31 tháng 8, 2013

NGÕ VẮNG!


Tôi đã sinh sống ở mảnh đất miền Nam này trên 20 năm. Trong mắt tôi, nơi đây luôn luôn đẹp dù nó có tàn nhẫn và lạnh lùng với nhiều người nương tựa vào nó mà kiếm sống. Tôi biết mọi thứ ở Sài Gòn đều rất thực, hằng ngày mọi người cứ phải bon chen và tranh đua với nhau dù đó là bạn, là bè . ....

Đất miền Nam, đất Sài Gòn đẹp nhưng không phải như trong mộng, trong những áng văn diễm tình, ca ngợi về một tình yêu hồng tươi, hào nhoáng......


Sống giữa nhiều người có những niềm tin và tình yêu khác nhau, nhưng có một cô gái Sài Gòn từng nói với tôi: “Nếu được chọn một ngày để khóc cho những phong ba cuộc đời tôi sẽ chọn ngày mình có đôi bờ vai để nức nở, để sẻ chia....”. Còn tôi?. Có những lúc dừng chân bên đời, tôi luôn thấy một “ngõ vắng” giữa cuộc đời có thực tại và ước mơ. Nơi ấy, lúc đầu với tôi là bao khuôn mặt lạ, rồi dần già thành quen. 

Cuộc đời là mênh mông, biển người rộng vô cùng, nhưng cũng có thể đến lúc người với người nhận ra nhau và sống yêu thương !!. 


Hạnh phúc cho những ai đã có đôi. Hạnh phúc cho những ai đã tìm ra ẩn số. Dẫu biết cuộc đời còn nhiều gian khổ, nhưng được bên nhau, gian khổ có còn đâu là cái cớ!? 


Tôi đã tìm được trên bước đường đi vào ngõ vắng một ánh mắt dễ thương, một nụ cười dễ mến, có lúc thật xao xuyến và tràn đầy nhớ thương. Và tôi đã luôn để cho cảm xúc nơi trái tim mình dẫn đường vào ngõ, không chút toan tính, bon chen của đời thường mà lạc lối...... 


Tôi tin vào tình yêu, tin vào ngày mai cho tình yêu mãi mãi! Như tôi đã từng thấy nơi ấy có gió ngọt mưa hiền reo ngoài song cửa, có giọt len lén bay vào nhà …….. “bỗng thấy yêu thương”.


Tôi xin cảm ơn “mảnh đất nhỏ” này để tôi chép lại câu: “Một người hạnh phúc không phải là người được sống trong hoàn cảnh thuận lợi nào đó, mà là một người có thái độ sống đúng trước bất kỳ hoàn cảnh nào….”. 




Đã 48 năm rồi, đời người còn lại bao nhiêu nữa nhỉ(!?). Chẳng biết, nhưng tôi đã may mắn sinh sống ở mảnh đất Sài thành với thời gian hơn 20 năm, không bao giờ là phung phí. Rồi tôi lại trở về “tha hương ngay trên quê quán” để kinh doanh và sinh sống, nhưng cũng đã "thua" bạn bè nơi đây chừng ấy năm trong chuyện "kiếm tiền, kiếm bạc"!. 


Tôi lại phải bước đi trong cuộc đời mình bằng đôi chân lạc bước với “quê nhà”, nên nhọc nhằn cho cuộc hành trình mới này là điều không tránh khỏi. Cuộc sống thường ngày, tôi nện gót đi về trên ngõ vắng, có những niềm vui và niềm hạnh phúc không nguôi. Nhưng cũng không ít khoảng lặng buồn khi trái tim “trái gió trở trời” vì những điều quan tâm không vụng dại như của thuở còn thơ ….. 


Một thành phố nhỏ của miền Trung với nhiều đặc điểm như bao thành phố khác miền này là có nhiều ngõ nhỏ, đâu có phải như nơi xưa nay tôi sinh sống ở Biên Hòa hay Ở Sài Gòn, “Một ngõ vắng xôn xao nằm trong lòng phố lớn". Quê hương tôi đó, nhưng sao lại thiếu ......quê nhà…”.


Thường ngày ngõ vào nhà tôi ở thành phố nhỏ này hình như vắng lặng. Tôi đã về nơi đây bốn năm, đi lại với cả triệu dấu chân. Vậy mà cứ mỗi lần nện gót, tôi vẫn cứ thấy buâng khuâng khi dạo trên ngõ nhỏ. Trong cuộc sống tôi không bao giờ so sánh những điều khập khiễng. Như Sài Gòn, cuộc sống chen chúc chật chội và bon chen cho dòng người bất tận, đến giờ cao điểm là kẹt xe. Còn ở "ngõ vắng" tôi yêu, lúc nào cái đầu cũng thấy nhẹ, không hề có tiếng ồn của pô và mùi nặc nồng của khói. 


NGÕ VẮNG




Ngõ vào nhà tôi đang sống, mùa xuân nào êm ả, tôi cùng em thư thái dạo trên cống thoát nước bê tông còn đang dang dở. Trong xóm nhà ai cũng có một hàng rào kiểu mới, bằng những lá bê tông xếp ngay thẳng tắp, đằng sau là những mảnh vườn “cải thiện” mơn mởn những luống hành ngò ngát thơm. Tôi không khép chặt tâm hồn mình khi nhiều điều cứ ngỡ! Tôi đã thả hồn với gió xuân để đưa lá đến một nơi thật xa, như cho nỗi buồn bay đến nơi nào ấy. Dù lá có lìa cành nhưng tôi tin ngày mai là ngày nắng ấm, rồi từ cành cây kia sẽ nhú lên những chồi non. Bên mình, tôi đã có người đang thật sự yêu thương và quan tâm đến mỗi bước chân mình nện gót. 


Ngõ đường nào mùa hè bẵng lặng. Có những buổi trưa hè oi nồng, tôi ngồi bên cửa sổ đăm chiêu nhìn ra một khoảng trống, gió cứ hiu hiu lay động bao cành hoa lá dại và tôi đã yêu để nhớ về một thời trai trẻ. Và muốn quên một thoáng hôm nay: những bề bộn cơm áo, cũng như đời sống sao quá khó, chưa quen. 


Con đường nào mùa thu thật buồn, buồn đâu phải bởi mùa thu không có màu hoa cúc mà “chỉ còn anh và em”. Cũng đâu phải bởi những gót chân tôi lơ đễnh với cặp mắt chưa quen!?. Mùa thu buồn bởi một nụ cười xa vắng, khi tôi đã nghe cô bé hàng xóm nhà bên cất hát lên lời thật nhẹ nhàng và dịu ngọt : “Em ru gì? Lời ru cho anh một đời đam mê, một đời giông tố, lời ru bao tiếc nuối tiếc, nuối tiếc một đời ước vọng tàn phai ….." !?. Một lời hát đã giúp sức cho tôi, khi mình vì quá đam mê mà rong ruổi nên vẫn không thấy nhọc nhằn nhiều. 


Mùa thu nào hạnh phúc, khi tôi đã nắm lấy tay em dạo bước trên ngõ vắng chẳng lá, chẳng hoa mà còn ghồ ghề bởi cống rãnh bê tông dang dỡ. Tôi thong thả bước khi nghĩ cuộc đời đã có nhau..... 


Mùa thu nơi đây, có lúc tôi chẳng cần ….mùa thu, tôi chỉ cần một không gian yên lặng để em hiểu giùm tôi, rằng tình yêu trong tôi, em đã biết lớn đến dường nào!? 


Thu vẫn mãi là thu, tôi luôn tâm niệm sống đẹp với chính mình, với cuộc đời, rồi mai kia, khi gặp chiếc lá thu rơi, tôi sẽ mỉm cười mà giữ chặt trong tay để nhớ một mùa thu em là nguồn cảm hứng vô tận cho tôi 


Lối nhỏ nào mùa đông là những ngày chứa chan phiền muộn vì mưa, vì gió, tôi vẫn cứ hàng ngày đi về lầm lũi mưa đông. Rồi có đêm, tim tôi thắt vì một niềm thương yêu theo đêm rất dài, dường như vô tận. Nếu trong hôn nhân nhớ nhung là những điều rất cũ và phiền nhiễu vô cùng, nhưng tôi vẫn nhớ em dù khi đã ở bên nhau. 


Rồi cũng có ngày mưa phùn hay giông bão! Tôi đã yêu em như chưa từng được yêu, tưởng như tôi đã chết trong nỗi cuồng si của trái tim mình. 


Mùa này, sáng sớm thường có những giọt nắng len vào khung cửa sổ. Có những đêm khuya tôi giật mình bởi ánh trăng xuyên qua vòm cây trứng cá trước ngõ. 


Vậy là ngõ vắng tôi yêu có một chút vàng của nắng, một chút buồn của trăng và một chút tê tê nơi đầu lưỡi. Rồi trong những đêm khuya, mọi âm thanh nơi ngõ vắng đã cùng nhau lặng yên, từ môi em tôi lại thấy người lâng lâng như đã uống chút rượu khe nồng em vừa nấu, mang nhãn hiệu tên em. 


Cảm ơn em, tôi đã yêu em, như yêu hơi thở của mình, yêu mỗi ngày cho trái tim tôi được yêu. 


Andi Nguyễn Ánh Nhật.



































-->Đọc thêm...

24 tháng 8, 2013

MƯA MÙA HẠ

Có người bảo chỉ Hà Nội mới có mùa thu rõ rệt, còn Sài Gòn chẳng có mùa này! Nhưng năm nay mùa thu lá bay đã ghé ngang Sài Gòn rồi đó, tiết trời bỗng se se lạnh vào buổi sáng sớm. Cái lạnh nhè nhẹ dìu dịu của mùa thu Sài Gòn, chẳng đủ để ai hít hà xuýt xoa. Vùng đất này cả năm đầy nắng, vậy mà thu về bầu trời âm u, thỉnh thoảng trưa, chiều một vài cơn mưa nhỏ vô tình rớt. Và gió ở đâu cũng không như ở nơi đây, cứ man mát, dìu dịu làm tâm hồn người đều dễ chịu. Mùa thu Sài Gòn đến không vội vả và lòng tôi cứ thầm mong sẽ được tận hưởng mùa thu này dài mãi...   

Mùa thu có gió thổi. Mưa bay. Ngoài kia, ai đó đang đạp xe đi ngang qua, tóc bay bay trong cái lạnh chỉ vừa chớm. Ngồi bên cửa sổ tôi vừa thấy chiếc lá rơi nhẹ, xoay xoay trong gió. Ngỡ ngàng vài giây, rồi tôi mở máy vào face, bắt gặp bài thơ “MƯA MÙA HẠ” của Nga Liên. Vào đầu bài thơ, thoảng đọc tôi như có nghe tiếng mưa trong thơ của một mùa hè quá vãng. 

Tiết trời đang vào thu, khí hậu Sài Gòn chỉ se lạnh, thật đẹp. Ngồi đọc bài thơ: "MƯA MÙA HẠ" mà tôi cứ ngỡ ngoài kia trời đang mưa, nhưng lòng mình như mắc cạn......
Mưa mùa nào cũng là mưa, là thứ nước gột rửa, hồi sinh và cũng là nỗi nhớ. Tôi thả hồn và mạo muội viết những dòng này đây. 

 Nga Liên trong một lần họp mặt với bạn bè (Người thứ 2 tính từ bên phải)

MƯA MÙA HẠ - Tác giả: NGA LIÊN
Mưa mùa hạ
níu em về quá khứ 
lá có rơi đâu mà em lãng đãng rồi 
bóng mưa lăn trên má em vỡ đôi 
còn nguyên sóng sánh 
chỉ tan chảy trong trái tim em nhuốm lạnh 
bởi mưa 
Mưa mùa hạ 
ùa về giữa ban trưa 
vỡ toang ngày ngột ngạt 
em như thể muốn cất lên câu hát 
vội vàng ngày bên anh 
đắm say hôn triệu giọt mát lành 
bằng đôi môi đã qua thời bỏng rát 
Mưa mùa hạ 
cơn mưa đêm ào ạt 
em đợi mưa trong thao thức, ngóng trông… 
Mai anh về có nhặt lá trầu không 
têm vào cánh phượng chút ngại ngần với mưa./. 

Chắc có lẽ sau cái “Bất chợt” đến .... "Giải thoát”, nay Nga Liên đã thực sự góp vào làng thơ Việt Nam hiện đại một điệu hồn thơ thật là ấn tượng với bài "Mưa mùa hạ" này, một bài thơ không dễ quên và cũng không dễ nắm bắt.....  

Tôi không biết làm thơ, song cứ vào đầu mùa phượng nở, tôi cũng có vài lần ngồi lấy giấy bút ra nguệch ngoạc đôi dòng tản mạn về hạ. Nhưng lần nào cũng vậy, với hạ tôi luôn định vị một cảm giác, một ký ức, đó chỉ một mùa có những tháng ngày nóng nực kéo dài đến khó chịu. Và tôi đã luôn thất bại, đó cũng là lẽ thường tình.

Còn những người sành thơ và có hồn như Nga Liên lại khác, họ tiếp nhận điệu hồn của bốn mùa luân chuyển Thu , Hạ, Thu, Đông thật là gần gũi với tình yêu và nỗi nhớ, với sự xa cách và chia ly. Đó là điều đặc biệt mà chỉ có một tâm hồn người làm thơ mới có được.

Tôi có thói quen không so sánh thơ người này hay hoặc người khác dở, nhưng khi đọc bài thơ này, tôi lại nhớ khi xưa nhà thơ Xuân Quỳnh đã từng viết về hạ:  
"Đó là mùa của những tiếng chim reo.  
Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngã.  
Đất thành cây, mặt trào lên vị quả.  
Bước chân người bỗng mở những đường đi ”.  

Thì nay Nga Liên viết về một cơn mưa hạ:  
“Mưa mùa hạ  
níu em về quá khứ  
lá có rơi đâu mà em lãng đãng rồi  
bóng mưa lăn trên má em vỡ đôi”  

Nay đất trời đã vào thu, nhưng khi đọc cách vào đề của bài thơ thật nhẹ nhàng, đã gợi ta nhớ về hạ trong những ngày quá vãng. Theo cảm nhận của riêng tôi, cái hay ở  trong cách “xử lý” này là tác giả đã lựa chọn bút pháp để diển đạt giữa “có” “không”, dù có mưa nhưng lá không rơi (đâu phải bởi mùa Thu!?), vậy “mà em lãng đãng”. Hoặc giả dụ khi mưa, chiếc lá có rơi, cũng ngỡ chỉ như vô tình và thường tình mà thôi. Nhưng với một tâm trạng đang ngập lụt trong nỗi niềm mưa thì tôi nghĩ, tác giả thật tài tình đã đưa chi tiết này vào tham gia để giải mã những cảm xúc vi tế trong nội tâm con người. Và thật sự tác giả đã cảm nhận được tròn vẹn sự giao thoa giữa cảnh và tình, giữa thiên nhiên và lòng người với mưa. 

Đây còn là một khổ thơ chân thành và lạ. Một mùa hè nóng nực, vậy mà khi có mưa lòng người lại "nhuốm lạnh" (!?). Có lẽ cái lạnh lẽo từ những giọt mưa đa chiều đã thực sự lan tỏa giữa mùa nắng và bủa vây lấy lòng người trong cô đơn, chống chếnh. Lời thơ nghe lạnh từ thanh sắc: "bóng mưa lăn trên má em vỡ đôi" đến "còn nguyên sóng sánh". Đọc thơ tôi như nghe rõ tiếng mưa tí tách “lăn" rồi "vỡ” mang điệu hồn buồn của chính nhân, tự lên tiếng của thi nhân sầu mộng .... "bởi mưa”. Quá tuyệt!  
                       Tác giả đang ...tác nghiệp (Ảnh Andi)

Nhưng đến khổ thơ thứ 2, đọc thơ Nga Liên tôi cứ ngỡ như buột miệng hát: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao" rồi nghĩ, mưa nhiều hay có mưa ít cũng đủ thấm vào lòng người nỗi nhớ chênh chao:  
"vội vàng ngày bên anh  
đắm say hôn triệu giọt mát lành  
bằng đôi môi đã qua thời bỏng rát"  

Thế là mưa hạ đã thành nỗi nhớ, nỗi yêu, nỗi niềm của ngày xưa lên thành câu chữ.  

Phải nói khổ thơ thứ nhất và khổ thơ thứ hai khá trôi chảy và thông suốt như một dòng nước chảy xuôi, tác giả không cần phải gò gẫm, hoặc cố gắng nào vì cảm xúc quá tràn đầy khi đặt bút. Hoặc tình này dẫu đã đi qua, nhưng khi mưa đến là câu chữ bay lên.....  

Đến hai câu cuối, tác giả như nhập đồng:  
“Mai anh về có nhặt lá trầu không  
têm vào cánh phượng chút ngại ngần với mưa./.  

Tôi nghĩ 2 câu này là sự sáng tạo chữ nghĩa rất riêng, rất độc quyền của Nga Liên và rất ít gặp ở nhiều người làm thơ  

Chiếc lá trầu không đã có trong câu chuyện cổ tích ngày xưa, nhưng tác giả lấy nó làm điều gần gũi, thân thiết để nhắn gởi nỗi niềm sâu kín, khi tâm hồn chìm đắm trong cơn mưa hạ.  
“Mai anh về có nhặt lá trầu không  
têm vào cánh phượng chút ngại ngần với mưa./”.  

Một cơn mưa hạ đã gợi một khoảng khắc tâm trạng, rồi thành thơ. Cái nhớ của người con gái với người con trai, cái lãng đãng và cái “đợi mưa trong thao thức ngóng trông”, đã chất thật đầy trong nẻo hồn giây phút với 114 chữ và thật tuyệt làm sao. 
Tác giả với Zina - Bạn cùng học thời Đại học

Tôi nghĩ khi đọc bài thơ này, thì nếu ai đó đang yêu cũng phải mênh mang vô định với mưa, ngút ngàn với gió và đồng cảm với chị. Thật hay, cảm ơn Nga Liên nhiều!
Andi Nguyễn Ánh Nhật








-->Đọc thêm...

16 tháng 8, 2013

KHI NHỮNG CHIẾC LÁ BÀNG LÌA CÀNH TRONG GIÓ.


( Kỳ 1: NGÀY ẤY...Tôi nói chuyện về chúng tôi)
Trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng có một khoảng thời gian đẹp và có những điều để mình đáng tự hào mãi mãi. Và nay tôi đã có điều như trong mơ, thật sung sướng, hạnh phúc biết bao, đó là được trở về gặp lại thầy cô và bạn bè của một thời "Ếch- Vê"..... Tất cả vẫn còn đây, những kỷ niệm và những cảm xúc như chưa từng xưa cũ ùa về với từng người, nguyên vẹn như thuở hồng hoang. 

Cảm ơn mọi người, đã cho tôi trở về với những hồi ức đẹp và tinh khôi để gột rửa những mệt nhọc và căng thẳng của đời thường vốn có. 

Cảm ơn tất cả đã cùng tôi có cuộc trở về đầy ý nghĩa với muôn vàn cảm xúc của quá khứ tươi đẹp một thời đã qua.

NGÀY ẤY... ! Tôi nói về chuyện chúng tôi.  


Đã hơn 20 năm qua, tôi đã có rất nhiều lần về thăm miền Trung, thăm Đà Nẵng, thăm Quảng Nam - quê hương tôi, nhưng chưa một lần được gặp bạn bè đông đủ như trong buổi chiều gần tắt nắng - Ngày 10-08- 2013 vừa qua......

Nhớ ngày vào Sài Gòn kiếm sống, hành trang lên đường, vốn liếng cũng chỉ mớ kiến thức tiếng Nga, tri thức văn hóa sống sau 4, 5 năm mài đũng quần trên ghế giảng đường, nhưng tôi nghĩ .....chẳng đáng là bao. Như đến lúc "thế thời phải thế", xã hội không còn dùng những điều chúng tôi từng phải góp nhặt, ấp ủ và nâng niu. Như một chú chim non chưa đủ lông, đủ cánh và tuổi đời cũng còn nhiều bốc đồng nên khi ấy tôi tự hứa với lòng mình, chưa thành danh là chưa gặp lại bạn bè, thầy cô.....

Vậy mà cũng đã mấy mươi năm, thời gian trôi đi nhanh quá, cuộc đời tôi nay cũng đã ở bên kia sườn dốc, nhọc nhằn và vất vả. - "Danh vẫn mạt hạng mà phận cũng tồi tàn....". Nhưng khi nghe Kiều Ngân, Hảo Hải Quan, Đông Ki Sốt, DH v.v.v rủ rê về họp mặt, lại làm tôi suốt cả một tuần trước đó, lòng cứ luôn đợi chờ háo hức......

Giờ G đã đến, tôi vứt vào sọt rác lời hứa “Tô Đông Pha” của mình năm nào xa lắc, cứ xênh xang xách gói đi về họp mặt...

Không về sao được!. Hơn 20 năm rồi......! Chao ôi nỗi nhớ cứ dền dang.......

Nhớ khi xưa Trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng của chúng tôi nằm trên con đường Lê Duẩn, nắng suốt ngày cứ trốn mãi trên cành cây cổ thụ, tán lá rợp mát cả ngày trên con đường dài hun hút. Thủa đó, tôi không còn nhớ bao nhiều lần mình nhìn lên cành cây và thả bộ đi dưới hàng cây kia, gió cứ vi vu như một khúc nhạc xanh. Thật hạnh phúc khi đời ai đó "vô tình" có những năm tháng gắn với hàng cây ấy, sẽ rất dỗi nhớ bởi đã thành một phần trong đời sống và kỷ niệm của ngày xưa. ......

Khi tôi nhắc lại điều này, chắc các bạn nữ làm sao quên được. Hình ảnh từ mỗi phòng ký túc nhìn ra, cây nào cũng thật cao và trông giống như chiếc nấm xòa tán rộng. Không biết cây đã bao nhiêu tuổi đời chắn gió che mưa, nhưng cũng đã trải qua cùng chúng tôi hơn 1.500 ngày khốn khó, cùng với nhiều kỷ niệm của một thời khó quên......

Nhớ những đêm về ruột cồn cào đói, bọn con trai chúng tôi từng nhóm đi lang thang về phía đường Hùng Vương mua bánh mì "Kố Sỷ" (Ký sổ) của ông bà già ..... Sơn.- Hình như họ bây giờ vẫn sống bằng nghề ấy.

Nhớ những bữa cơm ký túc xá với “canh toàn quốc với nước mắm đại dương”, rồi có khi được nhà bếp thông báo: "Hôm nay “ăn tươi” trong ngày lễ, ngày kỷ niệm trường" v.v.v.v. Thật ra cũng không có gì hơn mấy, chỉ thêm vài con cá Nục, nhưng ai cũng háo hức chờ mong. ....

Nhớ những đêm vào mùa thi, đợi đến thật khuya cho mọi người ngủ hết, ký túc tắt đèn quạnh hiu. Ấy là lúc bọn con trai chúng tôi bắt đầu "Cầu Cơ" gọi thần, kêu thánh. Đến bây giờ vì tuổi đời nên tôi quên bẵng, ai là người xúi rủ đầu tiên ?. Nhưng tôi còn nhớ mình là người bịt mắt...... "Ngồi cơ” ngay sân thượng lầu 3, sát đường Lê Lợi. Còn mấy thằng bạn “nhất quỷ nhì ma”: Thăng (Nha Trang), Tường Đen (Hội An), Sỹ Điều (Quy Nhơn) v.v.v bu xúm xung quanh thắp nhang khói hương đèn nghi ngút, chúng lầm bầm đọc thần kêu chú mang hồn về ....."nhập tôi!".

Không phải lúc đó chúng tôi đùa giỡn với Thánh thần và quỷ dữ, nhưng chính vì tuổi trẻ. Sự tò mò, sự suy tư rất ngây thơ trong sáng , cùng với lòng thành “xin xỏ” điều may mắn ở đấng tối cao!. Nhớ kỷ niệm này năm ấy, chắc tất cả nữ sinh viên ký túc sẽ không quên vì đã từng phải “thót vía văng tim”. Hơn cả bây giờ các bạn chơi trò cảm giác mạnh nơi khu giải trí vui chơi.

Nhớ những đêm đầu tiên, tôi từ “nhà quê ra tỉnh” học. Ký túc xá trường (năm 88), mỗi phòng chỉ được thắp một bóng đèn tròn hiu hắt, nóng nực, Buồn nản và nhớ nhà!. Nhưng không phải vì thế mà chúng tôi không yêu ngôi trường Đại học nhỏ này, yêu Đà Nẵng, yêu thành phố bên bờ sông Hàn với nhiều điều như một "gã nhà quê" như tôi, mọi thứ điều trông lạ lẫm. Khi thành phố về đêm, nằm trong ký túc, tôi rất ngỡ ngàng khi nghe những tiếng rao đêm không hiểu nghĩa của người buôn bán vặt dạo đi trên đường Lê Lợi. Dần dà rồi năm tháng mới quen và biết nghĩa những “cung nhạc” của họ phát ra. ......

Ôi nhớ quá những thầy, những cô là "Người thầy đầu tiên- Первый учитель" đã dạy cho tôi ngôn ngữ lúc ấy được cho là "thời thượng". Dù có đặt chân hay chưa, nhưng chúng tôi đã qua ngôn ngữ vẫn biết một đất nước Nga xinh đẹp ấy có Saint Petersburg và Moscow được mệnh danh - "Thành phố đêm trắng", hàng năm thu hút hàng triệu lượt du khách trên khắp thế giới đến tham quan.

Còn gì hơn, chúng tôi được đọc những quyển sách bằng nguyên ngữ tiếng Nga được in trên nền giấy trắng phau về những lâu đài cổ trong những câu chuyện cổ tích, và được nhìn không gian vàng rực mùa thu ở một đất nước như tranh Levitan. Một xứ sở lãng mạn có những chùm thông già cỗi phủ lớp bụi thời gian, nhưng cũng thật oai hùng với những dàn pháo Cachiusa nổi tiếng một thời trong chiến tranh vệ quốc.






Nhưng oái ăm thay! Ngày rời trường Đại học, chỉ có riêng chúng tôi là những người còn rất yêu thích tiếng Nga, cả đất nước và con người của họ. Mọi thứ của nước Nga xa xôi kia, với chúng tôi vẫn đều luôn....... "Gợi tình Xô- Viết"!. Nhưng những ngày đầu tiên lang thang ở Sài Gòn tìm việc, không một người thân thích, bà con.....Tôi luôn bị ám ảnh bởi những câu nói đại loại: “Thứ tiếng Nga ấy bây giờ ai xài” hay “Nước Nga sụp đổ rồi ai theo?” v.v.v. .

Vậy là tất cả những thứ chúng tôi đã nỗ lực và hào nhoáng lại phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Trong tiếng nấc giữa Sài Gòn xô bồ và lẫn lộn, tôi vẫn cố bảo vệ nhiều điều đẹp về một đất nước Nga. Có "sao đi chăng nữa", tôi vẫn muốn mọi người hãy cùng tôi, lặng yên nghe và cảm nhận hơi thở từ nước Nga vĩ đại, tôi yêu......

Trong đời người có những quá khứ không nên quay nhìn lại, nhưng cũng có những kỷ niệm buồn lại làm ta luôn muốn ôm ấp và nhớ mãi không thôi!. Khi chúing tôi là những sinh viên, ai cũng tự hào được học một ngôn ngữ văn minh của nhân loại (!?) Vậy mà khi nước Nga sụp đổ, tự dưng tôi thấy mình đáng thương, cả nhiều người bạn bè tôi nữa, thương đến quá chừng chừng!. Không thương sao được, bởi những đống sách, những kiến thức chúng tôi được học trong năm năm không còn là một thứ nhãn mác đặc sắc để gắn lên trên gói hành trang để bước vào đời. Thậm chí có người trong chúng tôi lại bất an và tự ti với những gì đang có. Thật quá ít ỏi so với người ta, với bạn bè cùng lứa. ...

Năm ấy tôi vào Sài Gòn lay lắt mới kiếm được việc. Còn bạn tôi, nhiều đứa phải tỏa đi muôn nơi , ai cũng có cái nhá nhem phía trước và lờ mờ sau lưng ....dường như không lối thoát. Ngày ấy mọi người đã bắt đầu tôn sùng những giá trị vật chất, nên chúng tôi ai cũng phải lo toan, cơm, gạo áo tiền... giữa Sài Gòn vất vả.

Vương Quang Vĩnh làm (báo CA TP HCM), Tấn Phước (báo Pháp Luật TPHCM), Tô Hồng Ân (báo Sai Gon Time), anh Phê (đang ở Gia Lai) và tôi (báo Văn nghệ VN) hằng ngày phải dịch hoặc viết bài cộng tác thêm cho một vài tờ báo nữa để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Cuộc mưu sinh với nhiều toan tính đời thường và những cám dỗ phù phiếm, nhưng mỗi chúng tôi không ai bị dòng chảy vô tình nào cuốn đi những hồn nhiên, trong trẻo của một thời dấu yêu vốn có....

Mọi thứ cũng đã hơn 20 năm rồi, nay gặp lại tất cả mọi người đều đẹp, nhất là phái nữ, nếu tôi kết nối được hết tất cả trên face, từ sâu thẳm trong lòng mình, tôi sẽ dành cho một người nhiều cái “Like” nồng ấm yêu thương. Mới ngày nào đây họ là những chiếc lá bàng rời cành phất phơi trong gió, vậy mà hôm nay ai cũng hãy còn quá trẻ và đẹp xinh với bộ áo quần thời thượng. Các bạn xinh đẹp và thành đạt hơn những gì tôi tưởng. Năm tháng trôi đi, cuộc sống không màu thiên thanh nhưng lần này tôi gặp lại trong ánh mắt của mọi người vẫn tính tình chân thành và cởi mở như thời sinh viên năm ấy

Trong mắt tôi và tất cả mọi người xung quanh đều vui và phấn chấn, bởi vì tất cả đều đã có niềm tin vào cuộc sống hôm nay, có nghề nghiệp ổn định và con cái trưởng thành. Chắc có lẽ tôi sẽ còn nhiều dịp trở lại này để tìm lại những "cảm xúc đầu tiên" và để cùng nhớ về ngày ấy........

Tiếng Nga chưa theo tôi nuôi sống được nửa cuộc đời, nhưng mãi mãi còn nguyên giá trị trong tôi. Tôi cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những điều tôi đã học năm xưa. Tôi cảm ơn Nga Liên một câu nói làm tôi rất thích và cảm động trong đêm họp mặt hôm ấy: “Tiếng Nga bây giờ còn lại với chúng ta là tình bạn quý giá và mãi mãi”. Vâng! Bởi đó là thứ chúng ta đã yêu, yêu đến khát khao, yêu đến cháy bỏng dù đó là một ngôn ngữ không phải mẹ đẻ của mình. Và con người nào ai có dễ gì quên một giấc mơ đầy lãng mạn của một thời tuổi trẻ!?. Dẫu mọi thứ đã “sang trang” và lòng ai cũng lòng đầy tiếc nuối, nhưng chúng ta mãi mãi là bạn quý của nhau. Tôi tâm đắc câu nói của Nga Liên bây giờ và mãi mãi.....

Xin được cảm ơn các thầy cô giáo dạy tiếng Nga của tôi, những người đã truyền cho tôi và các bạn tôi tình yêu tiếng Nga hơn bất cứ thứ tình yêu nào khác.

Andi Nguyễn Ánh Nhật



Andi Nguyễn Ánh Nhật  
(Kỳ tới: NGÀY NAY- Tôi, bạn và một vài chân dung nữ khóa 4 – ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ ĐÀ NẴNG)

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG NGÀY 10-08-2013


         Video ngày họp mặt ngày 10-08-2013

Với Lão LÂM TÙNG GIANG - Người từng đoạt HCB Olympic Toán học Quốc tế (1985) tại Joutsa- Phần Lan
                                Ba nàng công chúa lọ lem
Với Thi sĩ NGA LIÊN - Người đang nổi như cồn trên thi đàn Việt Nam
Thủy còn quá trẻ và đẹp giai nên mới vinh dự được đứng bên ....5 người đẹp!

                        Hai nàng ở Tôm Kỳ - Quảng Nôm
                    Từ Sài Gùm đến Quai Nhơn cũng về dự
                                                    Mười phân vẹn mười!
















Ngôi trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng xưa kia (Ảnh chụp trước năm 1975)






-->Đọc thêm...

3 tháng 8, 2013

Thơ Nga Liên - Bắt đầu từ "BẤT CHỢT" đến......"GIẢI THOÁT"


                    Nga Liên trong một đêm thơ tại tỉnh nhà

Người ta nói cũng đúng: “Núi sông đẹp thường nảy sinh ra nhân tài”, và hình như mảnh đất Quảng Ngãi – Bình Định (Nghĩa Bình cũ) là thế, bởi nơi đây đã sản sinh ra biết bao nhà thơ nổi tiếng: Tế Hanh, Thanh Thảo, Bích Khê, Nguyễn Vỹ (Quảng Ngãi), Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên, Quách Tấn (Bình Định) và tôi có nghe nói hồi xưa “Ông Hoàng thơ tình” Xuân Diệu cũng có một thời gian theo cha mẹ vào mảnh đất này sinh sống, quả thật vùng “văn hóa Sa Huỳnh”  “đất võ” này xưa kia là một xứ thơ....

                               Cùng với bạn bè lúc học Đai học

Hồi nhỏ dù chưa một lần đặt chân đến xứ sở này, nhưng tôi biết nơi đây có núi non và biển cả hòa quyện với nhau thật là đẹp đẽ và cũng chính những trái núi, con sông hữu tình kia là nguồn cảm hứng vô tận, nâng cánh cho những hồn thơ trong văn học hiện đại Việt Nam như Bích Khê, Yến Lan, Tế Hanh, Quách Tấn v.v.v. và đặc biệt hơn hết là  Hàn Mặc Tử.

Với riêng Quảng Ngãi, nơi này tôi biết đẹp hơn nhiều nơi khác cũng là nhờ qua lời thơ mượt mà và mộc mạc của Tế Hanh
“Làng tôi vốn làm nghề chài lưới. 
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”

Rồi sau này lớn lên chút nữa, tôi đi vào Đại học, tôi có được nhiều bạn bè cùng trường, cùng khóa đã sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi, Bình Định, trong số ấy có Nga Liên. Và cũng nhớ có “mối quan hệ này” mà tôi đã có nhiều lần được bạn bè rủ rê về thăm thú nơi đây và tôi đã yêu vùng đất có:
"Chim bay dọc biển đưa tin cá
Nhà ở liền sông, sát mái nhà...."

Ngày xưa trong trường đại học chúng tôi, Nga Liên chưa phải là cô sinh viên “Mười phân vẹn mười”, nhưng thật hiền lành và tốt bụng, cũng chỉ vậy, Nga Liên không khác hơn đức tính của nhiều sinh viên nữ đã có. Rồi năm tháng trôi qua, chúng tôi ra trường, mỗi người đi mỗi ngả, riêng Nga Liên, chị về sinh sống và làm việc tại VNPT Quảng Ngãi, quê hương của chị.

Bẵng đi một thời gian cũng thật lâu, bất ngờ một hôm tôi nhận được mail thăm hỏi sức khỏe và công việc từ Nga Liên. Trong “Bức mail đầu tiên” hôm ấy, Nga Liên tặng tôi bài thơ “Bất chợt” kèm theo câu nhắn gởi thật là khiêm nhường như vốn tính ngày xưa cô có: “Đây là bài thơ đầu tay của Nga Liên, mong anh nhận, đọc và nhận xét cho em nghe!”. Và tôi không biết có phải vì câu nhắn gởi ban đầu chân tình và mộc mạc đến độ vậy hay là vì thơ của Nga Liên quá hay mà bắt đầu “Từ ấy” tôi luôn trân trọng và quý nhiều bài thơ của Nga Liên biết đến nhường nào. Bài thơ “Bất chợt” tuy chỉ có 20 câu và 165 từ nhưng đã làm lòng tôi xao động thật nhiều:
“Em tình cờ, nhìn ô cửa nhà anh
Bất chợt nhận ra, nét quen mà lạ
Có bao giờ, giữa dòng đời hối hả
Anh dõi tìm em, để chợt lạ thành quen.

Như chiều qua, nghe phố chợt lên đèn
Giàn hoa giấy nhà ai bừng sắc tím
Mưa bụi nhòa, hương tóc em say lịm
Bất chợt bây giờ, khắc khoải nhớ ngày xưa.

Giọt ký ức nào, còn đọng lại sau mưa
Bất chợt vỡ, cho cầu vồng khoe sắc
Anh đến muộn, chiều cũng trôi nằng nặng
Phải hoàng hôn đã sưởi ấm lên thềm.      

Em đi tìm, được câu hát chênh vênh
Không phải Hội Lim, chẳng là đò Bến Đục
Bất chợt gặp, áo ai vương khóm trúc
Đâu dám nhặt về, sợ…thao thức đêm thanh.

Sớm tinh khôi, sương còn đậu trên cành
Sao chợt anh đi, không cho em chờ đợi
Để quá nửa đời, lại cứ xa vời vợi
Anh trở về, bất chợt hóa thành…thơ./.”

Hiện nay Nga Liên đã làm nhiều bài thơ thật hay, tôi nghĩ, chị đã đến với thơ. Nhưng sau nhiều năm xa cách, tôi không biết Nga Liên bắt đầu làm thơ từ lúc nào? Có lẽ thơ đã thực sự bùng nổ, rồi nở rộ là từ lúc chị “Bất chợt” bắt đầu bằng bài thơ cùng tên. Đó cũng có thể là lúc trong tâm hồn chị bắt đầu xao xuyến, biết cảm nhận mọi điều, biết trân trọng tình yêu chị đang có. Tôi nghĩ đó cũng là lẽ thường tình trong một đời người con gái, đã đến lúc hết nông nổi, đã trưởng thành sau 5 năm ngồi trên giảng đường Đại học và cũng vừa đầy đủ sự chín chắn để cảm nhận mọi điều trong cuộc sống quanh ta. Cũng như chị đã bắt đầu biết yêu người, yêu trăng, hoa, tuyết, nguyệt một cách rõ nét hơn.

Sau này tôi tinh cờ đọc được nhiều bài thơ của Nga Liên đăng đàn trên một vài tờ báo, trên những tập san của “Hội những người yêu thơ” Quảng Ngãi hay ở những bài thơ chị post lên trang Blog hay Face cá nhân của mình. Tôi nghĩ, Nga Liên thật là có bút lực, nhưng chị làm thơ trước hết là để vui là chính và sau rồi như muốn ai đó cùng chị chia sẻ nỗi khát vọng thiết tha cho cái đẹp, cái vĩnh cửu cùng với nỗi trăn trở của tình yêu, của cuộc sống quanh đây. Theo tôi có thể bài thơ “Bất chợt” là bản dạo đàn mở đầu cho cuộc hòa nhạc đương sắp sửa mà chị là người nhạc trưởng cho live show của chính mình...


Tôi biết trước đây khi còn học ở bậc phổ thông, Nga Liên từng là học sinh giỏi văn của trường Trần Quốc Tuấn – Thành phố Quảng Ngãi. Nhưng sau khi đọc nhiều bài thơ của Nga Liên, tôi thấy chị làm thơ thường không gò bó trong âm luật, thi luật của thơ này hay thể thơ khác mà chị làm thơ bằng cảm xúc với một lối riêng của mình cùng một “bộ chữ” rất rõ Việt, mộc mạc và giản dị, rồi khi đọc lên nghe như có nhạc Việt trong thơ.

Thế nhưng có người khi đọc thơ chị, rồi nói với tôi rằng, Nga Liên lãng mạn quá!. Còn riêng tôi, lại nghĩ khác hơn, thơ Nga Liên như chính chị vậy, như lúc tuổi hoa niên học đại học, chị thật đằm thắm, chị chân thành với chính mình và bạn bè. Còn hiện tại, chị mộc mạc với khát vọng yêu thương, với phút thăng hoa, cũng như với lúc khi sảng khoái, từ nội tâm mà ra, chị đã vô tình cảm nhận được sự giao thoa của vũ trụ và tâm linh. Và nhiều bài thơ của Nga Liên cũng bắt nguồn từ đó.

Đọc thơ Nga Liên chắc ai cũng thấy sự mộng mơ của chị luôn vươn tới một cái ngưỡng, chính là lúc cái đẹp khi đã thực sự ngự trị trong tình yêu, trong cuộc sống và nhân gian, như bài thơ “Biển chiều” là một ví dụ. Biển chiều chẳng phải là cái đẹp của cuộc sống này ư?. Thơ xưa hay thiên về phong, hoa, tuyết, nguyệt, nay tôi đọc thơ của Nga Liên cũng vậy, nhưng lối nghĩ để có một thể hiện mới và lối cảm để cho một lối viết hay của chị, khác rất nhiều so với nhiều nhà thơ trẻ hiện nay
“Biển chiều.
gió lại dỗi ai
                 mà rủ nắng trốn tìm trong từng con sóng vỗ
một gióng chuông ngân
                 chạm mấy tầng tháp cổ
lang thang hoài, ta chẳng  nhận ra ta

Biển chiều.
mây rơi xuống la đà
                 có chọn biển sau nửa đời rong ruổi
chỉ mỗi đá cứ trèo lên đuổi núi
                 cát lặng yên cho sóng vuốt ve bờ”

Tôi nghĩ đó là những vần thơ không phải được Nga Liên viết trong hoàn cảnh như “Bất chợt” mà câu tứ ấy chị đã phải góp nhặt, rồi mang về nuôi dưỡng, ấp ủ thật lâu bằng từng làn gió và giọt nắng, bằng từng con sóng nhỏ lăn tăn và ân tình của mảnh đất thân thương Quảng Ngãi, nơi đã nuôi chị lớn lên thành người. Phải nói đọc thơ “Biển chiều” của Nga Liên, tôi như bị mê hoặc, bị chị rủ rê về với biển vào ngày trăng tròn, rồi trăng khuyết và chị cho tôi hít hà cái vị mặn của biển và nhìn sóng vỗ, rồi lòng sao bỗng cứ y như chị: 
“Biển chiều 
                  day dứt một câu thơ, 
gửi một nửa cất vào ngày gió lặng,
nửa còn lại xin vùi nơi sâu thẳm,  
trầm tích ngàn năm, chát mặn một đời”. 

Đọc “Biển chiều” của Nga Liên làm tôi nhớ lại, biển quê hương chị đã đẹp từ lâu, xa xưa lắm như lời kể của thi sĩ bạc mệnh Hàn Mạc Tử trong chuyến đi chơi mùa trăng ở biển với chị của nhà thơ: Này chị đố em nhé, trăng mọc dưới nước hay mọc trên trời, và chúng ta đi thuyền trên trời hay dưới nước? Tôi ngước mắt ngó lên trời rồi ngó xuống nước, cười đáp lại: Cả và hai chị ạ”. Ôi biển và sóng trong con mắt của người làm thơ lại đẹp quá làm sao!

                     
Nếu trong “Biển chiều” Nga Liên đắm mình với vẻ đẹp ở cõi thơ, mây, sóng, nước rồi khắc khoải nơi sâu thẳm“trầm tích ngàn năm, chát mặn một đời” thì bài thơ “Chỉ có hai màu” lại khác. Ở đây một thế giới mà vũ trụ, con người, tình cảm riêng tư chị tự nhận ra:
"Em chợt nhận ra có hai màu rất thật
Một của riêng ta
Một của thế gian này./."

Vậy có thể nói đọc thơ của Nga Liên nhiều câu tứ diễn đạt cảnh và vật chị đã chạm đến được vẻ đẹp tuyệt đối. Còn về thân phận, chị mượn dòng Sông Ngân, cầu Ô Thước để nói về một niềm trăn trở khi vũ trụ hằng thường vẫn vần xoay mà đời người đang còn đó “Giữa đời thường nhiều lắm những gian nan”. Với Nga Liên vũ trụ hay ngay cả tình yêu và hạnh phúc của chị đang có đều là Thánh Chúa, còn riêng mình, chị chỉ là con chiên. Chị yêu cái cảnh thực ngoài đời hơn mộng mị, dù rằng nhiều khi nhìn cảnh trong thơ có vẻ mộng mơ hơn, ảo hơn. Còn cuộc sống, Nga Liên bao giờ cũng cần mọi điều phải thật, con người thật và triết lý nhân sinh quan phải thực tiễn với con người hơn. Tôi đã đọc nhiều bài thơ của nhiều nhà thơ, nhưng sao tôi vẫn cứ yêu cái: “Chỉ có hai màu” của chị:
“Em đố anh về màu của nắng
Mấy cọng vàng khô trải rợp mái nhà 
Lại hỏi anh về màu hôm qua
Bông cúc tím bồi hồi cho hạnh phúc

Góc phố cũ nhuốm màu rêu ẩn ức
Gạn thời gian để tìm lại chính mình
Qua đêm dài lại rạng ánh bình minh
Bên khung cửa tóc em cài hoa nắng

Trưa tháng sáu bồng bềnh mây trắng
Vạt áo bay bừng sáng cuối con đường
Ta đi tìm những mảnh yêu thương
Đem lắp ghép vào bộn bề cuộc sống

Để mai thấy sáng lên màu hy vọng
Giữa đời thường nhiều lắm những gian nan
Em lại hỏi về màu thời gian
Không gian xám chìm sâu màu của đá

Đừng vội vã bởi bao điều mới lạ
Kẻo sớm mai, tia nắng cũng cũ rồi
Em mải tìm màu sao đổi ngôi
Khao khát sáng được mảnh trời riêng ấy

Sông Ngân chảy muôn đời vẫn vậy
Dải lụa mềm ngăn Ô Thước làm đôi
Mảnh trăng cuối rừng le lói sáng đơn côi
Triệu vì sao vẫn không thể nào che khuất

Em chợt nhận ra có hai màu rất thật
Một của riêng ta
Một của thế gian này./.”

Thế nhưng trong bài thơ này, có người nói với tôi rằng thật “khó hiểu” ở khổ thơ:
“Sông Ngân chảy muôn đời vẫn vậy
Dải lụa mềm ngăn Ô Thước làm đôi
Mảnh trăng cuối rừng le lói sáng đơn côi
Triệu vì sao vẫn không thể nào che khuất”

Điều này cũng đúng khi ai đó đem đi phân tích hay giảng giải theo kiểu nhà trường bằng lối duy lý thiển cận mà đây còn phải bằng trực quan, bằng sự hòa nhập vào cái thần của thơ. Sông Ngân, cầu Ô Thước hay gió bụi đường đời Ngưu Lang Chúc Nữ có thương, có nhớ với trăng, với sao, cũng chẳng cần chi tách bạch. Tôi nghĩ cứ cảm nhận nỗi trăn trở trong tiếng thơ từ đầu đến cuối bài thơ là đủ rồi.

Trong thơ cận đại và hiện đại của chúng ta có nhiều khổ thơ, nhiều bài thơ thuộc dạng “khó hiểu”, vậy mà rất hay, rất gợi nghĩ, gợi cảm như vậy, tôi không thể kể hết ra đây được. Nhưng nhắc đến điều này, tôi nhớ đến nhà thơ thuộc trường phái trừu tượng nổi tiếng người Pháp- Étienne Mallarmé, ông làm thơ chú trọng nhạc điệu của ngôn từ hơn là ý nghĩa của ngôn từ hoặc như câu thơ: “Giải Ngân Hà biến theo cầu Ô Thước” (Ở Đây Thôn Vỹ Dạ) của Hàn Mặc Tử cũng là câu “khó hiểu” trong thơ ca Việt Nam.

Nói về mảng thơ tình Nga Liên, chị làm rất ít. Nhưng bài nào cũng thật ý vị như tô thêm nét đẹp cho vườn thơ.....

Ai mà không có hơn một lần yêu dù rằng người ấy không đi đây đi đó. Đã yêu thì ai không một lần dang dở, huống chi như Nga Liên là một người đa cảm (chắc là có). Tôi nghĩ, thơ của nhiều người cũng phát nguồn ở sự đời ít tránh khỏi, khi gặp cảnh, gặp người thực ra quen mà lạ hoặc người quen lâu rồi nhưng cũng chỉ biết sơ sơ, rồi ào ra cảm xúc đến xao lòng.....
“Ngày gặp anh
em ám ảnh một chiều cuối hạ
Phố lên đèn
tất bật, lại chật thêm

Mà nè, có trách chi những phút xao lòng. Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ. Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ”  của Thuận Hữu đã cắt nghĩa đầy đủ cho hồn thơ Nga Liên trong bài “Giải thoát”. Tôi nghĩ cái hay bài thơ này là ở chổ tác giả muốn lý giải rằng “Giải thoát” là chuyện chẳng bao giờ được dù ai đó trẻ trung hay luống tuổi,  đã đi qua sự chờ đợi và khát khao. Nhưng những phút xao lòng là có thể sẽ tìm đến với bất kỳ ai. Uhm, cũng thật vậy mà không nên trách!?. Bởi những phút xao lòng nào có tội gì đâu, dù tình xưa có sâu đậm đến dường nào và kỷ niệm còn đó, “Giải thoát” ơi....:
“Năm tháng bên nhau
anh cho em can đảm
nhận ra mình qua vũ khúc đêm mưa
ám ảnh
sắc khói vàng thưa, len trong từng kẽ lá”

Tình yêu là vậy, khi bừng thức, lòng người mọi thứ vẫn chưa khô và rồi ai cũng không muốn cho khô, muốn để đó như là gia vị, cho lòng có chút bâng khuâng, cho con tim có đôi điều bối rối. ....Đúng vậy, vì cuộc sống quá nhọc nhằn nay lại như đời vui hơn, dù biết sẽ dằn vặt vì có lỗi. ......Chẳng có gì đâu, chẳng có gì, ai cũng một lần như thế đó, xao lòng ơi....
“Thôi
em đành đánh đổi
nỗi ám ảnh và thơ
bởi bây giờ
chưa có lời giải thoát./.”

Tóm lại “Giải thoát” là một bài thơ qua hay, tôi nghĩ hay ở chổ tác giả như khẳng định "xao lòng" vẫn "chưa có lời giải thoát", như món nợ, như gia vị đời người cần có.

Tôi là người không biết làm thơ, trên đây là một vài bài thơ của Nga Liên mà tôi có đôi lời mạo muội theo cảm xúc của riêng mình. Mà không chỉ Nga Liên, sẽ có nhiều người bạn khác trên Face, trên Blog, tôi cũng có những cảm nhận. Đúng hay sai đó cũng là lẽ thường tình, nhưng hãy cho tôi xin mình là Tử Kỳ để cảm ơn những Bá Nha ngày nay, dù các bạn không gảy đàn cho tôi nghe như Nha tiên sinh ngày trước, mà thay đó là những cảm xúc, những vần thơ. Cảm ơn tất cả những nhịp cầu tri âm, cảm ơn tiếng thơ của các bạn là tri âm đối lưu từ hai phía, gặp nhau đây (mạng ảo) từ hai chiều, dù cũng có đôi điều chật hẹp.....
Nhân đây, tôi xin mượn hai câu thơ viết bằng tiếng Nôm từ thời Lê đã nói về Chung Tử Kỳ và Bá Nha để kết thúc bài viết này:
"Hai kẻ bạn tri âm
Vui thay một khúc cầm"
-->Đọc thêm...

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC