kinh căng thẳng, chẳng hạn như khi nói chuyện trước đám đông, nhảy dù hay dự một kỳ thi tuyển. 
Vậy tình yêu là gì? Nó vẫn mãi mãi là đề tài muôn thuở không bao giờ cạn, không thể cắt nghĩa rõ ràng, dù nó là một từ rất phổ thông. Nhưng có lẽ trên đời này không gì mạnh bằng tình yêu. Cuộc sống thiếu tình yêu sẽ trôi qua môt cách nặng nề, cũng như cây thiếu ánh mặt trời vậy. Người hạnh phúc là người bên cạnh tất cả nhu cầu khác là cần yêu và được yêu ! 
Andi Nguyễn Ánh Nhật Dịch







Andi Nguyễn Ánh Nhật trên chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu VN774 của Vietnam Airlines Sài Gòn - Đà Nẵng, chiều ngày 24-07-2013




-->Đọc thêm...

21 tháng 7, 2013

Tôi tin.....!




Đôi khi cũng cần một thời gian tĩnh lặng để nhìn lại...

Đôi khi cũng cần một khoảng hở để tự biết mình..

Đôi khi cũng cần im lặng để tự chiêm nghiệm...

Đôi khi cũng cần một tiếng thở dài để biết mình còn...
Và đôi khi cũng phải biết ...... để mình còn...
(Kha Han)
Tôi là một người dễ tin và thực tế tôi đã tin vào nhiều thứ, tôi tin có hồn ma quanhquẫn đâu đây, tin giữa thanh thiên bạch nhật vẫn có thiên thần và quỷ dữ. Tôi tin có tình yêu luôn song hành cùng sự sống. Tôi tin trên đời là có lẻ phải, dù trần gian vẫn thấy ẩn hiện nhiều gam màu nhá nhem. Tôi tin khi mình đang lạc trong bóng đêm hay giữa bầu trời giông tố, sẽ có Chúa thương tôi dang hai tay cứu rỗi và tha thứ mọi điều dù tội tôi trăm mối.

Tôi tin ở nhiều điều, bởi điều ấy sẽ giúp tôi không phải suy nghĩ mà ngay từ đầu tôi đã hiểu khi chuyện gì xảy ra. Và nếu đó chỉ là hiện tượng hay bản chất cũng sẽ không làm tôi phải nghĩ ngợi gì thêm. Tôi tin để không phải hỏi lại với chính mình là vì sao và vì sao như thế vậy?.

Tôi đã tin và mặc định nhiều thứ, nhiều điều trong cuộc sống. Có những điều tôi mới bắt gặp, nhưng tôi tin đó là một chân lý sinh ra. Như con sóng kia vẫn vỗ ngàn năm nên tôi không bao giờ phải hỏi vì sao sóng lúc nổi cồn cào, rồi lại dịu êm bên bờ cát vắng…. !? 


Tôi tin ở đấng tối cao. Tôi tin đủ để sống, đủ để mộng mơ, đủ để khát vọng và đủ để yêu… Hay đó chỉ là những gì tôi vẽ nên cho chính mình, nhưng tôi hạnh phúc với những điều tôi có…. Tôi tin, trên đời này có một thứ rất quý giá mà con người có thể cho và cũng có thể nhận. Và chắc chắn rằng điều ấy luôn mang đến điều kỳ diệu từ người tạo ra và người nhận. Thứ đó chính là niềm tin.....

Tôi cũng tin một điều như có thật là con người khi bắt đầu chào đời thì người yêu của họ như đã được định sẵn đâu đây trên trái đất này. Hoặc ai đó gặp được một tình yêu đích thực trong đời hạnh phúc, thì tôi tin họ sẽ không bất lực hay dừng bước khi gặp trên đường chông gai giăng ngập lối, họ vẫn sẵn sàng dù có đắm mình trong "thú đau thương"...

Tôi tin tình yêu là bất chợt như một ngày nào ấy, hai người đi ngang nhau, gặp lại nhau trong một quán café , rồi câu chuyện…. bắt đầu. Bắt đầu những tháng ngày nhớ thương quay quắc với nhau, bắt đầu khi mỗi sáng thức dậy kiểm tra điện thoại người ấy có nhắn lời chúc cho mình không (!?). Bắt đầu những chiều tàn, bầu trời lại dành riêng cho cùng ai một nỗi nhớ không tên. Và tôi tin đó cũng là lúc bắt đầu khuya về lại lặng lẽ, ai cũng tìm lại nghe bài hát tình yêu ở quán café mà hôm ấy hai người cùng được nghe trong một buổi sớm mai tươi hồng đầu tiên họ chợt gặp lại, sau nhiều năm tháng cách xa.... 

Tôi tin dù họ có ở xa nhau, nhưng ai cũng có nghe một tình yêu lặng lẽ, đủ khiến họ cùng nhau hạnh phúc như ở bên nhau

Tôi từng tin ở ngay chính bản thân tôi, khi tôi yêu ai mà tình yêu không đáp lại, thì đó mới là ….chuyện lạ !?. Tôi tin ở trái tim mình không bao giờ biết nói dối, là cứ yêu thương ai hết mình đi thì tình yêu sẽ được đền đáp lại. Tôi tin....

Tôi tin dù ai đó mới ở tuổi chớm yêu, nhưng tôi tin tình yêu không bắt đầu bằng sự tính toán, mà bắt đầu từ những rung động ngây ngô và bằng những tình cảm chân thành. Nhưng nếu cuộc tình nào dẫu có thể bắt đầu muộn hơn một tí, thì cũng chẳng có sao, nhưng tôi tin ngược lại họ đã chín chắn hơn trong suy nghĩ và trong lúc yêu…..

Tôi tin là có những giây phút ngoài chồng ngoài vợ, rồi người ta lại bảo nhau đừng trách chi cho những phút xao lòng. Nhưng tôi không tin ai có thể tha thứ cho điều phản bội, dù là một mẫu bút tích tâm thư nhỏ chỉ đủ để mồi lửa cho điếu thuốc lỡ tàn hơi……

Tôi tin có chân trời ở phía trước. Tôi tin có tình yêu là mãi mãi, có những cuộc tình sẽ kéo dài rất lâu, đủ để người ta yêu và sống cho đến bạc đầu, đủ để cứ mỗi phút giây trôi qua là người ta lại thấy nhớ một vòng tay, một cái ôm hôn, một ánh mắt, một nụ cười trìu mến. Tôi muốn khi đã già, tôi và người tôi yêu cũng vậy, mãi mãi là sợ mất nhau. Tôi đã từng thấy nhiều cặp vợ chồng già suốt ngày cứ hủ hỉ bên nhau. Tôi tin rằng họ không chỉ vẫn còn yêu mà còn hơn thế nữa. Họ có thể thương hơn, yêu đằm thắm hơn, cũng như da diết hơn lúc họ còn rất trẻ. Bởi họ đã đi qua hết một chặng đường đời, đủ để nhìn nhau hạnh phúc không phải bằng vật chất cao sang, mà họ nhìn nhau bằng trái tim mà cả đời không phí vì đã yêu 


Tôi tin ánh sáng ở một ngọn đèn le lói 

Tôi tin trong tình yêu có nhiều dạng tưởng chừng là yêu. Yêu rồi đi “bắt cá hai tay” hay một “tay bắt hai con cá”. Tôi tin ở mỗi con người đều có những điều không thể và có thể. Nếu không thể quên được quá khứ đã chôn vùi mình trong vũng lầy đau khổ thì chẳng có lý do gì phải chấp nhận thêm một lần yêu. Nếu có thể được, thì hãy quên đi như xóa vĩnh viễn một file trên máy tính, vì đó là cách để mình sống tốt hơn cho hôm nay và cả ngày mai….

TÔI TIN NẾU AI ĐÓ ĐẶT NIỀM TIN VÀO NGƯỜI KHÁC, THÌ CUỘC SỐNG SẼ TỐT ĐẸP HƠN!

TÔI TIN, TÔI SẼ CẢM ƠN TÌNH KHI AI ĐÓ CẢ ĐỜI CHIA TÔI! 
Andi Nguyễn Ánh Nhật 


Tôi tin vào điều thánh thiện 




Tôi tin có chân trời ở phía trước






Tôi tin ở một góc nhìn của mình

Tôi Tin ở HOA HỒNG

Tôi tin vào thế hệ trẻ

Tôi tin vào tương lai 

Thôi ta đi phượt.....


-->Đọc thêm...

17 tháng 7, 2013

Đi tìm một bài hát cho QUÊ HUƠNG!


 

Tôi là một người may mắn, bởi trước đây đã có thời gian làm nghề báo trong gần 10 năm và chơi rất thân với nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà thơ nổi tiếng v. v.v. Song có nhiều lần “trà dư tửu hậu” với họ, tôi đã hỏi về đề tài những ca khúc địa phương ca, thế nhưng người ta cũng chưa có câu trả lời để cho….. “ra ngô, ra khoai” …. Bởi có những lần tôi hỏi: “Từ ngày Quảng Nam - Đà Nẵng tách tỉnh làm hai, có nơi nào được viết thêm những ca khúc được cho là …… hay nhất của thời kỳ “đổi mới” ?”. Câu trả lời bao giờ cũng là “Có! Nhưng không bằng khi xưa….”.

Vậy là hình như ngay cả những nhạc sĩ xưa nay là bậc thầy viết những ca khúc “địa phương ca” mượt mà thắm đượm tình quê, tuyệt hay như Phan Huỳnh Điểu, Huy Du, Nguyễn Văn Tý v.v.v cũng chưa trình làng thêm một ca khúc nào cho là nổi tiếng hơn như trước. Và hiện nay những người Quảng xa quê lớn tuổi như tôi, khi đi Karaoke, lúc nhớ nhà kiếm một bài hát về quê huơng cũng khó. Quanh qua, quẫn lại cũng là những ca khúc viết rất hay và nổi tiếng trước đây như: “Quảng Nam-Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình” của Nguyễn Văn Tý, “Quảng Nam yêu thương” của Phan Huỳnh Điểu hay “Thương em chín đợi mười chờ!” của Minh Đức v. v.v. 

Những ca khúc đó, đã thật sự đi vào tâm hồn của người người lớp lớp, làm sống dậy niềm yêu thương quê hương xứ sở trong tâm thức của nhiều người dân xứ Quảng. Trong những ca khúc ấy thấp thoáng bóng dáng của Đà Nẵng, của Quảng Nam trong câu hát, ca từ như: “Anh đưa em đi thăm lại quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng” hay “Bay qua sông Hàn, nhớ chào người Dũng sỹ Thanh Khê, chào Hải Vân, chào Sơn Trà, chào những con tàu ta bám biển đi về. Anh lại cùng em về Hoà Sơn, thăm nông trường thơm chín”. Còn về bài hát riêng cho Đà Nẵng từ trước đến nay cũng có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay và mức độ ấn tượng “có nhiều người nhớ. ít người quên”, rồi chỉ dừng lại ở những ca khúc như: “Cô du kích Đà Nẵng” của Thanh Anh, “Sông Hàn vang tiếng hát” của Huy Du, “Đà Nẵng ơi chúng con đã về” của Phan Huỳnh Điểu……Còn những bài hát mới sáng tác sau này như “Quê hương tôi” của Trần Quế Sơn, “Đêm hội phố Hoài” của Nguyễn Duy Khoái, hay “Bài thơ quê lụa”, “Đường về” của Vũ Đức Sao Biển dù đều mang phong cách giai điệu âm hưởng dân ca của xứ sở hoặc ca từ thắm đượm tình quê, nhưng chưa thể gọi là những bài hát hic hoặc hay như thuở.... “ngày xưa”!?.

Nếu nói những tác phẩm thơ ca, âm nhạc xưa kia thật hay và đi vào lòng người là do được những nhạc sĩ ưu tiên dành một tỷ lệ lớn tác phẩm, rồi cảm xúc của mình chỉ dành cho tình yêu quê hương, tình yêu đất nước. Vậy thì giá trị của những ca khúc ấy có phải là nhờ công rất lớn của những nhạc sĩ sáng tác giỏi?. Những người con sinh ra từ quê hương đất Quảng?. Hay đó là những người nhạc sĩ dù được thuê viết nhưng họ thật sự nặng tình, nặng nghĩa với mảnh đất Quảng Nam và Đà Nẵng?. Và một thực tế đã trả lời, chỉ có những người con của mảnh đất nơi đây mới viết được những ca khúc hay, như người nhạc sĩ tài hoa, gạo cội Phan Huỳnh Điểu viết trong ca khúc: “Quảng nam yêu thương” với ca từ thật là mượt mà, da diết : “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm chứ rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say. Lời hát xưa nghe sao thấm đượm tình xao xuyến trong tim mình….”. Hay như nhạc sĩ tài hoa trẻ tuổi Trần Quế Sơn từng viết trong “Tình quê”: “Quảng Nam ơi! Quảng Nam ơi! Thương quá làng quê bão dông chìm nổi, thương xóm làng xưa cánh đồng trên núi, thương mía đường thơm tô mì gạo mới, thương quá Hội An phố cổ đẹp ngàn đời…” nghe thật ngọt ngào và thiết tha….

Một bức tranh thiên nhiên đẹp, độc đáo của núi sông, của thiên nhiên, của những sản phẩm mộc mạc như gạo đường được làm ra từ bàn tay con người dân Quảng lại có trong giai điệu câu hát quá hay và da diết trên từng phím nghỉ….Và không có ca từ và giai điệu nào khác hay hơn thế nữa.

Qua báo chí thời gian qua, tôi được biết những nhà chức trách của Đà Nẵng cũng như Quảng Nam đã có nhiều đơn “đặt hàng” với nhiều nhạc sĩ giỏi để cho ca khúc viết về quê hương Quảng Nam và Đà Nẵng. Như chúng ta đã biết trên thế giới đã từng có những ca khúc chỉ viết về một con mưa hay một khách sạn như “Hotel California”, “Rhythm of the Rain” v.v.v.v, nhưng đó là những ca khúc nổi tiếng của mọi thời đại, được hàng triệu, triệu con tim thổn thức khi chỉ một điệu nhạc dạo vang lên. Thế mà cuộc thi sáng tác bài hát về quê hương trong thời kỳ mới, nhưng kết quả lại không được như mong đợi (?). Và người Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn phải mang ra tiếp tục hát lại những ca khúc xưa khi đi đâu đó hay giao lưu với bạn bè ở những quán Karaoke. Công bằng mà nói đó cũng là thực trạng chung của một nền âm nhạc Việt Nam trong gần mười năm nay khi mà dòng nhạc trẻ đang ở thế thượng phong. 

Đi đâu người Hà Nội cũng chỉ hát lại những ca khúc, những giai âm và ca từ quen thuộc. Lòng “người Hà Nội” làm sao không khỏi xuyến xao về Thu đô mùa thu nhớ: “Có phải em mùa thu Hà Nội” (Trần Quang Lộc), “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” (Nhạc Trương Quý Hải, thơ: Bùi Thanh Tuấn). Còn người Hải Phòng, nếu ai đó đứng giữa đám đông là người Việt Nam, họ luôn tự hào mình là người Hải Phòng và bài hát dù đã xưa cũ “Thành phố Hoa phượng đỏ” (Lương Vĩnh) lúc nào cũng chảy tràn trong huyết quản của họ, rồi người ở Huế lại cũng chỉ những bài hát quen thuộc “Mưa trên phố Huế” (Minh Kỳ và Tôn Nữ Thụy Khuơng), hay “ Huế thương” (An Thuyên), người sống ở Tây Nguyên thì với “Ly cà phê ban mê” (Nguyễn Cuờng), “Còn chút gì để nhớ” (Phạm Duy) hay như Đà Lạt…… “Mimosa từ đâu em tới” (Trần Kiết Tường)? .

Sao khó vậy (?), tôi có lần trò chuyện với Nhạc sĩ Hoàng Bích (Hiện là Phó Giám đốc sở VHTT Quảng Nam) và ông nói với tôi rằng : “Cách phát âm hai chữ Quảng Nam với âm nhạc có phần dễ hơn hai từ…. Đà Nẵng, và như khi đưa vào bài hát hai từ Đà Nẵng để có âm điệu hay như ý muốn của người sáng tác là rất khó diễn đạt…”. Kể cũng đúng song không đúng hẳn. Điều ấy cũng có thể do các nhạc sĩ chưa thật sự sẵn sàng, chưa “nhập hồn” vào thực tế cái đẹp của một vùng đất đang sinh sôi. Trong khi thế hệ bây giờ đang có nhiều nhạc sĩ trẻ có trình độ, được học tập đàng hoàn, kỷ thuật viết được nhiều loại hình âm nhạc lớn nhỏ khác nhau. Nói vậy, nhưng họ lại ít vốn sống nên cứ lấy giai điệu dân ca của một vùng miền nào đó là có thể làm bếp núc trong sáng tác ca khúc "địa phương ca". Bởi vậy nên đã xảy ra một thực tế là họ chưa “mang nặng” lại phải … "đẻ đau”. Và chính điều ấy sẽ làm cho giai điệu và tiết tấu không thể hay được là điều tất yếu!. 

Tôi cũng may mắn là nhà mình cùng chung vách và là người thân thiết với nhạc sĩ gạo cội Trần Viết Bính, tác giả của bài hát “Hạt gạo làng ta” (phổ thơ Trần Đăng Khoa) và ông đã có nhiều bài hát hay về quê hương, nhưng suốt thời gian gần mười năm nay ông không viết được thêm ca khúc nào. Có một lần lúc “trà dư tửu hậu” tôi có hỏi ông: “Vì sao chú hay đi viết nhạc cho phim, cho múa, cho hợp xướng, giao hưởng v.v.v mà ít sáng tác những ca khúc cho quê hương như khi xưa?” (Theo tôi được biết viết nhạc cho những thể loại như trên là đòi hỏi nhiều công phu, nhiều kỹ thuật hơn viết bài hát..). Ông trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Lý trí của tớ cũng bảo thế, nhưng tình cảm lại là không thế !!??” và tôi không hiểu câu nói ẩn ý sâu xa của ông, cũng giống như không hiểu vì sao các ca khúc viết về quê hương ngày càng một ít hơn.

Nghĩ vậy, ta thật buồn cho âm nhạc của ngày hôm nay. Bởi ngày xưa, vùng đất xứ Quảng quê tôi sau chiến tranh là những xóm làng, những con phố bị tàn phá , những con sông, ngọn núi sạc lỡ, những cái hồ (như Phú Ninh) không thật sự “sơn thuỷ hữu tình”, nhưng đều có trong những giai điệu mượt mà thấm đượm trong nhiều bài hát. Và Quảng Nam không mang một vẻ đẹp xưa như Hà Nội, Huế, hay của một thành phố năng động như Sài Gòn nhưng cũng có thể nhiều người biết đến quê tôi qua ca khúc “Quảng Nam yêu thương” (Phan Huỳnh Điểu) hay “Thương em chín đợi mười chờ” (Minh Đức). Có thể nói những bài hát này khi cất lên nghe thật gần gũi, gắn liền với nhiều tầng ý nghĩa văn hoá sống của miền đất Quảng yêu thương. Nó như một kỷ niệm của nỗi nhớ và tình yêu. Thời của những con phố, con sông, những quê hương Trà My, Tiên Phước thành nhạc, thành thơ : “Ta nghe hương quế thơm từ Trà My về, thơm tận vùng Giao Thuỷ. Quê hương dâu tằm, máy đã về kéo kén xe tơ. Về Phú Ninh, ta chung tay xây xây hồ nước lớn, cho những vụ mùa đầy ắp lúa khoai ngô…” (Quảng Nam Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình – Phan Huỳnh Điểu). 

Quê hương tôi đó, đã đẹp lên biết lao lần trong ca khúc, đó là chút còn lại để cho tôi nhớ quê. Đã có lần tim tôi bồi hồi, thổn thức cho những lần về thăm quê, khi chiều lang thang trên rẻo ngõ hay nện gót trên quê hương Núi Thành, Thăng Bình, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên v.v.v. Rất thật! Tôi rất thèm được muốn nghe một chàng trai của làng nào ấy hát “ ..Thương em! Thương em gắng đợi ngày nào, gắng đợi ngày nào. Bao giờ dâu mượt. Anh bắt cầu, anh bắt cầu đón em !” 

Thực ra một điều là khi đặt bút viết bài này, tôi có thật nhiều điều để viết, bởi tôi rất yêu những ca khúc về quê huơng tôi, tôi yêu cái tĩnh lặng an nhiên của vùng nông thôn miền Trung vốn có, cũng như đã yêu thành phố Tam Kỳ, Hội An có nhịp sống chậm hơn các đô thị khác, và một tình yêu tôi với nhiều nơi hầu như là máu thịt. Tôi công nhận rằng viết văn như tôi là điều rất dễ, ví dụ hôm nay tôi viết người đọc không hiểu, rồi ngày mai họ sẽ hiểu, có thể như tôi tả một vị anh hùng chỉ cần: “Anh hùng đó bao nhiêu tuổi, cao mấy thước, vì sao người ta dâng hiến, vì sao hy sinh ….”. Nhưng trong âm nhạc là chuyện rất khó, đó là một bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt tình cảm và cảm xúc con người, do vậy cần phải gọt giũa, tước bỏ những điều không phù hợp với ca khúc, phải nhuận nhị văn hóa sống của từng nơi v.v.v. Một ca khúc mà khi cất lên là mọi người đã nghe được tiếng chim kêu, vượn hú, tiếng hân hoan và cả tiếng cười lẫn trong tiếng khóc…. Quả thật là khó! 

Dẫu biết là khó nhưng mong sao trong thời gian tới, mọi người dân xứ Quảng quê tôi được nghe nhiều bài hát hay về quê huơng xứ sở của mình. Theo tôi, để làm được điều này, ngoài sự cố gắng, tài năng và cái “duyên” của người nhạc sĩ. Ắt hẳn điều này rất cần có như lời của nhạc sỹ Đỗ Nhuận khi còn sống ông có nói : “Mọi ca khúc hiện nay ít hay là vì có nhạc sĩ coi thường nó, làm như thế thì lẹt đẹt mãi. Trong kháng chiến ít ai đến viết hợp xướng, ca kịch giao hưởng, nhạc phim, cho nên ca khúc tập trung được nhiều bài hay. Bây giờ tay PHẢI làm những cái lớn, tay TRÁI làm ca khúc, tất nhiên nó không hay. Theo tôi nghĩ, sáng tác ca khúc phải viết bằng tay PHẢI, loại hình nhỏ phải có tâm hồn lớn và lao động nghệ thuật tận lực, tận tình mới thành công được”

Và tôi đây là hậu sinh cũng mong như thế và xin lấy câu nói trên của Đỗ Nhuận để kết thúc bài viết này 

Andi Nguyễn Ánh Nhật
-->Đọc thêm...

15 tháng 7, 2013

Luận câu chuyện tình nổi tiếng trong Tiểu thuyết “NHỮNG CÂY CẦU Ở QUẬN MADISON”


“Những cây cầu ở Quận Madison” của tác giả Robert James Waller là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất năm 1992.  Đó là câu chuyện về một người phụ nữ Ý có gia đình nhưng cô đơn sống ở Quận Madison bang Iowa vào những năm 1960. Bà đã dấn thân vào tình yêu với một nhiếp ảnh gia làm việc cho tạp chí National Geographic. Ông từ Bellingham, Washington đến Quận Madison để làm một cuốn sách ảnh về những câu cầu có mái che trong khu vực.  Cuốn tiểu thuyết được trình bày như một câu chuyện thật được tiểu thuyết hóa, nhưng thật ra là một tác phẩm hư cấu hoàn toàn.  Tuy nhiên, tác giả đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng có những điểm rất giống nhau giữa ông và nhân vật chính.
Tiểu thuyết này là một trong những tác phẩm bán chạy nhất của thế kỉ 20, với 50 triệu bản được bán ra trên toàn thế giới.
Những cây cầu ở Quận Madison được dựng thành phim cùng tên vào năm 1995 theo kịch bản của Richard LaGravenese và do Clint Eastwood đạo diễn.  Hai ngôi sao điện ảnh Eastwood và Meryl Streep đóng vai chính.
Dưới đây là một vài ý kiến của tôi về câu chuyện tình nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết này
Các bạn có thể đọc tác phẩm tại đây:
Andi Nguyễn Ánh Nhật
HÔN NHÂN VÀ MỘT TÌNH YÊU LÃNG MẠN
Đầu tiên phải nói rằng đây là cuốn tiểu thuyết được viết bằng ngôn ngữ có nhiều sắc, mang đậm chất ngọt ngào và lãng mạn của câu chuyện tình muộn, một trong những mối tình “bất tử” của thế giới văn học lãng mạn phương Tây. Rồi sau đó năm 1995, cuốn tiểu thuyết này cũng sản sinh ra một “đứa con” kinh điển giữa văn học và điện ảnh như trước đó đã từng có : “Cuốn theo chiều gió” của Magaret Mitchell, “Đồi gió hú” của Emily Bronte, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của Colleen McCullough, hay là một tác phẩm tiểu thuyết gây tranh cãi nhiều nhất gần đây như “Lolita” của Vladimir Nabokov..
Tiểu thuyết “Những cây cầu ở quận Madison” đã được nhiều nhà bình luận văn học trong nước cũng như ngoài nước "bình và luận" những luận điểm cho riêng mình. Nói chung đây là một tác phẩm được nhiều người đánh giá là một cuốn tiểu thuyết kinh điển của hiện thực lãng mạn. Câu chuyện đã mang lại cho mọi người nhiều giá trị tinh tuý về  tình yêu, về lẽ sống. Sồ còn lại, ở mức độ nào đó là các nhà đạo đức học hay triết gia đều có thái độ gay gắt trước loại nghệ thuật “có ma lực ngôn ngữ này” cho một tình yêu của Robert KincaidFrancesca. Riêng tôi nghĩ, chính sự “mâu thuẫn” và trái ngược này cũng là điều đã mang đến sự thành công của  nhà văn Rorber James Waller, bởi bằng ngòi bút của mình ông đã xây dựng được một hình tương đẹp đẽ bằng ngôn ngữ mang nhiều âm điệu làm xúc động lòng người ! Và khi ai đó đọc câu chuyện cũng bị cuốn hút, ma mị vì sự tài tình của Robert James Walles. Đó là ở chỗ ông biến sự “mù quáng của dục vọng” thành “đối tượng tâm tư ngẫu nhiên” và cuối cùng là “ý thức bản thân được thỏa mãn”.
Những chiếc cầu có mái che ở quận Madison.
Đây cũng là điểm đặc trưng chung của văn học lãng mạn nước ngoài, mà khi đọc, dù là người khó tính nhất cũng dần dà có thiện ý, thông cảm cho một tình yêu, rồi xóa dần nỗi hoài nghi về tình yêu bằng linh cảm, cũng như bằng điều đã đọc sau những trải nghiệm. Đọc câu chuyện tình yêu này như có, như không, có bắt đầu và có kết thúc là …..chia xa, một motip mà người ta thường thấy của một tình yêu đẹp và bất tử. Nhưng ở đây Robert James Waller sắc tưởng trong lối viết văn quá tài tình, ở đó thế giới tình yêu của Robert KincaidFrancesca được thu nhỏ đến một khoảng thời gian không thể ít hơn nữa cho một cuộc tình đẹp như mơ. Tôi cho rằng có khi người đọc lại suy xét với “ma trận” như thế nhiều khi đã xảy ra ngay trong cõi lòng mình, hoặc đã từng gặp đâu đây trên cõi nhân gian này !?.
Bởi thế, nên ngay ở tập đầu “Những cây cầu ở quận Madison” được trình làng là đã ……“hút hàng” và người ta đã bán được hơn 50 triệu bảng. Hơn nữa, điều người ta thường thấy ở những tác phẩm văn học hay điện ảnh ngay khi được bán ra là nổi tiếng, điều ấy tất nhiên người ta sẽ làm tiếp tập 2, 3.... Và nhà văn Robert James Waller cũng vậy, ông đã phải làm một điều không thể khác hơn là viết tiếp tập 2 (Xuất bản năm 2003) được mọi người trên thế giới hưởng ứng, được dịch ra 35 thứ tiếng.
Tóm lại trong tác phẩm “Những cây cầu ở quận Madison” nhà văn Robert James Waller đã đưa người đọc đến một “lý tưởng cao nhất” của tất cả những gì đã kết tinh từ cuộc sống, là sự ngọt ngào đầy lưu luyến của một khát vọng về sự đẹp đẽ trong tình yêu đến độ thật khó tả và không tên. Chính vì thế ở trang bìa 4 của cuốn sách được bán kỷ lục này viết “Nếu bạn là người đã từng trải qua một tình yêu đích thực trong đời, một tình yêu vì lý do nào đó không toại nguyện, bạn sẽ hiểu vì sao cuốn tiểu thuyết xinh xắn này đã làm cho người đọc khắp nơi trên thế giới xúc động đến thế, đến nỗi nó trở thành một hiện tượng xuất bản”.
Thế nhưng……!!??.

                 Những chiếc cầu có mái che ở quận Madison.
Một góc nhìn khác!
Câu chuyện tình của Francesca Robert Kincaid chúng ta bàn sau. Trước hết hãy nói về người chồng trên cả tuyệt vời Richard,  có một chi tiết là trước khi qua đời, khi Francesca đã ngồi bên ông trong bệnh viện ở Des Moines, Richard đã nói : “Francesca, anh biết em có những giấc mơ riêng. Anh rất tiếc đã không đem lại được cho em những giấc mơ ấy.”. Tôi nghĩ đây mới là giá trị nhân bản và nhân văn luôn song hành trong tình yêu mà con người đã luôn mơ màng về một thế giới "tình yêu tuyệt hảo", nó đâu đây và đang mời gọi không ngừng. Đọc lời tâm sự trên của Richard ta  mới thấy đây chính là khoảnh khắc cảm động nhất trong đời sống vợ chồng của RichardFrancesca. Thật đẹp cho một tình yêu vĩnh cửu, bởi trong quãng đời giữa Richard Francesca, ông không thể cầm nắm, sờ được vào điều "vĩnh cửu" ấy, mà chỉ có thể cảm nhận về một tình yêu bất diệt. Và điều đó đã có thật trên thế gian này. Tôi nói vậy không phải rằng cái thứ quý giá nhất chính là “cái không có được”“cái đã mất  đi” và cái đó mới gọi là vĩnh cửu
Còn tình yêu của Robert KincaidFrancesca? Nhà văn Robert James Walles viết : “Anh có một điều muốn nói, một điều duy nhất; anh sẽ không bao giờ nói lại lần nữa, với bất cứ ai, và anh yêu cầu em nhớ: Trong cái vũ trụ đầy nhập nhằng, thứ chắc chắn trong tay như thế này chỉ đến một lần duy nhất và không bao giờ có nữa, dù em có sống bao nhiêu cuộc đời.” .Vậy đó cũng là “dạng” tình yêu vĩnh cửu hay là còn gì khác!?. Tình yêu vĩnh cửu là như có, như không và không còn là gì .....!
Tôi không phải là nhà văn, tôi không có nét tương đồng trong tính cách như nhân vật Robert Kincaid, nhưng với con người lãng tử như ông quả là tôi rất thích: “Lang thang khắp thế giới kiếm tìm những câu chuyện và hình ảnh làm mê hoặc những kẻ thích phiêu lưu.”. Vả lại ông là người ít có: “Là một người lang bạt vô tư, một kẻ độc hành vô gia cư, ông du lịch từ nơi này đến nơi khác gặp gỡ những con người thú vị, mến mộ và yêu thương họ rồi ra đi mang theo mình những ký ức vui vẻ, những lời nói tử tế cùng những hình ảnh đẹp”.
Còn với Francesca (?), bà nghĩ gì khi tình yêu của người tình Robert Kincaid mang tới? “…Francesca không trả lời, bà tự hỏi về con người say sưa với màu sắc của bầu trời, người có làm thơ chút ít và viết tiểu thuyết chút ít. Người chơi đàn ghi-ta tài tử, người kiếm sống bằng chụp ảnh và mang dụng cụ nghề nghiệp nơi ba lô đeo lưng, đi khắp các nẻo đường. Người giống như gió. Lung lay như gió. Và có lẽ sẽ trở về với gió…”. Tình yêu của Francesca đơn giản vậy ư?
Tôi biết sự tao nhã luôn luôn thống trị tâm linh của con người, chính nhà “Tình yêu học” Ovidius Naso cũng từng bàn đến chuyện này trong tình yêu, đó là “thứ bùa mê” thường làm cho người phụ nữ nhanh chóng ngã vào lòng người đàn ông. Tôi nghĩ cái ma lực “tao nhã” của người nghệ sĩ Robert Kincaid chính đã làm cho sự tiếp xúc tâm lý của hai người trong cái nhìn đầu tiên trở nên tinh tế và phóng khoáng hơn nhiều. Và Francesca bị mê hoặc.
Bởi thế bức tranh và hình hài của Robert Kincaid trong tiểu thuyết, nếu ai đó hỏi có phải ông ấy là một con ong đi trong cõi lang thang tìm hoa, hay tìm tình yêu đích thực cho chính mình? Không biết và tôi cũng không bàn điều này. Tôi chỉ biết Robert Kincaid là một nghệ sĩ đích thực, là con ong thợ cần mẫn của các không gian siêu đẹp trên những chiếc cầu quận Madison. Còn qua câu chuyện tình của ông với Francesca, ngoài đời tôi thấy rất nhiều và rất nhiều những câu chuyện tình na ná như vậy, nó thường luôn có trong nhịp đập trái tim của những người nghệ sĩ lớn như  ông. Có khi chỉ một cái chạm ngõ vô tình của người nghệ sĩ là có thể đã làm cho một cô gái thổn thức, còn người khác lại tương tư với một cõi riêng dấu nhẹm....
Còn một khía cạnh nữa ta cũng phải nghĩ về trách nhiệm với tình yêu của Robert Kincaid!?. Ông là một người đàn ông lãng tử mà tao nhã, phóng đãng mà nhẹ nhàng, tôi nghĩ Robert Kincaid có đủ “bản lĩnh và khả năng” để thuyết phục Francesca cùng mình đi về Bellingham, Washington để hưởng thụ và sinh sống vì một tình yêu như họ đã có trong tay!?. Nhưng vì sao Robert Kincaid không làm điều này?. Với riêng tôi, anh ta là người đáng trách, tôi nghĩ phần lớn những người đọc tác phẩm này đã bị “ma lực ngôn ngữ” của nhà văn Robert James Walles đã tài tình phủ ngập một Robert Kincaid đầy cao thượng, thà một mình hy sinh, thà một mình cô đơn, và cuối cùng chết trong buồn tẻ, để rồi anh ta rũ bỏ những ràng buộc thuộc phạm vi đạo đức và trách nhiệm mà lẽ ra Robert Kincaid phải gánh vác và che chở cho tình yêu.!
Còn Francesca chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi “Chồng vắng nhà” ấy, bà đã bị Robert Kincaid thắp lên một ngọn lửa trong đêm tối của nông trại Francesca, một thứ ánh sáng như là tia chớp, rồi tắt đi mà về sau vẫn dai dẳng một hơi ấm nồng đến cả hơn mười mấy năm sau Francesca mới thổ lộ với mọi người. Đó chính là sự phản lộ của một  tình yêu mà Francesca đã có, lại mang tính sinh mệnh do số phận, do an bài. Nhưng không, tôi nghĩ đây hãy là điều sám hối trong tâm thức chính của Francesca thì hay hơn....
                       Những chiếc cầu có mái che ở quận Madison.
Có đáng tha thứ không?
Trong câu chuyện “Tình yêu tiểu thuyết” đây, nhân vật chính là Francesca. Người đàn bà ầy ra sao? Lẳng lơ hay lăng loàn!?. Có! Francesca đã có một tình yêu ngoài hôn nhân, điều mà đạo đức mãi mãi nói “không” với chuyện này. Thật ra có một điều tôi rất tiếc rằng nhà văn Robert James Walles đã không dùng lý trí của mình để chạm thẳng vào mặt đạo đức muôn thuở trong suy nghĩ của con người, mà dùng sự quyến rũ cảm tính của mình để tước đi đạo đức.
Ông quá tài tình diễn tả cuộc tình ngoài hôn nhân này thật lãng mạn, thuần khiết và làm say mê lòng người. Ông xây dựng cho bản năng của Francesca trỗi dậy và được giải phóng tự do. Vì thế Francesca quên đi rằng chính người chồng Richard Johnson mới là người thực sự mang bà ta đến với cuộc đời, đến với bến bờ của hạnh phúc “…Giúp cô thoát khỏi nghèo khó và tuyệt vọng để đạt được giấc mơ đến vùng đất hứa….”. Và chi tiết này nghĩ thật đáng trách cho một Francesca đã quên đi người chồng Richard Johnson hiền lành và tốt bụng.
Đúng hôn nhân cần sự lãng mạn, nhưng Francesca đã thiếu điều này khi sống với Richard ở nông trại. Và ở Mỹ tất nhiên thiếu luôn cả sợi mì ống phải to và ngon như ở trong những câu chuyện cổ tích của xứ sở hình chiếc ủng mà bà đã sinh và đã sống ở thì con gái?. Mọi thứ không phải là “tội” của người chồng Richard, sao bà lại chở trên mình một tình yêu riêng với Robert Kincaid đến …. “nặng trịch” vậy?. Há cũng từng có một thằng gù ở nhà thờ Đức Bà nhân danh tình yêu lại vác trên lưng mình một cây thánh giá quá lớn. Và có thể thêm nữa, đây Francesca !
                              Nàng Francesca trong phim!
Tôi lần nữa nói thêm chuyện tình của “Ro - Fran”là một câu chuyện tình đậm màu tiểu thuyết, điều đó rất dể lôi cuốn được người đọc cùng với giọng văn của Robert James Waiies như ma mị. Song cũng bởi điều đó mà ta quên hỏi lại chính mình là đã “bỏ quên” một nhân vật khác đáng thương không kém trong chuyện tình ngang trái của họ đó là người chồng ít được nói đến?. Tôi biết tác giả đã thật khôn khéo cho tình yêu mạnh hơn tất cả, Francesca hoàn toàn có thể bỏ gia đình để theo tiếng gọi của con tim, song ông đã “không cho” họ tiếp tục mối quan hệ này, rồi "Của Ceasar trả lại cho Ceasar" để cho người đọc nhẹ nhỏm ….
Nhưng còn chúng ta? Chúng ta cũng phải nghĩ, chính tình yêu vụng trộm này, người tổn thương nhiều nhất vẫn là những người bị phản bội như Richard và điều ấy đã làm tổn hại niềm tin vào tình yêu và cuộc sống hôm nay. Như mới đây ngôi sao màn bạc Kristen Stewart và đạo diễn  Rupert Sanders đã đẩy người vợ của mình là Liberty Ross đến chỗ là một người phụ nữ đáng thương. Họ là cái gì? Là hằng đêm Kristen Stewart có thể đọc hàng trăm tin nhắn như Robert Kincaid đã viết cho Francesca: “Trong trí tưởng tượng của anh, trong những buổi sáng mờ sương hoặc những buổi chiều mặt trời trồi lên khỏi mặt nước phía tây bắc, anh cố nghĩ xem em đang ở đâu trong cuộc sống của em, em đang làm gì lúc anh nghĩ đến em. Chắc hẳn mọi sự đều bình dị – em ra vườn, ngồi trên xích đu ở hiên trước, đứng bên bồn rửa trong bếp. Nó phải là như thế.”

Thật là kinh tởm! Không phải tôi đứng một góc độ nào đó mà cho rằng người đàn ông ngoại tình dể tha thứ hơn phụ nữ. Nhưng nhiều khi đọc một câu chuyện tình tiểu thuyết hay, chúng ta lại thường dể dàng “đồng thuận”, “thông cảm”, “nhẹ nhõm”, “xót xa”, bởi Francesca đã giằng xé trái tim mình để quay lại khi nhìn thấy gia đình và nhiều thứ khác còn thiêng liêng hơn cả tình yêu cho dù sức mạnh của tình yêu có thể là tất cả. Như thế có nghĩa chúng ta đã quên đi rằng, xưa nay vẫn có chuyện rất nhiều nữ tu sĩ vì tình yêu, vì không hạnh phúc mà họ phải chọn cách “kiên cường” trong cửa nghiệp để bù đắp những thất bại của họ trong tình yêu. Họ đã ở trong cõi đạo, trong chùa hay trong hang núi đầy nước mắt để tìm hạnh phúc khi tình yêu thất bại.
Còn Francesca đã thất bại trong hôn nhân và tình yêu với Richard, tôi không khuyên chị ta hãy chọn theo cách ấy, nhưng tôi nghĩ Francesca vẫn có nhiều sự lựa chọn! Do vậy dù có biện hộ rằng gần cả một đời Francesca ở vùng nông thôn buồn hẻo với một Richard cục mịch hay thứ này thứ khác mà ta mở vòng tay thông cảm cho bà.
Vậy Francesca là một người phụ nữ đáng thương hay đáng trách khi bà đã đến “thiên đường’ miền cực lạc, rồi là “sự chuộc lỗi” quay về? Là đàn ông, hơn nữa là là người Á Đông,  cá nhân tôi, tôi sẽ nói một vạn lần không. Tha thứ ư? Là một điều quá dễ, thế còn những ám ảnh của điều phản bội kia, làm thế nào để xóa? Nếu là Richard Johnson thì làm thế nào có thể hàng ngày nhìn Francesca của mình như chưa từng gặp Robert Kincaid? Làm thế nào để vượt qua cơn ghen, lòng tự ái? Và làm thế nào để tự tha thứ cho hai con người ấy? Rồi bản thân người phản bội Francesca muốn được tha thứ  chăng, hay là mừng vui vì từ nay mình không còn phải nói, phải giải thích với người yêu Robert Kincaid “Richard không bao giờ hiểu được đâu, anh ấy không suy tính theo cách suy nghĩ của mình. Anh ấy không thể thấy được điều huyền ảo cũng như niềm đam mê và tất cả những điều mà chúng ta đã nói chuyện với nhau cũng như đã sống qua…”, và khi sự thật được phơi bày, chắc “cặp đôi” này họ sẽ không còn phải im lặng và dồn nén như trước nữa hay sao!?.
                 “Robert Kincaid và Francesca” trong phim
Tóm lại câu chuyện của tiểu thuyết mà chúng ta đã đọc, Francesca nhân danh tình yêu, để biện hộ cho một tình yêu ngoài hôn nhân. Điều đó có đâu khác gì trước đây ở Á Đông đã có rất nhiều cuộc ngoại tình huyền thoại như Phan Kim Liên xuất hiện trong tiểu thuyết “Thủy Hử”  của tác giả Thi Nại Am và ngay cả câu chuyện “phóng tác” khác trong Kim Bình Mai cũng rất giống v.v.v. Tôi đồng ý rằng tình yêu trong hôn nhân rất cần sự lãng mạn, bởi đó là thứ gia vị tinh tế cho tình yêu nồng nàn, nhất là cuộc sống cứ mỗi ngày xô bồ và mệt mỏi.
Câu chuyện tình trong tiểu thuyết của Robert James Waller là ở ……Phương Tây. Nhưng thực tế 10 năm trở lại đây, chính tại mảnh đất “kiểu Mỹ” sản sinh cuốn tiểu thuyết này, người ta đã bắt đầu coi trọng chữ trinh, học cách sống chung thủy và có trách nhiệm với tình yêu. Đã qua thời quan niệm thoáng về tình yêu như “Robert Kincaid và Francesca” và cả về tình dục. Họ biết sống để thấy thú vị về quan hệ mới mẻ của bạn bè và nhiều điều lý thú khác để giúp cho tình yêu của họ được thăng hoa và thiêng liêng. Cuốn tiểu thuyết “Những cây cầu ở quận Madison” là một tiểu thuyết đáng đọc và đáng trân trọng để đọc, để giải trí trong đời sống hàng ngày như cây cần có ánh sáng mặt trời vậy!
Tóm lại câu chuyện tình lãng mạn và cảm động này là sự nhào nặn của những nhà viết tiểu thuyết tài ba như Robert James Waller, và chúng ta cũng nên có một cuốn trong “Tủ sách gia đình” 
Andi Nguyễn Ánh Nhật

-->Đọc thêm...

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC