30 tháng 6, 2013

Bà TƯ cafe !




Mấy năm nay tôi đi làm ăn xa, cứ khoảng một tháng tôi mới trở về Sài Gòn một lần và lần này ....mùa nắng.


Sài Gòn đơn giản chỉ có hai mùa mưa và nắng, nhưng cuộc sống ở đây thật đáng yêu: đa âm, đa thanh và đa màu sắc ....

Tôi sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam nhưng làm ăn, sinh sống tại Sài Gòn, rồi Biên Hòa cũng đã hơn hai mươi năm, nên mảnh đất này là quê hương thứ hai, tôi chỉ còn thiếu một quê nhà....

Đất miền Nam bao nhiêu năm rồi đã cho tôi bát cơm, tấm áo. Bởi vậy ai đó cũng đừng nên thắc mắc, vì sao tôi chỉ là dân "tha phương cầu thực" lại đôi khi không ngượng miệng xưng mình "người Miền Nam", giọng lạc mất "răng, tê, mô, rứa".....

Sài Gòn mảnh đất tôi yêu, Biên Hòa cũng vậy. Bởi đây nơi “đất lành chim đậu”, là nơi “tứ hải giai huynh đệ”, là bạn, là tôi, là những người đến đây mà "gia tài" mang theo chỉ túi xách, ba lô và "bảo bối" cũng chỉ văn hóa giọng nói của bản địa sinh ra.

Biên Hòa nơi đang tôi sống thật dễ tính, không kén chọn, dù ai đó là người Bắc Kỳ, Trung Kỳ hay Nam Kỳ mang đến nơi đây cái gì cũng được, miễn sao đừng làm người dân bản địa thấy "kỳ" mà thôi....

Sài Gòn, Biên Hòa luôn ở trong trái tim tôi, mỗi lần quay về là niềm thương, còn xa là nỗi nhớ chênh chao....

Mới về đến nhà, đứa con trai tôi cho hay, cách đây mấy hôm “bà Tư Café” ở ngay đầu xóm đã đi về cõi vĩnh hằng, vì căn bệnh ung thư. Tôi nghĩ, bà Tư nay tuổi cũng gần tám mươi, nên bây giờ bà “về Giời” cũng là quy luật sinh tử của một đời người phải có. Nhưng thương bà ngày còn sống, tôi liền bước sang để đốt nén nhang và lòng cứ miên man trải dài theo dòng thời gian ngày bà còn sống....

Cũng mới đây thôi, căn nhà của bà cũng là quán café để bà kiếm sống sinh nhai trong khoảng thời gian cuối cuộc đời mà không phải cậy con, nhờ cháu. Quán bà Tư không kén khách, từ người giàu sang, cho đến người nghèo khó đang sinh sống trong xóm tôi đều ghé đến quán bà mỗi sáng.

Tôi đang làm việc ở nơi xa, cách Sài Gòn cũng đến hơn năm trăm cây số, nên mỗi khi về lại nhà cũng có đôi chút mệt nhọc vì đường xá xa xôi. Nhưng khi nghĩ về bà Tư, về ly café hàng ngày bà bán hay nghĩ đến một chút kỷ niệm nhỏ giữa tôi với bà, tất cả vẫn còn đây, không rơi rớt chút nào trên "đường xa, vó dặm". Thật buồn khi tôi trở lại “chốn xưa lối cũ” nhưng “cảnh đó, người đâu”, tôi hoài niệm về bà ……

Quán cà phê bà Tư nằm ở ngay ngã ba đường vào nhà tôi, trông thật đơn sơ với tấm biển quảng cáo tí tẹo như bảng phấn học trò. Vì đã già rồi,  nên cái món ăn theo với café ở quán bà cũng chỉ vài ba chai nước ngọt coca cola cộng thêm vài ba gói thuốc lá mà tín đồ cafe ở đây cũng chỉ thường mua một vài ba điếu, năm thì mười họa mới có khách lấy nguyên bao. Phải nói quán của bà Tư trông thật đơn sơ với năm, bảy cái bàn nhỏ thấp lè tè cùng với những chiếc ghế gỗ, có cái xiên, cái vẹo. Nhưng vì không cần lãi nhiều, bà đã bán với giá phải chăng nên quán luôn luôn đông khách. Hóa ra sau vài năm “tha hương”, tôi nghĩ ai đó nói: “Sài Gòn - Biên Hòa! Không nơi đâu như ở xứ này, uống ly café phải trả giá cao ngất ngưỡng” . Vậy là không đúng, bởi như quán café của bà Tư, bán với giá 5, 6 ngàn đồng, tôi nghĩ như thể…. cho không. 

Hàng ngày, bà Tư mở quán bán từ tờ mờ sáng. Người đến sớm nhất là cánh chạy xe ôm, đây cũng là “khách ruột” của bà. Họ là những người thức suốt cả đêm trước cày ải với mưa sương đưa rước khách, sáng ra họ đến quán bà để tìm chút tĩnh lặng, bình yên. Rồi có người bắt đầu phiên chạy sáng cũng lại đến cùng vui và hỏi chuyện làm ăn của đồng nghiệp đêm qua. Khách đến sớm quán còn là những “ông bạn già” của bà, như ông Bảy, bác Năm trong xóm v.v.v. Đó những ông cụ già khó ngủ, lại vừa khó tính với con ,với cháu. Khó tính vậy nhưng đến quán bà chẳng bao giờ nói tiếng lớn, tiếng nhỏ hoặc chê trách bà Tư sao “bưng bê chạy bàn” chậm chạp. 

Còn như dì Ba, bà Tám - Những người bán rau bán quả ở ngoài chợ đầu mối cũng là khách thường xuyên. Dù họ đã trót mang và trót chịu cho cuộc đời cảnh mua bán trong đêm vì những phiên chợ lẻ. Sáng sớm họ đến bà Tư ngoài việc café, nghĩ ngơi, còn như tranh thủ để gặp gỡ và nói chuyện với bà con chòm xóm.


Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy ở quán bà Tư cũng có những khách thập phương xa lỡ bước, đời những người phiêu dạt trôi đi ngàn hướng. Họ tạc ngồi lại đây như muốn nghĩ lại mình!?. Quán Bà Tư còn có những người mới đến sinh sống quanh đây, họ cũng tìm đến quán bà Tư sau những ngày dài đầu tiên ngạo nghễ, đứng giữa vòng mưu sinh xôn xao tấp nập. Ly cafe nơi đây chính là xúc cảm sau một đêm lắng đọng của họ ở miền đất chưa quen.

Khách đến quán sớm thường ngày, tôi nhớ có ông “Tám nhà quê”, ông luôn chọn nơi có ánh đèn dịu nhẹ của một góc khuất, rồi gọi ly Café phin đậm đặc mà chỉ có bà Tư mới biết pha đúng với cái “gu”. Ông rất thích mỗi buổi sáng được nhâm nhi một ly cafe có hương vị phải đậm đà, mạnh mẽ. Một cảm xúc chẳng khác nào đâu như “tình già, nghĩa xóm” của ông Tám với bà Tư lâu nay. Còn chú Bảy tuy ở tuổi trung niên, nhưng râu tóc phong trần áo bạc vì sớm hôm vất vả với mảng đời run rủi. Sáng nào chú cũng ghé đến đây, không bao giờ gọi một loại cafe nào khác ngoài ly vợt nóng hổi. Theo chú cafe buổi sáng mới chia sẻ được những câu chuyện đời hằng thường.

Người dân sống ở xóm tôi, mọi người đều thật tình, đơn giản và phóng khoáng, có thể lúc đầu không biết nhau, nhưng đến quán bà Tư là có thể tâm tình với nhau về những mối lo toan của đời thường vốn có, về những câu chuyện thời sự hôm nay, như để thấy những năm tháng của đời người đi qua không là vô nghĩa. Nhấm nháp vị đắng cafe, họ tin là có những cuộc đời bao quanh giống với cuộc đời của chính họ. Cũng có một vài người, tôi thấy họ lại ngồi trầm tư suy tưởng. Chắc có lẽ là chiêm nghiệm về những thứ mà họ tin đó là triết lý cuộc đời sau những trải nghiệm bản thân (!?).

Chừng đến bảy, tám giờ sáng đến quán bà Tư thường một vài cô gái đỏng đảnh, và những chàng trai bảnh bao từ trong những hẻm nhỏ  đi ra. Tuy tất bật cho một ngày làm việc mới, nhưng sáng nào họ vẫn cố gắng ghé quán bà Tư. Chưa kịp dừng chân họ đã vời gọi café: “Cho ly đen!”, “Cho cái phê sữa bà Tư ơi!”, rồi liền hỏi tiếp …."Nhiêu!?” nghe ngược đời mà gần gũi. Rồi họ lấy mang đi đến công sở những ly café bà Tư pha sẵn mát lạnh…..Khách của quán bà là những người vậy, đến rồi đi, thân thương lẫn xa cách. 

Vốn văn hóa của những người làm công sở đất Sài Gòn là vậy, dù có bận rộn bao nhiêu nhưng mỗi buổi sáng ai cũng muốn tận hưởng cảm giác hương café như vị thực của cuộc đời. Nhấm nháp một chút café ai cũng thấy cảm giác ngọt ngào như được ở bên cạnh người yêu thương, bên  người đồng nghiệp. Điều ấy đối lập với vị đắng của mùi café như cuộc đời vốn có 

Cũng tại vì quán café của người già và bình dân, nên bao nhiêu năm sống gần bà Tư, tôi chưa bao giờ thấy khách hàng của bà là những trai trẻ choai choai. Một loại khách có thể vô tư gác chân lên ghế mà quật những con bài đen đét, hay ngồi xổm nhịp nhún nhím đôi chân. Bởi thế bà và thực khách xung quanh chưa bao giờ phải phàn nàn khó chịu gặp “tay chơi chân chất”, giọng chửi thề giọng Nam dung tục v.v.v


Từ ngày về sống tại xóm đây, tôi có cảm tưởng gần suốt đời bà Tư lụm khụm với cái phin cafe cho khách. Nhìn cách chăm bón từng cục than để cái siêu đất luôn luôn nóng bốc khói của café vợt (café “kho"), cũng như nghe qua cách phân biệt khách lạ với khách quen, tôi mới thấy bà là người trải nghiệm và sành cafe. Bà nói: “Người từ nơi đâu đến đây rồi cũng học cách gọi café như người Saigon chính gốc!. Đôi lúc cũng nhận ra khách lạ, bởi loại khách này ít ai chịu uống cà phê phin, với họ chỉ thường là cốc café vợt. Chắc vì  họ không muốn trước mắt mình là cái phin sẽ làm cảm thấy buồn nản và xa cách…” (!?)

Kỷ niệm mình về bà Tư, tôi nhớ một lần mình gọi: “Cho cái đen pha sẵn bà Tư ơi!”. Bà liền hỏi: “Bộ chú có chuyện phải đi gấp hả?”. “Không đâu bà Tư ơi, con thấy cái ly cà phê của chú Chín đang nghi ngút khói, con thèm!”. Hôm ấy ngồi đối diện uống café với chú Chín, tôi thấy ly Café trước mặt mình như nóng muốn bỏng cả môi, vậy mà cách uống của chú thật là lôi cuốn, gây chú ý những người xung quanh. Nhìn chú Chín, tôi như bị mê hoặc bởi cách uống, bởi sự trân trọng, bởi nét mãn nguyện trong lúc hưởng chất đen huyền diệu từ bàn tay bà Tư pha chế. Ông uống café gần như một nghi thức, kiểu trà đạo của một nước Châu Á nào đó mà tôi từng thấy nhưng đã quên.

Còn dì Năm hàng xóm, tôi thấy ngày nào dì cũng đến đây rất sớm và bao giờ cũng gọi bà Tư ly café đúng kiểu “café Saigon” pha sẵn với nhiều viên đá nhỏ. Dì Năm sáng nào cũng ngồi tám chuyện xung quanh, có người nghe hay không nghe, mặc kệ bà… cứ tám. Nào chuyện thằng Tý con của dì đêm qua đi chơi khuya với thằng Tèo về nhà bị bà la chửi mắng yêu. Chuyện cô bé Út Hương con bà “Năm Rực” xóm trên, xưa rầy nổi tiếng ăn chơi nhất xóm, vậy mà đến nay cũng đã chịu….lấy chồng v.v.v


                              Thú cafe ...một mình!

Nhà cửa của tôi ở Biên Hòa, nhưng vài ba năm nay tôi đi làm ăn ở nơi xa. Có những lúc ngồi Café ở “đất khách quê người”, tôi vẫn thường nhớ đến quán cafe bà Tư ở xóm tôi. 

Nhớ có lần bà Tư đi thăm quê về mời tôi uống ly café sầu riêng mà gần cả đời rồi tôi chưa bao giờ được uống. Một múi sầu riêng thơm ngon nằm trong ly cà phê nóng ngút. Vừa đặt ly lên bàn bà nói khẽ: “Đừng quậy lên nghe chú. Cứ để vậy uống từng muỗng nhỏ, rồi sẽ thấy sẽ biết!”. Đúng là cái món “café thân thương” của bà Tư có chất “riêng” của mùi sầu riêng quyện với hương cà phê thơm ngát, chỉ cần ngụm một chút một là đã thấy phê…phê. Nhìn khuôn mặt đầy mãn nguyện của tôi, bà áp sát tai tôi: “Ngon vậy nhưng mỗi mùa sầu riêng chú chỉ uống một hai ly thôi, còn không là hết ngon đó nghe chú!”. Bà Tư lại cười hóm hỉnh: “Café cũng như ở đời đó chú, cái gì cũng thử một hai lần sẽ ngon ….. (?)”. Câu nói của bà Tư cũng như nhiều "Bà má Sài Gòn" không biết có sâu xa như trong cách nói của người Miền trung quê tôi hay không, nhưng đã làm tôi nhớ mãi về bà.

Bà Tư nay đã đi xa, cái quán nhỏ của bà bây giờ không còn nữa. Mấy ngày nay mỗi khi ngang qua đây, con đường quen nhưng tôi bỗng chợt trôi đi hun hút. Hay do lâu lâu mới về nhà nên tôi chưa nhận ra đâu đó gần đây mới mọc trong con hẻm lao động này một quán cóc khác. Chưa thấy, nhưng tôi vẫn tin trong xóm tôi còn đâu đó một “bà Tư” nào ấy, hàng ngày lụm khụm sớm hôm bán ly café buổi sáng cho ông Chín, bác Bảy, dì Năm và cho cả người dân xóm, bởi đây là nơi sẻ chia đôi câu chuyện đời thường chòm xóm. 
Có thể nói cafe hẻm là nơi có thể dung hòa được “tình làng nghĩa xóm” của người già với bọn trẻ, người sang cũng như kẻ khó.  Một chốn thân quen, đâu chỉ dành có riêng ai, và không bao giờ kén khách….

Lần trở về nhà này bà “Tư café” của xóm tôi đã đi xa, thắp cho bà một nén hương và từ trong lòng mình tôi khấn khẽ với bà : “Ở miền Nam đi đâu là có thể uống được ly café ấm tình làng nghĩa xóm như ly café của bà bán đó, bà Tư ơi ……” 

Andi Nguyễn Ánh Nhật


                                    Như "Bà Tư ....thời trẻ!"
-->Đọc thêm...

23 tháng 6, 2013

TẠ LỖI - Thơ tình xa .....không chết !




Gởi : BS Hồ Hữu Đại

 TẠ LỖI
Hãy cho ta tạ lỗi cùng em
Nghe ngoài hiên nắng đổ bên thềm
Có bước chân ai về rất nhẹ
Mơ hồ trong nỗi nhớ không tên

Hãy cho ta tạ lỗi cùng em
Bởi yêu thương, tim cũng yếu mềm
Hồn cũng vội vàng như mới lớn
Suốt đời mong đợi cánh môi sen

Hãy cho anh tạ lỗi lần này
Để anh tỉnh lại giữa cơn say
Để em còn đó như con gái
Và để cho tình, hương thoảng bay

Ta ước mơ có một lần say
Em nằm lã mộng ở trên tay
Thời gian ngừng lại trong câu hát
Theo gió mơ hồ ru nắng phai

Có những đêm dài ôm chén rượu
Hồn nghiêng, độc ẩm với cây đàn
Có tiếng em cười trong tiếng hát
Một chút tơ sầu vương mênh mang

Ta ru hồn xuống giấc mơ hoa
Biết trăm năm là chuyện phôi pha
Chỉ xin gởi tiếng đàn theo gió
Về đến phương nào em với ta
Đó là một bài thơ của người bạn thân tôi: Bác sĩ Hồ Hữu Đại- Hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện MINH THIỆN - Tam Kỳ- Quảng Nam. Bài thơ này đã được đăng đàn trên một vài tờ báo văn nghệ trong nước cũng như ở nước ngoài.
Và trong thế giới mạng này tôi có được nhiều người bạn làm thơ rất hay như Châu Thanh Thủy ở Quảng Ngãi, Thu Điệp Vàng ở Biên Hòa, Mưa- 123 ở Daklak, Nguyệt Anh ở Lái Thiêu, chị Chiều Tím, chị Giaolang, chị Buithison. Hồ Nhật Thành ở Lai Châu, Chamle ở miền Tây, chị Én Mùa Thu, Nguoinhaque và cũng thật nhiều người làm thơ rất hay, nhưng trên trang viết hạn hẹp này tôi không thể kể hết. Thậm chí có người còn rất nhỏ tuổi như cô bé "ốc tiêu" - MÂY - một cô sinh viên năm thứ 1 của mảnh đất “Ngũ phụng tề phi” cũng làm được những bài thơ ... "thật thấm". Hay nói một cách khác hơn, tôi cảm ơn mọi người đã cho tôi hàng ngày một món ăn tinh thần là những bài thơ hay, mượt mà và đậm chất thi ca. Và tôi có thể nói rằng, tâm hồn của các bạn thật tuyệt vời, đẹp đẽ và mang đến tôi những cảm xúc khó quên....
Với bài thơ “Tạ lỗi”, khi lần đầu tiên đọc, tôi lại có một cảm xúc như chính tôi – Một trái tim yêu hơn một lần đã khóc! Không có gì khác hơn ngoài sự đồng cảm với bài thơ, và một chút vui tiếu tiếu là tôi rất muốn cùng ai ….. "Tạ lỗi” đâu đây!?
Hơn hết, tôi thành thật mong tác giả bài thơ “Tạ lỗi” bỏ qua những gì tôi đã viết, có khi như là ngoài ý muốn của bạn…….
Mở đầu bài thơ tác giả cho người đọc một lời “Tạ lỗi” của chính mình trong khoảng không gian “ngoài hiên nắng đổ bên thềm” thật yên lặng và như một dải nhung. Và hình như chỉ có vài cơn gió thoảng qua thật khẽ, lặng yên đến mức vẫn còn nghe “Có bước chân ai về rất nhẹ”. Đó là phần “Đề” rất “truyền thống” người ta thường thấy ở thể thơ 7 chữ, song cách vào đề của bài thơ này lại thật dễ cho cái yên lặng thiêng liêng ấy, nhiều khi lại làm ta nín thở để nghĩ về một câu chuyện diễm tình của tình yêu lứa đôi của một thời đã xa…..
Xét về tổng thể bài thơ “Tạ lỗi” của tác giả Hồ Hữu Đại, đây không phải là lời ru vỗ dịu dàng cho tình yêu đôi lứa mà đó có thể như là một lời “sám hối”, lời “van xin”, lời “tự sự” cho một cuộc tình đã xa.....
Vậy tình yêu là gì? Ta không biết! Nhưng ta chỉ biết một điều nay đã mất em, và ta rất muốn em : "Hãy cho ta tạ lỗi cùng em!”. Và sự “van xin” ấy trong bài thơ này tác giả đã điệp đến ….ba lần trong ba khổ thơ đầu. Không phải tôi đang mổ xẻ nghệ thuật làm thơ, nhưng tôi muốn nói rằng dường như tác giả có cái tâm cảm thật lòng của một người con trai với người con gái khi tình yêu mất, tình yêu đã đi. Hơn nữa chính “điệp khúc” này là để cho người đọc hiểu thêm một cách đầy đặn chiều sâu nội cảm của hai từ “Tạ lỗi”. 
“Tạ lỗi” trong một không gian tinh khiết nhường như thế bao giờ cũng làm cho người đọc nghĩ đến về một tình yêu tươi đẹp và trắng trong. Có thể thuở ấy tâm hồn ta và em tinh bạch quá, trắng trong quá, nên mới khó gần nhau, rồi lại mất nhau. Tôi nghĩ “Tạ lỗi” là một đề tựa, rồi được nhắc nhiều lần trong bài thơ, đó là câu thiêng liêng nhất, thành thật nhất và đầy tâm trạng nhất của tình yêu mà bài thơ này muốn tụng ca
Và chúng ta có quyền hiểu thêm rằng “Tạ lỗi” của ta không phải là bỗng chốc ta đi “Tạ lỗi” một ai, mà chính em là người đã luôn có trong sự hằng thường đời sống của ta – Một sớm bình minh hay lúc “ngoài hiên nắng đổ” hoặc gần cuối bài thơ tác giả đã tự tình “Có những đêm dài ôm chén rượu”, em vẫn mãi trong ta . 
Có thể nói phần "Đề, Trạng, Luận, Kết" của bài thơ này là những lời 'tạ lỗi" của ta trong những lần say và cả những giấc mơ hoa. Điều này tôi nghĩ có thể là dành cho tất cả những ai may mắn gặp gỡ với tình yêu trong đời, để rồi giờ đây vẫn sống trong tình yêu ấy bằng hoài niệm. Một kỷ niệm đẹp về tình yêu, chắc chắn sẽ làm cho ta hôm nay biết trân trọng tình bạn bè và hương vị cuộc sống này biết bao.
Hàng ngày, hàng ngày, năm tháng vẫn tiếp tục trôi qua, và ta vẫn cứ mãi lăn theo vòng quay cuộc sống…..Nhưng chẳng rõ cơn cớ vì đâu ta lại thường : "Mơ hồ trong nỗi nhớ không tên” , như hình bóng em đâu đó, như vô tình em lại làm khổ đời ta ? Ta tạ lỗi cùng em nhưng nào có nguôi ngoai : 
Hãy cho ta tạ lỗi cùng em
Nghe ngoài hiên nắng đổ bên thềm
Có bước chân ai về rất nhẹ
Mơ hồ trong nỗi nhớ không tên 
Tình yêu có đời của tình yêu, như người  có đời người vậy. Nhưng khi đời chỉ đang lưng chừng, ta cũng phải kịp xin nói lời “tạ lỗi” cho một tình xa không chết trong ta....
Tình yêu ư? Một đôi trai gái yêu nhau, rồi một lý do nào đó phải xa nhau, không hẹn ngày trở lại, vậy mà ai cũng tưởng cho cuộc tình đã xong. Thật trớ trêu thay, có những cuộc tình cứ đeo buộc theo ta đi suốt như cả một đời. Rồi những lúc chẳng cơn cớ vì đâu khi : "Nghe ngoài hiên nắng đổ bên thềm” ta lại “Mơ hồ trong nỗi nhớ không tên”....
Có ai dám chắc rằng tác giả chỉ : "Hồn cũng vội vàng như mới lớn” mà không nghĩ về sự nông nỗi của chính mình thuở ấy :   
Hãy cho ta tạ lỗi cùng em
Bởi yêu thương, tim cũng yếu mềm
Hồn cũng vội vàng như mới lớn
Suốt đời mong đợi cánh môi sen 
Không phải ta khiêm nhường để xin em một lời “tạ lỗi”, hay ta muốn mọi thứ nhẹ nhàng để ta bước tiếp một hành trình lang thang trong cõi sống. Nhưng không, ta chỉ muốn tỉnh lại giữa cơn say nhưng vẫn còn hát về một tình em “vĩnh cửu” trong ta và được nhìn thấy em “vĩnh cửu” ở thì con gái như ta từng đã si mê ….. 
Con người cũng có thể mơ về một tình yêu “vĩnh cửu” dù biết đó mãi mãi không bao giờ là sự thật. Một con suối nhỏ bao giờ vẫn là con suối nhỏ, nhưng khi say cảm xúc lại trào dâng thành một dòng sông tràn đầy, rồi cũng chỉ : "Để em còn đó như con gái, Và để cho tình, hương thoảng bay” 
Hãy cho anh tạ lỗi lần này
Để anh tỉnh lại giữa cơn say
Để em còn đó như con gái
Và để cho tình, hương thoảng bay 
  Tác giả: Bác sĩ Hồ Hữu Đại trong một lần "say" (Bên phải)
Và tiếp theo đoạn thơ sau : 
Có những đêm dài ôm chén rượu
Hồn nghiêng, độc ẩm với cây đàn
Có tiếng em cười trong tiếng hát
Một chút tơ sầu vương mênh mang 
Đối với tôi đây là một khổ thơ khá hay và xuất thần, có lẽ bài thơ được viết trong cơn say thật của tác giả. Viết những dòng này, tôi không phải là tác giả nên phải đặt câu hỏi rằng:  "Hồn nghiêng” là gì?”. Phải chăng “Hồn nghiêng” là hồn bay bổng mà chỉ có trong những cơn say, say rượu, say tình và say em!? Bởi thế ta lại thường buông mình vào hư vô với cây đàn là chứng nhân để nghe tình yêu thổn thức. Tình ta với em xưa kia thật đẹp, có dịu dàng, có đượm nồng như  hơi men ta đã lỡ uống say. “Có những đêm dài ôm chén rượu” ta lại bị ám ảnh bởi âm thanh: "Có tiếng em cười trong tiếng hát” 
Một khổ thơ quá hay, có thể đã lâu lắm rồi tác giả không có thời gian dừng chân bên đời, để rồi được lắng nghe có một tình yêu xưa lại về đang cựa mình thổn thức. Theo tôi nghĩ khổ thơ này rất thành công, và đã làm cho người đọc như nghe thấy được tiếng nhạc trữ tình của cây đàn ghi ta lẫn tiếng hát trong veo, trông thật đắm say, trang trọng trong cái “yên lặng” cả nghĩa bóng và nghĩa đen của tình yêu trai gái. Có một điều sự thực sự rằng khi đọc đến đây tôi cứ ngỡ mình đã buột miệng hát lên được thành lời : “Ta còn em, Một màu xanh thời gian. Một chiều phai tóc em bay. Chợt nhòa, chợt hiện. Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố. Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”. (Phú Quang - Phan Vũ)   
Hỡi những ai đã từng yêu nhau, đã từng trong xa cách và từng chia biệt cũng sẽ tìm thấy ở bài thơ này điều rất thật của lời “tạ lỗi” trong nỗi đau.
Này ta, này bạn, này em, này anh….những trái tim yêu hơn một lần đã khóc, hãy một lần “tạ lỗi” cho một lần yêu trong vòm trời hoài niệm  : 
Ta ru hồn xuống giấc mơ hoa
Biết trăm năm là chuyện phôi pha
Chỉ xin gởi tiếng đàn theo gió
Về đến phương nào em với ta

Bài thơ “Tạ lỗi” là một bài thơ được sáng tác theo thể thơ Đường Luật (Bảy chữ)?. Nghĩ vậy cũng đúng nếu ta không đánh giá về mặt “Đối âm”, một nguyên tắc cơ bản trong thể thơ này, luật “bằng, trắc” chữ thứ 2 và chữ thứ 6. Còn thanh của chữ thứ 4 với 2 chữ kia trong bài thơ này như : Bởi yêu thương, tim cũng yếu mềm” hay  “Ta ước mơ có một lần say”  hoặc  “Một chút tơ sầu vương mênh mang”, thì ra bài thơ này chưa phải là thơ Đường luật đúng nghĩa. Nhưng không sao, tôi cho đó là những sai sót do chủ quan của tác giả. Vậy có thể nghĩ đây là bài thơ hiện đại, tự do “khổ 4 câu và mỗi câu 7 chữ”. Đó là một thể thơ thường gặp ở những tác giả nam giới, họ viết ít chú ý đến thể loại mà tập trung vào những cảm xúc đầy lãng mạn của mình. 
Và tôi cũng chỉ nghĩ một cách đơn thuần, "Tạ lỗi" là "con đẻ" của một người lãng tử khi đã nếm và hiểu hương vị của cuộc sống, viết như để cân bằng giữa thực và hư hay giữa cuộc sống và lãng mạn, để thư thái tâm hồn của mình mà thôi. 
Gớm! Ai dám bảo ông Bác sĩ này chỉ biết bệnh, mà không biết “Tình” và thơ!?. Ai dè lại có một mối tình thật đẹp ghê! Heee. Đôi khi tôi lại nghĩ ông dùng ngôn từ cho bài thơ này sang quá, chắc lọc quá như thể để “dốc hết tình” này, e rằng những mối “Tình sau” bị……. đuối. Heeee! Tôi cảm ơn ông vì đã làm cho tôi có thêm một bạn thơ! 
Andi Nguyễn Ánh Nhật


-->Đọc thêm...

20 tháng 6, 2013

Thơ với mùa thi!



Mùa thi đại học của tất cả con em chúng ta đang tới và chú nhóc GIA BẢO của tôi cũng chuẩn bị đi thi vào Đại học năm nay. Thời nay đa phần con em chúng ta đều được đi thi đại học cả, chứ không phải như ngày xưa…rất hiếm. Chẳng hạn làng tôi thuở ấy, chỉ có một mình tôi “Tấp tễnh người đi tớ cũng đi. Cũng lều, cũng chõng, cũng vô thi”
Nhưng mùa thi năm nay đến, nghĩ thấy con mình ngày đêm miệt mài ôn học mà cảm thấy lo :
“Cô chiêu, cậu ấm đi thi
Lo lên lo xuống…, lo gì cho xong?”
Và nói đến thi cử tất nhiên là nói đến chuyện “Trượt và Đỗ”, xét cho cùng đó cũng là chuyện thường tình trong học tập. Ai đi học là cũng phải có thi cử, mà có thi cử thì có đỗ  và trượt.
Nhưng nếu trượt là biết người biết ta và cũng nên biết chấp nhận thất bại, biết nỗ lực cố gắng cho kỳ thi sau. Đó cũng là điều quan trọng để động viên tinh thần và giúp cho con em mình có được thành công thực sự trong tương lai.
Chúng ta là bậc phụ huynh của tất cả con em, thời gian này hãy luôn sát cánh bên con em mình để hiểu và cổ vũ. Đó cũng là một động lực lớn khiến cho các sĩ tử thấy cố gắng hơn và đỡ áp lực hơn.
Chúc mọi con em chúng ta đều có được một kỳ thi tốt đẹp nhất. 
Thi và Thơ
 
                              Văn Miếu Quốc Tử Giám  
Ở đời ai cũng đều có những lần thi, như thi kiểm tra học kỳ, thi chuyển cấp, rồi có thể thi lên ở bậc cao hơn là đại học hoặc sau này là những bậc cấp khác nữa như thạc sĩ, tiến sỹ. 
Với lịch sử thi cử qua 938 năm của người Việt Nam ta, tính từ lần đầu tiên được bắt đầu tổ chức vào năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông cho đến nay thì bao giờ yếu tố trượt đỗ luôn được người dân An Nam quan tâm hàng đầu. (Xin nói thêm về vị vua Lý Nhân Tông, ông luôn đề cao sự “Học” và tôn vinh những người tài, đó là năm 1076 ông đã cho lập trường Quốc Tử Giám như là trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam. Và năm 1484 ông đã cho dựng 82 bia Tiến sỹ Nho học đỗ đại khoa tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, lưu danh 1.306 vị đỗ Tiến sỹ trong 82 kỳ thi trải gần 300 năm (từ 1442 -1779)

Chỉ có thể là "Nhất quỷ, nhì Ma"
Từ ngàn xưa, đối với người đàn ông Việt, chuyện đỗ đạt công danh được coi quan trọng hơn chuyện đi ….lấy vợ. Ai thi đỗ gọi là “Đại đăng khoa”, còn chuyện lấy vợ tuy là chuyện lớn, chuyện hệ trọng của đời người, nhưng cũng chỉ là ….. “Tiểu đăng khoa” mà thôi. Do vậy từ lâu đã có câu: “Anh chưa thi đỗ là chưa….động phòng” hoặc “Mùa thi sắp tới em thơ, cái hôn âu yếm xin chờ năm sau”.  
Còn thi cử trong thơ ca? Việt Nam là dân tộc yêu thích thi ca và thơ ca đã nảy sinh ra từ môi trường sống cụ thể và đã góp phần nâng cao chất lượng sống của con người Việt Nam! Bởi thế đề tài thi cử đã từ lâu đã có trong thơ, là nguồn cảm hứng được người Việt khai thác rất sớm và nay chưa cạn.
Cách đây gần 200 năm, đại thi hào Nguyễn Du từng viết về con đường công danh và đỗ đạt của Kim Trọng và Vương Quang trong “Truyện Kiều” (2860): 
“Vương, Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày
Cửa trời rộng mở đường mây
Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần
Chàng Vương nhớ đến xa gần
Sang nhà Chung lão tạ ân chu tuyền”. 
Còn như Nguyễn Bính, là tác giả từng nỗi tiếng lãng mạn, là người có một tâm hồn hết sức nhạy cảm: “Hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” của mảnh đất Vụ Bản, thành Nam. Sinh thời khi ông được cha mình, một nhà nho cuối mùa thi khoa cử phong kiến xưa kể lại cảnh ông Nghè, ông Trạng vinh quy, cho nên việc trái tim của chàng thi sĩ chân quê  này trong “Quan Trạng” đã làm nô nức xóm làng sự đỗ đạt thành Trạng của một người được đưa rước về, kể cũng không có gì là lạ: 
Quan Trạng đi bốn lọng vàng,
Cờ thêu tám lá qua làng Trang Nghiêm.
Mọi người hớn hở ra xem,
Chỉ duy có một cô em chạnh buồn.
Từ ngày cô chửa thành hôn,
Từ ngày anh khoá hãy còn hàn vi.
Thế rồi vua mở khoa thi,
Thế rồi quan Trạng vinh quy qua làng... 
Vần thơ của Nguyễn Bính thật đẹp, đọc như thấy có nhạc, có trống, có cờ xí phần phật, "có một cô em chạnh buồn"... đón đưa người vinh quy về  bái tổ. Niềm vui của  ngày “công thành danh tọa” trong thơ Nguyễn Bính thật là lớn, được dân làng rước kiệu quan Trạng đi vòng quanh làng cùng với đoàn tuỳ tùng, cờ xí, võng lọng trông rất uy nghi..
Nhưng có phải ngày xưa thi đỗ là số ít, còn số đông là trượt nhiều?. Chuyện ấy ta chưa bàn, nhưng thi cử ngày xưa là một biện pháp để lựa chọn người có khả năng, học vấn, tri thức rộng để…. làm quan cho các cơ quan của từ triều đình cho đến các phủ, huyện.
Những dòng thơ trên “tiêu biểu” là nguồn xúc vui mừng cho những người đỗ đạt thời phong kiến. Còn thơ trong nỗi niềm thi trượt? Chúng ta hãy nhìn lại trên diễn đàn thơ ca Việt Nam, thơ của cảm xúc buồn thi rớt thì nhiều, còn thơ được viết với xúc cảm tràn trề hạnh phúc khi thi đậu là có vẻ …. ít hơn (!?). Vì sao vậy? Phải chăng niềm xúc cảm trong sự hân hoan….thi đậu lại không là nguồn cảm hứng của thơ ca? Có đấy nhưng ít hơn mà thôi, bởi người Việt muôn đời luôn sợ người phàm cho mình... khoe khoang
Còn nói đến thơ “thi trượt”, chắc có lẽ ai cũng biết Tú Xương (tên thật Trần Tế Xương) là ông hoàng của đề tài này. Và nhắc đến Tú Xương, là người ta không chỉ biết ông nổi tiếng với thơ trào phúng, thơ châm biếm, mà thơ nào cũng thật là đặc sắc. Ngoài ra người ta biết ông chưa phải “thi hoài ngàn năm”, nhưng đã trải qua 8 lần thi tú tài, đó cũng là con số kỷ lục mà hầu như cho đến bây giờ chưa có ai phá được. Với chuyện thi cử ông thật là lận đận long đong, một ông vua không ngai trong việc thi cử. So với nhiều ông tú ngày xưa quả thật Tú Xương là người lận đận hơn hết thảy. Thương vợ đã lo cho mình thi cử Tú Xương viết: 
Quanh năm buôn bán ở mom sông.
Nuôi đủ năm con với một chồng 
Ông Tú không phải là người học dở  song có lẽ chắc do chế độ thi cử lạc lậu, quan trường “ậm ọc” hồi ấy, rồi cũng có “học tài thi phận” nên ông đã thi tú tài đến tám lần mới đậu. Biết chắc thi đậu tú tài cũng chưa chắc làm được quan, song trong thi cử có lần ông Tú than: “Thi không ăn ớt thế mà mà cay” (Hễ mai tớ hỏng) 
hoặc có lúc khi thi hỏng ông não lòng đến tận tim gan : 
“Bụng buồn còn muốn nói năng chi
Đệ nhất buồn là cái thi hỏng” (Buồn thi hỏng) 
Không chỉ có thơ, Tú Xương ngày xưa còn có “Phú hỏng khoa thi Canh Tý” nổi tiếng: “Thế mới biết học tài thi phận, miệng đàn bà con trẻ nói vậy mà thiêng; Nào ai ngờ chữ tốt văn hay, tài bảng nhãn thám hoa lỡ ra cũng hỏng” rồi “Kẻ đến sáng văn còn được chấm, bảng cót nghênh ngang; Người ngồi khuya tên hãy được vào, áo dài lụng thụng. Thi là thế, học hành là thế, trò chuyện cùng ai ? Người một nơi, hồn phách một nơi, than thân với bóng.
Thơ thi cử và sinh viên 
Chuyện thi cử đối với tôi hình như đã qua hơn 20 năm, cuộc sống hiện tại của tôi chỉ còn là thách thức, lo toan nhiều thứ chứ không phải đèn sách thi cử như thời còn là học sinh, sinh viên ngày xưa. Nhưng đó là một khoảng thời gian không có ai có được hai lần trong đời, một bức tranh nhiều màu sắc tự nhiên, không có gán ghép, nhưng “hiệu ứng tuổi trẻ” đã làm nên một bức tranh đẹp và nên thơ.
Lứa tuổi học sinh, người ta nói: “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” quả không sai, bởi không biết có phải vì để giải nhiệt mùa thi hay không mà lứa tuổi này có những câu thơ: 
“Học cho lắm cũng ăn mắm với cá
Học tà tà cũng ăn cà với mắm
Học cho lắm cũng đi tắm cởi truồng
Học luồn xuồn cũng cởi truồng đi tắm” 
Hay: 
“Vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản
Có công mài sắt có ngày….chai tay”
                                   Bảo bối thường gặp!
Chao ôi! Vậy còn ở sinh viên? Thi cử của sinh viên ngày nay chắc cũng có chút giống ít nhiều so với chúng tôi thuở trước. Bởi tuổi trè bao giờ cũng đầy năng động, ngẫu hứng “nhập đồng” và thích làm thơ con cóc. Mỗi sinh viên đều có riêng mình bản dựng "nháp thơ" trong mỗi kỳ thi. Rồi không biết bao nhiêu lần “truyền nhau” và “xử lý” mà đã có một kho tư liệu khổng lồ “Thi và thơ” trong giới sinh viên: 
“Đệ nhất buồn cái hỏng thi
Tú xương còn rớt huống chi là mình” 
Một “câu thơ chế” khi đọc xong là ai cũng có thể tìm lại cho mình những cảm xúc trẻ trung căng tròn, pha trộn sự lạc quan hiếm thấy của một thời sinh viên từng có
Ở sinh viên dòng “thơ chế” hầu như thường trực. Thơ của một tác giả chân chính nào, hay nhà thơ nỗi tiếng nào khác, cũng đều có thể thuộc về tay của mấy gã sinh viên lười học, nhưng hài hước hóm hỉnh hả hê. Chẳng hạn như bài thơ “Qua đèo ngang” của Bà huyện Thanh Quan được "chế lại" đầy vui nhộn và đã mang lại tiếng cười sảng khoái cho các sĩ tử:: 
“Bước tới Đèo Ngang bong xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà
Nhớ đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta” 
Thành: 
“Bước tới trường thi đủ mánh phòng
Lý, Văn dưới áo, Hóa bên hông
Lom khom giở quẻ tiêu vài chú
Khám xét thu phao, lượm mấy chồng
Hết “thuốc” đau long cô mếu máo
Tiếc bài, đớ miệng hỏi cầu mong
Tại ai nên nổi bài để trống
Kết quả trời ơi! Không với không” 
Tôi vẫn còn nhớ không chỉ riêng ở trường tôi học khi xưa mà sinh viên các khóa ở mọi trường khác đều rất ngại dùng từ “trượt” trong thi cử (Gọi "rớt" như thế không phải là sinh viên chăng!?). Bởi thế chúng tôi những sinh viên nam thường nói với nhau trong những lần thi: là “Đi die rồi!”,  là “chưa qua”, là “bị kẹt rồi” hoặc “bị out”, còn sinh viên nữ: “Đã đậu cành mềm”, hay “đã đậu cành me” v.v.v. Có lẽ họ rất sợ nghe từ “trượt” là có cảm giác gảy đổ, tan nát nỗi lòng bi ai (!?). Bởi ngay từ khi đi thi ai cũng từng phải trải qua những phút giây: 
“Giám thị nhìn em, giám thị cười
Em nhìn giám thị nước mắt rơi” 
Chuyện thi cử của sinh viên là một nỗi khổ “không chỉ riêng ai” (!?), và có phải vậy không mà đề tài này thường xuyên xuất hiện trong thơ “con cóc” của giới này: 
“Nghĩ đi ngẫm lại mới thấy
Vào kỳ thi ai cũng thấy mình bé nhỏ lạ thường
Kiến thức thì bao la, còn giám thị vĩ đại
Nhưng thời gian là tia chớp …khó làm sao” 
                              Những Thiên thần áo trắng
Lẽ thường tình của con người là ai cũng cố gắng xoay xở để đạt được mục đích của mình. Sinh viên cũng vậy, họ có nhiều căn bệnh trầm kha và thường xuyên giống như bệnh ung thư thường gặp trong phim Hàn Quốc, đó là bệnh lười học. Rồi để thi đạt thì phải tìm mọi cách xoay xở, không mang theo tài liệu thì cũng ngó tới ngó lui để hy vọng một điều gì đó! Bởi vậy có thơ rằng: 
“Có bệnh…thì vái tứ phương
Làm bài hổng được…bát phương ngó liền” 
Hoặc: 
“Đi thi anh đã dặn dò
“Phao” quay không trúng thì chờ giấy quăng
Bao giờ giám thị quay ra
Bàn trên để ngỏ, là ta….”cóp” liền. 
Thậm chí nhiều sinh viên có tư tưởng "lớn" nhại câu thơ của người đời “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” 
thành :  
“Thà một phút lật bài….rùi bị bắt
Còn hơn ngồi cắn bút ..giết thời gian!”
                               “Cô chiêu, cậu ấm đi thi
                       Lo lên lo xuống…, lo gì cho xong?”
Ngày xưa Tú Xương thi trượt rồi buồn làm thơ, nhưng ngày nay những sĩ tử là con cháu của ông lại có vẻ lạc quan hơn nhiều, bởi từng có nhiều cô cậu nói: “Không thi lại, không phải là sinh viên!?” 
“Trăm năm Kiều vẫn là Kiều
Sinh viên thi lại là điều tất nhiên” 
Sinh viên là thành phần tri thức, nhưng với thi cử lại có một “chân lý cù nhày”. Ngày còn là sinh viên, tôi vẫn còn nhớ anh bạn ở cùng phòng có treo câu nói nỗi tiếng “Học, học nữa, học mãi” (Lenin) ngay ở bên gường ngủ. Tưởng vậy là hay, là một sinh viên cần mẫn, nhưng nhìn sang đối diện cậu sinh viên này lại ghi "ngược đời “Thi, thi nữa, thi mãi”. Hết biết!
Với các sinh viên nam đôi khi có ảo tưởng kỳ thi là cơ hội để "anh hùng cứu mỹ nhân", cứ nghĩ "trồng cây sẽ có ngày hái quả" nên tận tình chỉ dạy cho các nữ sinh viên, thậm chí chỉ bài trong lúc thi, hy vọng nàng sẽ "xúc động đậy" mà lại cảm thương chàng!. Nhưng "Xưa rồi Diễm ơi!", điều này đâu có còn tồn tại trong giới sinh viên của thế kỷ 21 này nữa!  Bởi vậy có thơ rằng: 
“Khi thi chàng cố ngồi gần
Ngó ngang liếc dọc, đưa bài cho em
Thi xong ….em có người chờ
Còn chàng …ở lại, ngồi chờ thanh tra” 
Có khi còn tệ hại hơn: 
“Công anh sớm tối chỉ bài
Nàng xong tốt nghiệp ….nói lời gút bai” (good bye) 
Nguyên bản: 
“Công anh bắt tép nuôi cò
Cò ăn cò béo, cò dò lên cây”. 
Vừa qua, đã có gần một triệu thí sinh trên cả nước đã hoàn thành kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nay trước kì thi quan trọng vào các trường đại học và cao đẵng sắp tới, trên đây tôi chỉ "giới thiệu" một trong số ít “kho tàng thơ” của học sinh, sinh viên với mùa thi. Và cuối cùng bài viết ngắn này không mục đích gì khác hơn là chỉ để mục đích giải tỏa căng thẳng cho các sĩ tử mà thôi. 
Andi Nguyễn Ánh Nhật


-->Đọc thêm...

16 tháng 6, 2013

Tự tình theo khúc hát của Trịnh Công Sơn!




“…Tôi là Andi, tôi có thể bạn của mọi người, nhưng tôi không phải là người đàn ông hoàn hảo. Đã ở tuổi 48, tôi vẫn như đứa trẻ với những ước mơ mông lung. Có lúc tôi còn muốn mình….. Hoạ sĩ (!!?) để chỉ vẽ lại chân dung một tình yêu hay hình hài của chính mình. Cũng chính vì như đứa trẻ nên tôi có những suy nghĩ về cuộc sống và tình yêu quá giản đơn. Bởi thế mọi điều đến với tôi cứ mong manh, vời vợi…..”

Đêm nằm, tôi nghe tiếng hát của Quang Dũng từ nhà ai rất gần vọng về thiết tha: "Đời ta có khi là đốm lửa, một hôm ngồi nhuốm trong vườn khuya, vườn khuya đoá hoa nào mới nở, đời tôi có ai đã qua….” (Đêm thấy ta là thác đổ)



Tôi thích náo nhiệt, nhưng với đêm, tôi luôn muốn cho riêng mình khoảng không gian bình yên, vậy mà dù muốn hay không, tôi cũng đã bị thứ âm thanh “giết người” này đều đều rót vào tai. Khủng khiếp!. Sự gãy gọn của “đồ rê mi” dường như đã chạm đến đáy những nỗi niềm sâu kín. Tôi đang nằm trong căn gác trọ, nhưng nếu ở một nơi nào ấy thật sang giữa trời và đất, thì tôi vẫn không thể tự tại, an nhiên với bao niềm khắc khoải riêng tư. Hoặc tôi có là người trải nghiệm thì cũng phải ngập ngừng, rồi nghĩ về một tình yêu từng có….. 

Âm nhạc là gì? Người ta nói đó là cung bậc tình cảm để thể hiện tâm tư và suy nghĩ của con người…..Thế sao, Trịnh không viết tình như hạt nắng....... "để gieo đời vô tư", hoặc Trịnh có thể nhấn nhá giáng thăng giai điệu để cho tình "Xa hơn" rồi lại.... "Gần hơn" theo quy luật quả lắc đồng hồ !?.

"Đời ta có khi là đốm lửa...." vang vọng lại, mỗi ca từ  hồ như nỗi đau phủ lên từng nốt nhạc, rồi len lõi chạy dọc theo xương sống tôi ….nghe buốt. Tưởng rằng tôi đã quên được em, quên đi tình yêu và nỗi nhớ ….! Nhưng không, từng câu hát làm tôi “giật mình nhìn quanh, ồ phố lạ” - Bên đời quạnh hiu.




Tôi ngồi trước bàn phím để gõ những dòng này, mỗi con chữ trôi ra, trái tim tôi phải cố lấy bình yên, còn trong tâm khảm cũng tìm chút hờ ơ mới đẩy lùi được cơn ác mộng. Nghĩ lại, tôi viết được cũng nhờ sau lần tôi ngồi khóc với em, với một mình và với cả người thân thích. Tôi không biết em có còn nhớ điều này!?. Nhưng hôm nay tôi viết để cho em - cho người tôi từng dấu yêu và cho cuộc tình đánh mất.....

Tôi - Một người dốt nhạc, không hề biết nhạc Jazz, Ballad  hay bất cứ thể loại nào v.v.v, nhưng với “Đêm thấy ta là thác đổ”, tôi biết đây là một trong những bài hát trong tập “KHÚC TỰ TÌNH” của Trịnh Công Sơn đã ra đời cách đây 29 năm. Tôi còn nhớ, đó là tập nhạc đầu tiên của Trịnh Công Sơn và khi ra đời được mọi người đón nhận. Ít biết về nhạc, nhưng tôi hằn in tập nhạc ấy, Trịnh đã tự tay ghi lời dẫn, lời tựa, vẻ cả bìa và phụ bản cho tập nhạc. Ở tranh bìa, Trịnh còn cho mọi người một cảm giác của một không gian lãng đãng như thật, như hư….

Khi ấy còn nhỏ, tôi không thể hình dung hết các bí ẩn chứa chất trong bức tranh bìa ấy, nhưng rồi thầm hiểu, ở đó Trịnh vẽ có cả trời xanh và đất đen, có chút ánh sáng giữa bóng tối, có niềm khắc khoải cùng với chút ngập ngừng, than thở hư vô. Tôi biết Trịnh rất nhạy cảm nên thế giới thu nhỏ ấy là một tâm hồn đa điệu, vì thế xưa nay, mỗi khi nghĩ và nhắc đến ca từ trong “Khúc tự tình” tôi luôn cảm thấy mình bất lực và dông dài vòng vo đôi chút. Còn ai muốn tôi nói điều dễ hiểu, thì cũng chỉ có thể: "Tôi nghe nhạc Trịnh theo cảm xúc của chính mình mà thôi!"..

Còn đêm nay, lời “Đêm thấy ta là thác đổ” bỗng làm cho lòng tôi cảm thấy xốn xan, hình như tôi đã bị sóng tình xô ngã, bị cuộc đời cho cái tát đớn đau.

Tôi rất thích nhạc Trịnh, nhưng lại không bao giờ muốn mình nhuốm chút than thở như Trịnh, dù tình có phụ rẫy và có muốn tránh xa….. Vả lại, vì đời người quá ngắn ngủi, nên tôi luôn nâng niu và quý lấy cuộc đời này, tôi không muốn mình phải có những phút giây cô đơn, lạnh lẽo. Vậy mà, thật đáng sợ khi tôi nghe vọng về điều đầy tiếc nuối và day dứt không thôi: "Lòng tôi có đôi lần khép cửa. Rồi bên vết thương tôi quỳ. Vì em đã mang lời khấn nhỏ. Bỏ tôi đứng bên đời kia…”

Em xa tôi, tôi không hận tình và hận cả em, bởi hết cả các nguyên nhân đều do tôi mang lại. Và tôi biết mình cũng phải cần nhiều thời gian hay chẳng cho đến bao giờ có được, để cho cuộc tình này thành một “vết thương khô”….!. 




Với tình, tôi biết em đã từng chạm tận ngưỡng khổ đau, cũng như nếm trải nhiều thứ, nhiều điều rồi, nên nỗi đau nào cũng có thể nguôi ngoa!. Còn tôi, tôi không dối với lòng mình và với cả em: “Nhiều đêm thấy ta là thác đổ. Tỉnh ra có khi còn nghe” .

Em xa tôi, tôi chỉ biết chấp nhận và im lặng. Có người nói im lặng là thiền. Nhưng tôi không hề nghĩ vậy, bởi thiền là quyển kinh không chữ, là cuốn sách không lời. Còn im lặng là tiếng nói không âm, và tôi chỉ còn biết chọn điều này, để như được trả lời với người đời và ngay cả với em. Trong cuộc sống nếu so với thiền, tôi thích im lặng hơn, dù tận trong lòng mình, tôi có nhiều điều muốn nói. Hơn nữa, tôi biết chính tôi, bản tính ít bao giờ tâm tĩnh để có thể an lạc vô vị trong thế giới của thiền. Bởi thế tôi im lặng là điều rất quý, mới chiêm nghiệm lại những gì đã qua, và nghĩ về những câu chuyện tình mong manh trong đời nay đã có……

Im lặng. Đó cũng là cách riêng để cho tôi thấy mình còn yêu đời, yêu người, yêu bao thứ khác trong cuộc sống hôm nay. Cảm xúc con người không có được nhiều, nên điều ấy mới có thể cho tôi lấy Có làm Đủ, lấy Thiếu làm Dư để sống với cuộc đời hiện hữu. Vả lại, đó cũng còn để cho tôi hiểu thêm về một người bạn, về một người đã từng là ….hình bóng của tôi.

Tôi tiếc cho tôi, tôi tiếc cho em, cho câu chuyện chúng mình khi đã vượt qua nhiều bão tố phong ba, nhưng rồi cả hai cũng ngã sòng soài vì một cơn gió lạ (!?). Tôi tiếc thật nhiều khi tất cả đã thành điều vô nghĩa và mất cảm xúc khi "Đời ta hết mang điều mới lạ"
  
Em đã chọn cách xa tôi, nhưng tôi tin suốt cuộc đời em sẽ dằn vặt vì chuyện ấy, chuyện của hôm nay ra cớ sự thế này. Tôi không trách em, bởi em là chúa những hờn ghen vô cớ, là sư phụ của những người có bản tính đa nghi, lại cũng là vua của những điều ít kỷ…..bởi những điều đó luôn hằng hữu trong chính bản thân em ….!

Tôi đã từng xách ba lô về tha hương trên ngay quê quán. Nhưng ôi quê hương, sao không cho tôi được gọi tiếng......quê nhà!?. Tôi phải lạc lõng sống và làm ăn trong dòng đời bất tận, vì yêu em mà “con sóng biển dâu đã mang tình về quê quán cũ”…….




Lời viết ngắn “Tự tình theo khúc hát của Trịnh Công Sơn”, tôi xin gởi đến em, đến mọi người đã từng dành tình thương cho tôi một lời khấn nhỏ. Cầu mong cho em và cho tất cả bình yên.

Tôi cảm ơn em, bởi ngày yêu em, tâm hồn tôi luôn sống dậy tràn dâng cảm xúc yêu thương và biết nếm hương vị của đời. Tôi đã tìm được tình, tìm được em, tìm lại trong tôi "..... những dấu vết hài”, rồi đưa tình về trong tiếng “chim hót tên là ái ân”.

Xa nhau, mong em nhận ở tôi lời xin lỗi!. Tất cả không là thứ định mệnh vô tâm, “Tình do tâm mà sinh. Có khi mất mà tâm còn động vọng”. Không ai khác chính tôi đã bỏ rơi trong cõi vô thường này một tình yêu đẹp và sẽ hối tiếc cho đến mãi ngàn sau….

Em! Cho tôi nhắn gởi những ai đó may mắn được một lần gặp gỡ tình yêu và hạnh phúc trong đời, hãy nên cố giữ lấy để sống và để yêu……

“Cầm tay nhau đi anh
Tơ trời quá mong manh” 
(Nhạc Nguyễn văn Đông)

Andi Nguyễn Ánh Nhật






-->Đọc thêm...

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC