25 tháng 9, 2018

Đảo KỲ CO – Một “Thiên đường biển đảo” hãy còn xa…..

Chuyến đi không định trước, bất chợt tôi lại phải bỏ công việc nửa chừng về Quảng Nam. Cuộc đời, tôi thường có những chuyến đi ngắn, đi dài, có lúc không ai mời gọi tựa như một nhịp nghỉ của dòng đời vậy. Đi đến một vùng đất mới, gặp gỡ giao lưu con người mới là cũng để cho tôi có thêm trải nghiệm cảm xúc mới. Rồi có những lần về lại chốn thân quen, tôi rất thích ngồi hàn huyên với những người thân, thầy cô và bạn bè cũ. Có lúc, tôi cảm giác mình như cánh chim chiều muộn phong phiêu mặc mùa. 

Được ở quê hương bốn năm ngày, tôi không chỉ hạnh phúc cùng với dĩ vãng đời thường của làng quê mộc mạc Bình Tú - Quảng Nam mà còn có cả những vết mờ khờ dại tuổi trẻ trâu còn sót. Miền trung trở gió thất thường!. Nửa vời im lặng, nửa vời chênh vênh, tôi lại quàng ba lô bờ bụi trở vào Nam vì công việc. Phải giả từ cuộc chơi khi tôi không còn là đứa trẻ.

Đường vào Nam xa lắm….! Trời chợt nắng hanh hanh và công việc cũng có phần ổn thỏa. Tôi quyết định ghé Quy Nhơn – Mệnh danh là thành phố biển nhưng cũng dễ chiều xuống mây vương, hoàng hôn tím thẫm khung trời trước mặt. Núi Bà Hỏa ngự bên thành phố, sao cho đến nay vẫn chưa được lưu trong truyền thuyết để tưởng tượng một nhân vật cùng tên !?. Nơi ấy tôi đang có rất nhiều bạn bè thân thiết cùng một thuở học hành. Nhớ bạn bè dềnh dang, có nỗi nhớ nào lại giống nhau. Con người mà, nhớ người thương thường làm cho lòng mình mềm nhũn, nhớ bạn bè là phải chịu thiệt cất công….


Sắp xếp lịch trình ngày ở lại Quy Nhơn đã thật kỹ càng. Mặt trời mới chớm hửng nắng trong sương, hai chúng tôi cùng với ông bạn “muôn năm” Phan Tuấn Sỹ phải thuê xe ôm cho kịp chuyến đi ra đảo bằng Cano như đã hẹn. Hai chiếc xe Wave Alpha cũ nát rít ga kéo chúng tôi ra hướng về quốc lộ 19 nối dài đang làm dở dang. Đường Trần Hưng Đạo về cảng Quy Nhơn thật chật chội, nhiều đoạn chắp vá mà xe cộ lại đông đúc bóp còi inh ỏi. Tôi mường tưởng độ ồn của âm thanh như thế rất có thể làm nhiều người bị điếc tai nều trình trạng như thế này kéo dài mãi. Hai bên đường là những cao ốc khuềnh khoàng, chẳng “ai giống ai”, quái gở cho những “culture lập dị” mà một số người lại cho rằng sáng tạo (!?). Tự thể chỉ là sự khác biệt muôn năm và nghịch lý để làm khác đi mảnh đất từng nuôi dưỡng chất thơ văn như nhiều người từng biết: Hàn Mạc Tử, Yến lan, Quách Tấn hay chất võ đường họ Trương từng nuôi dạy anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa . 


Bước qua khỏi cầu Thị Nại. Một chiếc cầu vượt biển được xem dài nhất Đông Nam Á nối Quy Nhơn với bán đảo Nhơn Hội, thì cuộc sống nơi đây mới có vẻ bình yên. Xe chạy lòng vòng chạy quanh bán đảo nhỏ. Cuối cùng cả ba chúng tôi cũng vừa kịp chuyến cano rời bến. Chiếc cano chạy về hướng đảo thật là thích thú, ai cũng say sưa cùng sóng lượn triền miên. Xa xa núi Nhơn Lý sơn thủy hữu tình là một trải nghiệm lý thú. Khi cano tăng tốc trạng thái trong người ai cũng được như mình đang tham gia một trò chơi cảm giác mạnh. Thật phấn khích và khó tả!. Riêng tôi, lòng cũng tràn đầy hưng phấn vì cũng chẳng bao lâu nữa mình sẽ được chiêm ngưỡng một nơi được mệnh danh là "Thiên Đường Biển Đảo" – KỲ CO 

Bước chân lên đảo thì ra đây là “thiên đường” được viết bằng bút mực qua những tay làm báo hoặc đó là sản phẩm của những nhà làm du lịch lữ hành bằng công nghê photoshop. Kỳ Co có ba (3) mặt là đồi núi mà du khách chỉ đứng nhìn tạo hóa ngủ quên mà chưa có nụ hôn nào đánh thức. Còn một mặt là bờ biển chạy dài khoảng chừng 500 m với vài chục bungalow được tận dụng từ những chiếc container còn đang cũ kỷ, mặt hướng nhìn ra hàng dừa biển lơ huơ đến tội nghiệp làm sao!. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện cổ tích Trạng Quỳnh ngày xưa mà mới hiểu. Tại sao đã “đến tận nơi, xem tận mắt” Kỳ Co nhưng rồi người người từ phương xa như tôi vẫn ùn kéo đến ?. Chuyện xưa kể rằng, Trạng Quỳnh đã trả nợ cho ông lão lái đò bằng cách có một không hai. Kế chỉ làm cái bè tre chơ vơ giữa sông và câu thơ trời hành đất lỡ: “Đ…mẹ thằng nào bỏ thằng nào” được treo trên vách nứa. Trạng vào bờ đồn thổi đó là lầu yết thơ. Chuyện đã làm nên khi nghe thơ ông ai lại tiếc đồng hao thưởng thức. Lão lái đò đưa người đi và chở cả người chán tức ra về, hốt bạc. Song khi vào bờ có người gặp hỏi: "Thơ có hay không?", thì lại ầm ờ: “Ra đó mà xem!”…. 

Chuyện Kỳ Co là "Thiên Đường Biển Đảo" tôi không biết có khác gì hơn .... Thơ Quỳnh??? 


Chú ý tôi nhận thấy đoàn du khách nào đến Kỳ Co cũng chỉ độ một giờ đồng hồ rồi rời đảo vì sự nghèo nàn dịch vụ du lịch nơi đây. Tội nghiệp đảo nhỏ, chẳng có thùng rác, khách sạn hay nhà hàng ăn uống. Ra đảo nhanh quá! Chủ tàu gọi i ới ra về, có hay không để du khách không quá dài mà chán, cũng không quá ngắn để thòm thèm biển đảo – Một công nghệ du lịch của những công ty lữ hành tự phát mà xưa nay tôi từng biết đã giúp cho một nhóm nhỏ người trở nên giàu có. Những tín đồ “pê tê bốc” (FB) đang mặc áo tắm bikini, tay cầm gậy selfie phải khoác vội chiếc áo choàng nhàu nhĩ . Lại rồi những sản phẩm 360 độ của những chiếc Smartphone tràn trên phây và check in.  Kỳ Co lại vẫn thế mà sống với hư danh một "Thiên Đường Biển Đảo".


Đảo Kỳ Co bờ biển quá dốc, nước lớn sóng to nên chiếc cano chở chúng tôi không thể nào cập được bến, cho đến khi lên được ai cũng phải ướt mềm. Một cảm nhận “du lịch Quy Nhơn” trong tôi còn sót lại, ký ức chợt vắt ngang một câu hát của Nhạc sỹ Trần Thiện Thanh “Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa...”. Nơi ấy dù chỉ mới một lần ghé ngang qua nhưng tôi đã cảm nhận được câu nói của nhà thơ Chế Lan Viên ngày nào: “Mộ Hàn Mạc Tử nằm trên đỉnh cao Ghềnh Ráng, biển sáng chói như thơ anh và giông tố tựa đời anh”….. (Còn nữa)

Andi Nguyễn Ánh Nhật 

2 nhận xét :

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC