23 tháng 9, 2013

Phụ nữ VIỆT NAM biết mặc quần từ khi nào !?



Theo tờ Daily Mail, tiến sĩ David Reed - Một chuyên gia nghiên cứu "Động vật có vú" thuộc Đại học Florida đã cùng các cộng sự của mình làm cuộc “Cách mạng” nghiên cứu sự phân kỳ tiến hóa của các con Rận – Một "động vật không có …..vú". Từ đây họ vô tình đã xác định được thời điểm loài người bắt đầu biết mặc quần áo . Theo đó, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, con người bắt đầu mặc quần áo từ cách đây 170 nghìn năm, đúng vào thời điểm con người vượt ra khỏi Châu phi và di cư đến những vùng khác 

Và từ năm 1618 – 1623, có một vị giáo sư người Ý tên Cristoforo Borri sống ở vùng Quảng Nam, sau này ông đã có nhận xét trong một cuốn sách của mình rằng: “Người Việt Nam xưa nay thường có tính rất kỹ lưỡng. Tuy là một nước nhiệt đới, nhưng người Việt ăn mặc rất kín đáo, có thể là kín đáo nhất so với các dân tộc khác trong vùng”. Vậy với chiếc quần, người phụ nữ Việt Nam biết mặc nó từ khi nào? Một câu hỏi như vậy được đặt ra có khi người ta cho là "vớ va, vớ vẩn" cũng nên đáng tội! Nhưng bây giờ chúng ta hãy thử cùng bàn điều này ra sao….

Thời Lạc Việt phụ nữ đã biết mặc váy. Nhưng thực ra thời ấy người ta chưa hình dung ra cái quần có hai ống như bây giờ ra sao, hay nói cho đúng hơn là chưa có ai “bị ép” phải mặc quần (!) mà lai lịch của nó lại gắn liền với áo "Tứ thân". 


Chuyện áo quần, theo truyền thuyết xưa kia kể lại, khi cưỡi voi xung trận đánh đuổi quân Nam Hán, Hai Bà trưng đã mặc áo dài hai tà giáp vàng, và có che lọng vàng (còn quần là gì?). Có một cách giải thích về "áo dài hai tà giáp vàng" này, đó là thời trước kỹ thuật dệt còn quá đơn giản, thô sơ và mộc mạc, người Việt không thể dệt vải theo khổ lớn được (ngày xưa chỉ dệt được rộng nhất là 40 cm), nên người ta phải ghép bốn mảnh vải lại mới có thể tạo ra được một chiếc áo dài. Vậy nên nếu ta muốn biết tiểu sử và “thời điểm lịch sử” mà người phụ nữ Việt Nam trút bỏ váy để xỏ "đôi chân vào quần" là phải biết sơ về cái áo "Tứ thân" và sự thăng trầm của nó. 

Qua các thời kỳ, trước hết ta nhận thấy áo "Tứ thân" là tiền thân của áo … "Ngũ thân”. Trong khi áo “Ngũ thân” là mẹ đẻ của chiếc áo dài “Nhị thân” mà ngày nay các cô, các bà người Việt Nam thường tự hào và làm duyên khi mặc vào như hiện nay.

Trong đời thường chiếc áo "Tứ thân" đi vào trong hội họa, âm nhạc, thi ca như nhà thơ Nguyễn Bính đã viết: “Nào đâu cái yếm lụa sồi? Cái lưng đũi nhuộm hồi sang xuân? Nào đâu cái áo tứ thân? Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?” . Hơn nữa chiếc áo này thường được các nghệ sĩ sân khấu lấy dùng vào cho các vai nữ nông thôn miền Bắc. Đó là áo có phần lưng gồm hai mảnh vải ghép lại, phía trước có hai thân tách rời, được buột lại với nhau, thả trước bụng để tạo dáng người thon thả, phía trên không gài khít mà để lộ yếm màu bên trong. Áo tứ thân dài gần chấm gót, tay áo bó chặt ….. 

Chuyện chiếc quần của chúng ta hiện nay đã có nhiều thăng trầm theo cùng lịch sử đất nước, mà rõ nhất là trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài diễn ra, vì “không đợi trời chung” nên cũng đành không muốn lễ nhạc, lễ phục lãnh địa của mình giống đối phương. Khi ấy chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong lên xưng vương (năm 1744) đã bắt quan, dân phải mặc lễ phục lấy mẫu từ bộ “Tam tài đồ hội” của nhà Minh - Trung Quốc kết hợp với chiếc váy của người Chăm (Vì vậy nên có giả thuyết cho rằng, áo dài Việt Nam xuất xứ từ phương Bắc). Lúc đó theo “cải cách” này, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ra chỉ dụ, buộc phụ nữ Đàng Trong phải mặc quần trong cho váy! Nhưng cuối cùng cuộc cải cách của Võ Vương đã bất thành!. 

Hãy thử tưởng tượng nếu khi ấy chiếc áo "Tứ thân" đi liền với cái quần thì sẽ ra sao!?. Chắc cũng chẳng có sao!. Bởi nếu ngày nay có "giao diện" như vậy thì cũng thấy bình thường, vì dân Việt rất thông minh trong việc tìm cách phối hợp những nguyên tắc thẩm mỹ, cũng như nắm bắt rất nhanh trong thời trang đa hệ. Nhưng còn thời xưa, đó là chuyện “xúc phạm” đến thuần phong mỹ tục, là chuyện quốc gia đại sự chứ chẳng chơi. Với di sản mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, ý chí đấu tranh quật cường của người phụ nữ Việt Nam, nên lời chúa của Khoát cũng chẳng lay chuyển được cái “tính ương ngạnh”của chị em chúng ta. Và cuộc cách mạng đổi váy thay quần cũng tạm ngưng tại đó.

Đến năm Minh Mạng năm thứ 8 (Năm 1828 – Vua Minh Mạng là vua thứ nhì của triều đình nhà Nguyễn, trị vì từ 1820- 1841) đã nêu gương liệt tổ Nguyễn Phúc Khoát phán bảo bộ rằng: "Dư đồ của nước nhà hỗn hợp làm một, văn hóa phép tắc cũng giống nhau, sao nên có sự khác biệt. Châu Bố Chánh là đất phụ thuộc kinh kỳ, nhưng y phục của dân gian vẫn còn khác biệt, không hợp với nghĩa cùng chung quê quán, cùng chung phong hóa. Hạ lệnh cho dinh thần Quảng Bình, truyền khắp dân gian trong châu phải mặc quần áo cho đúng cách thức với dân ở sông Linh Giang trở vào miền trong, khiến cùng chung phong tục…”

Tuy nhiên, nhà vua cũng ý thức được việc "đổi váy thay quần" rất khó khăn với dân chúng nên ban dụ bộ lễ rằng: "Yên thói thường, quen nếp cũ, đó là tình người ta. đất bắc hà dồn chứa tập quán đã sáu bảy trăm năm, trong một ngày trở nên thay đổi, thật là ý nghĩa có quan hệ đến khí vận của đất nước, không phải sức người có thể tính liệu được” (Minh Mệnh Chính Yếu – quyển 2 trang 224-225 . Bộ này gồm có 25 quyển do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn). Từ trên xuống dưới chiếu lệnh vua ban nhưng chẳng nhúc nhích được lòng dân, phụ nữ ra đường vẫn ung dung váy yếm!.

11 năm sau (1839), Minh Mạng Hoàng đế lại ban dụ tiếp: "Ngày trước từ Linh Giang trở ra Bắc, dân vẫn ăn mặc như tục cũ. Đã ban dụ truyền lệnh sửa đổi theo y phục từ tỉnh Quảng Bình trở vào Miền trong để phong tục đồng nhất. lại cho thời hạn rộng rãi, khiến dân được thong thả mua sắm áo quần. Từ năm Minh mệnh thứ 8 đến nay, đã 10 năm rồi, vẫn nghe nói dân chưa sửa đổi. Vả lại từ Quảng Bình trở vào nam, mũ khăn quần áo đều theo cách của nhà Hán, nhà Minh xem khá tỉnh tề. Theo phong tục cũ của người miền Bắc, con trai đóng khố, con gái mặc áo thắt vạt, dưới mặc váy. đẹp xấu đã thấy rõ rệt. Có kẻ đã theo tục tốt, cũng có kẻ giữ nguyên thoái cũ. Phải chăng làm cố ý lệnh trên? Các tỉnh thần nên đem ý ấy mà chỉ bảo, khuyên dụ dân. Hạn trong năm nay, phải nhất tề thay đổi. nếu đầu năm sau, còn giữ nguyên theo y phục cũ, sẽ bị tội " (Minh Mệnh Chính Yếu, quyển 2 , trang 261) 

Với chiếu lệnh này cũng chẳng có sự chuyển biến nào tốt hơn, và sau đó không thấy ai nhắc đến kết quả sự kiện "đổi váy thay quần" của vua triều Nguyễn. Bởi việc cải đổi y phục của vua đã gặp phải sức kháng cự của người dân Đàng Ngoài bằng hành động bất tuân phục và đặt ra những bài hò vè để chế diễu phản đối. Như sau này trong tác phẩm "Đất Lề Quê Thói" của tác giả Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu có viết về vấn đề đó như sau: “Người xứ Bắc vốn không qui phục nhà Nguyễn . . . lại gặp phải chính sự hà khắc cấm đoán cả về y phục, trái với lẽ thường, dân mất váy lần này có câu ca rằng: 
Tháng chín có chiếu vua ra:
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi ra bóc lột quần chồng sao đang.
Có quần ra quán bán hàng,
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan ” 
(Đất Lề Quê Thói, tr. 207-208) 
Người mẫu HANH LE

Mãi nửa đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh lịch sử mới, nước Nam chịu sự tác động của Âu hóa, chiếc áo “Tứ thân” được cải tiến thành “Ngũ thân” (5 vạt) có khuy cài. Dần dần thời gian rồi áo “Ngũ thân” đơn giản hóa thành “Nhị thân” như người ta thấy hiện nay. Chính nhờ sự biến tấu của "Ngũ thân" nên chiếc quần hai ống cũng mới thực sự được đàn bà An Nam chấp nhận xỏ vào thay cho váy một cách đại trà theo thời trang áo "Nhị thân". Và cũng bắt đầu từ đây trong con mắt của mọi người Việt nếu mặc áo dài “Nhị thân” mà tròng váy vào đúng là coi "không đã”, vì thế nên tất cả đều phải mặc…. quần. 

Thật may chiếc quần trắng rộng từ khi xuất hiện đã rất thích hợp với dáng vóc phụ nữ Việt Nam, như tưởng chừng nó sinh ra để kết hợp với chiếc áo dài "Nhị thân" thành một "cặp đôi hoàn hảo". Và cái đẹp giữa "áo và quần" này đã tạo nên một bộ trang phục độc đáo có tính thương hiệu và đặc trưng, quí phái, gợi cảm nhất của người phụ nữ Việt Nam hiện nay.

Còn điều này nữa, theo hoàn cảnh lịch sử kể trên, có phải phụ nữ Miền Nam biết mặc quần trước phụ nữ Miền Bắc?. Chuyện ấy chưa bàn mà chỉ biết với một đường kéo xẻ cái váy ra làm hai mảnh và hai đường may “ốp” 2 mảnh thành hai ống quần mà phải trải qua mấy trăm năm “sóng gió”. Thật ra cũng nhờ thế mới biết, mỗi nhát cắt và mũi kim trên chiếc quần hiện đại có chiều dài “lịch sử đấu tranh” hàng chục năm với bao thăng trầm “oan nghiệt”…

Andi Nguyễn Ánh Nhật
Mời các bạn cùng thư giãn với những câu Slogan vui được in trên áo.











 
-->Đọc thêm...

20 tháng 9, 2013

TẢ PÍ LÙ....!


@ 1 - Nước Mỹ vừa kỷ niệm 12 năm ngày diễn ra cuộc khủng bố kinh hoàng và tàn bạo mang “thương hiệu Bin”. Sự kinh hoàng đó ít ai ngờ lại diễn ra ở một đất nước tưởng như là thành trì bất khả xâm phạm.

“Nước Mỹ bị tấn công” ta ngẫm lại vẫn thấy một vòng luẩn quẩn: Con người là nạn nhân của chiến tranh và khủng bố, nhưng chiến tranh, khủng bố lại do chính con người gây ra để rồi làm bao nhiêu cảnh đời mất mát, con mất cha, vợ mất chồng. Có thể chỉ dăm ba phút trước, người Mỹ cứ vô tư mà vui sống, cứ lộng lẫy và xa hoa, rồi đâu biết rằng phải oằn mình kêu Trời không thấu vì nỗi đau chết chóc và mất mát chia ly. 

Ngày nay không chỉ có người Mỹ còn nhớ và kỷ niệm về “ngày ấy”, sự kiện này nhân loại sẽ mãi mãi còn ghi để cho người với người sống trên trái đất này không nên phải hận thù và cáu xé, biết yêu thương và biết giúp đỡ cho nhau! Nỗi đau nước Mỹ 12 năm về trước cũng có thể lại là “Biệt dược” cho loài người chống lại chiến tranh, khủng bố, chống lại những hiềm khích thù hằn đã cũ, chống lại lực cản của mọi nguyên nhân đã làm nên điều xa cách của hôm nay và có thể ngày mai ......vĩnh viễn.!

Người với người nên hãy mãi yêu nhau và lo lắng! 

Không biết có phải vì người Mỹ đã biết thấm và biết nghĩ về điều đã từng xảy ra với mình, như cuộc khủng bố 11- 9 kinh hoàng năm xưa mà kế hoạch tấn công Syria của họ tạm dừng vào phút chót. Cả hành tinh bao trùm một bầu không khí mừng vui và vô cùng cảm ơn người Mỹ, bởi từ trước đến nay, lịch sử của nhân loại đã chứng kiến không ít những cuộc chiến tranh phi nghĩa mà chính chú Sam là người khởi xướng. 

Ôi chiến tranh đâu phải trò đùa! 
@ 2 - Người dân miền Trung hôm nay đã thở phào nhẹ nhõm, nắng đã lên, ai cũng bất ngờ và mừng cho cơn bão số 8 quá hiền. Bão đến! Nhưng cơn bão nào cũng như thế thì vẫn là một “món quà vui” từ thiên nhiên dành cho con người xứ sở quê tôi. Bão ghé ngang miền Trung hôm qua không phải là “Cơn bão nghiêng đêm, cây gãy cành lay lá”, “Giờ bão đã tan rồi, hàng cây đã xanh xanh trở lại” (Lê Cát Trọng Lý). Ôi! Mọi người mừng vui quá làm sao!. 

Nhưng rồi mùa đông sẽ về, người dân miền Trung quê tôi còn phải sống với những tháng ngày dài bị trói chân vì mưa, vì gió. Vậy mà xưa nay mùa đông nào con người ở đây vẫn lạc quan, cho dù có những trận mưa đòn nhừ tử. Có lẽ họ đã quen và rất biết nơi ta ở, trời có lúc nắng lúc mưa, rồi có bão có dông, cũng như đời có lúc lên lúc xuống. 
@ 3 - Đời tôi có nhiều người bạn rất thân ở mọi miền đất nước, có khi họ lại còn là vợ chồng với nhau, như: N – H hoặc như T- G tôi mới gặp gần đây v.v.v. Họ là những người tôi chỉ mới từng gặp mặt hoặc quen biết sơ sơ trong ký túc của những năm xa lơ, xa lắc. Sau 16 năm lạc nhau rồi cũng đến ngày chúng tôi gặp lại. Ngay từ đầu cuộc hội ngộ ấy, chúng tôi chẳng ai bao giờ sợ là mình phải gắn bó thêm người này, người khác, hay phải gánh thêm trách nhiệm gì đây!?. Rồi thời gian chúng tôi chơi với nhau, tuy không phải luôn “cõng” tình thân hữu trên vai, nhưng mọi vui buồn chúng tôi cùng có.

Hạnh phúc nào hơn cho những ai là người được “cõng” và được sẻ chia, bởi chúng tôi đã hiểu và phá vỡ sự “cân bằng” mà sách vỡ đã nói hơn triệu lần về điều ấy. Cân bằng giữa cho và nhận, cân bằng giữa ích kỷ và vị tha, cân bằng giữa mình và người… Và bây giờ tôi rất quý những bạn của tôi. 

Với sự đời còn ai đó với nhau hãy cứ nên là bạn, có thể là tri kỷ để gửi gắm trên đời này một chút bí mật, hay một xíu tâm tư v.v.v. 

Đời và tình bạn giúp cho ai đó không bao giờ là đủ cả!. Nhưng khi chìa một bời vai để cho người khác có được niềm vui và niềm hạnh phúc, bao giờ "người được cho" cũng sẽ hạnh phúc lớn lao. Rồi ngược lại hạnh phúc ấy, “người cho” đôi khi cũng nhuốm cái buồn da diết, bởi vì sâu thẳm trong lòng cũng cần ai đó đáp lại tình cảm của ta. Chuyện muôn đời là khi không được đền đáp sẽ buồn, buồn lắm ai ơi cho cả lòng chân tình và nhiệt huyết!. Vả lại nếu sự hy sinh cứ liên tục và sự thờ ơ cũng triền miên thì chuyện đời cũng đến lúc ngã lòng đi mất.  Và tôi đã hiểu những điều này để sống với thế gian đây!.

Còn thực tại với riêng tôi, tôi đã có rất nhiều người bạn luôn sống trong sự chân tình, cởi mở và một tâm hôn “đặc biệt” khác với thói đời mà con người từng nghĩ…

Hãy cứ vô tư trong tình bạn bè mà sống.....người ơi!
@ 4 - Ở Việt Nam cách đây khoảng chừng 10 năm trước, cứ hễ ai từ hải ngoại xênh xang về thăm quê hương, dù người đó có giàu hoặc nghèo, có chức tước, địa vị hay “dơ dem cùi bắp” trong xã hội người ta, nhưng về đến Việt Nam cũng đều được gắn với tiếng thơm: “áo gấm về làng”. Hơn nữa, dù ai đó có rủng rỉnh nhiều hay ít đô la đều có chung cảm giác mình sẽ là Việt kiều......hồi hộp. 

Nhưng ngày nay đã khác xa, cuộc sống tại Việt Nam và người Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, hàng năm dân An Nam đã tỏa đi chu du khắp năm châu bốn bể, nên khoảng cách xưa kia đã sát lại gần hơn. Việt kiều về nước thăm quê cũng là dịp để bạn bè cùng trang cùng lứa, cùng học hành được hoài niệm và tri âm, để thấy những cái tưởng mất đi vĩnh viễn nay lại có trong tay, cũng như cái tầm thường xưa kia trở nên quý giá. 

Nghe bạn tôi từ nước ngoài về làm ai cũng xao xuyến, nôn nao đợi chờ đến cháy lòng. Trong Nam, ngoài Trung i ới gọi cho nhau bằng tấm lòng chân tình, nồng ấm yêu thương. Nhưng chao ôi, sao bao nhiêu năm gặp lại, TA TÂY vẫn chưa "điều chỉnh" được để có một ngày niềm vui trọn vẹn. 

Bạn tôi về từ phương xa, ăn vận thật là bóng bẩy, rất hình thức và ưa thể hiện bản thân mình trước bạn bè xưa cũ, trong khi bề sâu lại hụt hẫng quá đi thôi....Còn nhiều điều khác nữa........!

Việt kiều sống lâu năm ở nước ngoài sẽ mang phong cách Tây, nhưng cớ sao lại thêm lối sống "Tây đui" vội vã và nông cạn, phân biệt bạn bè cũ người nọ với người kia, rồi phát ngôn với bạn bè cùng lớp: "Ông này bu chân ông kia ăn nhậu!". Quả thật quá hời hợt và kẻ cả khi phán :"Cả đời người này, người khác mới bao cho bạn bè ăn chơi" v.v.v. 

Tôi cảm thấy thương cho bạn tôi khi tuổi gần về nơi "Di tích xếp hạng", nhưng đã đánh mất đi một thời không xa lắm, tính tình mộc mạc, dễ thương và nhạy cảm, thông minh. Có phải rằng người phương Tây đã suy nghĩ sự mát mát chỉ gắn với những điều lớn lao như cái chết!?. Nhưng "Quy luật muôn đời" cái bình thường luôn là cái đẹp của niềm thiết tha, chân tình và cởi mở vốn nằm trong tâm trí của mỗi một con người của một thời không xa......

@ 5 -  Em vẫn thường cầm đàn ghi ta hát cho tôi nghe giai điệu Nga quen thuộc “миллион алых роз” (Triệu đóa hoa hồng)- NGỌT NGÀO VÀ THIẾT THA. Nhưng lần mới đây trong buổi gặp gỡ bạn bè hát Karaoke, tôi đã nghe giọng hát của em hôm ấy không mượt mà như mọi lần tôi biết. Và tôi chưa hiểu được điều gì ẩn sau giọng hát buồn như em tự nuốt lấy lời mình phát ra. Và em có biết, tôi sẽ không thể hiểu điều bí ẩn đó nếu không có một tình cờ của người đời kể cho tôi nghe những điều mà tôi không bao giờ ngờ đến..... 

Tôi đã yêu em hơn tiếng gọi của người đời!  

Andi Nguyễn Ánh Nhật 
   Trong buổi gặp mặt, với người thầy của thời học Đại học. Chao ôi hơn 20 năm rồi mà thầy còn trẻ quá!
-->Đọc thêm...

17 tháng 9, 2013

Những con đường mùa thu lãng mạn nhất thế giới

Bài viết này dựa theo tư liệu từ các nguồn: Tri thức trẻ, Amazing View, All Travels, Japan Guide, Hapi Mag, Wikipedia...

Không biết từ bao giờ, mùa thu được coi là mùa lãng mạn nhất trong năm, xuất hiện nhiều trong thơ ca, âm nhạc hay nhiếp ảnh và tranh vẽ. Mùa thu với những con đường trải đầy lá vàng rơi, hàng cây phong đỏ lung linh trong nắng vàng ruộm làm se lòng người mỗi sớm thu về từ khắp mọi nơi trên thế giới. 
Cùng điểm lại một vài với con đường ngập tràn lá vàng dưới đây để cảm nhận rõ nét hơn hương vị mùa thu về... 

1. Con đường Thủy sam, Hàn Quốc  
Nếu bạn là fan trung thành của những bộ phim lãng mạn của xứ sở Kim chi thì hẳn bạn đã nhìn thấy con đường này trên màn ảnh. Đây chính là con đường Thủy Sam nổi tiếng - một trong những con đường đẹp nhất Hàn Quốc. 
Con đường này dài khoảng 8,5km, chạy dọc theo Quốc lộ 24 và là một trong những tuyến đường chạy xe phổ biến nhất ở xứ Hàn.  
                   Con đường Thủy sam khi còn xanh mướt... 
Những cây thủy sam ở đây đã hơn 40 tuổi và cao hơn 20m. Những tán cây đan vào nhau, che chắn ánh nắng mặt trời. Vào mùa hè, tán cây thủy sam như cao vút hơn với màu xanh mướt.
                                    ... rực rỡ khi vào thu... 
Nhưng mùa thu mới là lúc con đường đẹp nhất, khi những cây thủy sam bắt đầu thay màu lá. Chúng tạo thành một con đường tuyệt đẹp và kỳ lạ khiến người đi có cảm giác như đang đi trên con đường trong một câu chuyện cổ tích vậy. 

2. Đường cây bạch quả, Nhật Bản
Không ồn ào như đường bạch quả (Ginkgo) nổi tiếng ở Icho Namiki (Aoyama), con đường cây bạch quả ở công viên Showa Kinen (Tachikawa) mang nét tĩnh lặng hơn. Có lẽ vì thế mà khung cảnh ở đây càng trở nên thơ mộng và quyến rũ.
Hai đường cây bạch quả nổi tiếng này nằm ngay lối vào của công viên, được ngăn cách giữa một conkênh nhân tạo. Vào mùa thu, hơn 100 cây bạch quả thi nhau chuyển mình thay màu lá vàng rựcrỡ.Con đường ngập tràn trong sắc lá thu vàng tạo thành một bức tranh vô cùng nên thơ.

3. Đại lộ Diaoyutai, Trung Quốc 
Mùa thu đến, đại lộ Diaoyutai Ginkgo, Bắc Kinh (Trung Quốc) lại bước vào mùa du lịch đẹp nhất trong năm với sắc vàng kỳ diệu, lung linh, óng ả của những hàng cây bạch quả ngàn năm tuổi.
Con đường này nằm gần Diaoyutai State Guesthouse và được mệnh danh là con đường tình yêu của thành phố Bắc Kinh. Nơi đây thu hút rất nhiều cặp tình nhân bởi vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn của nó.
Còn đối vối giới văn nghệ sĩ, đặc biệt là nhiếp ảnh và hội họa, Diaoyutai lại được coi là thiên đường nghệ thuật, nơi thỏa sức sáng tạo, đem đến nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho tâm hồn yêu nghệ thuật.

4. Đại lộ Blue Ridge, Mỹ
Blue Ridge Parkway là một con đường nổi tiếng về cảnh đẹp tự nhiên và được cho là một trong những con đường đẹp nhất nước Mỹ. Tuyến đường trải dài thơ mộng này bắt đầu ở công viên quốc gia Shenandoah, thuộc tiểu bang Virginia kéo dài xuống tận công viên quốc qua Great Smoky Moutains của tiểu bang North Carolina.
Với chiều dài gần 755km, Blue Ridge Parkway được mệnh danh là “con đường xanh” bởi những tán cây xanh mượt bao phủ khắp con đường. Nhưng thực sự Blue Ridge Parkway đẹp nhất lại chính là vào mùa lá đổi màu.
Trong mùa thu, hơn 100 loài cây khác nhau trải dài theo con đường núi cùng “rủ” nhau “rực cháy” với đủ các màu vàng, đỏ, nâu…tạo nên một bức tranh sắc thu khổng lồ ngây ngất lòng người

5. “CON ĐƯỜNG VĂN HỌC”, Mỹ
Literary Walk (tạm dịch: "Con đường văn học") là một con đường xinh đẹp nằm trong khuôn viên Central Park, New York (Mỹ). Cứ mỗi mùa thu sang, Literary Walk lại khoác lên mình một tấm áo vàng tươi tắn. 
Con đường êm ái trải đầy lá vàng này là địa điểm lý tưởng nếu bạn muốn vừa thả bộ vừa ngắm cảnh. Hoặc bạn cũng có thể thư giãn ngồi trên ghế và thưởng thức một cuốn sách hay.
Literary Walk không chỉ nổi tiếng là con đường mùa thu lãng mạn nhất nhì Central Park mà còn nổi tiếng là khu vực đặt nhiều pho tượng các tác gia và nhà thơ nổi tiếng thế giới như William Shakespeare, Sir Walter Scott, Robert Burns…

6. Đại lộ Niagara, Canada 
Canada là điểm đến tuyệt vời cho những ai yêu thích mùa thu. Sắc màu ấn tượng của rừng thu với những con đường êm ái trải đầy lá phong đỏ có thể được tìm thấy ở tất cả những khu rừng của Canada vào tháng 9 và tháng 10.
Thủ tướng Anh Winston Churchill trong một lần tới thăm đại lộ Niagara thuộc bang Ontario, Canada đã thốt lên rằng: “Nơi đây là con đường đẹp nhất thế giới trong một chiều Chủ nhật mùa thu"

Chạy men theo con sông Niagara, phân cách nước Mỹ và Canada, quả thực đại lộ Niagara chính là con đường đẹp nhất Canada trong sắc thu thơ mộng với rừng cây lá đỏ tuyệt đẹp. Dọc theo đại lộ, bạn cũng có thể ghé vào thị trấn nhỏ Queenston để thưởng thức thứ rượu Niagara thơm nức như mùi nhựa thông 

7. Đường phố ở Vancouver, Canada
Miền Đông Canada thường được nói đến nhiều nhất nếu bạn muốn khám phá các màu sắc mùa thu ở đất nước có biểu tượng lá phong này. Nhưng thậm chí nếu bạn đang ở một vùng khác, bạn vẫn có thể tận hưởng cảm giác tuyệt vời này. Vancouver là một ví dụ điển hình. Nằm ở miền Tây của Canada, nhưng mùa thu ở đây cũng vô cùng thơ mộng.
Từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10, những con phố ở Vancouver lại ngập tràn trong những tán lá phong mùa thu tuyệt đẹp. Điều đặc biệt là những con phố ở đây không mang một màu sắc giống nhau mà đa dạng trong với các sắc vàng, đỏ, nâu…

8. Đường kênh đào Midi, Pháp
Kênh đào Midi (Canal du Midi) đem lại cho du khách cảm giác của một miền Tây Nam nước Pháp thật yên bình, trong sáng và đầy thơ mộng. Khác với cảnh tượng hoành tráng của con sông lớn nhất nước Pháp - Garonne - nằm liền kề, dòng kênh Midi thật nhỏ xinh và gợi lên chút gì đó rất riêng tư, tĩnh lặng.
Đây chính là nơi để bạn thoát khỏi cái ồn ào của thành phố, để đắm chìm trong dòng nước xanh trong. Bạn có thể tảo bộ trên con đường trải đầy lá phong đỏ dọc con kênh, hay lang thang trên những cây cầu nhỏ xinh rồi ngồi thư giãn tại chiếc ghế đá ven đường… 
Andi Nguyễn Ánh Nhật (SƯU TẦM)








-->Đọc thêm...

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC