7 tháng 9, 2018

Khi đất PHÚ trời YÊN vẫy gọi!. (Kỳ 1)


Hai ngày dừng chân ở Nha Trang ngồi tán ngẫu với bạn bè xưa vui như Tết. Nhưng cái đích “hẹn hò” trong chuyến đi của lũ chúng tôi lại nằm bên kia đèo Cả. Nơi ấy “đất Phú trời Yên”, cũng có truyền thuyết cho rằng ngày xưa Chúa Nguyễn Ánh trong những ngày bôn đào, lánh nạn đã đổ bộ lên vùng đất có núi non, có biển cả ôm ấp như quyến luyến này mà may mắn tìm được dòng nước ngọt ngào nên qua được cơn nguy cấp. Còn hôm nay, lũ chúng tôi mỗi đứa sinh sống mỗi nơi, nhưng thuở xưa đã từng là bạn bè, từng học chung, từng sống với nhau trong một ký túc xá v.v.v và nay mọi hướng tìm về đây để tận hưởng tình bạn bè ấm áp cũng là chuyện thường tình…. 

Hàn huyên đủ thứ chuyện trên đời, bóng ngã sang đông, tôi mới vội vã vai ba lô tạm biệt bạn bè Nha Trang lên đường ra Phú Yên sau khi được biết Hương Lê, Nguyễn Hồng Hạnh, Thu Do… từ Đà Nẵng đã xuôi tàu vào Nam từ lúc trưa. Còn Phạm Tuấn đang lò đò khăn gói từ Sài Gòn đi ra. . .

Đường từ Nha Trang về Phú Yên khá yên ả. Nhớ cách đây mấy năm, cung đường này được bình chọn có nhiều cái nhất: Đường xấu nhất, trạm Police cũng như trạm thu phí giao thông nhiều nhất nước. Như bây giờ có lẽ những người đứng đầu tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã biết cách không cho một chiếc xe nào từ mọi đường rẻ chui ra quốc lộ 1 mà thoát loại thuế “Trời hành đất lở” này. Chiếc xe khách đời mới chở tôi đi chẳng có gì hối hả, xe cứ chạy bon bon về hướng bắc. 4 giờ chiều tôi mới bước vào vùng đất Đại Lãnh nằm bên bờ vịnh Vân Phong – Vũng Rô để chuẩn bị qua địa phận Phú Yên. Đến nơi đây tôi mới sực nhớ trong những lần về thăm Huế, thăm Đại Nội. Tôi đã thấy phong cảnh Đại Lãnh được Vua Minh Mạng cho thợ chạm khắc vào một trong chín chiếc đỉnh đồng lớn (Cửu Đỉnh) đang trang trí trước sân Thế Miếu. Và sau này vua Tự Đức còn đưa cả tên Đại Lãnh vào “Tự Điển Quốc Gia triều đình”. 

Non xanh nước biếc, nhìn qua ô cửa kính xe, chút "lãng mạn nửa mùa" của  tôi lại trỗi dậy. Lại  ngẫn ngơ nhớ một câu thơ của tác giả nào ấy: “ Em yêu núi còn anh thì thích biển. Tự bao giờ núi và biển sinh đôi….” 

Chiều gần tối, chiếc xe chở  tôi mới trờ đến Tuy Hòa – Thủ phủ của “Kinh Đô xứ Nẫu”. 

Thành phố Tuy Hòa ngày nay có nhiều khách sạn sang, đạt chuẩn quốc tế 5 sao như Cen Deluxe, nhưng chúng tôi chọn Hotel Hoàng Ngân – Nằm trên trục đường chính Nguyễn Huệ.

Nhận phòng xong, chẳng nghỉ ngơi, tôi đi bách bộ một vòng. Thì ra quê hương của chàng “Mr Cần Trô” hại não mà dễ thương trong bộ phim truyền hình đang hot “Ngày ấy mình đã yêu” khá vắng vẻ người đi chơi đêm. Chắc sau một ngày lao động mưu sinh, người thành phố ai cũng thu mình trong mỗi ngôi nhà để thụ hưởng một sự pha trộn của biển, nắng ấm, bãi cát và cuộc sống khi mặt trời khuất núi…. 

Lang thang tôi đi tìm quán ăn đêm. Thành phố Tuy Hòa  không có những quán ăn lớn buôn bán vào đêm, chỉ lác đác lập lòe ánh đèn của những quán xá lề đường bán "Bánh canh Hẹ - cá Dầm”. Một món ăn nức tiếng của quê hương Phú Yên!. Nghe lời mời gọi: "Cá Dèm" của người chủ quán. Tôi không thấy lạ phương ngữ của người dân bản địa. Chứ chắc một người nào ấy lần đầu đến nơi đây, chắc phải học "Ngoại Ngữ" trước mới hiểu được những "âm ngữ hại não" này. Nhớ cái lần tôi và một vài người bạn trong Nam ra miền Trung và  ghé Tuy Hòa ăn uống. Khi được hỏi món đặc sản trong một quán ăn thì được  anh nhân viên của quán nọ giới thiệu rằng ở chổ anh ta có món “ Lẫu Dơ " là ngon nhất (!?). Mấy anh bạn người Nam của tôi cứ phải ngớ người khi chưa có tôi “thông dịch”. Rằng vùng đất có từ thời Chúa Nguyễn Hoàng này, âm “Ê” được người dân phát ra âm tiết gần giống  là “Ơ” và cứ để dễ hiểu thì  mọi âm tiết theo kiểu như “hát tập thể” là “tập thở” hay “Gềnh đá” đọc là “Gành đá” vân vân và vân vân. 

Và nói về văn thơ, tôi đã biết thêm, nơi “Đất Phú trời Yên” này còn có cả những người làm thơ vẫn thường dùng câu tứ rất lạ. Sá chi đây là một ví dụ …
“Đường chân trời… đón tia nắng hiện
Lên Hải Đăng…Mũi Điện mà xem
Ngày sang tàu cá vượt đêm
Pha màu lấp lánh nhìn đèn tới nơi” ( Thủy Tiên) 


Một đêm ở đất Tuy Hòa thật ngon giấc. Sáng sớm, như đã hẹn chiếc xe 16 chỗ ngồi mới toanh trờ tới đón chúng tôi để bắt đầu cuộc du hành. Xe xuôi về hướng bắc chỉ khoảng 40 km là con đường dẫn chúng tôi vào Nhà Thờ Mằng Lăng và gềnh Đá Đĩa. Chỉ mới ngày đầu tuần làm việc nhưng du khách hướng về con đường này chật như nem. Thăm biệt thự Gành Đỏ, Nhà thờ Mằng Lăng mỗi nơi chỉ dăm mười phút nhưng cũng phải đến gần 10 giờ chúng tôi mới đặt chân đến “Gành Đá Đĩa” 

Gềnh Đá Đĩa một cảnh đẹp như phải phát hờn nằm bên vịnh Xuân Đài. Có lẽ đất nơi đây khô cằn vì đã nhường hết biết bao tinh túy cho đá. Đá dựng chênh vênh, đá nằm nghiêng ngửa, đá đứng hiêng ngang, đá mang hình cái đĩa xếp chồng chồng lớp lớp trải dài ra. Tôi có cảm nhận như đá có lời trò chuyện, rằng xưa đá từng vá trời và tỏa nhiệt, được rơi xuống từ vũ trụ cũng đã hơn cả tỷ năm. Nhìn từ xa gềnh Đá Dĩa như tổ ong khổng lồ. Một khối hình hài được kết dính bởi vô số khối đá hình ngũ giác, lục giác. Lớp nọ tiếp lớp kia, cao thấp lồi lõm khác nhau đều tăm tắp chứ như những chồng đĩa trong lò sành sứ. Tôi thích những viên đá hình trụ, đen tuyền và đẹp đến sững sờ. Một màu thời gian có đến triệu năm, gió thổi mưa mài để lại trên nền đá như một ma lực. Nhưng tiếc thay trên đường tôi đi ra đây ống kính “con cưng Nikon” của tôi đã bị hỏng nên chẳng có pic nào… ra dáng. Đẹp quá, già rồi nhưng lũ chúng tôi cứ như là đứa trẻ cứ nghịch đùa vui bên bọt sóng tung trắng xóa trên nền đá như thuở sơ khai mãi đến tận bây giờ. Còn đám con nít lại cứ treo giỡn bên những lõm trũng có đàn cá nhỏ tung tăng mà quên cả giờ ba mẹ gọi ra về…. (Còn nữa) 

1 nhận xét :

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC