11 tháng 3, 2013

Những chuyến ngao du ! KỲ 3 : "HỒ TRÊN NÚI !"



Hồ trên núi (Ảnh Andi chụp 8-3-2013)

Tôi có thể không giàu, nhưng chỉ cần bạn tôi giàu ! Điều đó có liên quan gì đến “Hồ trên núi” của đề tựa bài này !?. Đó là do tôi thấy bạn của mình có của ăn, của để và đã mua được vài ba miếng đất ở Đà Nẵng, nhưng mấy năm nay thị trường bất động sản đóng băng, không có đầu ra….. “chết cứng!”. Khi bất động sản đã không "nhúc nhích" thì lẽ tất nhiên đất đai xung quanh Hồ Phú Ninh gần như rẻ mạt. Tôi đã giục người bạn ấy mua vài miếng đất để dành cho tương lai hoặc bây giờ lên trên ấy làm du lịch. Bởi tôi nghĩ, ai đến Huế thăm chơi cũng tìm cách tót lên Bạch Mã, hoặc ai lâu lâu về Đà Nẵng cũng nhảy lên Bà Nà, còn Hồ Phú Ninh – Tam Kỳ lại như một cô gái đẹp đang ngủ say, chưa có ai đánh thức !?. 

Còn riêng tôi, là một người khô khốc trong cảm tưởng, vậy mà chỉ một lần đến Hồ Phú Ninh cũng trở nên lãng mạn, trí tưởng tượng về cái đẹp được mở rộng ra nhiều hơn. Hồ Phú Ninh - Một cảnh đẹp gần như hoàn hảo, khi đứng trên đỉnh núi nhìn xuống là mặt hồ mênh mông xanh, rất sạch và hữu tình. Tôi nghĩ nơi đây không chỉ cuốn hút riêng tôi mà còn nhiều và rất nhiều người khác nữa. 

Vậy là tôi lại một mình đi lên  “Hồ trên núi”…..

                   Hồ Phú Ninh - Một phong cảnh hữu tình!
Hồ Phú Ninh- Tôi chẳng biết tên của địa danh này xuất phát từ đâu (!?), nhưng khi gọi tên, tôi có cảm tưởng nơi đây đã sở hữu được một cái tên dễ gọi và dễ nhớ, giản đơn và dễ hiểu, cũng như mộc mạc và trù phú. Qua sách báo, tôi biết hồ Phú Ninh là một công trình thủy lợi được xây dựng với mục đích ban đầu là cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt cho các huyện thuộc Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ . Hồ được đầu tư khởi công vào năm 1977 và hoàn thành sau gần 10 năm xây dựng đã đáp ứng mơ ước của hàng triệu dân nông thôn ở các huyện thuộc tỉnh Quảng Nam. Hồi ấy, để xây dựng công trình “thế kỷ” này, tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng đã huy động hầu hết thanh niên trong tỉnh tham gia. Hiện tại trong lòng hồ có khoảng 30 đảo nhỏ với nhiều cảnh quan đẹp và hữu tình. Hồ Phú Ninh còn là một khu du lịch sinh thái lý tưởng, khí hậu luôn luôn mát mẻ và hệ động thực vật rất đa dạng, trong đó có 14 loại động vật được ghi vào Sách Đỏ cần bảo tồn….

Tôi biết về hồ Phú Ninh chỉ có vậy !?.Tôi đã sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam. Trước đây người dân quê tôi quanh năm nghèo khó, cái đói, cái no từ đời này sang đời khác phải luôn phí thác cho Trời. Ở quê tôi, khi chưa có hồ Phú Ninh, hàng năm đến mùa khô hạn là cuộc chiến quyết liệt giữa con người và hạn hán, còn con lươn, con ếch nằm kẹt trong khe đá chờ chết khô. Nhưng sau tiếng kêu "dân oán, giận trời" rồi cũng phải: “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm….". Vậy mà từ khi có dòng nước Phú Ninh quanh năm chảy về tưới cho ruộng đồng, đời sống của quê hương tôi dường như khác hẳn, mọi người bớt nhọc nhằn, bớt cảnh lo nơm nớp “lạy trời mưa xuống” và ngày nay khấm khá. Chỉ cần vậy đấy thôi, tôi đã yêu hồ Phú Ninh của quê hương tôi, một tình yêu hầu như là máu thịt, chứ chưa hiểu thêm rằng Phú Ninh phong phú đến như thế nào, lãng mạn và trữ tình ra sao, cũng như làm say đắm lòng người đến mức nào.

Đến khi học cấp 3, có vài dịp tôi được bạn bè rủ đi hồ Phú Ninh, nhưng vì nhiều lý do nên tôi đành lỡ hẹn. Từ trước đến nay, tôi chưa một lần có dịp, nhưng qua tìm hiểu ở bạn bè, sách báo, tôi rất thích vùng hồ này ngay từ khi mới có. Tôi vẫn không hiểu mình, vì sao tình cảm tôi dành cho hồ Phú Ninh đến không cần lý giải, cũng như không cần nguyên cớ, như thứ tình yêu tôi vẫn thường không cần biết cội nguồn và gốc rễ!. Người ta thường nói, bất cứ điều gì khi cắt nghĩa được cái nhẽ thì tình yêu sẽ bay đi… Chắc mọi thứ khi đã hiểu quá rõ, hiểu đến ngọn ngành thì chả còn gì quyến rũ và hứng thú để tìm và khám phá. Mà không còn hứng thú khám phá thì còn gì để hấp dẫn?. Vậy là tôi thử “một mình khám phá "Hồ trên núi" -  Phú Ninh.
 

Buổi sáng sớm cuối xuân, nổi hứng tôi xách xe máy, tạm quên đi cái ồn ào, náo nhiệt của chốn thành thị, chạy ngược về phía tây thành phố Tam Kỳ – Quảng Nam để lên Hồ Phú Ninh tự mình “khám phá”. Bước chân đi vừa ra khỏi thành phố nhỏ, trong đầu óc tôi hầu như không có một câu chuyện truyền thuyết đượm chất lịch sử hay thi ca về hồ trên núi….. Phú Ninh. Có lẽ tôi chỉ từng nghe những câu chuyện “cổ tích” thời nay về những cô gái, những chàng trai năm xưa trong câu hát : “…. Ai đắp đập, ai phá núi cho hồ nước đầy là mặt gương soi…” (Phó Đức Phương), họ là những người có mặt nơi đây hàng chục năm trời để đắp đập và phá núi. Vậy nên tôi nghĩ, nét đẹp hồ Phú Ninh chính là sự quyến rũ của thiên nhiên cộng hưởng với “sản phẩm” sáng tạo của bàn tay con người. Một mình tôi đi - “bình chân như vại” nhưng chỉ gần 15 phút vượt qua đoạn đường dài không tới 10 cây số từ Thành phố Tam Kỳ, là tôi bắt đầu bước vào chân hồ.


Nhìn lên cao, hồ Phú Ninh đã hiện ra trước mắt tôi như một bức tranh thanh bình, tinh khiết của một sớm mai, giọt sương vẫn còn vương vấn trên từng ngọn cỏ. Đường lên mặt hồ thật là thơ mộng với nhiều khúc quanh co, tôi như mê hoặc lòng người với con dốc cứ thoai thoải như chờ người đi lên. Và con đường dẫn lên cứ ẩn hiện qua từng gấp khúc và trong cả màu xanh cây lá phi lao, bạch đàn, thông Caribe tươi tốt. Chừng khoảng vài trăm mét, gió hình như mạnh hơn, đưa mắt nhìn xuống là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn trải dài ngút mắt và những cụm làng mạc thôn quê xen lẫn. Dừng chân lại ngang đồi dốc, tôi đã nhìn thấy một vài con kênh chính đang cuồn cuộn mang nước về tưới những đồng ruộng xa xôi đang chờ ngóng. Chỉ mới dưng nghĩ mát, trong tôi lại trào dâng một cảm xúc như không vướng vấn vòng tục lụy khi đứng hóng mát dưới bóng cây nhìn mặt hồ phẳng lặng. Khi tôi đã đến đỉnh núi là điểm tạo lạc của mặt hồ, mặt nước ẩn mình dưới những rặng cây, cành lá.


Và hôm ấy du khách đến vãn cảnh không đông, điều ấy không làm tôi do dự cho một cuộc “khám phá”. Tôi và một vài du khách có lẽ ai cũng đi riêng và ngẫu hứng. Không phải vậy mà chúng tôi không vui, bởi mỗi chúng tôi về đây để thưởng thức cái vắng lặng, cái đẹp như bức tranh thủy mạc hữu tình và đầy quyến rũ của ….. “Hồ trên núi”. Nhìn mặt nước phẳng lặng, đôi khi nhấp nhô tôi đã mê hoặc theo từng cơn gió. Từ lưng chừng núi, tôi nhìn xuống, lòng hồ như một chảo nước khổng lồ với nhiều ốc đảo, được bao bọc bởi những dãy núi, những bờ đê và những cánh rừng xanh tốt. Tôi đã thuê cần câu và chiếc thuyền con cùng một vài du khách câu cá và dạo chơi quanh các ốc đảo. Khi chúng tôi đã lên đầy đủ trên thuyền, nhìn mặt hồ nước trong veo, nhìn thấy rõ những con cá lia thia lội và thấy những mản xanh trong tầm mắt, một vẻ đẹp nên thơ nhưng cũng thật hùng vĩ giữa màu xanh bạt ngàn của rừng núi. Chiếc thuyền đưa tôi vòng quanh trập trùng đảo, trập trùng cây và mênh mông trời nước. Có khi tài công dừng thuyền vài giờ để chúng tôi bồng bềnh trên sóng nước câu cá và thưởng thức cái đẹp của sản phẩm “bàn tay ta làm ra tất cả”. Ôi cảnh vật ở đây quá nên thơ!. 

Rồi khi thuyền đưa chúng tôi chạy qua thung lũng Chấp Trà, giữa mặt hồ yên tĩnh có một mạch nguồn nước khoáng lộ thiêng và ai cũng có thể tắm mình trong nước khoáng thiên nhiên ấm áp. Đến đảo SU chiếc thuyển dừng lại cho những ai  muốn viếng  hay câu cá tại đảo. Đảo SU gợi tôi nhớ một thời nơi đây người Pháp từng có tham vọng đến “bá chủ” trồng cao su để “vơ vét” về chính quốc. Có lẽ cá ở đây dễ câu hơn những nơi khác, tôi đã nhìn thấy một vài người đi chung, trong chốc lát đã câu được vài con cá rô phi, cá mè và cá trắm….rồi có người câu được những con cá bống từ trong những khe đá, khe nước ….
 

Đã một ngày vui chơi câu cá v.v.v hình như chưa “đã”, tôi quyết định ở lại tại nơi đây qua đêm. Tôi muốn mình trải nghiệm nhiều hơn các cung bậc cảm xúc cũng như sự biến đổi của thời gian, chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt vời của cảnh “non nước” nơi đây lúc mặt trời lặn. Được biết du khách có thể ở lại qua đêm trong những căn phòng ở ngay tại bờ Hồ được làm mái lá rất xinh và thật tiện nghi với giá rẻ mạt 100 ngàn một đêm. Chần chừ gì nữa và tôi đã quyết định. Vậy là tôi đã có một đêm ở trong không gian tĩnh lặng, thơ mộng, trong cái thú dạo chơi quanh bờ hồ của một đêm trăng thanh. Chầm chậm tôi men theo dọc triền núi, một cảm giác hơi lạnh nhưng cảm thấy cuộc sống nhẹ tênh, mặt hồ dưới ánh trăng lung linh đẹp, huyền ảo và có cảm giác như mình đang ở “cõi tiên” để chiêm ngưỡng cái “bí ẩn” của mặt hồ khi màn đêm buông xuống…


Còn nữa, sẽ không có gì lý thú bằng, bởi chỉ mới chưa tròn một ngày, tôi đã được trải nghiệm hai cảm giác đối lập trong một cuộc phiêu lưu. Hạnh phúc gì bằng khi khám phá cảnh hồ trong của một sớm bình minh và một hoàng hôn dần dần tắt hay một ngày nắng đẹp và một đêm hoang sơ tĩnh mịch. Tôi đã nhìn thấy xa xa một vài người trên chiếc thuyền nhỏ buông câu giữa lòng hồ, hình như họ tha hồ thả hồn theo mây gió hoặc lim dim ngủ cho đến khi cá cắn câu….
 

Và trong đêm hôm ấy, tôi đã được nghe tiếng rừng gió hú, “….nghe tiếng rừng, nghe tiếng suối xốn xang mái chèo nhịp đời sinh sôi..” chứ không phải là tiếng cuốc, tiếng mìn phá đá, tiếng hò reo cho quên đi mệt nhọc của những người “Công nhân Phú Ninh” nơi đây năm xưa. Một âm thanh của núi rừng về đêm như lời hát sẽ còn mãi ngàn năm…
 

Hôm nay ngồi viết về Hồ Phú Ninh, với tôi là một câu chuyện thật dài của bao vẻ đẹp hữu tình, mênh mang và còn nhiều điều muốn nói. Như những gì tôi đã đến, tìm hiểu và chứng kiến như những gốc cây to bị đốn chặt, đang thoi thóp từng giọt nhựa sống. Đó là một điều trong nhiều điều trong đời thường tôi thấy, có vẻ như, đôi khi và như ở đâu đó con người lại không phải với một thiên nhiên mộng mơ đến vậy. Bởi cái đẹp ở hồ Phú Ninh có nhiều nhẽ để chiêm ngưỡng, vẻ đẹp của thiên nhiên kia còn là nét kiêu hãnh của những con người Quảng Nam đã khuất phục được thiên nhiên. Và tôi nghĩ Phú Ninh nếu đầu tư hơn nữa sẽ là điểm dừng chân không thể bỏ qua của du khách khi đặt chân đến Quảng Nam.

Andi Nguyễn Ánh Nhật

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG CHUYẾN ĐI

Đi thuyền ra lòng hồ tham quan gần 40 hòn đảo lớn nhỏ (Ảnh Andi)


Chuẩn bị sẵn sàng đi thăm thú.......


Đường vào lòng Hồ Phú Ninh


Ngồi .....Nhậu !


Với Nghệ nhân PHẠM TÀI THU - Một tay nuôi và huần luyện chim Hòa bình nổi tiếng nhất Việt Nam


 Nghệ nhân PHẠM TÀI THU

 Phạm Tài Thu và chim Hòa bình


 Thú chơi của PHẠM TÀI THU


 Từ trái sang : Andi- Nghệ nhân Phạm Tài Thu- Cô Minh Tuyết- Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo HỌA MI - Công Thịnh - Cựu Phóng viên Báo Thanh Niên

 Với cô Ly Lan - Một hướng dẫn viên đi theo phục vdu khách tham quan


Với Bích Ty - Một Hoa khôi học cùng trường Đại học Ngoại NgĐà Nẵng năm xưa, nay vô tình gặp lại


Với anh bạn cũ Công Huynh học cùng chung ở Trường Đại học Ngoại NgĐà Nẵng năm xưa
 
Andi Nguyễn Ánh Nhật
 

13 nhận xét :

  1. Em thấy anh và Nghệ nhân Tài Thu có một "cái" khá giống nhau. Đố anh biết là ..."cái" nào?

    Trả lờiXóa
  2. Chuyến đi thật vui và ý nghĩa

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn bạn ghé thăm và chia sẽ comment ! Chúc bạn bữa trưa thứ ba thật ngon miệng và ngon giấc nhé bạn !

    Trả lờiXóa
  4. TRUYỆN HAY HÌNH ĐẸP CHÚC MỪNG

    Trả lờiXóa
  5. Bạn có nhiều chuyến đi thú vị nhỉ. Chúc bạn luôn vui

    Trả lờiXóa
  6. Anh chu du khắp thiên hạ sướng hen..chúc những chuyến đi của anh thật vui vẻ an lành nhé!

    Trả lờiXóa
  7. Bạn nhìn đâu cũng thấy đẹp, một cản nhận tuyệt vời, chúc bạn buổi tối vui vẻ.

    Trả lờiXóa
  8. Chuyến du lịch thật vui thú vị nhiểu kỷ niệm anh nhỉ ? Tối mát vui vẻ hp nhé anh

    Trả lờiXóa
  9. một mình với những hai chai...
    hỏi sao nhật ánh không say mới lạ..
    nói vậy oan ÁNH đó nha...
    nhậu thì có nhậu ..nhưng là nước sôi
    thực ra anh cũng say rồi...
    say cô quần đỏ, với ....đôi mái đầu..
    ( trả đũa mùng 8/3- ai đi chẳng chịu qua nhà... chúc tui heeeeeeeeee)
    qua thăm NA trêu chút đừng giận nha.

    Trả lờiXóa
  10. Đi một mình thế này á ...khơ khơ

    Trả lờiXóa
  11. Lại sang thăm bạn , Chúc bạn một chuyến đi mới vui vẻ nhé.

    Trả lờiXóa

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC