25 tháng 9, 2018

Đảo KỲ CO – Một “Thiên đường biển đảo” hãy còn xa…..

Chuyến đi không định trước, bất chợt tôi lại phải bỏ công việc nửa chừng về Quảng Nam. Cuộc đời, tôi thường có những chuyến đi ngắn, đi dài, có lúc không ai mời gọi tựa như một nhịp nghỉ của dòng đời vậy. Đi đến một vùng đất mới, gặp gỡ giao lưu con người mới là cũng để cho tôi có thêm trải nghiệm cảm xúc mới. Rồi có những lần về lại chốn thân quen, tôi rất thích ngồi hàn huyên với những người thân, thầy cô và bạn bè cũ. Có lúc, tôi cảm giác mình như cánh chim chiều muộn phong phiêu mặc mùa. 

Được ở quê hương bốn năm ngày, tôi không chỉ hạnh phúc cùng với dĩ vãng đời thường của làng quê mộc mạc Bình Tú - Quảng Nam mà còn có cả những vết mờ khờ dại tuổi trẻ trâu còn sót. Miền trung trở gió thất thường!. Nửa vời im lặng, nửa vời chênh vênh, tôi lại quàng ba lô bờ bụi trở vào Nam vì công việc. Phải giả từ cuộc chơi khi tôi không còn là đứa trẻ.

Đường vào Nam xa lắm….! Trời chợt nắng hanh hanh và công việc cũng có phần ổn thỏa. Tôi quyết định ghé Quy Nhơn – Mệnh danh là thành phố biển nhưng cũng dễ chiều xuống mây vương, hoàng hôn tím thẫm khung trời trước mặt. Núi Bà Hỏa ngự bên thành phố, sao cho đến nay vẫn chưa được lưu trong truyền thuyết để tưởng tượng một nhân vật cùng tên !?. Nơi ấy tôi đang có rất nhiều bạn bè thân thiết cùng một thuở học hành. Nhớ bạn bè dềnh dang, có nỗi nhớ nào lại giống nhau. Con người mà, nhớ người thương thường làm cho lòng mình mềm nhũn, nhớ bạn bè là phải chịu thiệt cất công….


Sắp xếp lịch trình ngày ở lại Quy Nhơn đã thật kỹ càng. Mặt trời mới chớm hửng nắng trong sương, hai chúng tôi cùng với ông bạn “muôn năm” Phan Tuấn Sỹ phải thuê xe ôm cho kịp chuyến đi ra đảo bằng Cano như đã hẹn. Hai chiếc xe Wave Alpha cũ nát rít ga kéo chúng tôi ra hướng về quốc lộ 19 nối dài đang làm dở dang. Đường Trần Hưng Đạo về cảng Quy Nhơn thật chật chội, nhiều đoạn chắp vá mà xe cộ lại đông đúc bóp còi inh ỏi. Tôi mường tưởng độ ồn của âm thanh như thế rất có thể làm nhiều người bị điếc tai nều trình trạng như thế này kéo dài mãi. Hai bên đường là những cao ốc khuềnh khoàng, chẳng “ai giống ai”, quái gở cho những “culture lập dị” mà một số người lại cho rằng sáng tạo (!?). Tự thể chỉ là sự khác biệt muôn năm và nghịch lý để làm khác đi mảnh đất từng nuôi dưỡng chất thơ văn như nhiều người từng biết: Hàn Mạc Tử, Yến lan, Quách Tấn hay chất võ đường họ Trương từng nuôi dạy anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa . 


Bước qua khỏi cầu Thị Nại. Một chiếc cầu vượt biển được xem dài nhất Đông Nam Á nối Quy Nhơn với bán đảo Nhơn Hội, thì cuộc sống nơi đây mới có vẻ bình yên. Xe chạy lòng vòng chạy quanh bán đảo nhỏ. Cuối cùng cả ba chúng tôi cũng vừa kịp chuyến cano rời bến. Chiếc cano chạy về hướng đảo thật là thích thú, ai cũng say sưa cùng sóng lượn triền miên. Xa xa núi Nhơn Lý sơn thủy hữu tình là một trải nghiệm lý thú. Khi cano tăng tốc trạng thái trong người ai cũng được như mình đang tham gia một trò chơi cảm giác mạnh. Thật phấn khích và khó tả!. Riêng tôi, lòng cũng tràn đầy hưng phấn vì cũng chẳng bao lâu nữa mình sẽ được chiêm ngưỡng một nơi được mệnh danh là "Thiên Đường Biển Đảo" – KỲ CO 

Bước chân lên đảo thì ra đây là “thiên đường” được viết bằng bút mực qua những tay làm báo hoặc đó là sản phẩm của những nhà làm du lịch lữ hành bằng công nghê photoshop. Kỳ Co có ba (3) mặt là đồi núi mà du khách chỉ đứng nhìn tạo hóa ngủ quên mà chưa có nụ hôn nào đánh thức. Còn một mặt là bờ biển chạy dài khoảng chừng 500 m với vài chục bungalow được tận dụng từ những chiếc container còn đang cũ kỷ, mặt hướng nhìn ra hàng dừa biển lơ huơ đến tội nghiệp làm sao!. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện cổ tích Trạng Quỳnh ngày xưa mà mới hiểu. Tại sao đã “đến tận nơi, xem tận mắt” Kỳ Co nhưng rồi người người từ phương xa như tôi vẫn ùn kéo đến ?. Chuyện xưa kể rằng, Trạng Quỳnh đã trả nợ cho ông lão lái đò bằng cách có một không hai. Kế chỉ làm cái bè tre chơ vơ giữa sông và câu thơ trời hành đất lỡ: “Đ…mẹ thằng nào bỏ thằng nào” được treo trên vách nứa. Trạng vào bờ đồn thổi đó là lầu yết thơ. Chuyện đã làm nên khi nghe thơ ông ai lại tiếc đồng hao thưởng thức. Lão lái đò đưa người đi và chở cả người chán tức ra về, hốt bạc. Song khi vào bờ có người gặp hỏi: "Thơ có hay không?", thì lại ầm ờ: “Ra đó mà xem!”…. 

Chuyện Kỳ Co là "Thiên Đường Biển Đảo" tôi không biết có khác gì hơn .... Thơ Quỳnh??? 


Chú ý tôi nhận thấy đoàn du khách nào đến Kỳ Co cũng chỉ độ một giờ đồng hồ rồi rời đảo vì sự nghèo nàn dịch vụ du lịch nơi đây. Tội nghiệp đảo nhỏ, chẳng có thùng rác, khách sạn hay nhà hàng ăn uống. Ra đảo nhanh quá! Chủ tàu gọi i ới ra về, có hay không để du khách không quá dài mà chán, cũng không quá ngắn để thòm thèm biển đảo – Một công nghệ du lịch của những công ty lữ hành tự phát mà xưa nay tôi từng biết đã giúp cho một nhóm nhỏ người trở nên giàu có. Những tín đồ “pê tê bốc” (FB) đang mặc áo tắm bikini, tay cầm gậy selfie phải khoác vội chiếc áo choàng nhàu nhĩ . Lại rồi những sản phẩm 360 độ của những chiếc Smartphone tràn trên phây và check in.  Kỳ Co lại vẫn thế mà sống với hư danh một "Thiên Đường Biển Đảo".


Đảo Kỳ Co bờ biển quá dốc, nước lớn sóng to nên chiếc cano chở chúng tôi không thể nào cập được bến, cho đến khi lên được ai cũng phải ướt mềm. Một cảm nhận “du lịch Quy Nhơn” trong tôi còn sót lại, ký ức chợt vắt ngang một câu hát của Nhạc sỹ Trần Thiện Thanh “Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa...”. Nơi ấy dù chỉ mới một lần ghé ngang qua nhưng tôi đã cảm nhận được câu nói của nhà thơ Chế Lan Viên ngày nào: “Mộ Hàn Mạc Tử nằm trên đỉnh cao Ghềnh Ráng, biển sáng chói như thơ anh và giông tố tựa đời anh”….. (Còn nữa)

Andi Nguyễn Ánh Nhật 

-->Đọc thêm...

7 tháng 9, 2018

AI RA XỨ BẮC (Kỳ 4)

Tôi còn nhớ ba mươi năm trước, thành phố “36 phố phường”, hình ảnh đặc trưng là những chiếc xe đạp “Tiền Phong” hay “Thống Nhất” được phân phối theo tiêu chuẩn có giấy “Chứng nhận sở hữu”, có biển số và được giữ gìn như vật báu trong nhà. Bởi vậy thời ấy, thanh niên Hà Nội luôn coi xe đạp là thứ đồ hàng hiệu, và việc một cô gái được ngồi sau “sang chảnh” thì cũng không có gì quá đáng. “Đêm trước” thời trang của chiếc “đồng hồ Orient SK mặt lửa và áo bay”, nơi đây đã từng có câu truyền miệng:
“Một yêu anh có Sen-kô (đồng hồ đeo tay hiệu Seiko) 
Hai yêu anh có Pơ – giô cá vàng (xe đạp Peugeot màu cá vàng) 
Ba yêu anh có téc gang (quần vải téc) 
Bốn yêu hộ tịch rõ ràng Thủ đô”

Đến những năm 1980, Hà Nội mới có nhiều xe máy hơn, chủ yếu là những xe đã cũ được đưa từ miền Nam đưa ra. Gia đình nào thời ấy sở hữu một “con” Honda 67 là một tài sản không nhỏ. Còn ngày nay, có thể hiểu nạn kẹt xe ở Hà Nội có phần góp thêm phần “văn hóa xứ sở”. Đó là dù trong dịp lễ hay không thì phần đông sự ăn chơi của lớp trẻ là vẫn cứ mỗi chiều về ra phố với những chiếc xe máy thời thượng là “thấy mình mới oánh” (?).

Hà Nội ngày nay nghèn nghẹt xe máy. Đường về Hàng Tre như đã hẹn, trời cũng xế chiều nhưng không khí hãy còn hầm hầm. Tôi chứng kiến nhan nhản những con phố đã bắt đầu bày sẵn những bộ bàn ghế tràn ra lòng lề đường như những vết dầu loang sẵn sàng đón khách. Trong đầu tôi thoáng nghĩ, nếu ông Đoàn Ngọc Hải (Quận 1, TP HCM) ra đây làm Chủ Tịch thành phố Hà Nội thì cũng bó tay. Trên bản đồ hình chữ S, Sài Gòn có những “Phố nhậu đêm” như Bùi Viện, Nguyễn Trung Trực (P.Bến Thành, Q.1) hay đường Nguyễn Tri Phương, Tô Hiến Thành (Q.10). Đó là một trong những "thiên đường ăn nhậu" mang tinh thần kiểu Khaosan của con phố ngủ ngày, thức đêm Bangkok – Thái Lan. Hà Nội cũng vậy, hầu hết ở khu vực phố cổ Tạ Hiện, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến... ban ngày mọi thứ chìa ra đường buôn bán, còn về đêm tất cả đều được "trưng dụng" làm nơi mở quán nhậu. Nạn kẹt xe ở Hà Nội, nguyên nhân đây cũng đã góp phần nhiều……

Cuối cùng, tôi đã đến được nhà hàng đúng hẹn. Nhà hàng không lớn, có máy lạnh điều hòa nhưng cửa sổ mở toan, còn chiếc máy kia cũng chỉ như sản phẩm “trưng bày” cho đẹp. Trong quán nhiều đàn ông độ tuổi khoảng ngoài 30 đến các cụ già 70 đang ngồi "chém gió". Thỉnh thoảng có người ra vào chào bàn, tôi vẫn còn nghe văng vẳng những câu chào hỏi xưa cũ rất vui tai: “Đoàn kết và xây dựng!”, “Thân ái và quyết thắng!”. vân vân và vân vân….

“Thổ địa” Que Hoang mời tôi ly bia hơi. Hớp một ngụm không nuốt vội, tôi cố “ngậm mà nghe môi có mềm như tơ”. Nhưng không, hương vị chỉ nhàn nhạt như bia lên cơn ở miền Nam. Chắc chỉ chưa quen thôi, nhưng tôi không hiểu vì sao thức uống bình dân này như một môn đạo. Từ bia cỏ, bia vi sinh cho đến bia có thương hiệu như Hà Nội, Việt Hà, Việt Pháp... được rất nhiều cánh đàn ông Hà Nội ưa chuộng. Đem thắc mắc này tôi mới hỏi ông bạn của mình. Thì ra ông bạn tôi không chỉ là người Hà Nội chính gốc mà còn là “Nhà Bia hơi Hà Nội học”. Bắt đầu lời giải thích, bạn tôi vòng vo chuyện bia hơi ở Hà Nội thời bao cấp, cảnh phải xếp hàng mấy tiếng đồng hồ mới được cấp phát những thứ thiết yếu như gạo, thịt, xà phòng… Bia hơi Hà Nội thời điểm đó cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Người người đều háo hức xếp hàng chờ đợi để thưởng thức Bia hơi. Niềm yêu thích Bia hơi của người dân Hà Nội cũng bắt đầu từ thuở đó…..

Nói về bia “thời mậu dịch quốc doanh” ở Hà Nội, tôi vẫn còn nhớ về thời “bao cấp” đã tồn tại Việt Nam ta trong một thời gian dài. Nhân đây tôi cũng xin mạo muội nói về chuyện “kinh tế chính trị” của Việt Nam thưởu ấy. Đối với các nước tư bản giàu có, cường thịnh, “Bao cấp” là Subsidy đại cuộc lo cho hiện thực phúc lợi toàn dân về y tế, giáo dục, nông nghiệp, nông trang hữu cơ v.v.v. Ngay cả đất nước nghèo khó như Cuba, nhà ái quốc Fidel Castro cũng đã nổ lực cho người dân nước mình có những cái gọi "subsidy nhật định". Còn Bao cấp ở Việt Nam là subsidy bắt buộc vì hoàn cảnh chiến tranh. Do đó từ “bao cấp” của Việt Nam phải mang tên tiếng Anh khác để thế giới không hiểu nhầm rằng Việt Nam có bao cấp vì Việt Nam là siêu cường quốc kinh tế. Vậy cho nên có thể hiểu Bao cấp ở Việt Nam là absolute subsidy, hoặc overtight subsidy, hoặc struggling subsidy, hoặc nhóm từ nào không phải chỉ là chữ subsidy đầy uy thế uy lực uy quyền của thế giới dân túy chủ nghĩa.

Trong ký ức như tôi, một đứa trẻ khi “hai miền cùng nhau giải phóng” (1975) - Một ý thức hệ khác với câu thường gọi “miền Bắc giải phóng miền Nam”. Tuổi lên mười nhưng tôi đã chứng kiến của một thời, viên gạch vô tri giữ chỗ xếp hàng ở nơi bến xe hay cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Ngày nay, những cặp tình nhân mới mua sắm “áo đôi”, nhưng thời ấy “cả nước” đều trong một thế giới trang phục cùng màu phân phối nhu yếu phẩm. Màu của thời gian trên từng cổng ngõ đã dập phá xây lại trên nẻo đường Hà Nội và cái máu của sự khốn khó vẫn còn đọng lại trong nếp nghĩ của người dân nơi đây. Họ có khả năng cải tiến, tích lũy, nhưng cớ sao vẫn tái sử dụng đa dạng một đồ vật nhiều thứ !?. Ngay cả cốc bia hơi xấu xí và thô kệch tôi cầm trên tay là sản vật được họa sĩ Lê Huy Văn thiết kế đã 42 năm mà nay vẫn trường tồn với thời gian. Phải chăng người Bắc bộ cũng có tính giống như người Di-gan ở châu Âu, họ có thể dùng một đồ vật cho nhiều mục đích sử dụng, họ rất ít vất đi thứ gì. Chứ đâu như người miền Nam vốn trù phú về sản vật….

Vừa lắng nghe bạn thuyết trình, tôi móc điện thoại “tự sướng” vài kiểu ảnh cùng chiếc cốc như một cách tiếp cận với “mảnh đất hóa tâm hồn, tâm tư một thưở” của bạn. Tôi đến và đi qua ở Việt Nam nhiều vùng đất, nhưng với Hà Nội cũng “cưỡi ngựa xem hoa” nên dấu ấn trong tôi chẳng có gì gọi là lưu luyến. Điều rất thường tình nhưng nhiều người đến Hà Nội về thường chia sẻ. Rằng " chỉ mất một ngày để yêu Sài Gòn nhưng cần phải một tháng mới có thể yêu Hà Nội.”. Bên ly bia hơi, tôi nghe Que Hoang nói, cứ như là “cái sự yêu dành cho Hà Nội nó cũng sẽ trở nên sâu sắc hơn rất nhiều.”

Phải chăng như Doumer, một toàn quyền Ðông Dương thời kỳ xưa hẳn còn muốn gọi Hà Nội bằng cái tên Delila yểu điệu quyến rũ vì nó gần hơn với cái tên Ðại La hay La Thành thời cổ xưa là điều có lý!?...... (Còn nữa)
-->Đọc thêm...

AI RA XỨ BẮC (Kỳ 3)

Tôi đang miên man chuyện “buồn vui thế sự”, chợt nhớ cuộc hẹn với ông bạn già Que Hoang nên vội vả chạy về phố Hàng Tre như đã hẹn. Vừa bước khỏi ra con đường “cách mạng” Thanh Niên nạn kẹt xe ở Hà Nội như nút thắt cổ chai không thể thoát đi đâu được. Tôi căng mắt nhìn những chiếc xe nhập làn đường một cách thô bạo, vượt chen lên dù khoảng cách phía trước chỉ có chưa đầy năm mươi phân. Phải cẩn thận, tôi tự nhắc mình vì chỉ một giây lơ đễnh thôi rất dễ húc đít chiếc xe phía trước. Văn hóa giao thông của người dân ở đây thật là tệ mạt. Thành phố đã từng ngày lên tầm sang trọng mới, thanh cao mới vậy mà khi đèn đỏ đến. Những Xuân Tóc Đỏ, những Típ-Phờ- Nờ không đội mũ bảo hiểm, họ cứ “tự nhiên như người Hà Nội” vượt băng, hề có sá chi những công an đang đứng trên bục điều khiển giao thông. Đã sống ở Sài Gòn gần 25 năm nên tôi đã học được cách bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc để giảm sự căng thẳng trong đầu, nhưng đi trên đường phố Hà Nội điều này vẫn trỗi dậy trong tôi một cách tự nhiên. ...

Dòng xe trở nên bất động ngay một ngã tư. Bỗng một lực phía sau đẩy xe tôi tới “hun” một cái chót ngay đít em “SH Mode” yêu kiều phía trước. Bực mình hết cỡ, tôi quay mặt về phía sau thì ra là một “ông già quê” cũng xoan tuổi tôi, chắc từ nhà quê lên phố chưa học luật đi đường của nơi đây nên loạng choạng. Quay về phía đằng trước, khuôn mặt tôi cũng "quay theo 180 độ” một cách đáng thương của người gây lỗi. Một bông hồng tuổi đã 35 hãy còn rất xinh và ăn mặc thời thượng dừng xe xuống xem …đằng sau xe mình. May thay tôi cũng chỉ chạm nhẹ, và cũng là “ông già miền Nam” luôn có ý thức giao thông chứ không biết đâu sẽ bị ăn “bún mắng, cháo chửi” giữa đường mà có nhục mặt. Cô gái Hà Thành dễ thương và rộng lượng bỏ qua…. Tôi cám ơn rối rít.

Dường như kẹt xe trở thành một trong những “tính cách” của các thành phố hiện đại, nó thể hiện sự đông đúc dân cư tập trung với lý do đây là nơi đất lành chim đậu, có đầy đủ những tiện nghi văn hóa hấp dẫn nên cư dân từ các nơi khác kéo về sinh sống. Dân số Hà Nội chỉ khoảng 6 triệu người cộng thêm 4 triệu dân số cơ học. Tất cả họ đều có thể tự hào mình được sống trong một thành phố lớn – Thủ Đô Việt Nam. Có người hỏi với tôi rằng, có bao nhiêu Hà Nội ?. Đó không phải là câu hỏi cắc cớ nhưng phải hiểu rằng Hà Nội như bàn tay có ngón ngắn, ngón dài, như trời mưa có người đội mũ, có người che ô, còn có người cứ lao mình giữa trời mặc cho sũng ướt!.

Trước đây, đã có con dao mổ của nhà phẩu thuật tài ba Vũ Trọng Phụng một thời và nay có những nhà tài ba khác của đời thực đang âm thầm gọt bỏ, cắt đi những cái ung nhọt cho một Hà Nội ngày thêm tươi đẹp mà ta không biết hết được. Có những CSGT hay lực lượng 414 ngày đêm trên những ngã đường Hà Nội làm trật tự giao thông và trấn áp tội phạm cướp giật. Đường phố ở Hà Nội đang mở rộng tối đa như đường Trường Chinh, Cát Linh v.v.v Và tất cả hệ thống liên kết đồng cũng loạt tăng thêm vài làn xe. Điều đó không chỉ người Hà Nội trông chờ mà tôi biết cả chính quyền thành phố cũng cố gắng làm điều gì đó để hạn chế tình trạng kẹt xe. Mọi giải pháp chắc chắn không dễ. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc chính phủ có mở rộng đường sá, tăng thêm các phương tiện công cộng chỉ có nghĩa là tăng thêm khả năng tiếp cận dễ dàng các nơi muốn đến và cho bạn thêm nhiều lựa chọn điểm đến khác nhau, chứ không có nghĩa là giảm nhu cầu đi lại của chúng ta và giảm tình trạng kẹt xe.

Và như thế, Sài Gòn hay Hà Nội chuyện kẹt xe vẫn muôn thuở là “Chuyện thường ngày ở huyện”. (Còn nữa).
-->Đọc thêm...

AI RA XỨ BẮC (Kỳ 2)

Sau giấc ngủ trưa dài tôi phần nào cảm thấy “thích nghi”. Đất kẻ chợ có 4000 năm kham khổ để chống đỡ không biết bao nhiêu cơn mưa đợt lũ chứ đâu phải chờ đến ngày nay người Việt mới hiểu để xây dựng thủy điện sông Đà chế ngự thiên nhiên. Cuộc sống không an lành, nóng lạnh khủng khiếp thay đổi trong năm, nên sự lệ thuộc vào thiên nhiên khiến người dân xứ Hà Thành càng trầm mình bảo thủ.

Vả lại theo sách sử đã ghi, quá khứ người Thăng Long tứ xứ từng có nạn kiêu binh mang mảng màu phức tạp về lịch sử, như một tấm mosaic đầy tâm tư của người họ vậy. Bởi thời xưa, sự nghi kỵ của triều đình trung ương Huế luôn coi người dân xứ Hà thành là con cháu nhà Lệ. Triều đình nhà Nguyễn đã đưa các quan xứ Quảng như Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu về trấn giữ Bắc thành. Bởi vậy, khi người Pháp tấn công Hà Nội thì người dân ở đây cũng khá thờ ơ. Triều đình nhà Nguyễn buộc phải nhờ quân cờ đen Thái bình thiên quốc của Lưu Vĩnh Phúc mới vượt biên vào Đại Nam (1865) với chức tước được phong “Cửu Phẩm Bách Hộ” để quấy phá người Pháp và bình định vùng này.

Trời gần về chiều. Ông bạn già Que Hoang của thời học NN Đà Nẵng biết tôi mới ra Hà Nội nên có hẹn 6 giờ tối đến phố Hàng Tre để lai rai vài cốc bia hơi Hà Nội kèm theo câu nói mới ghê (!?): “Bác ra đây mà không thưởng thức một cốc bia hơi là chưa biết Hà Nội!”. Mới 5 giờ chiều là tôi đã phóng xe xuôi về Hồ Tây như muốn tìm một chút mộng mị sương chiều thu Hà Nội ngẩn ngơ. Nhớ lúc còn nhỏ thời bao cấp khốn khó tôi có một lần theo chú mình đi tham quan Hà Nội. Nơi đây có những chiều đầu thu ráng đỏ, “Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ ….” mây trôi. Bên “Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về” (Trương Quý Hải), là những cặp đôi bập bềnh giữa hồ tâm sự và còn ai đó dong buồn cho vơi một nỗi Trương Chi….

Đường Cổ Ngư có từ thời Pháp thuộc nhưng đến đầu năm 60 thế kỷ trước được Bác Hồ đặt lại với cái tên “ Đường Thanh Niên” mang đầy tính…. “Cách mạng”. Và không biết kể từ đó hay do đâu, tôi có những người bạn cùng trang lứa ở Hà Nội có những tên gọi do cha mẹ đặt, nào là “Chiến Thắng”, “Anh Dũng” hay là tên của những vị anh hùng cùng thời. Tính cách mạng rất cao như vậy chắc con người Hà Nội đã quá ăn sâu trong tiềm thức giáo điều Lão Khổng mà vơ vội bất kỳ những thứ gì mà họ cho là lý tưởng – Tôi băn khoăn suy nghĩ.

Tôi dừng chân trước ngôi chùa Trấn Quốc tĩnh lặng gần một ngàn năm. Vẫn còn đó cây bồ đề do đích thân Tổng thống Ấn Độ Prasat trao tặng tận tay Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1959. Bồ Đề vẫn còn đó để tỏa bóng như an ủi chúng sanh.Thiêng liêng và cổ kính, nhưng rất tiếc án ngữ trước chùa xây bằng bê tông cốt thép như cái lô cốt, cứng đơ. Người đi đường còn thoảng nghe mùi mắn muối mỡ khét xông lên cả một cảnh trời mây nước trữ tình. Thật oan uổng cho trận “thi chiến” đâu là đỉnh cao của văn phú thơ Nôm có đến hai năm đầu tiên của thế kỷ XIX giữa hai bài “Tụng Tây Hồ phú” và “Chiến tụng Tây Hồ phú” của Nguyễn Huy Lượng, Phạm Thái. Nhớ năm ngoái ra Hà Nội và tôi có đến ăn bánh tôm Hồ Tây với cô giáo cũ Hồng Maivà cùng một vài người bạn. Tôi nhận thấy cũng "bình thường thôi" chắc vì chưa hợp khẩu vị. nhưng không biết nhà chức trách có hiểu, bánh tôm Hồ Tây dẫu có ngon với người Hà Nội thì đâu phải nhất thiết kinh doanh làm món mồi nhậu nhẹt giữa nơi cần tao nhã hào hoa này (?).

Hồ Tây, gương mặt đẹp của Hà Nội nghìn năm, đẹp như Nàng Kiều, Trương Quỳnh Như, Nguyễn Thị Lộ hay công chúa Ngọc Hân và gương mặt của biết bao thế hệ từng soi vào đấy. Chiều Hà Nội, tôi đã thấy rất nhiều già ngồi trên những chiếc ghế đá công viên hóng mát, chắc hồn họ vẫn còn thẩm sâu trong ký ức, ước gì có một câu ca dao xưa chợt vẳng:
“Mịt mù khói tỏa ngân sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”…. (Còn nữa)
-->Đọc thêm...

AI RA XỨ BẮC !. (Kỳ 1)

Hành trình bắt đầu từ miền Nam ra. Miền trung hạ tàn cùng tiếng ve sầu gần tắt, trời nóng như đổ lửa chắc để chờ thu. Không thể chịu nỗi "biến đổi khí hậu", tôi xách gói xênh xang về Hội An. Không gì khác hơn, sẽ hy vọng hưởng được luồng gió mát thổi lên từ bờ cửa Đại. Nhưng "chối chày lại gặp chì", những Ninja phiên bản Việt, những tín đồ của khẩu trang và combo váy, áo chống nắng như một mốt thời trang phố cổ - "không thấy mặt người, chỉ nghe tiếng hú". Một ngày lang thang cầm máy ảnh trên tay mà nắng đâu dịu lại, tôi không thể nào có một tấm ảnh đẹp hoặc đợi chờ để cho riêng mình một kiểu Golden hour hoặc Blue hour thì chắc cũng ….. tới khuya!.

Thôi đành lên Taxi dọt về Đà Nẵng, nơi ấy có thầy cô và bạn bè thân cũ đang đợi…

Hạt mầm tình nghĩa, tình bạn, tình thầy cô trò từ thuở hồng hoang ai đã gieo trồng?. Không biết nữa, tôi chỉ hiểu một điều. Đêm Đà thành gió trăng nồng ấm, tình thắm thiết chẳng thể rời xa khi chỉ có một khoảng khắc sau nhiều ngày gặp lại. Và tôi đã có một đêm hạnh phúc bên người thân giữa lòng thành phố thương yêu. Tôi nghĩ, niềm vui đã hiện hữu, sẽ còn mãi trùng lai…

Khuya, vẫn chưa tàn cuộc, tôi cùng anh Thechi Caohuu và Nam tiếp tục lang thang trên phố và điểm cuối là một quán ven đường chuyên buôn bán vào bán đêm. Tình bạn bè chí cốt, ngày tôi dắt con gái cưng ra học nơi xứ sở “thuốc lào mũ cối”. Họ lo lắng và đã trang bị cho tôi không biết bao nhiêu “hành lý” mang theo. Nhớ không hết nhưng bài học đâu tiên tôi đã vận dụng khi xuống sân bay Nội Bài là không gọi taxi, không gọi grab hay bất cứ loại phương tiện gì cả. Hơn nữa cũng chẳng phải để giống như một Đinh La Thăng thời đương chức Bộ trưởng GT đã làm gương với người dân Hà Nội. "Đồng chí" đi làm bằng xe buýt chỉ được vài ngày mà báo chí đã tung hô cả tháng trời không dứt. Hai cha con tôi theo lời bạn bè đêm trước căn dặn, lên chiếc xe “Bus 86” xuôi về trung tâm thành phố với giá chỉ có ba lăm ngàn đồng chẳn.

Bước xuống xe trạm buýt chỉ còn năm trăm mét là đến Hotel tôi đã đặt trước. Đi bộ chỉ khoảng đoạn đường ngắn vậy nhưng trong người tôi thoáng mệt và càu nhàu với dòng xe cộ lớn nhỏ nhuộm nhoạm. Dửng dưng cành phượng cuối hè và “Bản năng gốc” sự lãng mạn thường thấy cho một nơi tôi mới đặt chân đến cũng đã bay mất theo dòng người xuôi ngược. Đâu đây còn sót lại tiếng ve “sụt sùi nhiều đoạn bi ai, Bóng trăng lìa gió, lạc loài phương xa”.(Ca dao)

“Shock”!. Một mẹo cũ tôi đem ra soạn lại là vùi đầu trong Hotel ngủ để vượt qua, rồi mới có thể là “mind – set” (hòa nhập) mà viết “Phóng sinh sự”. Bên trong cửa sổ Hotel nhìn ra, Hà Nội thật sự phù hoa. Chiều như mắt người, tôi chợt hình dung về một Hoàng Diệu tuẫn tiết trong tiếng pháo rền vây hãm của người Pháp. Trong lòng vẫn cảm giác một Hà Nội khó thể vùi dập bởi ký ức như những lỗ hỗng đạn pháo còn khắc lại trên thành Cửa Bắc

Hà Nội khó phai và bảo thủ…. (Còn nữa)
-->Đọc thêm...

Khi đất PHÚ trời YÊN vẫy gọi! (Kỳ 2)

Theo “Đại Nam Nhất Thống Chí” lịch sử Phú Yên được hình thành và phát triển rất sớm. Từ năm 1611, Chúa Nguyễn Hoàng cử viên chủ sự Văn Phong mang quân tấn công Chăm Pa. Thành Ayaru thất thủ, Nguyễn Hoàng đã sát nhập vùng Ayaru vào lãnh thổ Đàng Trong với tên gọi Phú Yên. Thế nhưng cho đến bây giờ, nơi đây vẫn chưa sánh bì về sự phong phú hay dày dặn một nền văn hóa nghệ thuật, ngồn ngộn di tích lịch sử như ở Huế, Hà Nội hoặc nhiều nơi khác. Nhưng nói về du lịch, Phú Yên có một thế mạnh với bờ biển dài gần 200 km lại có rất nhiều bãi, đầm , vịnh, gành , hòn … hoang sơ, tự nhiên và cực đẹp. Còn núi thì có Đá Bia, núi Chóp Chài như một thắng cảnh. Bãi tắm thì có Long Thủy, bãi Xép, bãi Rạng, bãi Bàu, bãi Môn, bãi Nồm, Tràm là những bãi tắm đẹp “thần sầu” chẳng kém gì như ở …..Hawaii. Nơi đây quanh năm được che chắn những con sóng lớn và gió dữ. Bởi vậy vì thời gian không có nhiều nên lũ chúng tôi cũng cần sự lựa chọn lịch trình cho mỗi ngày đi theo một hướng: bắc Tuy Hòa và nam Tuy Hòa. Ngày thứ hai, chúng tôi chọn bãi Môn và Mũi Đại Lãnh là điểm cực đông của dải đất hình chữ S làm điểm đến.
Đêm trước ông bạn già Phuoc Tran một thời ăn cơm ký túc xá với chúng tôi hiện đang sống ở Phú Yên. Vợ chồng họ lò đò đến khách sạn thăm đoàn . Trời đổ mưa như trút nước, song lâu ngày gặp lại bạn bè xưa nên tất cả ai cũng không ngại cho một đêm say khướt….
Sớm tinh mơ chiếc xe bắt đầu lăn bánh đưa chúng tôi về mũi Đại Lãnh đón bình minh đầu tiên trên dải đất Việt. Chỉ vừa đi hơn chục ki lô mét, thành phố đã ở phía sau lưng. Bình minh chầm chậm lên, ánh sáng ngu ngơ xua bóng đêm còn lờ mờ phía trước. Từ ô kiếng cửa xe, tôi đã nhìn được rất rõ hình ảnh bãi cát trắng mịn tô điểm cho những resort và những công trình đang khởi động của khu công nghiệp Vũng Rô. Biển trước mặt, êm ả xanh ngăn ngắt một màu lục bảo. Gần về hướng mũi Điện, chiếc xe ngoặc theo con đường men triền núi, thiêm thiếp một rừng nguyên sinh. Gió vườn mây, mây gió vô cùng…. làm mọi người trên xe ngây ngất. Còn bên mạn trái, biển một đời mất ngủ, âm thầm vỗ về bên vách đá trầm tư. Mênh mang dọc theo những bức tranh hoang chợt hiện, chợt mất, tôi bỗng giật người cười một mình và hạnh phúc như một đứa trẻ khi nhớ lại bài thơ của Đỗ Trung Quân:
“Xin cảm ơn những con đường ven biển .
Cho rất nhiều đôi lứa dẫn nhau đi
Cám ơn sóng nói thay lời dào dạt
Hàng thùy dương nói hộ tiếng thầm thì”

Hơn ba mươi phút đi xe đoàn chúng tôi đã có mặt tại mũi Đại Lãnh. Nhìn về hướng đông, tia nắng sớm chiếu qua làn sương mong manh như những sợi tơ giăng hồng phơn phớt trên mặt biển, bờ cát lấp lánh. Nắng gọi, núi rừng cũng vừa thức giấc. Trong tĩnh lặng, ánh sáng chậm rãi trải dần trước mắt. Buổi sáng sớm nơi đây không khí thật trong lành, ai ai trong số chúng tôi cũng đều thấy bình yên kỳ lạ. Hôm qua về hướng bắc lang thang trên “đồng cỏ hoa vàng” nay được về chơi với gió nghe lá rừng xào xạc. Còn hạnh phúc nào hơn…..

Bước xuống xe chạm đất, gió vuốt ve đôi bàn chân, nhìn xung quanh tôi bỗng thấy mình ngẫn ngơ. Núi và biển không giống như bất cứ nơi nào tôi từng đến. Đứng dưới nhìn lên ngọn hải đăng cao 200 mét nằm trên đỉnh núi chót vót chon von trông giống như ngọn cờ cắm trên hòn non bộ của đất trời vậy. Nhiều du khách xuýt xoa, tán phục bàn tay tài hoa của tạo hóa. Biển và núi đẹp như tranh vẽ bởi giữa nơi có đồi núi và đồng bằng ven biển tự dưng có ngọn núi cao mọc lên lại có đủ hoa thơm và cỏ lạ. Nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, mũi Đại Lãnh là nơi đầu sóng ngọn gió biên cương:
“Theo ngọn sóng trông mù xa tít tắp
Nơi mặt trời sà xuống biển mênh mông
Ở nơi đó là bến bờ Tổ Quốc
Sóng yêu thương vỗ mãi đến vô cùng …( Hoàng Kim)

Đường leo lên Mũi Điện thật xa được phân chia bậc thang trải dài. Từ mặt đất liền đi lên con đường được lát đá không rộng, chỉ khoảng chừng hai mét, song cảm giác lại càng chật chội hơn vì khách du lịch đến thăm thú đông đúc, núi lại đồ sộ và cao sừng sững sát bên đường. Đổi lại chúng tôi được hưởng cảm giác sát ngay bên cạnh mình ngoài những cây phô bày bộ rễ gân guốc bện thành mạng nhện. Chằng chịt là rừng cây lá thấp nguyên sinh đang mặc sức sinh sôi, hương sim tràn khuôn ngực biếc. Vịn lan can bảo hộ, tôi đưa tay về hướng biển mênh mông vẫy ngoài vô tận, nghe trong lòng mát rượi liêu trai….

Lưng chừng dốc chúng tôi bắt gặp con đường dẫn xuống bãi Môn, hai bên là hàng phi lao xanh ngát. Nhớ hồi mới lớn biết đọc thơ, vì ngộ nhận, tôi không thích “liễu Chương Đài” trong một bài thơ cổ vì ở đó là câu chuyện đầy nước mắt, chia ly. Tôi cứ ám ảnh hàng dương liễu quê tôi cũng là “liễu” trong thơ. Lớn lên một chút, tôi mới hiểu hàng dương liễu quê tôi là họ “phi lao”. Đã hiểu về loài cây nhưng tôi không hiểu vì sao mình yêu những hàng cây dương liễu trong những lần về thăm quê ngoại ở Tú Nghĩa – Bình Tú quê mình. Tình yêu ấy còn mãi với thời gian, bao nhiêu lần không nhớ hết!. Rời xa quê sống trong màu phố xá, hình ảnh của cây phi lao với nhiều chiếc lá dài như những ngón tay vươn tôi không bao giờ bắt gặp.
Tình yêu là món nợ, nay đã về bên tôi trong mắt nhớ - Rất thuần khiết và mạnh mẽ!. Không thể chịu được, gọi Đan Thùy làm mẫu để làm mẫu chụp vài kiểu ảnh thì lòng tôi mới nguôi ngoai trước vẽ đẹp khôn cùng ..…

Gần một ngày ở mũi Điện rồi đến ngọn hải đăng Đại Lãnh. Cảnh đẹp quá, trong lũ chúng tôi ai cũng móc điện thoại ra “tự sướng” cho biển kịp nhớ mặt người, cho núi còn ghi bước chân. Thời gian đã về xế, ô hay chiều ngẫn ngơ mà nỗi hứng, chúng tôi cùng kéo đến tắm bãi Tiên. Bãi biển rất nhỏ nằm gọn trong một vịnh, gió không dài như bằng tóc ai bay, sóng cũng vậy cứ ở ngoài khơi mà chẳng chịu về. Được vài mươi phút tung tăng giỡn đùa trong nước biển xanh màu ngọc bích. Lúc sáng chúng tôi có định đến nơi đây đâu mà chiều nay ai cũng thấy thích vô cùng. Dưới biển nhìn lên là những hòn đá với hình hài kỳ thú xếp chồng lên nhau để đẹp mãi cho đời….
Hoàng hôn nhuộm đỏ cả vùng cũng là lúc lũ chúng tôi chỉ vừa mới bén ghiền, nhưng phải về khách sạn thu gom hành lý. Niềm hạnh phúc hòa mình vào thiên nhiên lại ngắn chẳng tày ngang. … Hic!
Tạm biệt Phú Yên nơi có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Ẩm thực xứ “nẫu” lại đầy đủ món ngon, tươi, lạ, bổ rẻ hương vị lại đậm đà đến điếc mũi, nhưng không phải hao xu cho nhiều nhiều lắm lắm !.
Tạm biệt “non sông gấm vóc” của dải đất miền Trung như tôi đã đến và sẽ nhất định trở lại nay mai……….
-->Đọc thêm...

Khi đất PHÚ trời YÊN vẫy gọi!. (Kỳ 1)


Hai ngày dừng chân ở Nha Trang ngồi tán ngẫu với bạn bè xưa vui như Tết. Nhưng cái đích “hẹn hò” trong chuyến đi của lũ chúng tôi lại nằm bên kia đèo Cả. Nơi ấy “đất Phú trời Yên”, cũng có truyền thuyết cho rằng ngày xưa Chúa Nguyễn Ánh trong những ngày bôn đào, lánh nạn đã đổ bộ lên vùng đất có núi non, có biển cả ôm ấp như quyến luyến này mà may mắn tìm được dòng nước ngọt ngào nên qua được cơn nguy cấp. Còn hôm nay, lũ chúng tôi mỗi đứa sinh sống mỗi nơi, nhưng thuở xưa đã từng là bạn bè, từng học chung, từng sống với nhau trong một ký túc xá v.v.v và nay mọi hướng tìm về đây nhau để tận hưởng tình bạn bè ấm áp cũng là chuyện thường tình…. 

Hàn huyên đủ thứ chuyện trên đời, bóng ngã sang đông hai chúng tôi mới vội vã vai ba lô tạm biệt bạn bè lên đường ra hướng Bắc sau khi biết Hương Lê, Nguyễn Hồng Hạnh, Thu Do… từ Đà Nẵng đã xuôi tàu vào Nam từ lúc trưa. Còn Phạm Tuấn đang lò đò khăn gói từ Sài Gòn đi ra. 

Đường từ Nha Trang về Phú Yên khá yên ả. Nhớ cách đây mấy năm, cung đường này được bình chọn có nhiều cái nhất: Đường xấu nhất, trạm Police cũng như trạm thu phí giao thông nhiều nhất nước. Còn ngày nay có lẽ những người đứng đầu tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã không cho một chiếc xe nào từ mọi đường rẻ chui ra quốc lộ 1 mà thoát loại thuế “Trời hành đất lở” này. Chiếc xe khách đời mới chở chúng tôi đi chẳng có gì hối hả, xe cứ chạy bon bon về hướng bắc. 4 giờ chiều chúng tôi mới bước vào vùng đất Đại Lãnh nằm bên bờ vịnh Vân Phong – Vũng Rô để chuẩn bị qua địa phận Phú Yên. Đến nơi đây tôi mới sực nhớ trong những lần về thăm Huế, thăm Đại Nội. Tôi đã thấy phong cảnh Đại Lãnh được Vua Minh Mạng cho thợ chạm khắc vào một trong chín chiếc đỉnh đồng lớn (Cửu Đỉnh) đang trang trí trước sân Thế Miếu. Và sau này vua Tự Đức còn đưa cả tên Đại Lãnh vào “Tự Điển Quốc Gia triều đình”. 

Non xanh nước biếc, nhìn qua ô cửa kính xe, cả hai chúng tôi cứ ngẫn ngơ: “ Em yêu núi còn anh thì thích biển. Tự bao giờ núi và biển sinh đôi….” 

Chiều gần tối, chúng tôi đến Tuy Hòa – Thủ phủ của “Kinh Đô xứ Nẫu”. Thành phố ngày nay có nhiều khách sạn sang đạt chuẩn quốc tế 5 sao như Cen Deluxe, nhưng chúng tôi chọn Hotel Hoàng Ngân – Nằm trên trục đường chính Nguyễn Huệ. Về đêm, quê hương của chàng “Mr Cần Trô” hại não mà dễ thương trong bộ phim truyền hình đang hot “Ngày ấy mình đã yêu” khá vắng vẻ người đi chơi đêm. Chắc sau một ngày lao động mưu sinh, người thành phố ai cũng thu mình trong mỗi ngôi nhà để thụ hưởng một sự pha trộn của biển, nắng ấm, bãi cát và cuộc sống khi mặt trời khuất núi…. 

Nhận phòng đã đặt trước, hai chúng tôi lang thang đi tìm quán ăn đêm. Thành phố không có những quán ăn lớn buôn bán vào đêm, chỉ lác đác lập lòe ánh đèn của những quán xá lề đường bán bánh canh “Hẹ - cá Dầm”. Một món ăn nức tiếng của quê hương Phú Yên!. Nghe lời mời gọi hơi lạ của người chủ quán, Đan Thùy mới hỏi tôi: “Cá Dèm” là cá gì hả Ca ?”. Tôi không biết phải giải thích như thế nào cho người mình yêu thương hiểu được, chứ với riêng tôi đến đất này thì khỏi phải cần trao dồi thêm “Ngoại Ngữ”. Như cái lần tôi và một vài người bạn trong Nam ra ghé Tuy Hòa ăn uống. Khi được hỏi món đặc sản trong một quán ăn thì đươc anh nhân viên của quán nọ giới thiệu rằng ở chổ anh ta có món “ Lẫu Dơ " là ngon nhất (!?). Mấy anh bạn người Nam của tôi cứ phải ngớ người khi chưa có tôi “thông dịch”. Rằng vùng đất có từ thời Chúa Nguyễn Hoàng này, âm “Ê” được người dân phát ra âm tiết gần giống như là “Ơ” và cứ hiểu mọi âm tiết theo kiểu như “hát tập thể” là “tập thở” hay “Gềnh đá” đọc là “Gành đá” vân vân và vân vân. Và tôi đã biết thêm, nơi “Đất Phú trời Yên” này còn có cả những người làm thơ vẫn thường dùng câu tứ rất lạ. Sá chi đây là một ví dụ …
“Đường chân trời… đón tia nắng hiện
Lên Hải Đăng…Mũi Điện mà xem
Ngày sang tàu cá vượt đêm
Pha màu lấp lánh nhìn đèn tới nơi” ( Thủy Tiên) 


Một đêm ở đất Tuy Hòa thật ngon giấc. Sáng sớm, như đã hẹn chiếc xe 16 chỗ ngồi mới toanh trờ tới đón chúng tôi để bắt đầu cuộc du hành. Xe xuôi về hướng bắc chỉ khoảng 40 km là con đường dẫn chúng tôi vào Nhà Thờ Mằng Lăng và gềnh Đá Đĩa. Chỉ mới ngày đầu tuần làm việc nhưng du khách hướng về con đường này chật như nem. Thăm biệt thự Gành Đỏ, Nhà thờ Mằng Lăng mỗi nơi chỉ dăm mười phút nhưng cũng phải đến gần 10 giờ chúng tôi mới đặt chân đến “Gành Đá Đĩa” 

Gềnh Đá Đĩa một cảnh đẹp như phải phát hờn nằm bên vịnh Xuân Đài. Có lẽ đất nơi đây khô cằn vì đã nhường hết biết bao tinh túy cho đá. Đá dựng chênh vênh, đá nằm nghiêng ngửa, đá đứng hiêng ngang, đá mang hình cái đĩa xếp chồng chồng lớp lớp trải dài ra. Tôi có cảm nhận như đá có lời trò chuyện, rằng xưa đá từng vá trời và tỏa nhiệt, được rơi xuống từ vũ trụ cũng đã hơn cả tỷ năm. Nhìn từ xa gềnh Đá Dĩa như tổ ong khổng lồ. Một khối hình hài được kết dính bởi vô số khối đá hình ngũ giác, lục giác, lớp nọ tiếp lớp kia, cao thấp lồi lõm khác nhau đều tăm tắp chứ như những chồng đĩa trong lò sành sứ. Tôi thích những viên đá hình trụ, đen tuyền và đẹp đến sững sờ. Một màu thời gian qua gió thổi mưa mài để lại trên nền đá như một ma lực, nhưng tiếc thay trên đường tôi ra đây ống kính “con cưng Nikon” của tôi đã bị hỏng nên chẳng có pic nào… ra dáng. Đẹp quá, già rồi nhưng lũ chúng tôi cứ như là đứa trẻ cứ nghịch đùa vui bên bọt sóng tung trắng xóa trên nền đá như thuở sơ khai mãi đến tận bây giờ. Còn đám con nít lại cứ treo giỡn bên những lõm trũng có đàn cá nhỏ tung tăng mà quên cả giờ ba mẹ gọi ra về…. (Còn nữa) 

-->Đọc thêm...

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC