30 tháng 3, 2013

Những chuyến ngao du. (Kỳ 7 - Vượt chướng ngại vật đến đỉnh núi CHỨA CHAN)





                          Núi Chứa Chan - Một góc nhìn 
Còn trong bài viết “Nguồn gốc và ý nghĩa một số địa danh ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” Tiến sĩ Lê Trung Hoa có lý giải về địa danh Chứa Chan như sau: Trong tiếng Chăm, từ chỉ núi là chơk và núi non là Chơk Chăn. Người Chăm cũng dùng một từ của tiếng Gia Rai và tiếng Êđê là Chư và gọi núi Chứa Chan là Chư Chan. Trong Sổ tay địa danh Việt Nam (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002), Đinh Xuân Vịnh có ghi: Chử Chân (hoặc Chứa Chan): còn gọi là núi Gia Ray. Có lẽ Chử Chân là biến thể của Chư Chan. Chan (hay Chăn, Chân) trong tiếng Chăm hiện đại đã mất nghĩa, có thể vốn là tên người, tên cây hoặc tên thú. Theo suy luận của tác giả bài viết trên, địa danh Chứa Chan bắt nguồn từ từ tổ Chư Chan của tiếng Chăm theo con đường tạm gọi là“mượn âm”. Còn người Chơro ở Bảo Chánh (huyện Xuân Lộc) gọi núi Chứa Chan là Gung Char với nghĩa là “núi Lớn”.

                                Nhìn xuống khe Da lào

Tôi nghĩ nếu giải thích theo cách này thì nghe không thật nên thơ như tên gọi của núi..... Chứa Chan!.  Còn theo tôi có lẽ đây là cách giải thích khoa học và hợp lý nhất so với mọi giải thích khác.


Hành trang tôi đi về núi Chứa Chan với những hiểu biết chỉ có vậy. Và tôi đã khoác ba lô trên vai đi về nơi ấy cũng chỉ mục đích thăm chơi và tìm hiểu thêm về câu chuyện truyền thuyết, cũng tên gọi của những ngôi chùa có tại đây.


Từ ở trong Sài Gòn ra, đi khoảng được 120 km, gặp ngả ba Sông Ray (hay ai đó ở ngoài bắc vào cũng tại đây), đây là nhánh rẽ về hướng núi Chứa Chan, tôi dừng nghỉ. Ngồi đây dăm mười phút café buổi sáng, tôi cảm thấy cũng thật là vui mắt, bởi con đường huyết mạch  Bắc – Nam, xe cộ ra bắc, vào nam, phía  tây xuống tuôn đi nờm nợp. Xong xuôi, tôi tiếp tục cuộc hành trình theo tỉnh lộ 713, đây là tuyến giao thông huyết mạch cho trục kinh tế Đông Tây nối một số huyện như Đức Linh, Tánh Linh - tỉnh Bình Thuận với Xuân Lộc – Đồng Nai và Sài Gòn. Khi chỉ đi mới được khoảng trên dưới 1 km ở thị trấn Sông Ray, tôi bắt đầu tự hỏi, thị trấn này đã phát triển bao lâu mà nay trông quá dỗi!. Xa xa trong sương mai sớm, những mái nhà cao tầng nhô lên trên nền trời trong vắt, tạo như một bức tranh bình minh tuyệt mỹ. Và tôi nhận thấy nét khoan thai của người dân nơi đây đi làm buổi sáng, chắc họ có cuộc sống bình yên và đang giàu có…. 

 
Cổng vào núi Chứa Chan
Trên con đường tỉnh lộ 713 “xẻ dọc” thị trấn bình yên, tôi vừa đi, vừa hít thở bầu không khí lạ, chỉ được dăm bốn cây (km), đường rẽ vào núi Chứa Chan đã hiện ra trước mắt. Tôi rẽ xe theo hướng ấy , xe vẫn chạy bon bon không chút gập ghềnh. Con đường đi vào Núi Chứa Chan thật đẹp và thẳng, phải nói  không có gì gọi  là “thử thách” với tôi, một tay lái ở hạng A1 Mô tô. Một đoạn đường dài nhưng chỉ có một vài khoảng quanh co, chỉ cần chậm rãi chút xíu là tôi đã  “bò” qua  một cung đường uốn. Điều thật lạ khi ngước mặt nhìn lên, khúc cua nào tôi cũng nhìn được sương mù trên đỉnh núi cao và có cảm tưởng đang chờ mình đến đó. Tôi thu vào tầm mắt mình toàn cảnh núi non, nắng đã lên cao, nhưng vẫn còn đầy sương khói, trông cứ hệt như đây là một bức tranh, rất cuốn hút và rất có nhiều điều mình muốn khám phá….

Đường đi về hướng núi, ai cũng có thể “mãn nhãn” với màu xanh của lá, của cây đang “lấp đầy” vùng đất bằng phẳng hai bên, đó là màu đậm rì của những loại cây trồng công nghiệp điều, cao su đang tươi tốt. Tôi đang suy nghĩ về vùng đất này nhiều điều, bỗng chợt bị cắt ngang bởi một bãi xe du lịch lớn hiện ra. Ôi thôi, ở đây thật nhiều loại xe cộ lớn nhỏ của khách thập phương đang đứng đổ. Người người ăn vận áo quần đủ kiểu, cả Tàu lẫn Tây, nhưng phần lớn phong cách Ta… chiếm lỉnh !. Họ là những người đã đến đây từ hôm qua ở lại và người của hôm nay bắt đầu đến viếng, tham quan.
Đi nhiều nơi, nên thật dễ dàng khi tôi tìm một bãi giữ xe máy “uy tín, chất lượng” giá cả lại bình dân, không chặt chém và không để “con ngựa sắt cưng” của mình “dãi nắng, dầm mưa”. Khi đã gởi xe xong, trên mang vai ba lô, tôi ung dung bước vào chân núi. Thoáng nhìn mọi người, tôi mới phát hiện ra một điều thật lạ, những cô gái Sài Gòn đỏng đảnh đi đến đây không một ai mang giày cao gót, người người đều giày dép đế bằng hoặc giày thể thao. Tôi nghĩ, khi ở nhà bắt đầu đi, chắc họ đã “phao” với nhau, đến đây là phải gian nan trèo đèo, leo núi. Núi Chứa Chan đâu như núi Bà Đen, núi Bà Rá hay núi Sam Châu Đốc có cáp treo đưa du khách đi lên, rồi đưa xuống, mà có th ung dung ngồi trong cabin ngắm cảnh núi hay nhìn hồ thỏa thích….

                                 Đường vào thẳng tắp
Ngay tại chân núi liền là những bậc tam cấp làm bằng xi măng, sau này tôi biết, đó là những bậc tam cấp “nhẹ nhàng” chỉ để cho du khách “khởi động” bước đầu tiên, xong “vượt chướng ngại vật”, rồi “tăng tốc” mới có thể về “đích” là đỉnh núi cheo leo. Tôi thoăn thoắt bước và nghĩ ở đây cũng như ở trong nhà mình vậy, từ tng trệt bước lên tng 1, rồi tng 2 thì có là bao. Nhưng khi đến con dốc thứ 3, tôi nghe một người hàng quán “sát rạt” bên con dốc mời đon đả : “Mua giúp cây gậy đi chú ơi, giá chỉ 5 000 đồng một cây, còn xa lắm, chú phải bước …365 bậc nữa mới tới chùa Bửu Quang !”. “Làm trai cho đáng nên trai” – tôi nghĩ bụng phì cười, tuổi này mình phải cần gậy chống hay sao !?. Tôi cảm ơn và hình như có chút mỏi chân, tôi ngồi ngay chiếc ghế đá nơi ấy, rồi gọi họ mua một chai nước lọc thay vì “chiếc gậy Trường Sơn”. Đó là “dấu mốc” đầu tiên tôi dừng lại giữa núi non hùng vĩ, nơi hôm qua tôi được nghe bao câu chuyện truyền thuyết. Và của hôm nay mình bắt đầu thấm mệt, lại con số bậc còn lại phải bước có đến vài trăm. Tôi ngao ngán, nhưng không còn sự lựa chọn nào là mình phải tiếp….

                          Một khoảng đường hơi ...bằng phẳng  

Uống một chai nước suối nhỏ xong, tôi chợt hỏi người hàng quán : “ Sao chị biết chắc là đường lên đỉnh còn 365 bậc?” , “Thì  làm như vậy để tượng trưng cho 365 ngày nối tiếp trong năm !”. Thì ra cô ta đã trả lời cho tôi một điều “chân lý”, nhưng ở đời cái gì đã “chân lý” rồi thì có còn gì gọi là hay!?. Tôi định  hỏi tiếp những điều mình còn thắc mắc, nhưng sợ hỏi thêm sẽ làm người ta bực bội hoặc họ sẽ không biết trả lời giúp tôi.

Và như thế tôi lầm lũi bước tiếp theo là vài chục mét con đường không bằng phẳng  nhưng đó là những bậc thấp, độ cao ch khoảng chưa đến một gang tay, nhưng độ dài mỗi cấp đến 5, 7 mét. “Chuyện nhỏ như con thỏ, vậy mà mấy người đi dụ ông mua gậy …Trường Sơn”- Tôi nghĩ bụng
                  Ảnh chụp trứoc chùa Bửu Quang (Gia Lào)
Nhưng eo ơi! Cầu thang bộ của một Building hai mươi tầng tôi đã từng đi là chuyện nhỏ. Bởi nơi ấy có tay vịn, và bậc tam cấp cũng chỉ ở độ cao khoảng 15, 16 cm, thoai thoải dẫn người lên, chứ đâu phải như đây đường lên dốc ngược, còn nhọc nhằn hơn đường lên đỉmh Phanxiphan (Tôi chưa đến Phanxiphan nên nói vậy!). Lúc tôi đi được khoảng 100 bậc, mệt nhòa lại gặp tiếp những bậc tam cấp nhỏ, chiều dài chỉ khoảng 1,5 m, nhưng hai bên là hàng quán nên cảm thấy chật chội làm sao. Ngồi chình ình ngay lối đi, mệt nhưng tôi cố lấy điện thoại ra chụp vài kiểu ảnh và nghĩ : “Chắc người công nhân xây dựng ngày xưa làm đến đây, h “mệt tới nơi”, nên chỉ làm được con đường nhỏ và ngắn chừng này!?”. Lại khát nước, mồ hôi toát ra như tắm, tôi cởi vội chiếc áo khoác mỏng mặc cho đỡ lạnh hơi sương trong lúc sớm mai! Tôi quấn chiếc áo ngay ở thắt lưng, trông thật mình thật là dị hợm và lôi thôi lếch thếch làm sao!. Ngồi bên hàng quán bán đủ thứ thức ăn, thức uống, tôi vẫn gọi tiếp một chai nước suối cầm hơi…..

 Vài đoạn đường như thế này và "dồn" chiều cao ngọn núi vào những bậc tam ấp rất dốc
Ngước mặt nhìn về hướng có người lên, tôi thấy người có gậy cũng phải một tay kia chống ..gối, mới có thể vượt lên được một bậc xi măng. Cảm động nhất là nhìn hình ảnh người cửu vạn, mỗi bậc lên họ đều phải khom lưng, đầu cuối về phía trước trông rất gần với những tam cấp phía trên….Nhìn họ, tôi biết mình ở điều hiển nhiên là quá nhỏ bé giữa đại ngàn rừng núi. Nhưng so giữa con người với nhau, sức lực tôi với họ cũng chỉ là con kiến – Như Lạc Long Quân dưới biển lâu năm lên núi thăm con (!?). Và dừng nghỉ tại đây và nhìn từng bước chân đi của những người cửu vạn, tôi cảm phục và quý họ làm sao. Những bước đi gánh gồng thận trọng, có khi họ lại nhíu mặt, mọi thứ cũng chỉ vì cuộc mưu sinh, vì để cho khách không quen dốc sẽ bớt nhọc nhằn khổ ải. Họ đã nhận về phần mình điều ấy, cũng chỉ muốn để cho du khách khỏe chút ít khi phải leo đến đỉnh núi cao, và như thế mọi người mới có th thưởng thức được một cách trọn vẹn trên kia là một “phòng triển lãm” thênh thang với đủ gam màu đậm nhạt, đủ tông sáng bóng tùy theo thời tiết và tùy từng gi nơi đây. 

Lại một khoảng đường thoai thoải bằng Bê tông, rồi đến những tam cấp dốc ngược, hàng quán vẫn cứ san sát hai bên. Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng thấy ở đây mới có điều lạ này. Tôi thầm nghĩ, nếu ở đây có cáp treo thì những người dân buôn bán hai bên dốc sẽ về đâu?. Tôi tính sơ sơ, ngoài Chùa, Tịnh xá và Cốc, Am vài chục cái, thì "ăn theo" trên đường đi lên này vị chi cũng là 1100 hộ kinh doanh mua bán, tương đương 5.000 nhân khẩu sinh sống ở đây. Vậy họ sẽ làm nghề gì khi có cáp treo? ….. (Còn tiếp phần 3 - Núi Chứa Chan đi và về cảm nhận!)

Andi Nguyễn Ánh Nhật


-->Đọc thêm...

29 tháng 3, 2013

Những chuyến ngao du. (Kỳ 6. Núi CHỨA CHAN- Như tên gọi!)



                Cây đa 3 gốc khổng lồ tại núi CHỨA CHAN. 
Lời Tác giả : Trong kỳ 5 tôi có viết sẽ post ở kỳ 6 : “Đức Linh – Mảnh đất và con người”. Song cũng chính "Tựa đề" của bài viết này làm cho tôi cảm thấy ..quá khó cho những gì mình viết ra. Đất Bình Thuận nói chung, đất Đức Linh nói riêng thật đa dạng địa hình với cánh đồng lúa bạt ngàn, cùng rừng xanh bao la và những con sông hiền hòa uốn khúc. Còn con người ở đây đầy thân thiện, cả ngừoi Kinh, lẫn dân tộc thiểu số anh em.
Đức Linh, xưa kia một phần lớn đất đai thuộc về các dân tộc thiểu số như: K'Ho, Châu Ro, Tày, Nùng, Mường, Hoa...trong một thời gian dài. Họ có đây t lúc chưa hề có ý thức hệ về sự phân chia trong cấu trúc xã hội cổ xưa và hơn 50 năm qua họ đã cùng với người Kinh anh em trong một đời sống hòa đồng và cùng nhau phát triển.....
Đức Linh, một vùng đất nằm theo vùng liền kề Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận, điểm cuối của dảy Trường Sơn hùng vĩ, nơi còn có người gọi là “Đất Hoàng triều cưong thổ” (!?)- Một đề tài rất khó, tôi đang từ từ viết, rồi sẽ xong nay mai.....
                  Trên đỉnh núi CHỨA CHAN (Ảnh Andi)
Sáng ta đi và chiều quay lại về nhà, nhưng có bao giờ ta lại đếm được những bước chân của  mỗi ngày mình đi !?. Và đến nay ta có bao nhiêu dấu chân đã dẫm trên trần gian dương thế !?. 

Cuộc sống cũng vậy, đã có biết bao dấu mốc quanh ta: dấu mốc thời gian, dấu mốc lịch sử, dấu mốc đáng nhớ v.v.v. Rồi có khi một góc phố, một ngôi nhà , hay một ngôi đền Chùa, một khu di tích lịch sử cũng có thể  lại là dấu mốc trên con đường dài ta sắp đi….


Tôi vẫn còn nhớ về ngày khi mình còn rất nhỏ, tôi cùng với một người bạn, mỗi ngày cắp sách đến trường, chúng tôi luôn hẹn gặp nhau ở ngả ba đầu xóm hoặc nơi cổng đình làng để cùng đi. Đó là “dấu mốc” của tuổi thơ tôi ngày xưa và hôm nay là một ký ức hằng sâu….


Đường học vấn, trường đời để học, hãy còn rất xa chưa bao giờ ai đến đích. Ta chỉ biết và còn nhớ những dấu mốc của các năm học ở cấp một, cấp hai, cấp ba, hay đại học ở một khoảng thời gian và những ngôi trường ta đã học. Mỗi bậc, mỗi cấp độ dễ mấy ai quên cho vùng trời kỷ niệm. 

Có những dấu mốc như một vì sao lấp lánh, đã làm ta hay chợt nhớ, rồi phồng mũi hoài, bởi dấu mốc ấy ta đã có được một tấm bằng loại ưu . ….


Và có lẽ trên đời này chưa có một ai, nếu chỉ một lần đạt điều gì đó trong đời, là đủ để “trang trải” hay để dùng mãi mãi suốt cuộc đời còn lại !?. Ta trúng số, ta bỗng dưng có một niềm hạnh phúc lớn lao, ta là một huyền thoại của mọi người, ta không cần làm thêm điều gì nữa, ta chẳng cố gắng gì với cuộc đời của ta  v.v.v. Vậy liệu suốt đời những thứ ấy có luôn “vĩnh cửu” với cuộc đời ta …phải sống?.

           Chùa Nghĩa Phưong ngay chân núi CHỨA CHAN
Đã có một buổi, tôi đi bộ bằng đôi chân của mình trên một đoạn đường. Nếu tính từ điểm “xuất phát” đến “đích” lên chỉ dài 2.280 m, nhưng tôi lại phải cần có nhiều dấu mốc để dừng chân nghỉ. Đi với con đường có chiều dài như thế, có người bảo dài, có người lại nói ngắn, cần gì phải nghỉ xả hơi?. Người nói ngắn đúng, người nói dài cũng không sai, và chỉ  thực tế mới điều quan trọng nhất…


Đã có thực tế ở một nơi, nếu bạn đến tham quan hoặc cầu nguyện dân hương (tôi xin nhắc lại con đường chỉ dài 2.280 m). Tôi tin chắc là bạn sẽ cần đến nhiều nơi dừng nghỉ. Đó là những “dấu mốc” của một cuộc hành trình (ngắn hay dài tùy bạn), nhưng sẽ nằm mãi trong ký ức bạn mai sau…..

                Đường vào núi CHỨA CHAN (Ảnh Andi)
 Cuộc sống còn nhiều thứ quan tâm, nhiều khi ta chẳng cần lưu tâm lại dấu mốc nào đó làm gì. Nhưng có nơi lại cho ta một rất điều lạ , vẫn cứ mãi trong ta về một phong cảnh thật đẹp, thật lý thú, sẽ không bao giờ phôi pha….


Khi ta đã quên một chút mệt nhòa trong cái lần ta đã đặt chân đến đó. Rồi bạn lại thèm mong trở lại nơi đây! Bởi ta nghĩ mệt nhọc trong một chuyến tham quan, là thứ nhỏ nhoi so với đời người phải qua nhiều con đường gian khổ. 

      Dưới bảng Quảng cáo "Đức Trang" là con đường lên núi
 Một thoáng có gồ ghề lởm chởm của đá, của những bậc cao rồi đến thấp, của một khoảng hương bay rừng xanh lá đỏ thỉnh thoảng chen trên đường ta đi tới. Thấp thoáng đâu đó trong giấc mơ đời người, là đựơc thấy sưong mây quấn quít cùng với tiếng chuông, tiếng gõ mỏ tụng kinh....... là đà trên cây lá suốt con đường ta đi. Rồi dù có mệt, có phải thở nhiều hơi gấp gáp, song ai cũng có thể tự dưng buộc miệng hát nghêu ngao: “wǒ xiàng nà dài a lù zhū de huā bàn. Tián tián dì bǎ nǐ yī liàn. Òu shā lǐ wǎ. Òu ….” (Con đường ta đi tới – Phim Tây Du Ký)

Và có đoạn đường nào, nơi ta nghỉ ngơi lại được xem đó là một dấu mốc?. Ta có thể  ngồi ăn uống nghĩ ngơi trong khu họp chợ bán buôn sầm uất, lại chính đó là con đường ta phải vượt từ dưới thấp lên cao, từ lưng chng đến đỉnh đầu ngọn núi cheo leo!?. Nơi ta nghỉ hay đoạn đường ta đi, đều luôn là một lát cắt, là một trải nghiệm thú vị, khác hẳn những gì ta từng trải qua, và như thế mọi điều đã cho ta thấy cuộc đời này thật là ý nghĩa…..

                                 Andi trên đường đi lên!

 LỊCH SỬ VÀ HUYỀN THOẠI

Tôi đang nói lòng vòng điều gì đây, có lẽ mọi người chưa hiểu !?. Thực ra chẳng có điều gì khó hiểu, chỉ có một điều tôi chưa có đủ ngôn ngữ để diển tả cảm xúc của mình khi đi đến núi CHỨA CHAN, một thắng cảnh hữu tình nằm trên địa bàn Huyện Xuân Lộc – Đồng Nai trong một lần tôi đã đến thăm , sau Lễ Thượng nguồn (dịp Rằm tháng Giêng -2013)

Chứa Chan !?. Trong cuộc sống tôi một vài lần nghe người ta nói lái theo cái kiểu “Chán… chưa”. Nhưng với riêng tôi, tính từ “Chứa Chan” , tôi rất thích một ai đó đã dùng trong những câu này : “Những giọt nước mắt “chứa chan” dành để khóc cho một niềm hạnh phúc !”, “ Đây là nơi “chứa chan” niềm tự hào của mảnh đất - Đồng Nai thập cảnh !”. Họ đã nói không ngoa ngôn, bởi tôi đã chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hùng vĩ, uy nghiêm ấy ở ngọn núi Chứa Chan này. Và hơn nữa, đến nơi đây tôi đã  bắt gặp nhiều điều, như mình đã trở về với phong cảnh hữu tình của núi non. 

             Lên "Thuyền Bát Nhả" ...uy nghiêm trên đỉnh núi

 Núi Chứa Chan được người ta ví như một “nóc nhà” của miền Đông Nam bộ, ở độ cao 837 mét, núi Chứa Chan chỉ đứng sau núi Bà Đen (Tây Ninh) – 986 mét và cao hơn núi Bà Rá – Bình Phước với độ cao 713 mét. Mỗi ngọn núi ở miền Đông Nam bộ và mỗi ngôi Chùa ở đó đều gắn liền với một câu chuyện cổ tích mang tính huyền thoại xưa. Riêng với núi Chứa Chan tôi đã nghe người ta kể sự tích của tên gọi :

Vào thế kỉ 17, có một vị quan người Việt là Việt Hùng, trong lúc giao chiến với quân Khmer, ông bị bắt cùng với người vợ của mình. Ông bị giam lỏng ở miền núi này và lập ở đây một ngôi miếu ăn chay tịnh. Còn vợ ông vì có nhan sắc nên đã bị vua khmer ép làm vợ lẽ mặc dầu biết bà đang mang thai. Sau đó, bà sinh đựoc một con gái, đặt tên là Mai Khanh. 18 năm sau, khi cô gái lớn lên, bà đã kể sự thật về cha cô cho cô nghe. Cùng với một người nô bộc của mình, Mai Kanh quyết định đi tìm cha. Rồi hai cha con gặp nhau trong niềm vui sướng, và họ quyết định bỏ trốn , họ bị người Khmer truy đuổi gắt gao. Trong lúc hoảng loạn, cả ba người đã gieo mình tự vẫn ở ngọn núi này. Người dân ở đây đã lập miếu thờ ba người, hiện nay trong chùa có 3 tượng được mọi người gọi là ông vàng, cô bạc và cậu chì là để chỉ ba người này. Biết được câu chuyện thương tâm đó, người dân ở đây đặt tên cho ngọn núi này là núi chứa chan để nói lên tình cảm chan chứa của gia đình họ.

Câu chuyện này tôi đã nghe một vài người kể trước đây, nhưng tôi nghĩ có thể đó là câu chuyện do những người làm du lịch chế tác ra, rồi kể cho du khách thêm phần thi vị. Chuyện 3 người trong gia đình vị quan và cái chết của họ cùng với 3 pho tượng thờ, tôi đã chứng kiến có thể là thật. Nhưng đi ghép câu chuyện này với tên núi hôm nay, tôi cho rằng cũng có chút khiên cưỡng. Nhưng không sao, có những truyền thuyết như vậy ở một nơi du lịch và hành hương, như thế thì chuyến đi sẽ  lý thú nhiều hơn….

Ở núi Chứa Chan có nhiều ngôi chùa như Tịnh xá Ngọc Chơn, Linh Sơn Tự, chùa Quảng Đạo, Chùa Nghĩa Phưong, Thuyền Bát Nhả v.v.v. Nhưng ngôi chùa Bửu Quang nằm ở vị trí cao nhất các chùa, trên đỉnh núi chon von, lại còn có những tên gọi lẫn lộn Gia Lào hoặc có người gọi …Da Lào?

Tôi biết trong Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có viết : “…Núi Chứa Chan có thế núi chót vót, trông xuống khe Da Lao, chỗ giáp giới của hai huyện Long Khánh và Phước Binh có nhiều mây song gỗ lạt, lưng núi có động đá và giếng đá…”. Vậy chùa này gọi là Da Lào hay là Gia Lào, tên gọi nào chính xác ?.

(Còn tiếp phần 2 – Vượt chướng ngại vật đến đỉnh núi CHỨA CHAN)

Andi Nguyễn Ánh Nhật

       Người người đi lên bằng cây......Trường Sơn. (Ảnh Andi)

   Lên xuống liên miên là những cửu vạn giúp khách tham quan

                       Đâu th bon bon trên dặm đường dài
                       (Tất cảnh do Andi chụp.....còn tiếp)
-->Đọc thêm...

27 tháng 3, 2013

Viết là người QUÂN TỬ





Trong cuộc sống đôi lúc chúng ta buồn thật nhiều trước một sự thật phủ phàng…. Đó là khi những nỗ lực, những cố gắng của ta không những được ai suy nghĩ mà ngược lại chính điều ấy đã mang thêm cho ta nhiều thiệt thòi và hệ lụy, “tiềng vào , tiếng ra”. Những lúc ấy, ai cũng tưởng chừng như mình không thể chịu đựng và vượt qua. Nhưng nếu ta biết học cách chấp nhận là có thể, đấy một phương thuốc đầu tiên để đạp qua mọi điều mà nghịch lý cuộc sống mang lại.
Cuộc sống vốn luôn có những nghịch lý, đó như những điều tự nhiên vốn có, nên ta cũng cần biết học cách để sống chung với những điều vậy, rồi ta sẽ thấy cuộc sống này tươi đẹp hơn, không có điều gì hệ trọng. Thử hỏi, nếu không có “những điều xảy ra” từ những nghịch lý ấy, thì làm sao biết được những cái  “đích thực” xung quanh ta, xưa nay đang còn tìm ẩn ….?
Tôi triết lý chuyện đời lang mang không ai hiểu, chắc chỉ một mình tôi hiểu !?. Đó là cái thực của người viết, tâm trạng của chính mình đôi khi bâng quơ là vậy. Không có điều gì hết, viết Blog, viết cho mình hay viết được đều là người quân tử…. thế thôi.!

 Ông bạn Già của tôi NGUYỄN TRUNG - Hội viên hội văn học nghệ thuật Tỉnh BÌNH THUẬN. Đích thực là một ...quân tử (Ảnh Andi)

Đã có không ít con người từ thực tại bước vào trong trang sách. Có người thành biểu tượng cho đời sống tinh thần của một thế hệ như Paven Corsaghin trong “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai A. Ostrovsky. Một nhân vật tôi đã đọc từ lúc học lớp 5 và sau này lớn lên tôi học ở văn học lớp 12. Thời gian đã lâu, tôi chưa có thời gian đọc lại, nhưng khi nghĩ về Paven Cossaghin làm tôi cứ nghĩ về một vẻ đẹp của con người thời đại ấy với câu :” Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời….”.
Nhưng ngày nay sao có ít bóng dáng quân tử trong cuộc sống và trong văn chương nhỉ ? Hay bởi cuộc sống thực tại không sản sinh ra những người quân tử mà đa phần người đời đã thấy “ Thạch Sanh thì ít. Lý Thông thì nhiều!”.
Khổng Tử từng nói : “Hoa lan mọc trong rừng, tỏa hương thơm ngay cả khi không có ai xung quanh thưởng thức..”. Đó là người luôn hiểu chân nghĩa của cuộc đời. Dù trong hoàn cảnh nào họ cũng luôn tôn trọng các chuẩn mực đạo đức trong việc làm và kiểm soát bản thân theo lời dạy của các bậc hiền nhân. Bất cứ nơi nào họ đến, họ đều lan tỏa lòng tốt và ảnh hưởng đến những người họ tiếp xúc
Trong “Luận ngữ”“Khổng Tử gia ngữ” có nhiều câu chuyện về Khổng Tử. Chẳng hạn, có một lần Nhan Hồi hỏi thầy của mình Khổng Tử : “Lời nói của phường tiếu nhân có những điểm nào chung? Là người quân tử cần phải hiểu cho rõ” .Khổng Tử đáp: “Một người quân tử nói bằng hành động. Trong tất cả lời nói và việc làm, người ấy đều thực hiện theo những chuẩn mực mà thánh nhân đã dạy. Một kẻ tiểu nhân chỉ giỏi nói miệng mà thôi. Kẻ ấy chỉ giỏi đòi hỏi và tìm lỗi của người khác, trong khi lại chẳng đóng góp gì. Một người quân tử đối nhân xử thế bằng sự chân thành. Khi nhìn thấy bạn bè của mình vi phạm đạo đức, người đó sẽ cảnh báo những hậu quả mà bạn mình phải gánh chịu và khuyên bạn hành động theo lương tâm. Lời nói của họ là phát xuất từ trong tâm bởi vì họ thực sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Kết quả là tình bạn sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Kẻ tiểu nhân thì lại thường kết thành bè đảng để gây rối. Tuy nhiên, chúng không thể không đổ lỗi và đâm sau lưng nhau” . Khổng Tử cũng giảng: “Quân tử nghĩ về đức hạnh, tiểu nhân truy cầu hưởng thụ. Quân tử nghĩ về đạo lý; tiểu nhân truy cầu những đặc ân mà hắn có thể kiếm được”


Đó là chuyện của ngày xưa, chuyện bên xứ Tàu, hể nhắc đến “quân tử” người Việt Nam ta chỉ nói đến “Quân tử Tàu”? Có phải bên Tàu kia người ta đông dân nên sinh ra nhiều quân tử? Không cần suy nghĩ về điều ấy cho nhọc công! Với người Việt chúng ta, theo thiển nghĩ của riêng tôi còn một dạng quân tử khác là thấy người giàu không khen, thấy người nghèo không khinh, thấy người khác thông minh không tìm cách để loại! Ích kỷ hẹp hoài không bao giờ là bạn của quân tử được.
Đoạn viết trên có lẽ tôi đã bám vào đám nhựa đường triết lý chữ nghĩa rắc rối khó tiếp cận thời đại Digital hiện nay. Thời đại mà cuộc sống luôn là một … “chiến trường đua chen”, lắm lúc con người nhỏ bé lại trong dòng đời luôn tuôn chảy đến lúc nào chẳng hay !?.
Thôi, tôi xin nói chuyện quân tử của người cầm bút và văn chương chút xíu trong đời thường đang diển ra. Người cầm bút làm một quân tử! Có nghĩa rằng tôi không nói đến những người có thể sống bằng nghề cầm bút như Mạc Ngôn, Haruki Murakami, J.K.Roling v.v.v, hay một nhà văn giỏi của Việt Nam như Nguyễn Nhật Ánh chẳng hạn…Còn tất cả ở Việt Nam ít có người sống bằng nghề văn chương. Thực tế hàng năm, chúng ta đã chứng kiến con em mình thường chọn ngành nghề cho tương lai, thi khối C (Văn, Sử, Địa) thường thường số lượng sẽ tuyển nhiều hơn đối tượng dự thi (!?).
Nước Việt có một ngàn năm văn hiến và kẻ sĩ nước ta không bao giờ là ít, nhưng trong đời sống văn hóa viết số người viết hình như ít hẳn đi. Lẽ nào xã hội ngày nay không có gì để viết? Hay cuộc sống bi cực quá mà cái đẹp cũng như cái bi, cái hài cũng chẳng quan tâm, mà cốt lõi chỉ quan tâm cho cuộc sống chính mình (!?)
Bởi vậy tôi muốn nói rằng, người viết cho thời đại hôm nay là một quân tử. Trước hết họ phải hiểu “cơm áo không đùa với khách thơ”, bỏ đi cái hơn ,cái thiệt của cuộc đời mà cầm bút bằng nội tâm hơn là đời thực, bằng lương tâm hơn là nhuận bút. Cuối cùng, họ cũng cần có tư tưởng : “Mặc kệ giàu nghèo, chức quan đều có số!”. Cha ông của những con người ấy chỉ dạy họ chữa được cái bệnh chứ có bao giờ dạy họ chữa cái mệnh cầm bút của họ đâu! Một tư tưởng của AQ chính truyện của Lỗ Tấn thường họ lấy làm cây kim chỉ nam, lấy làm chân lý sống mặc kệ, thiên về vô tri, lấy phép lợi tinh thần để sống trong cuộc đời và trong cả văn chương. 
Tôi biết sống với văn chương, với câu chữ đâu phải là chuyện dể. Họ đã làm việc hết mình, có khi lao tâm khổ tứ nhíu mày nghĩ ra hoặc có khi phải tĩnh tâm để sàng lọc trau chuốt văn chương, mới nhìn thấy cái cần viết và cần mô tả. Còn được gì không? Họ là quân tử mà, ngày nay không trình làng thì còn ngày kia, lo gì họ đọc, miễn đừng bỏ phí thời gian. Tất cả không có gì! Không có gì ngoài những gì họ viết trên trang giấy là …của họ và khen chê, chích ngoáy là điều không thể ai có được điều diễm phúc ấy như người quân tử cầm bút.
Nhưng có một điều chắc chằn rằng, người đọc sẽ rất ít còn nhiều cơ hội đọc được một áng văn hay, hay là một câu truyện dịch, một truyện ngắn nhỏ hay một vài cảm nhận thô mộc mà lắng sâu….. để cảm thụ, phê phán hay khích bác nếu không đưa ra được một lời giải hữu hiệu để chắp cánh. Và quân tử  cũng đành phải chọn và biết làm gì với  câu “To be or not to be!’’ của Hamlet trong Shakespeare. Tất nhiên diễn đàn nào cũng sẽ héo hon…...
Andi Nguyễn Ánh Nhật


-->Đọc thêm...

20 tháng 3, 2013

Những chuyến ngao du ! KỲ 5 (Thăm nhà tưởng niệm PHAN CHU TRINH)


Bài viết kỷ niệm 87 năm ngày mất của Chí sĩ cách mạng PHAN CHÂU TRINH (24/3/1926 – 24/3/2013)
     Bàn thờ PHAN CHÂU TRINH đặt giữa ngôi nhà tưởng niệm (Ảnh Andi)


Những tháng ngày đầu năm rảnh rỗi nên tôi đã đi được nhiều nơi và đến nhiều địa điểm. Nhớ có ngày tôi cùng em leo lên chót vót đỉnh núi cao hay đã đứng trên Vọng Gác Đài – Ngũ Hành Sơn …ngắm biển. Lúc lại hai đứa lang thang trong khu phố cổ Hội An, nơi của nhiều ngôi nhà có niên đại đến vài trăm năm tuổi vẫn còn nguyên kiến trúc xưa, không cơi nới, không sửa sang hoặc sơn phết chút nào….

Một tháng trời đi rong ruổi. Có thể nói đến nơi nào tôi cũng được trải nghiệm riêng cho mình một cảm giác sống. Hơn thế nữa là được sống chậm lại chút xíu trong hàng ngày lắm lúc quá bon chen. Đi để cho mình biết “Uống nước nhớ nguồn” và biết yêu thương nhiều hơn sau khi trở về với cuộc sống thực tại…..

 Cổng nhà tưởng niệm Phan Châu Trinh tại Tam Lộc- Phú Ninh (Ảnh Andi)


Mọi điều không phải ngẫu hứng. Nhưng sau cái lần tôi cùng em đến thăm “Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng” ở Tiên Phước là còn lẽ của riêng tôi. Ngày này hay ngày khác, tôi sẽ đến thăm các khu di tích, nhà tưởng niệm những chí sĩ anh hùng của đất Quảng Nam như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp .v.v.v


Với tôi, những chuyến đi tới thăm các khu di tích lịch sử đều luôn có ý nghĩa , đó là để nhận thức lịch sử văn hoá, lịch sử của những con người cách mạng một cách sâu thêm. Ý nghĩa của mỗi chuyến đi không chỉ cho ta kiến thức ngoài sách vở mà đó còn là bức tranh chân thực bằng trực quan sinh động về những con người anh hùng của dân tộc Việt Nam 


Sau mỗi chuyến đi, ai cũng có một cảm nhận cho riêng mình. Nhưng tôi nghĩ, mọi suy nghĩ đều hướng về một tính “vĩnh cửu trường tồn” của con người Việt Nam: Đó là lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc những anh hùng, những nhà cách mạng đã ngã xuống, đã hy sinh cho dân tộc Việt Nam !

    Một trong những bức ảnh trong nhà Tưởng niệm (Ảnh Andi)

Đôi nét về PHAN CHÂU TRINH và ngày mất của ông


Chí sĩ Phan Châu Trinh tự Tử cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã. Sinh ngày 9- 9- 1872 tại làng Tây Lộc, tổng Vinh Quý, huyện Hà Đông (Tam Lỳ, Quảng Nam, Nay là xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Ông mất vào lúc 9 giờ 30 tối ngày 24.3.1926 tại Sài Gòn.


Ngày ấy, sau khi PHAN CHÂU TRINH mất, cả nước nhiều phong trào yêu nước đã phát triển nhanh bất chấp sự đe dọa và đàn áp của thực dân Pháp. Ở mọi nơi như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Phủ Lý, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, Bến Tre, Ba Tri, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long Xuyên, Cao Lãnh, Hương Điểm, Rạch Giá, Tây Ninh... đều tổ chức lễ tang và truy điệu cụ Phan. 

Riêng tại Sài Gòn, đám tang Phan Châu Trinh đã trở thành một cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng (...). Những ai chứng kiến đám tang vĩ đại này thời ấy cũng bảo, dù rất đông người tham gia nhưng được tổ chức thật trang nghiêm, trật tự và được đánh giá là "Dân tộc Việt Nam đã tỉnh giấc, thức dậy rồi! Việt Nam"

Không những vậy, ở nước ngoài như Phnom Penh, Paris..., tất cả bà con Việt kiều ai ai cũng hưởng ứng tham gia phong trào ấy. 


Thân phụ của Phan Chu Trinh là ông Phan Văn Bình (1886). Thời ấy ông làm chức Quản cơ sơn phòng, sau đó tham gia phong trào Cần vương, làm Chuyển vận sứ đồn A Bá (Tiên Phước) phụ trách việc quân lương. Mẹ ông là Lê Thị Trung (Chung) (1878), con gái của một nhà vọng tộc, thông thạo chữ Hán, ở làng Phú Lâm huyện Tiên Phước, Quảng Nam


Phan Châu Trinh sinh hạ được 3 người con là Phan Châu Dật, Phan Thị Châu Liên (Tức cô Đậu 1901- ?) và Phan Thị Châu Lan. Người con trai Phan Châu Dật mất sớm vào năm 1921 khi chưa lập gia đình. Bà Phan Thị Châu Liên kết hôn với ông Lê Ấm có 7 người con là Lê Thị Khoách, Lê Thị Kinh (Phan Thị Minh), Lê Thị Lộc, Lê Khâm ( Tức Nhà văn Phan Tứ - 1930-1995) *.


Còn bà Phan Thị Châu Lan (tức cô Mè 1904 -1944) có chồng là ông Nguyễn Ðồng Hợi làm tham tá công chánh là thân sinh của người phụ nữ lừng danh thế giới Nguyễn Thị Bình (Còn gọi là Châu Sa - Nguyên Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) **

   Đường lên Tam Lộc nơi có nhà tưởng niệm Phan Chu Trinh

Về thăm nhà tưởng niệm cụ PHAN CHU TRINH


Một buổi chiều nắng đẹp, tôi chẳng chuẩn bị gì nhiều như mọi lần đi các nơi, tôi xách xe máy ra chỉ kiểm tra cho đầy đủ xăng dầu, rồi không có điều gì ngần ngại phóng đi vun nút. 

Khi đã đến ngã ba cầu Bà Dụ - Tam An (Tam Kỳ), tôi ngoặc xe sang hướng Tây để thẳng tiến về “Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh” khi nghe người dân tại đây chỉ bảo. 

Đường về nhà tưởng niệm Phan Châu Trinh thẳng tắp, lại không chút mấp mô. Tôi đi qua những làng, những xóm với đặc điểm như đã thấy nhiều ở nông thôn miền Trung. Đó là những ngôi nhà luôn tách biệt và được bao bọc bởi luỹ tre làng quanh năm xanh tốt. Hết làng, tôi được gặp ruộng đồng trải dài ngút ngát và trông quá bình yên. Qua nơi này, tôi nhích nhẹ tay ga để muốn cho mình lắng nghe tiếng gió thổi vi vu. Và hơn thế, tôi mới có thể cảm nhận được những chuyển động tinh tế của đất trời ở vùng đất đang sinh sôi – Nông thôn Tam Lộc trù phú và đang vươn mình để làm giàu và đẹp ….

Xe tôi đi chừng được khoảng 15 km là đến nhà thờ Tộc Phan ở Tam Lộc – Phú Ninh. Dừng xe ven đường, tôi hỏi một người nông dân đang làm đồng bên vệ đường đang đi : “Thưa bác cho cháu hỏi đường đi đến Nhà tưởng niệm cụ Phan Châu trinh ?”. Người ấy đã phải dừng tay công việc, ngẫng mặt lên cười nhẹ và nhiệt tình trả lời bằng giọng thân thiện vốn có của người Quảng Nam : “Con chỉ đi thêm năm ba cái nhà nữa, rồi rẽ phải theo con đường có lát đá xanh là đến “Nhà tưởng niệm cụ Phan!”. Tôi nghĩ bụng mình thật may mắn khi gặp và hỏi đường được một người chân quê thật thà chất phác, giọng nói phát ra rất đặc trưng của con người Quảng Nam.


Nhưng khi tôi vừa chạm chân đến đầu ngõ nhà tưởng niệm cụ Phan là đã nhìn thấy cổng đã khóa im lìm từ khi nào chẳng rõ. Tần ngần tôi chỉ biết đứng ngoài nhìn vào khuôn viên trông thật đẹp và yên lắng của một ngôi nhà cổ xưa. Tôi không biết mình phải làm sao đây, hay đến rồi chỉ ở ngoài nhìn “Nhà tưởng niệm cụ Phan”…..từ xa, còn không nếu xách xe chạy về liền thật là …quá uổng. Nhưng lúc tôi vừa loay hoay móc chiếc điện thoại Iphone của mình ra định chụp vài trước cổng Nhà tưởng niệm cụ Phan rồi về, bỗng có một người phụ nữ nhà nằm ngay trước cổng nhà tưởng niệm cụ Phan vọng sang hỏi (Xin nói thêm đã 6 năm nay tôi luôn dùng chiếc điện thoại này “Tác nghiệp” mọi lúc, mọi nơi): “Chú đi tham quan nhà tưởng niệm cụ Phan Châu Trinh hả ?”. “Dạ! Con đi thăm nhà thờ cụ Phan!” – Tôi chưa kịp nói tiếp điều gì thêm, nhưng bà ta tiếp : “Để tui mở cổng cho chú, tui mới đóng cổng khi nãy, vừa có một đoàn tham quan, họ đã ra về cách đây mấy phút. Tội nghiệp kinh, nghe nói họ là Việt kiều ở Sài Gòn ra, đi chi mà xa xôi kinh rứa…Ủa!? B chú cũng người Sài Gòn luôn hay răng mà tui nghe giọng y như mấy người hồi nãy!?.”. Tôi không biết nói điều gì với bà thêm mà chỉ biết cảm ơn rối rít khi trong lòng mình đã mở cờ sung sướng, như thể tôi có một buổi chiều gặp may. Niềm vui ấy còn lớn hơn như ai đó đã tặng cho tôi một món quà quý. Sau thêm một vài câu thăm hỏi, tôi biết bà tên là Phan Thị Mai, người cháu bà con của cụ Phan, cũng là người trông giữ và quét dọn khu nhà này.


Khi bà Mai vừa mở cổng, cũng là lúc tôi đã thấy mặt trời chuẩn bị bắt đầu trò chơi trốn tìm trên đỉnh núi ngay sát sau nhà tưởng niệm của cụ Phan. Tôi chậm rãi bước lên từng bậc tam cấp dẫn vào khoảng sân rộng lớn của một ngôi nhà cổ nguy nga. Ánh nắng bắt đầu nhạt, kéo lưng lửng trên nền trời trong veo và trải xuống khiến cho ngôi nhà cổ trông thật trang nghiêm mà khoáng đạt lạ. Lần đầu tiên đến, tôi thấy cái đẹp nơi đây rất hài hòa cùng với núi trời nhìn rất gần trong tầm mắt, chắc ai lần đầu đến cũng có cảm giác mới lạ như tôi, rồi sẽ thích và yêu, rồi sẽ biết và hỏi ở mình phải làm gì để gìn giữ và quảng bá một di sản “văn hóa vật thể” như ngôi nhà lưu niệm của cụ Phan này đây !?


Mới gặp nhưng bà Mai chẳng khác gì là một người bạn đồng hành với tôi. Đầu tiên tôi đưa máy điện thoại để cho bà chụp giúp tôi một vài kiểu ảnh với khu nhà tưởng niệm, sau đó bà đưa tôi dạo một vòng quanh vườn nhà cụ Phan. Bà vừa đi, vừa giới thiệu cho tôi nghe về lịch sử ngôi nhà và tôi đã nghe và hiểu nhiều điều thú vị mà mình chưa bao giờ biết về khu nhà này từ một người chỉ mới quen. Bởi hồi còn đi học qua sách vở tôi chỉ biết mảnh đất Tam Lộc này, Chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh đã sinh ra và lớn lên nhưng tôi chưa một lần đặt chân đến. Tôi biết bà một hướng dẫn viên du lịch “không chuyên” và thậm chí còn là bất đắc dĩ, nhưng qua lời kể của bà ta , tôi có cảm tưởng mình đã gặp được một “Nhà Phan Châu Trinh học” chứ đâu phải chuyện chơi…..


Đến khi cánh cửa chính của ngôi nhà được mở, tôi sửng sờ trước mắt mình một ngôi nhà cổ có 3 gian, 2 chái, mái nhà được lợp nguyên bằng ngói âm dương theo kiểu một hàng ngửa, một hàng úp. Thoạt nhìn ai cũng biết chắc đó là một ngôi nhà không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc với nhiều tiểu tiết hoa văn chạm trổ rất đẹp, còn những vật lưu niệm, tranh ảnh trong nhà được bài trí hết sức trang trọng và khoa học làm sao!. Ở ngay giữa nhà là bàn thờ cụ Phan, còn trên tường xung quanh nhà được treo rất nhiều ảnh. Đó là những bức ảnh của gia đình cụ Phan, cũng như ảnh cụ chụp chung với những người bạn mình như Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế, Phan Bội Châu và biết bao chí sĩ yêu nước khác đã cùng cụ tham gia vào phong trào Duy Tân và các phong trào khác, cũng như những người đã cùng cụ Phan hoạt động tại Pháp. Phải nói bức hình nào cũng thật quý cho giá trị lịch sử, là “nhân chứng hoàn tráng” cho cuộc đời cách mạng của cụ Phan Châu Trinh .

Tôi chỉ chụp cho mình được một vài tấm ảnh rồi đắm mình vào nhìn đọc các dòng chú thích của những bức ảnh ấy và bức ảnh nào cũng buộc tôi phải thật chậm rãi và cảm nhận …..


Rồi tôi đã được nghe bà Mai kể thêm : “Ngôi nhà này được chính quyền địa phương “trùng tu và xây dựng” lại theo kiến trúc cổ  trên nền nhà cũ xưa kia của cụ Phan để tỏ lòng kính trọng Phan Châu Trinh- Một nhà cách mạng, nhà văn, nhà hùng biện yêu nước có chân tài thực học…. Và ngôi nhà được công nhận di tích theo quyết định số 67/2005/QĐ-BVHTT ngày 16 tháng 11 năm 2005”


Hơn một tiếng đồng hồ ở nhà tưởng niệm cụ Phan, tôi đã nhìn từng chi tiết và hình như đã cảm nhận được gần như trọn vẹn về cuộc đời của Chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh. Cụ là niềm tự hào, là tấm gương trung kiên bất khuất của người dân Tam Lộc, của Huyện Phú Ninh, của Quảng Nam nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung và hơn nữa trên toàn thế giới đều biết tên ông.


Tôi đã từng đến thăm nhiều khu di tích, nhiều nhà lưu niệm ở mọi miền đất nước, song nhiều khi đến thăm và chứng kiến nơi ấy, rồi bỗng dưng tôi vỡ vạc ra một chân trời hoài vọng. ...Như còn có nhiều nơi tôi thấy con người lại quên đi văn hóa ứng xử và hiếu khách tham quan. Thậm chí người ta quên một cốt cách của người xưa, người của lịch sử để làm nên một ngôi nhà tưởng niệm đúng chất nhân văn v.v.v. Còn đây, khi tôi đã đến và đã thấy cuộc sống của vùng Tam Lộc- Phú Ninh nay đã đổi thịt và vinh dự thay ở nơi đây lại có một di tích quý báu thuộc về lịch sử không chỉ riêng của cho miền đất này mà còn là cả nước .


Andi Nguyễn Ánh Nhật

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG CHUYẾN ĐI. 

     Cổng nhà thờ Tộc Phan ở Tam Lộc gần nhà tưởng niệm


                    Nhà thờ Tộc Phan ở Tam Lộc - Phú Ninh

            Bia tưởng niệm đặt nơi đầu ngõ nhà tưởng niệm

                          Đường dẫn vào nhà Tưởng niệm


                         Nhà tưởng niệm Phan Châu Trinh

                                          Một góc nhìn


                     Giếng nước trước ngôi nhà tưởng niệm


                          Ngôi nhà nghỉ trong khu di tích


                           Ngôi nhà chính nhìn từ bên hông


                                      Và ở phía bên kia


                      Phan Châu Trinh và những người bạn 


                                Vợ của Phan Châu Trinh

           Phan Châu Dật con trai của Phan Châu Trinh


          Phan Châu Trinh và con trai trong thời gian ở Pháp

          Chiếc rương xe của nhà cụ xưa kia được phục chế


          Và chiếc cối xay gạo được phục chế theo nguyên tác



                             Mới đến ...cổng khóa chặt!

                           Khi vào được nhìn từ trong ra

                              Về hay ở lại !? Buồn ...5 phút!


                    Tác giả ngồi trước ngôi nhà tưởng niệm


             Tác giả trước ngôi nhà nghỉ trong khu di tích


                        Tác giả đứng trước ngôi nhà chính


Dòng kênh chính Phú Ninh hướng về nhà tưởng niệm Phan Châu Trinh
Mong các bạn đón đọc : Những chuyến ngao du (Kỳ 6 - Đức Linh - Mảnh đất và con người)


                         (TẤT CẢ ẢNH DO ANDI CHỤP)

THAM KHẢO THÊM

(*) Những Tác phẩm tiêu biểu của Nhà văn PHAN TỨ

 PHAN TỨ và một trong những trang di cảo còn lại của cố nhà văn.
- Bên kia biên giới (tiểu thuyết, 1958, tái bản 1978)
- Trước giờ nổ súng (tiểu thuyết, 1960)
- Trở về Hà Nội (truyện ngắn, 1960)
- Trên đất Lào (bút ký, 1961)
- Nhật ký chiến trường (di cảo, viết bằng 4 thứ tiếng Việt, Lào, Pháp, Nga)
- Về làng (1964)
- Trong đám nứa (truyện ngắn, 1968)
- Gia đình má Bảy (tiểu thuyết, 1968, tái bản 1971, 1972, 1975)
- Măng mọc trong lửa (bút ký, 1972, 1977)
- Mẫn và tôi (tiểu thuyết, 1972, 1975, 1978, 1987, 1995)

(**) Những Tác phẩm tiêu biểu của Bà Nguyễn Thị Bình

           Bà Nguyễn Thị Bình giới thiệu tác phẩm của mình
- "Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước" – Tác phẩm đã gây ấn tượng bởi một cái tên đã gắn liền với Hiệp định Paris (về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam), gắn liền với sự nghiệp ngoại giao nhân dân, người phụ nữ Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới – Bà Nguyễn Thị Bình.
Andi Nguyễn Ánh Nhật


-->Đọc thêm...

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC