30 tháng 12, 2013

CÙ LAO PHỐ - Vang vọng tiếng người xưa.


"Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về 
Đường về xứ bạn không xa
Qua vùng Đất Đỏ rồi ra Biên Hoà"

Câu ca ấy man mác như dòng sông Đồng Nai hôm nay!


                    Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh nằm tại CÙ LAO PHỐ

Có lẽ tôi có duyên (có nợ) gì đó với vùng đất miền Nam, chứ tôi không có gốc gác gì ở xứ sở này. Đất Biên Hòa, tôi đã sinh sống được trên 15 năm, nên nơi đây là quê hương thứ hai, chỉ còn thiếu một quê nhà. Ngay giữa lòng thành phố này, tôi đã hạnh phúc khi mình có được một khoảng thời gian đủ dài để trải  mình với năm tháng tinh khôi và sung mãn nhất của tuổi trẻ, tuổi vừa mới ra đời lập thân. Tôi đã yêu Biên Hòa, đã từng vui buồn và suy tư cùng thành phố. Nhưng thật thậm tệ, vì là người hay viết, sao tôi vẫn chưa có một trang viết nào về thành phố tôi yêu, cũng như viết về vùng đất thoáng đạt của xứ sở sông nước phù sa Nam Kỳ.

Thế hệ trước tôi ở Đồng Nai, nhà văn Hoàng Văn Bổn được xem là cây đa, cây đề của làng văn “Gia Định – Đồng Nai”. Trong các tác phẩm của người đều có nhiều nét hình ảnh đất nước và con người Đồng Nai. Tuy vậy nhà văn Hoàng Văn Bổn cũng chỉ dừng lại là người “giữ hồn xứ sở” chứ chưa phải như Nguyễn Đắc Xuân ở Huế hoặc nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân hay nhà “Quảng Bình học” Nguyễn Tú…Nói vậy chứ không phải miền đất nào cũng có người như các "vị" trên, họ đã mang tinh huyết trí lực của mình để gìn giữ cho quê hương những hồn thiêng sông núi, khí thiêng con người trong từng trang viết. 

Nay là những ngày cuối năm, như chợt tỉnh nhớ ra điều gì, tôi lang thang qua Cù Lao Phố để tìm hiểu những điều còn nhắc nhở trong những câu chuyện kể lịch sử của vùng đất. Ngày nay, Cù lao Phố vẫn còn đó, nhưng tháng năm đã phủ bụi trần ai, những khoảnh khắc lịch sử “một thời cha ông đi mở cõi” đã mai một đi rất nhiều. 

Đến thăm rồi biết đặt bút viết gì đây, về một nơi không chỉ có giá trị về mặt bảo tồn văn hóa mà còn là nơi lưu giữ nhiều yếu tố lịch sử. Vả lại viết gì trước thực trạng nhiều "nét xưa" của Cù Lao Phố không được trùng tu. Bởi rồi một thời gian không xa, nhiều di tích đình nơi đây sẽ biến dạng và mất dần....... Thôi, viết để kẻo quên những địa linh nhân kiệt, những di tích cổ xưa đã phủ dày lớp bụi thời gian. Điều ấy với tôi như là điều cần thiết trong nhịp sống gấp gáp xô bồ của ngày tháng hôm nay.

CÙ LAO PHỐ - Ngược dòng thời gian.

Cù Lao Phố còn gọi là Đông Phố. Đó là một “thẻo đất” có hình dạng chiếc chuông treo nghiêng, được bao bọc bởi sông Rạch Cát và sông Đồng Nai, cách trung tâm thành phố Biên Hòa (Tòa nhà UBND Tỉnh Đồng Nai) chưa đầy 1 km. Với nhà tôi cũng vậy, Cù Lao Phố nằm bên kia sông Đồng Nai, nên đây với tôi không phải là địa danh quá lạ lẫm, nhưng sẽ lại mới mẻ cho mọi người mỗi lần nghe tên hay đặt chân đến nơi này.

Cù Lao Phố có sông sâu, nước chảy, có đồng ruộng tươi tốt, trù phú, cây trái quanh năm. Từ Cù Lao Phố có thể ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản, và  xuống phía Nam để có thể ra biển Cần Giờ hay sang tận Camphuchia. Cù Lao Phố trước kia còn có khu phố cổ. Dấu tích xưa của vùng đất này đã có trong thư tịch cổ, đặc biệt là sách “Gia Định Thành Thông Chí”  của Trịnh Hoài Đức có mô tả quang cảnh Cù lao Phố xưa rất rõ: “... phố xá, mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng liền lạc tới 5 dặm, chia vạch ra ba đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng; ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu neo, có những xà lan liên tiếp nhau. Ấy là một chỗ đại đô hội, nhà buôn to lớn ở đây là nhiều hơn”.

Cù lao Phố chỉ rộng khoảng 694 ha, nhưng nơi đây được xem là nơi lưu giữ các công trình tín ngưỡng, thờ tự dày đặc với 11 ngôi đình, 7 ngôi chùa và 1 thánh thất Cao Đài. Tuy những dấu tích cũ ấy vẫn đang còn nằm lẩn khuất giữa vườn tược xóm thôn, nhưng cũng đủ để tôi hình dung một thời những gì vùng đất này đã có một khí thiêng riêng, anh linh riêng, phong hóa riêng, tất cả đều hòa nguyện. Những di tích ở đây không nguy nga như lăng tẩm, diện các của vua chúa, nhưng mọi người vẫn thấy được chút hơi hám của người xưa.....

Theo lịch sử ghi, người có công lớn trong công cuộc khai phá vùng đất Cù lao Phố là  Trần Thượng Xuyên tự Trần Thắng Tài (? – 1720), ông nguyên là tổng binh ba châu Cao- Lôi- Liêm dưới triều Minh, vì không chịu làm tôi cho nhà Thanh nên đã dẫn thuộc hạ sang thần phục chúa Nguyễn Phúc Tần. Vào năm 1679 nhóm người Hoa khoảng 3.000 người từ Quảng Đông do ông và Dương Ngạn Địch cầm đầu đi trên 50 chiếc “ghe bầu cưỡi đầu ngọn sóng”, xuôi theo dòng nam tiến tìm chốn mưu sinh và được Chúa Nguyễn chấp thuận. Ban đầu nhóm người này đặt chân đến Bàn Lân (ngày nay thuộc Biên Hòa) lập nghiệp, còn Cù Lao Phố là rừng rú, hoang vu, chỉ có một vài dân tộc bản địa sinh sống. Vốn là người ở vùng Đông Nam Trung Quốc, thạo nghề mua bán và công nghệ, họ đã phát hiện ra bãi bồi cù lao này rất thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống, nên một phần lớn nhóm người Hoa đã chuyển từ Bàn Lân  đến Cù lao Phố tiến hành khai khẩn quy mô lớn. Lúc bấy giờ, với truyền thống của người Hoa là thương mại, bản tính cần mẫn, kiên trì, họ đã từng bước gây dựng Cù lao Phố thành thương cảng sầm uất của miền Nam. Trong lịch sử phát triển của mình cù Lao Phố phát triển nhiều ngành nghề như: dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, nghề gốm, đúc đồng, làm mộc, làm pháo, nấu mía lấy đường. Các nghề này đã để lại dấu tích một thời qua các địa danh: chợ Chiếu, xóm Củi, xóm Lò Đúc, rạch Lò gốm.... Đó là những tên đất, tên làng đều gợi nhiều tò mò thắc thỏm của biết bao người phương xa đến muốn hiểu cội nguồn gốc rễ.

Cho đến thế kỷ 18, Cù lao Phố vẫn còn biết đến như một thương phố bậc nhất, thu hút nhiều thương nhân nước ngoài tới buôn bán. Phố thị sầm uất, lầu cao quán rộng, đường sá rộng rãi... không thua kém Hội An. Nhưng tiếc thay cho thế hệ hậu sinh sau này. Từ năm 1776 đến 1782 sau 4 lần quân Tây Sơn giao tranh với Chúa Nguyễn ở núi Châu Thới, Nông Nại Đại Phố chìm ngập trong khói lửa, hoang tàn. Số người Hoa ở đây lần lượt kéo đến vùng Chợ Lớn làm ăn, đón nguồn nông sản dồi dào của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để buôn bán. Từ đây thương cảng Sài Gòn được lập nên thay cho Thương cảng Nông Nại lụi tàn.

Lịch sử đi qua, những triều đại đi qua, nhưng những giá trị từng chứa đựng ở vùng đất này thì bất diệt. Đất của người xưa và những di tích còn lại là những giá trị tuyệt vời của dân tộc, của một vùng đất Đồng Nai - Gia Định. Khi tôi viết những dòng này cũng là lúc người dân Cù Lao Phố sau 38 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng mới có được niềm vui. Đó là chính quyền tỉnh Đồng Nai vừa mới xây xong 2 chiếc cầu trên sông Rạch Cát và sông Đồng Nai để nối vùng đất mà từ lâu lắm rồi bị ngưng trệ trong cái thắt nút chai. Bởi từ trước đến nay, Cù Lao Phố muốn đi lại các nơi cũng chỉ bằng con đường độc đạo là chung với đường....xe lửa Bắc - Nam.  

"Cầu xây xong đã ....có", nhưng khi đặt chân đến nơi đây, tôi thấy nhiều di tích tại Cù Lao Phố chưa được các cấp chính quyền quan tâm, phục hồi đúng mức “nếp cũ, tích xưa”. Có lẽ do chưa có quy chế bảo tồn (?) nên tôi thấy chỉ có một đền  thờ Nguyễn Hữu Cảnh được tu bổ khang trang. Một già làng ở đây có nói với tôi rằng, hiện nay mọi sự chăm sóc kiến trúc và cảnh quan đình đang tùy thuộc vào sự quan tâm của người dân trong làng, nhưng vẫn có một số đình như Hòa Quới, Bình Quan... cảnh quan rất hoang tàn khủng khiếp.

Đồng Nai hiện nay có các địa danh, di tích cổ như Văn Miếu Trấn Biên, phần mộ Nguyễn Hữu Cảnh (nơi trước đây di quan Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh về chôn cất), phần mộ Trịnh Hoài Đức, Vườn bưởi nổi tiếng Tân Triều. Nhưng nếu việc xây dựng và tái hiện lại một không gian văn hóa truyền thống ở Cù lao Phố như tỉnh Đồng Nai đã từng xây dựng lại khu Văn Miếu Trấn Biên thì việc khai thác những nơi “hồn xưa chốn cũ” ở Cù lao Phố còn nhiều. Nều tôn tạo lại những ngôi đình, chùa thâm nghiêm ẩn mình trong lớp “bụi thời gian” sẽ là nét độc đáo để chúng ta có thể tìm hiểu về lịch sử vùng đất “một thời vang bóng”. Gần sát trung tâm thành phố Biên Hòa, nhưng Cù Lao Phố vẫn mang đậm nét quê Nam Bộ êm ả lạ thường. Và nơi đây còn thêm vấn đề về lịch sử nên rất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Nếu không xây dựng và phát triển thì mọi người chẳng biết các cấp chính quyền sẽ chọn nơi đâu!?.

Cuối năm, tôi đến Cù lao Phố mọi thứ vẫn chưa có gì nhộn nhịp. Dẫu vậy, tôi cũng đã được chìm đắm trong không gian hoài niệm thuở cha ông ta đi mở cõi. Làn gió mát từ sông Đồng Nai cứ nhẹ nhàng, man mác thổi vào vùng đất vốn bình dị của một thương phố ngày xưa. Biên Hòa - Đồng Nai, đây đâu có phải "khi ta ở chỉ là nơi đất ở", con người ai cũng yêu nơi sống của mình bằng một cách riêng. Tôi trăn trở với chính mình dù biết những điều viết ra không thể nào nói hết, như những vòng xoay nghiệt ngã của con tạo cuốn trôi và năm tháng đã phủ dày bụi trần lên gần như tất cả......
Viết cuối năm 2013
Andi Nguyễn Ánh Nhật

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CHỤP TẠI ĐỀN THỜ NGUYỄN HỮU CẢNH - CÙ LAO PHỐ.








-->Đọc thêm...

27 tháng 12, 2013

Đến Thượng đế cũng phải cười ...khà khà !



Ngày nay là thời đại Digital, nhưng người Phương đông nói chung và người Việt Nam nói riêng vẫn còn e dè khi nhìn những bức hình Nude hay sự biến thiên “kỳ cục” của tạo hóa cho muôn loài cỏ cây. Trong khi đó có những bức hình Nude là một tác phẩm tuyệt mỹ nhất của tạo hóa dành cho con người. Còn với cỏ cây, tạo hóa cũng ban tặng cho muôn loài này những hình hài độc đáo, ngộ nghĩnh như một tặng phẩm nghệ thuật để cho con người chiêm ngưỡng. Và chỉ có con người mới cảm thụ được nét độc đáo của vũ trụ bao la này bằng con mắt yêu nghệ thuật và yêu cái đẹp thay vì phải nhìn bằng con mắt phàm tục lấy…. “Thanh giảng tục”. Những bức hình sau đây, Thượng đế cũng đã phải …..cười khà khà. Còn chúng ta bạn hãy cùng ngắm, không cần suy nghĩ, chỉ cười chút chơi để lấy hứng thú cho một tuần làm việc vất vả ! Xin cảm ơn !
Andi Nguyễn Ánh Nhật – Sưu tầm và biên tập





































Andi Nguyễn Ánh Nhật.
-->Đọc thêm...

24 tháng 12, 2013

Noel Sài Gòn năm nay 2013



Nghe nói Miền Trung đang lạnh và mưa, nhưng Sài Gòn không khí trời thật đẹp. Suốt hai tháng 10 và 11 miền Trung lụt bão liên miên khiến người dân nơi đây lâm vào cảnh khốn đốn tận cùng. Mùa màng mất trắng. Nhà cửa, đường xá hư hỏng. Rau cỏ, heo gà, cá tôm không còn một con. Nghe nói hàng loạt thanh niên Nghĩa Hành, Tư Nghĩa - Quảng Ngãi bỏ đi làm ăn xa để kiếm tiền tiêu Tết chứ Noel  này...bỏ qua. 

Mấy hôm rày tớ ở Sài Gòn, mọi người thấy tớ lân la trong này lại hỏi, sao ko ở miền Trung đón Noel?.Tớ biết trả lời gì hơn qua nói thật : "Trốn nợ!". Heeee!

Chúa sinh trong máng cỏ nghèo. Chúa là biểu tượng của tình thương yêu dành cho người cùng khổ. Nhưng đó là hai mươi mốt thế kỷ trước. Không biết những người khổ như tớ, liệu Chúa có giúp được gì ko?. Mà giả như giúp được cho tớ, chắc gì chỉ người nghèo như tớ mới cầu xin ơn Chúa. Còn Bầu Kiên, Dương Chí Dũng, còn nhiều vị tai to mặt lớn nữa, tớ biết họ cũng đang cầu nguyện van xin Chúa giảm cho tù tội, lại cũng không muốn trở về với đất. Có khi họ lại còn than vãn và phân bì với Chúa là đang nghèo, đang khổ hơn nhiều người như tớ! .

Lạy Chúa! Hãy ban giúp hết cho chúng con, đứa nào ở trên trần gian cũng đều có tội! Amen!

Không khí Giáng sinh năm nay ở Sài Gòn đến sớm. Không chỉ hôm nay mà ngày hôm qua, hôm kia nhiều ngả đường khu vực trung tâm Sài Gòn "ngộp thở". Người người từ các quận huyện tuôn về nơi “Thánh địa” : Nhà Thờ Đức Bà, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế .v.vv.. như mắc cưỡi. Bởi vậy chiều qua tớ về nhà thằng em ruột ở đường Lê Văn Sỹ cũng phải “chôn chân” không nhúc nhích hơn cả tiếng đồng hồ. 

Sài Gòn là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, nhưng danh hiệu này mấy năm nay bị thành phố của một vài nước Đông Nam Á cướp mất. Bao nhiêu người giàu- chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người chơi chứng khoán, đầu cơ vàng, nhà đất... đều tan hoang, sạch túi. Trong giới văn nghệ, như ông “vua” làng giải trí Phước Sang cũng phải te tua. Ca sĩ Siu chỉ còn con đường độn thổ. Còn thằng bạn tớ làm nghề xây dựng, mấy năm nay hắn cứ nghêu ngao: “Anh không chết đâu em, người anh hùng áo bạc tên …..”. Nhưng nay nghe giang hồ đồn đoán hắn cũng cùng chung số phận như ai. 

Vậy là người giàu đi tong đã kéo theo bao nhiêu người cùng khổ, giới công chức, công nhân đều chưa nghe đồng tiền thưởng Tết. Cuộc sống ảnh hưởng dây chuyền tới mọi tầng lớp nhân dân. Như nhìn những tờ bướm hàng hóa xa xỉ đồng loạt giảm giá nhân dịp lễ Giáng sinh nhưng ế ẩm vì sự tiết kiệm quá mức của mọi người. Nhìn tình cảnh này, ai đó là người lạc quan cũng phải thấy hoang mang.

Noel Sài Gòn đến sớm, Noel Sài Gòn đông vui, háo hức ….âu đó cũng chỉ nhoáng bề ngoài. Còn trong thực tế, đời sống mọi người, mọi giới đều “vui là vui gượng” kẻo mà Noel qua!

Andi Nguyễn Ánh Nhật

-->Đọc thêm...

20 tháng 12, 2013

Có thể bạn chưa rõ về truyền thuyết ông già Noel





Ngược dòng thời gian, truyền thuyết về Ông già Noel có lẽ đã bắt đầu từ thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Theo truyền thuyết, giám mục thành Myra, sinh ở Thổ Nhỉ Kỳ năm 279 sau CN, nổi tiếng vì cả cuộc đời ông dành cho các hoạt động bác ái.. Đến thế kỷ thứ 9 sau CN, Hội thánh công Giáo đã làm lễ phong thánh cho ông với cương vị Thánh bổn mạng trẻ em. Từ đó đã ra đời tên gọi Santa Clauss (tên mà người Anh, Mỹ gọi là Ông già Noel) tức đọc trại đi từ St. Nicholas. Theo truyền tụng, Thánh Nicholas lúc còn sống làm Giám mục Myra đã ném những đồng tiền vàng xuống ống khói nhà của ba cô gái trẻ đến tuổi lập gia đình nhưng không có chàng trai nào nhòm ngó đến vì gia đình của các cô quá nghèo.. Những đồng tiền vàng rơi từ trên nóc nhà xuống vào đúng các đôi bít tất mà các cô treo hông bên lò sưởi. Từ đó có tục trẻ em treo tất bên lò sưởi để nhận quá của ông già Noel.

Từ đó hình ảnh ột ông già tốt tướng, hiền lành chuyên đem quà phân phát cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, ngoan và có hiếu lan rộng, hòa nhập với các tập tục mừng Giáng sinh và mừng ngày Đông chí ở các nước Châu Ấu và Bắc Mỹ. Thánh Nicola có nhiều tên gọi khác, hình ảnh khác, thỉnh thoảng mang luôn cả hình ảnh một người đàn ông có bầy quỷ dữ tháp tùng đi tìm kiếm và trừng phạt các trẻ em hư hỏng.

Đến thế kỷ 19, những hình ảnh này đã hòa hợp vào với hình ảnh một Thánh Nicola trong hình dáng một ông già tươi vui mặc áo lông, mang theo rất nhiều quà. Hình ảnh ông già Noel đi xe kéo bởi 8 con nai sừng cao rồi chui vào ống khói phát quà cho trẻ em đầu tiên được tạo ra bởi ông Clement Clarke Moore, tác giả của bài thơ bất hủ: "A visit from St. Nicholas"
 Bản thảo viết tay bài "A Visit from St. Nicholas", của nhà thơ Mỹ Clement Clarke Moore viết năm 1822, có chữ ký, được bán với giá 280.000 USD.

Sang thế kỷ 20, vào năm 1931, một họa sĩ người Thụy Điển Haddon Sundblom đã sáng tạo ra một hình ảnh mới lạ về Ông già Noel (hay Santa Claus). Theo cách vẽ của Sundblom thì ông già Noel là một ông già mà đỏ, râu tóc bạc trắng, ánh mắt vui tươi, mình mặc bộ áo quần lông màu đỏ có viền trắng. Họa sĩ đã lấy hình ảnh người bán hàng Lou Prentice, bạn thân ông để làm mẫu cho ông già Noel mới và cũng là hình ảnh cho chiến dịch quảng cáo rầm rộ của hãng Coca- Cola. Trong những thập niên sau đó, họa sĩ Sundblom tiếp tục vẽ đến 44 hình ảnh Santa Claus khác nhau. Những ông già Noel này, cứ mỗi lần đến mùa Giáng sinh lại xuất hiện trên lon nước Coca- Cola ở mọi nơi trên thế giới. 

Còn dưới đây là những lượm lặt vui nhân ngày Giáng sinh: 

Cây thông giáng sinh cao nhất thế giới là 67,4 mét được dựng tại Northgate Shoping Center, thành phố Seattle, bang Washington vào tháng 12 năm 1950 

Truyền thuyết cây Giáng sinh bắt đầu có từ thế kỷ thứ 13 khi Thánh Bonifacio, một nhà truyền giáo người Anh tại Đức dùng rìu đốn một cây cổ thụ và tìm thấy dưới gốc cây những bộ xương của những người đã từng bị làm vật tế thần 

Chồng của Nữ Hoàng Victoria (Anh), Prince Albert, là người có công lớn trong việc truyền bá tục chưng cây Giáng sinh vào mùa Noel hàng năm. 

Chiếc bánh giáng sinh lớn nhất nặng 3,28 được làm ra bởi cư dân làng Aughton, Anh. Họ đã mất 7 ngày để làm ra chiếc bánh khổng lồ này 

Kỷ lục về việc gởi thiệp chúc Noel do ông Werneer Erhard giữ khi trong tháng 12 năm 1975 ông đã gởi đi tất cả 62.824 thiệp. 

Tấm thiệp Giáng sinh đầu tiên của lịch sử được gởi đi bởi Sir Henry Cole vào năm 1834

Andi Nguyễn Ánh Nhật (Lượm lặt)

-->Đọc thêm...

13 tháng 12, 2013

Nhớ khoai chà như nỗi nhớ quê!





Ngày xưa nói về ẩm thực, con người thường thưởng thức bằng một tâm hồn mở rộng để đón nhận và để tận hưởng một món ngon từ công sức lao động qua nhiều công đoạn chế biến, cũng như tận hưởng tình thương của cả gia đình nên những món ăn ngày ấy vô cùng tuyệt diệu. Còn ngày nay, đời sống hàng ngày gần như quấn hút lấy con người, ngay cả ở nông thôn có mấy ai ngồi tẩn mẩn giã nhuyễn từng thúng khoai lang, rồi ray nhỏ tơi như hạt cát để có được những hũ khoai chà giòn thơm. 

Khoai chà đã có một “sứ mệnh lịch sử” về một thời đói cơm, thiếu mắm. Nó là "người bạn thân thiết" của mọi người dân đất Quảng Nam yêu thương. Nhạc sĩ Đình Thậm từng viết trong ca khúc “Miền trung quê mẹ” của mình: “Một miền quê nghèo mẹ đã nuôi anh từ nắm khoai chà từ niêu cơm tấm, chan hòa câu ca gừng cay muối mặn, khúc hát thương nhau nặng nghĩa nặng tình". Một ca khúc mà mỗi khi ai có hát ở trong một tâm trạng nào đi nữa thì cũng thấy như đã thấm vào máu thịt của ta tình quê, nghĩa đất miền Trung.

Khoai chà ngày nay như một món ăn xa xỉ và quý hiếm. Mỗi khi nhắc đến khoai chà, tôi nhớ lại ngày xưa. Và đã hơn nửa đời người, đã bôn ba tứ xứ, ăn biết bao nhiêu món ngon vật lạ, nhưng hình như chưa bao giờ tôi cảm thấy ngon như được ăn khoai chà khi đi chăn trâu về bụng đói. Hồi ấy, mỗi khi đi làm đồng về chưa có cơm, tôi thường hay hỏi mẹ: “Có cái chi ăn không mẹ?”. Mẹ nhẹ nhàng bảo: “Có chi mô, con lấy khoai chà trong hũ ngào đường ăn tạm, chờ mẹ nấu cơm!”. Tôi liền chạy ra sau vườn bứt vài lá mít xanh vào làm muỗng và ăn một bụng no nê, để rồi đến lúc mẹ dọn cơm lên cũng đành phải goodbye cơm cá. Cũng như chú tôi, là một lực điền chân quê, nhưng mỗi  buổi đi cày về bụng đói là chỉ cần ăn một bát khoai chà rộm với nước sôi, uống thêm một chén nước chè đậm đặc thím nấu là no quên cả trưa. Cho đến bây giờ, tôi cũng không biết vì sao ăn khoai chà mà xúc bằng mít lại ngon. Chắc có lẽ món này vốn thanh đạm mang đầy tính cách của người dân Quảng nên cách ăn cũng phải giản đơn và mộc mạc như khoai!. Vả lại một lần ăn khoai chà như được một lần thưởng thức mùi thơm của lá cây. Xúc một miếng khoai chà ngào đường rồi từ từ đưa vào miệng, những hạt tinh khoai bột vỡ ra hòa lẫn hương vị ngọt của đường mía thanh thanh, mỗi nhịp nhai như cứ muốn đọng tại lưỡi một mùi ngô khoai là lạ của đất, của trời ban cho.

Khoai chà đối với tôi còn là một ký vãng của một thời thơ bé. Đó là những ngày mùa đông, mẹ không đi chợ được vì quê hương miền Trung bạc trắng một màu sóng lũ, những trận lụt nhừ tử, liên miên hay những ngày đông lạnh giá co ro bụng đói, chúng tôi nằm trong chăn ngậm nhai khoai chà lộm ngộm. Khoai chà trong ký ức là những đêm trăng thanh gió mát, bên chiếc chõng tre ngoài sân, mẹ kể cho chị em tôi nghe về nguồn gốc, về cuộc trường chinh khai canh khai khẩn của làng quê Cẩm Lũ – Bình Tú – Thăng Bình. Và mẹ thường đọc câu ca dao: “Trăng rằm đã tỏ lại tròn, khoai lang đất cát đã ngon lại bùi…” như một niềm tự hào của vùng đất trồng khoai lang quê tôi. Mẹ còn nói về đặc điểm khoai của từng vùng miền quê xứ Quảng, về Khoai Trà Đỏa, Bình Sa, Bình Triều, Bình Tú - Thăng Bình, về Khoai Tam Kỳ, Khoai Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn…. Nhưng nức tiếng nhất vẫn là khoai Thăng Bình vì bùi, lại thơm vốn là nguồn gốc để chế biến món khoai chà thành đặc sản của vùng đất quê tôi. Mẹ còn giải thích khoai Thăng Bình ngon là nhờ trồng trên đất tơi và xốp, và khi xưa được chăm sóc hàng ngày bằng gánh từng thùng nước nhĩ và bón khoai từ những cây thực vật đã ủ từ khi còn xanh. Chuyện mẹ kể ngày xưa, chúng tôi nghe hoài không chán.....

Ký vãng với khoai chà là những tháng năm tôi ra thành phố học tập. Cứ mỗi lần tôi về nhà thăm nhà rồi trở ra trường học, mẹ bao giờ cũng không quên nhét cho một xách khoai chà giòn thơm. Đâu chỉ có riêng tôi, khoai chà còn là món quà quê không thể thiếu trong hành lý của bao thế hệ con em Quảng Nam đi học nơi xa. Nhớ những ngày đầu món này theo "sinh viên nông thôn" như tôi “di cư” ra ký túc. “Bọn sinh viên con nhà giàu thành phố" chưa từng biết sự “lợi hại” của món này, tỏ ra khinh thị. Có đứa lại cười cười, phẩy tay, thay cho lời chê “thực bất tri kỳ vị”. Rồi những trưa ngủ dậy buồn mồm, những chiều gió hiu hiu bụng đói, thấy chúng tôi lấy một bụm khoai chà ra ăn, ngon đến thượng đế cũng phát thèm, còn những sinh viên kia khuôn mặt lại cứ ngẫn ngơ. Đến khi bị rủ rê, họ lúc đầu ăn miễn cưỡng, nhưng khi nghiện rồi nên thấy đứa nào chuẩn bị về quê cũng có lời dặn dò, nhắc nhở: "Nhớ về quê mang khoai chà ra đó nghe !”. Và có lẽ chưa có món quà quê dân dã và mộc nạc nào có thể làm cho bạn bè tôi nghiện như món khoai chà ngày ấy. Khi ăn, như vừa nghẹn lại, nhưng luôn cảm thấy thích, thấy ngon……Bởi sao không ngon được, vì đây là món dễ dàng cảm nhận được những hương vị ngọt ngào của khoai, vị nồng nàn của nắng gió, hai thứ đã quyện lẫn vào nhau, thật thanh tao, lại là thật gần gũi với cuộc sống và thiên nhiên.

Ngày xưa, để có món khoai chà mẹ tôi làm chẳng có gì gọi là khó. Chỉ khó và nhặt công hơn so với khoai lang xắt lát phơi khô, khoai dai (khoai dẻo), khoai ngào đường (Khoai khô), làm bánh tráng khoai nướng... . Cứ đến tháng 4, tháng 5 là khoai ở ngoài đồng thu hoạch về, làm khoai chà mẹ tôi không bao giờ vội vả, mẹ luôn chờ một ngày nắng đẹp mới bắt đầu làm khoai. Khi bắt đầu làm, ngày hôm trước mẹ lựa những củ khoai không bị sùng, bị hư, da láng thuộc loại khoai Trùi Sa hay khoai Hổ (Những loại khoai khác như  khoai Huỳnh Anh, khoai Kontum v.v.v làm khoai chà không ngon)….. ….. Gọt hai đầu, rửa sạch rồi mẹ đem vào nấu chín từ sáng sớm hôm sau. Khi khoai đã chín, để cho khoai thật nguội, chờ mặt trời lên, mẹ đem khoai ra giã nhuyễn trong chiếc cối giã gạo, rồi chà trên chiếc rổ thưa có chiếc nong bên dưới. Công đoạn cuối cùng là khi đã phơi nắng khoai đã se se, mẹ dùng chiếc rổ nhặt, nhẫn nại chà đến khi nào nhìn thấy khoai đã tơi tơi như đất mới thôi. Tôi nghĩ, có lẽ chính động tác tỉ mỉ, nhẫn nại chà khoai mà tạo nên tên gọi khoai chà cho món ăn này. 

Mẹ thường nói làm khoai chà để cho có mùi vị thơm ngon cũng phải có bí quyết riêng. Ngoài cách phải chọn khoai "đẹp" và lựa ngày nắng nóng, nhất định không có mưa đêm, để còn phơi sương khoai được "ba sương, bốn nắng". Làm như vậy như để có âm, có dương được thấm vào từng hạt khoai nhỏ li ti. Mẹ còn bảo, khoai chà nên để trong những hũ sành đậy kín để giữ hương vị luôn được thơm ngon.

Khi khoai đã khô đù nắng, mẹ còn cẩn thận lấy sàng ra để từng phân khoai loại hạt lớn, hạt nhỏ để ra riêng. Làm như vậy để thích ứng với trong từng cách ăn khoai chà thì mới thấy vị ngon. Như khoai lớn chỉ cần rộm với nước sôi một bát nhỏ là no tứ sáng đến chiều, còn khoai hạt nhỏ thì ngào chung với đường và đậu phụng rang giã nhỏ thì có thể ăn mãi cho đến khi như.....bể bụng!. 

Cách làm khoai chà đơn giản vậy, nhưng đó là món khoái khẩu của mọi người dân quê tôi ngày ấy. Còn bây giờ, những người con xa quê, xa tổ quốc vẫn cứ ao ước một miếng khoai chà trộn chung với đường có biết bao nhiêu là nhớ, là thương, là những kỷ niệm ngọt ngào của thời thơ ấu…

Cuộc sống ngày hôm nay tuy có khó khăn nhưng vẫn hơn chục lần thuở ấy, không bao giờ thiếu nắm cơm, hạt muối. Người lớn khi bụng đói, ngoài những món bình dân được người ta bày bán, còn có Mì gói bình dân Hảo Hảo, hay sang hơn là miến Phú Hương cấp tốc. Còn trẻ em sau một vòng dạo chơi hay đi cò cò, bắn bi, chạy nhảy lại có bánh bích quy, bánh sữa và còn nhiều thứ khác v.v.v. Chắc bởi thế mà những năm gần đây món khoai chà như đã “thất truyền”, nên mỗi lần về quê tôi cảm thấy nhớ xôn xao.

Lại mấy ngày nay trời Miền trung âm u và mưa phùn lất phất, ai cũng chờ một đợt nắng để trở mình cho đất. Ước cái lạnh trốn đi nhường cho một đợt nằng huênh hoang, rực rỡ. Riêng tôi còn một điều ao ước lớn hơn, đó là có một nồi khoai lang thật ngon, thật bùi, hay một tô khoai chà ngào đường với đậu phụng rang giã nhỏ thật thơm để ăn cho thỏa thuê, thỏa thích như ngày xửa , ngày xưa……

Andi Nguyễn Ánh Nhật



-->Đọc thêm...

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC