30 tháng 12, 2013

CÙ LAO PHỐ - Vang vọng tiếng người xưa.


"Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về 
Đường về xứ bạn không xa
Qua vùng Đất Đỏ rồi ra Biên Hoà"

Câu ca ấy man mác như dòng sông Đồng Nai hôm nay!


                    Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh nằm tại CÙ LAO PHỐ

Có lẽ tôi có duyên (có nợ) gì đó với vùng đất miền Nam, chứ tôi không có gốc gác gì ở xứ sở này. Đất Biên Hòa, tôi đã sinh sống được trên 15 năm, nên nơi đây là quê hương thứ hai, chỉ còn thiếu một quê nhà. Ngay giữa lòng thành phố này, tôi đã hạnh phúc khi mình có được một khoảng thời gian đủ dài để trải  mình với năm tháng tinh khôi và sung mãn nhất của tuổi trẻ, tuổi vừa mới ra đời lập thân. Tôi đã yêu Biên Hòa, đã từng vui buồn và suy tư cùng thành phố. Nhưng thật thậm tệ, vì là người hay viết, sao tôi vẫn chưa có một trang viết nào về thành phố tôi yêu, cũng như viết về vùng đất thoáng đạt của xứ sở sông nước phù sa Nam Kỳ.

Thế hệ trước tôi ở Đồng Nai, nhà văn Hoàng Văn Bổn được xem là cây đa, cây đề của làng văn “Gia Định – Đồng Nai”. Trong các tác phẩm của người đều có nhiều nét hình ảnh đất nước và con người Đồng Nai. Tuy vậy nhà văn Hoàng Văn Bổn cũng chỉ dừng lại là người “giữ hồn xứ sở” chứ chưa phải như Nguyễn Đắc Xuân ở Huế hoặc nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân hay nhà “Quảng Bình học” Nguyễn Tú…Nói vậy chứ không phải miền đất nào cũng có người như các "vị" trên, họ đã mang tinh huyết trí lực của mình để gìn giữ cho quê hương những hồn thiêng sông núi, khí thiêng con người trong từng trang viết. 

Nay là những ngày cuối năm, như chợt tỉnh nhớ ra điều gì, tôi lang thang qua Cù Lao Phố để tìm hiểu những điều còn nhắc nhở trong những câu chuyện kể lịch sử của vùng đất. Ngày nay, Cù lao Phố vẫn còn đó, nhưng tháng năm đã phủ bụi trần ai, những khoảnh khắc lịch sử “một thời cha ông đi mở cõi” đã mai một đi rất nhiều. 

Đến thăm rồi biết đặt bút viết gì đây, về một nơi không chỉ có giá trị về mặt bảo tồn văn hóa mà còn là nơi lưu giữ nhiều yếu tố lịch sử. Vả lại viết gì trước thực trạng nhiều "nét xưa" của Cù Lao Phố không được trùng tu. Bởi rồi một thời gian không xa, nhiều di tích đình nơi đây sẽ biến dạng và mất dần....... Thôi, viết để kẻo quên những địa linh nhân kiệt, những di tích cổ xưa đã phủ dày lớp bụi thời gian. Điều ấy với tôi như là điều cần thiết trong nhịp sống gấp gáp xô bồ của ngày tháng hôm nay.

CÙ LAO PHỐ - Ngược dòng thời gian.

Cù Lao Phố còn gọi là Đông Phố. Đó là một “thẻo đất” có hình dạng chiếc chuông treo nghiêng, được bao bọc bởi sông Rạch Cát và sông Đồng Nai, cách trung tâm thành phố Biên Hòa (Tòa nhà UBND Tỉnh Đồng Nai) chưa đầy 1 km. Với nhà tôi cũng vậy, Cù Lao Phố nằm bên kia sông Đồng Nai, nên đây với tôi không phải là địa danh quá lạ lẫm, nhưng sẽ lại mới mẻ cho mọi người mỗi lần nghe tên hay đặt chân đến nơi này.

Cù Lao Phố có sông sâu, nước chảy, có đồng ruộng tươi tốt, trù phú, cây trái quanh năm. Từ Cù Lao Phố có thể ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản, và  xuống phía Nam để có thể ra biển Cần Giờ hay sang tận Camphuchia. Cù Lao Phố trước kia còn có khu phố cổ. Dấu tích xưa của vùng đất này đã có trong thư tịch cổ, đặc biệt là sách “Gia Định Thành Thông Chí”  của Trịnh Hoài Đức có mô tả quang cảnh Cù lao Phố xưa rất rõ: “... phố xá, mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng liền lạc tới 5 dặm, chia vạch ra ba đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng; ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu neo, có những xà lan liên tiếp nhau. Ấy là một chỗ đại đô hội, nhà buôn to lớn ở đây là nhiều hơn”.

Cù lao Phố chỉ rộng khoảng 694 ha, nhưng nơi đây được xem là nơi lưu giữ các công trình tín ngưỡng, thờ tự dày đặc với 11 ngôi đình, 7 ngôi chùa và 1 thánh thất Cao Đài. Tuy những dấu tích cũ ấy vẫn đang còn nằm lẩn khuất giữa vườn tược xóm thôn, nhưng cũng đủ để tôi hình dung một thời những gì vùng đất này đã có một khí thiêng riêng, anh linh riêng, phong hóa riêng, tất cả đều hòa nguyện. Những di tích ở đây không nguy nga như lăng tẩm, diện các của vua chúa, nhưng mọi người vẫn thấy được chút hơi hám của người xưa.....

Theo lịch sử ghi, người có công lớn trong công cuộc khai phá vùng đất Cù lao Phố là  Trần Thượng Xuyên tự Trần Thắng Tài (? – 1720), ông nguyên là tổng binh ba châu Cao- Lôi- Liêm dưới triều Minh, vì không chịu làm tôi cho nhà Thanh nên đã dẫn thuộc hạ sang thần phục chúa Nguyễn Phúc Tần. Vào năm 1679 nhóm người Hoa khoảng 3.000 người từ Quảng Đông do ông và Dương Ngạn Địch cầm đầu đi trên 50 chiếc “ghe bầu cưỡi đầu ngọn sóng”, xuôi theo dòng nam tiến tìm chốn mưu sinh và được Chúa Nguyễn chấp thuận. Ban đầu nhóm người này đặt chân đến Bàn Lân (ngày nay thuộc Biên Hòa) lập nghiệp, còn Cù Lao Phố là rừng rú, hoang vu, chỉ có một vài dân tộc bản địa sinh sống. Vốn là người ở vùng Đông Nam Trung Quốc, thạo nghề mua bán và công nghệ, họ đã phát hiện ra bãi bồi cù lao này rất thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống, nên một phần lớn nhóm người Hoa đã chuyển từ Bàn Lân  đến Cù lao Phố tiến hành khai khẩn quy mô lớn. Lúc bấy giờ, với truyền thống của người Hoa là thương mại, bản tính cần mẫn, kiên trì, họ đã từng bước gây dựng Cù lao Phố thành thương cảng sầm uất của miền Nam. Trong lịch sử phát triển của mình cù Lao Phố phát triển nhiều ngành nghề như: dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, nghề gốm, đúc đồng, làm mộc, làm pháo, nấu mía lấy đường. Các nghề này đã để lại dấu tích một thời qua các địa danh: chợ Chiếu, xóm Củi, xóm Lò Đúc, rạch Lò gốm.... Đó là những tên đất, tên làng đều gợi nhiều tò mò thắc thỏm của biết bao người phương xa đến muốn hiểu cội nguồn gốc rễ.

Cho đến thế kỷ 18, Cù lao Phố vẫn còn biết đến như một thương phố bậc nhất, thu hút nhiều thương nhân nước ngoài tới buôn bán. Phố thị sầm uất, lầu cao quán rộng, đường sá rộng rãi... không thua kém Hội An. Nhưng tiếc thay cho thế hệ hậu sinh sau này. Từ năm 1776 đến 1782 sau 4 lần quân Tây Sơn giao tranh với Chúa Nguyễn ở núi Châu Thới, Nông Nại Đại Phố chìm ngập trong khói lửa, hoang tàn. Số người Hoa ở đây lần lượt kéo đến vùng Chợ Lớn làm ăn, đón nguồn nông sản dồi dào của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để buôn bán. Từ đây thương cảng Sài Gòn được lập nên thay cho Thương cảng Nông Nại lụi tàn.

Lịch sử đi qua, những triều đại đi qua, nhưng những giá trị từng chứa đựng ở vùng đất này thì bất diệt. Đất của người xưa và những di tích còn lại là những giá trị tuyệt vời của dân tộc, của một vùng đất Đồng Nai - Gia Định. Khi tôi viết những dòng này cũng là lúc người dân Cù Lao Phố sau 38 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng mới có được niềm vui. Đó là chính quyền tỉnh Đồng Nai vừa mới xây xong 2 chiếc cầu trên sông Rạch Cát và sông Đồng Nai để nối vùng đất mà từ lâu lắm rồi bị ngưng trệ trong cái thắt nút chai. Bởi từ trước đến nay, Cù Lao Phố muốn đi lại các nơi cũng chỉ bằng con đường độc đạo là chung với đường....xe lửa Bắc - Nam.  

"Cầu xây xong đã ....có", nhưng khi đặt chân đến nơi đây, tôi thấy nhiều di tích tại Cù Lao Phố chưa được các cấp chính quyền quan tâm, phục hồi đúng mức “nếp cũ, tích xưa”. Có lẽ do chưa có quy chế bảo tồn (?) nên tôi thấy chỉ có một đền  thờ Nguyễn Hữu Cảnh được tu bổ khang trang. Một già làng ở đây có nói với tôi rằng, hiện nay mọi sự chăm sóc kiến trúc và cảnh quan đình đang tùy thuộc vào sự quan tâm của người dân trong làng, nhưng vẫn có một số đình như Hòa Quới, Bình Quan... cảnh quan rất hoang tàn khủng khiếp.

Đồng Nai hiện nay có các địa danh, di tích cổ như Văn Miếu Trấn Biên, phần mộ Nguyễn Hữu Cảnh (nơi trước đây di quan Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh về chôn cất), phần mộ Trịnh Hoài Đức, Vườn bưởi nổi tiếng Tân Triều. Nhưng nếu việc xây dựng và tái hiện lại một không gian văn hóa truyền thống ở Cù lao Phố như tỉnh Đồng Nai đã từng xây dựng lại khu Văn Miếu Trấn Biên thì việc khai thác những nơi “hồn xưa chốn cũ” ở Cù lao Phố còn nhiều. Nều tôn tạo lại những ngôi đình, chùa thâm nghiêm ẩn mình trong lớp “bụi thời gian” sẽ là nét độc đáo để chúng ta có thể tìm hiểu về lịch sử vùng đất “một thời vang bóng”. Gần sát trung tâm thành phố Biên Hòa, nhưng Cù Lao Phố vẫn mang đậm nét quê Nam Bộ êm ả lạ thường. Và nơi đây còn thêm vấn đề về lịch sử nên rất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Nếu không xây dựng và phát triển thì mọi người chẳng biết các cấp chính quyền sẽ chọn nơi đâu!?.

Cuối năm, tôi đến Cù lao Phố mọi thứ vẫn chưa có gì nhộn nhịp. Dẫu vậy, tôi cũng đã được chìm đắm trong không gian hoài niệm thuở cha ông ta đi mở cõi. Làn gió mát từ sông Đồng Nai cứ nhẹ nhàng, man mác thổi vào vùng đất vốn bình dị của một thương phố ngày xưa. Biên Hòa - Đồng Nai, đây đâu có phải "khi ta ở chỉ là nơi đất ở", con người ai cũng yêu nơi sống của mình bằng một cách riêng. Tôi trăn trở với chính mình dù biết những điều viết ra không thể nào nói hết, như những vòng xoay nghiệt ngã của con tạo cuốn trôi và năm tháng đã phủ dày bụi trần lên gần như tất cả......
Viết cuối năm 2013
Andi Nguyễn Ánh Nhật

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CHỤP TẠI ĐỀN THỜ NGUYỄN HỮU CẢNH - CÙ LAO PHỐ.








32 nhận xét :

  1. Tem bài mới của anh nè, chuẩn bị đón năm mới vui nhìu anh nhé

    Trả lờiXóa
  2. Chị thích cái hình em chụp với sư tử đá (~_~)

    Chúc em tuần mới an lành
    Vui khỏe mã đáo thành công phát tài

    Trả lờiXóa
  3. Có đi nhiều chúng ta mới cảm thấy yêu quê hương hơn anh NA nhỉ ? ...
    HN đến thăm và xin chúc gia đình năm mới hạnh phúc an khang ạ .

    Trả lờiXóa
  4. a có vào trong ngôi đền thờ ko vậy?
    e cũng có đến nhưng chẳng thấy họ mở cửa, chỉ đứng ngoài sân ngó vô và tham quan luôn viên phía bờ sông thôi :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bố Susu đến đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, muốn vào thăm và thắp hương Đức ông nên gặp bác Nguyễn Thành Kính, trùng tên húy "Kính" của Nguyễn Hữu Cảnh, rồi sẻ được vào trong. Hôm ấy mình có vào ngồi nói chuyện và uống nước trà cùng với bác khoảng 20 phút. Đó là một người bình dị, nhiệt tình tiếp khách. Hơn nữa sau hơn 30 năm "cai quản" nôi đây nên rất am hiểu về đức ông Nguyễn Hữu Cảnh. Hôm ấy mình thấy du khách tha hồ hỏi thăm và tìm hiểu. Thân

      Xóa
  5. Bài viết của em đả giúp chị hiểu thêm một vùng đất, một di tích lịch sử trên quê hương của mình, càng thấy yêu quê hương mình hơn . Sắp bước sang năm mới, chị chúc em thêm nhiều niềm vui và thành công trong cuộc sống nhé !

    Trả lờiXóa
  6. Sang thă bạn biết được một địa danh , một di tích lịch sử mà mình chưa hề biết đến cảm ơn bài viết của bạn.CHúc năm mới nhiều thắng lời và thành công ..

    Trả lờiXóa
  7. NEW YEAR nhiều tài lộc, mọi việc hạnh thông, gia đình hạnh phúc nhé Andi ....
    Chị cám ơn Andi nhiều về bài viết này ....sẽ sang đọc kỷ hơn ....đọc để hiểu biết thêm đất nước mến yêu của ta ....Ghé thăm một chút rồi về ....

    Trả lờiXóa
  8. Một bài phóng sự rất hay ! Giờ rời xa quê hương nhờ những bài phóng sự của em mà chị mới cảm nhận được là đất nước mình đẹp biết bao ! Khỏi cần đi đâu xa , chỉ cần qua nhà em đọc phóng sự của em là học hỏi thêm nhiều kiến thức về đất nước và con người ở quê hương mình là quá tuyệt vời ! Cảm ơn em rất nhiều Ánh nhé . Ảnh em chụp thật đẹp đó Ánh nhé ! Năm mới được nhiều niềm vui và thật hạnh phúc nha em .

    Trả lờiXóa
  9. Vậy rồi rốt cuộc là ông anh hiện đang ở đâu? Sao mà cứ như ...tiên, thoắt ẩn thoắt hiện khắp Trung Nam. Nhưng nhờ vậy mà con em này được đọc rất nhiều bài viết thú vị về các miền đất, các món ăn, các phong tục tập quán. Ông anh giỏi lắm!

    Trả lờiXóa
  10. Ai cũng yêu nơi mình sống bằng một cách rất riêng...

    Trả lờiXóa
  11. Nhờ bài viết Giáo mới biết đến địa danh này. Cảm ơn Nhật. Chúc Nhật cùng gia đình năm mới an khang, hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
  12. Chị tím thăm em cùng bài phóng sự hay về một địa danh mà với tím vẫn còn xa lạ quá!
    Thăm em và chúc em cùng gia đình năm mới
    AN LÀNH HẠNH PHÚC
    MAY MẮN THÀNH ĐẠT
    SỨC KHỎE NIỀM VUI

    Trả lờiXóa
  13. Một ngày cuối năm yên bình được đến Đồng Nai qua bài viết Ánh Nhật! Thích thật đấy. Chúc năm mới đến nhiều niềm vui nha!

    Trả lờiXóa
  14. Sáng em được biết thêm một địa danh vang bóng một thời CÙ LAO PHỐ ,
    Chúc em cùng gia đình năm mới có nhiều niềm vui và mọi sự như ý nhé .

    Trả lờiXóa
  15. Chúc anh và thân quyến ngày nghỉ tết dương lịch nhiều niềm vui – Năm mới Giáp Ngọ - 2014 Mã đáo thành công.

    Trả lờiXóa
  16. Kìa anh,
    Kìa anh có thấy trời xanh !
    Có hay ước mộng,
    Chong chanh đến kìa… Chúc anh năm mới thật vui, hp ạ…

    Trả lờiXóa
  17. Chúc mừng năm mới ông anh, Dina và hai nhóc nhé! Gia Bảo bây giờ ra sao rồi nhỉ, đăng hình lên ông anh ơi!

    Trả lờiXóa
  18. Ngày đầu năm mình sang chúc bạn năm mới an vui hạnh phúc nhé. mình cứ gửi link hình tặng bạn

    Trả lờiXóa
  19. Năm mới sang thăm
    Nhà em Nguyễn Ánh Nhật
    Bạn hiền thật gần
    Chúc may mắn muôn phần
    Hạnh phúc bên người thân
    Vạn sự như ý
    Tiền vô bạc tỉ
    Không buồn phiền chi....

    Trả lờiXóa
  20. Nhân dịp năm mới Tam Anh xin được gửi đến bạn anh và gia đình những lời chúc tốt đẹp nhất nhé!
    Chúc anh đón năm mới an khang,thịnh vượng,may mắn và hạnh phúc!
    https://fbcdn-sphotos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-prn2/1506766_637746729615552_126597614_n.jpg

    Trả lờiXóa
  21. Cuối năm đi chu du sướng hè, nhìn hình nào cũng thấy thật đẹp nhân dịp năm mới chúc anh và gia đình nhiều may mắn và tràn đầy yêu thương ..!

    Trả lờiXóa
  22. Nhân dịp năm mới chúc anh và gia đình nhiều may mắn và tràn đầy yêu thương ..!

    Trả lờiXóa
  23. Thư đã từng đến đây. Thích xuống bến sông nhìn máy bay trên bầu trời, thích nhìn qua bên kia sông ngó phố thị lên đèn,...
    Bây giờ đọc lại bài viết này được hiểu thêm về lịch sử Cù Lao, nhắc nhớ những kĩ niệm nơi đây.
    Nghe lòng chênh vênh về miền ký ức chẳng biết khi nào có lại được.
    Cảm ơn nhé tác giả! Chúc một năm tràn đầy phúc lành và thuận lợi.

    Trả lờiXóa
  24. Chúc em một năm mới tốt đẹp.

    Trả lờiXóa
  25. chào bạn NNA.. lâu rồi mới ghé thăm bạn để đọc bài viết này...hóa ra CHÀNG TRAI QUÃNG NAM lại định cư trên miền đất BIÊN HÒA ư ?quê ngoại của LÚA cũng ở BIÊN HÒA cạnh kho dầu sát cầu GÀNH chắc bạn không lạ gì...bởi vì cũng đã từng đi về quê ngoại LÚA cũng hiểu phần nào lai lịch của CÙ LAO PHỐ,nhưng không tường tận khúc chiết có tính biện chứng lịch sử bằng bài viết của bạn.cảm ơn bài viết giúp LÚA hiểu biết thêm về một miền đất thân yêu.
    nhân qua đây CHÚC MỪNG NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG nhé bạn NHẬT ÁNH.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. XIN LỖI...chúc mừng năm mới nhé bạn NGUYỄN ÁNH NHẬT.

      Xóa
  26. Mỗi bài viết của anh như một cuốn phim nhỏ về mỗi vùng đất, về những món ăn, về truyền thống.
    Một người xứ Quảng cởi mở, phóng khoáng!

    Trả lờiXóa
  27. Happy New Year em trai Nguyễn Ánh Nhật ! Chúc em trai yêu qúy năm mới luôn dồi dào sức khỏe, tràn ngập niềm vui, đong đầy yêu thương, hạnh phúc, may mắn và thành công trong công việc và cuộc sống nhé em !

    Trả lờiXóa
  28. Giờ mới sang thăm anh được nè. Mấy ngày vừa rồi em bị bệnh...thấy bài anh viết mà em càng yêu Đồng Nai hơn. Nơi đây có những người bạn mà em vô cùng yêu quý . Bao giờ co điều kiện em vô Biên hòa nhờ anh dẫn đi chơi nhé! Chúc anh sang năm mới vạn sự như ý, cát tường!

    Trả lờiXóa
  29. Sang thăm chúc năm mới an vui ấm áp bạn nhé.

    Trả lờiXóa

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC