20 tháng 10, 2016

Họa sĩ DƯƠNG ĐÌNH SANG như tôi đã biết !

Chân dung Họa sĩ Dương Đình Sang
Nhân ngày giổ thứ 11 của Họa sĩ Dương Đình Sang, tôi theo chân Dương Quang Thụy người con trai của ông về Huế viếng mộ và thắp nhang cho Người. 

Dương Quang Thụy là người em thân thiết của tôi suốt mười mấy năm nay. Thụy hiện đang làm nghề kinh doanh thành đạt. Nhớ ngày đầu biết nhau, chúng tôi đã hiểu và chơi rất thân, nhưng cũng đến vài năm sau nữa tôi mới biết Thụy trước đây từng học ở trường Đại học Mỹ thuật Huế rồi “lang thang sĩ” giữa Sài Gòn chuyên chép tranh. Vả lại đó là con trai của Họa sĩ tài hoa Dương Đình Sang - Một nghệ sĩ thực thụ, một người anh lớn trong làng mỹ thuật ở Huế. Đến nay cũng đã 11 năm trái tim ông đã về nơi trạm cuối của đời, nhưng tình yêu, khát vọng và giá trị nghệ thuật đích thực trong tranh ông vẫn còn sáng mãi ….. 

Dương Đình Sang khi học ở CĐ Mỹ thuật Huế (1974)
Về Huế giữa tháng 10, gặp ngày mưa to, gió bão. Nhà Ba của Thụy thật rộng, hình như còn có tiếng chim hót trong vườn nhà đây. Trong ngôi nhà tầng 2, tầng 3 dùng để kinh doanh Karaoke, còn nguyên tầng 1 là nơi trưng bày các tác phẩm của họa sĩ bạc mệnh Dương Đình Sang. Dạo một vòng quanh phòng trưng bày, tôi như hút hồn vào cơn mộng tưởng, nhìn bút tích ký trên những bức tranh, hình như tôi nghe tiếng vang từ thiên thu dội về trên từng mảng màu bất tử….. 

Vài ngày ở nhà ông và qua tìm hiểu. Tôi biết, cuộc đời họa sĩ có lúc trúc trắc, bất định, thuyền tình chông chênh, mà thật lạ những điều ấy không hề hiển hiện trên tác phẩm của ông. Nghe kể, ông vẻ say sưa và tràn đầy năng lượng cho đến tuổi 55, nơi đỉnh cao của sự nghiệp mà chẳng hề hay biết dưới chân mình đang đứng là miệng núi lửa sắp trào dâng, như lưỡi hái tử thần vốn thường cay nghiệt với kẻ tài danh. Sau một cơn đột qụy, người nghệ sĩ không kịp giành lại được trong tay mình một định mệnh…..
Cùng với con trai và các ái nữ của họa sĩ


Cùng với các họa sĩ nổi danh ở Huế, sinh thời họa sỹ Dương Đình Sang là thế hệ nối liền giữa các bậc cao niên như Đinh Cường, Bửu Chỉ, Phạm Đăng Trí, Đỗ Kỳ Hoàng v.v.v với các họa sĩ trẻ Hoàng Đăng Nhuận, Lê Quý Long, Hà Văn Chước, Hồ Sỹ Ngọc v.v.v. Ông - Một tấm gương cho các họa sĩ trẻ noi theo không chỉ trong sáng tạo nghệ thuật mà còn ở đức tính khiêm nhường, chân tình và là một người thầy giáo tận tâm ở Trường Đại học Mỹ thuật Huế.

Với Dương Quang Thụy, con trai của Họa sỹ Dương Đình Sang
Nói về họa sĩ Dương Đình Sang, nhiều người từng viết và báo chí đã đăng, nhân đây tôi chỉ xin mạo muội liệt kê lại những sự kiện hoạt động nghệ thuật của họa sĩ theo dòng chảy của mỹ thuật Việt Nam: 

- 1971 Tham gia triển lãm tranh dành cho họa sĩ trẻ tại Hội Việt – Mỹ

- 1974 Triển lãm chung với họa sĩ Đinh Cường cũng tại Hội Việt – Mỹ

- 1976 Tham gia triển lãm tranh toàn quốc

- 1980 Tham gia triển lãm tranh toàn quốc

- 1982 Cùng với Hoàng Đăng Nhuận và Bửu Chỉ triển lãm tại Nhà Văn Hóa Huế.

- 1992 Triển lãm cá nhân tại Gallery Đồng Khởi, TP.HCM

- 1992 Cũng trong năm này triển lãm tại Gallery Notices Singapore

- 1993 Triển lãm cá nhân tại Paris – Pháp

- 1994 Triển lãm chung với họa sĩ Thyge Thomasen tại Hội nhà báo TP.HCM

- 1994 Cũng trong năm này ông đã có một cuộc triển lãm lớn cùng 26 tác giả Huế thành danh xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế tại Cung văn hóa lao động TP.HCM

Ngày kỵ cơm 15/10 hằng năm của Họa sĩ
Một gia tài đồ sộ của “cuộc đời thị giác”. Biết rằng, ít ai gọi cố họa sĩ Picasso hay cố họa sĩ Bùi Xuân Phái, bởi cái tên họa sĩ và tác phẩm đều luôn bất tử. Nhưng nghiệt ngã thay, với hội họa, một thiên tài nào trên thế giới cũng phải mất hàng trăm năm mới được con người thừa nhận. Còn họa sĩ Dương Đình Sang ?. Ông sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, ông có người anh ruột là nghệ nhân Dương Đình Vinh - Sinh ra và lớn lên, ông sở hữu một cây đũa thần (!?). Nhưng hội họa lại như tình yêu, để trở thành một họa sĩ thực thụ, người ấy phải biết đắm say và thành thực với lòng mình. Dương Đình Sang là một họa sĩ như vậy. Trong sáng tác ông luôn tìm kiếm cái mới nhưng vẫn giữ sự đằm thắm của một sự kế thừa và thừa hưởng các phẩm chất thẩm mỹ, ứng xử văn hóa độc đáo của người Huế.
Cùng với anh trai họa sĩ. Nghệ nhân Dương Đình Vinh
Những người cùng thời với họa sĩ nói rằng, ông đã vẻ rất sớm và thành danh cũng sớm. Họa sĩ nổi tiếng Bửu Ý từng có nhận xét : “ Dương Đình Sang đã là họa sĩ khi chưa thành …..họa sĩ. Nói cách khác, anh đã vọc sơn từ khi bước chân chưa chạm đến cổng trường….. Hội họa với Sang, Sang với hội họa, như vầy hội cùng nhau, như cá với nước, ăn ở với nhau từ thưởu nào….”. Còn nói về nghệ thuật vẻ tranh của ông, họa sĩ Đinh Cường từng viết: "Tranh Sang vẫn bàng bạc một màu sương khói Huế. Là thế giới của mộng tưởng, nhiều ẩn dụ. Là sự liên kết giữa khoảng không (espase) và ngồn ngộn chất liệu (matière) mà dưới lớp sơn óng ánh kia là những ký hiệu tượng hình, những totem mà Sang gửi gắm. Tôi nhận ra ở đó cả phận người, hạnh phúc có và đớn đau có, cộng thêm một ít không khí của miếu đền, của tiếng vọng từ vách đá của điệu ru hời. Đi vào thế giới hội họa của Sang là đi vào không gian thuần khiết và mãnh liệt, thơ mộng và chân thật”. 

Trong ngôi nhà của Nghệ nhân Dương Dình Vinh
Cuộc sống và thực tiễn là những phạm trù để người nghệ sĩ lững lơ cảm xúc. Phong cảnh Huế, “Nắng phương này mà mưa tím phương kia” là nguyên liệu để người nghệ sĩ sáng tác và khai thác. Tranh phong cảnh của Dương Đình Sang được ghép từ nhiều mảng màu cuộc sống và chất đầy những ký ức tuổi thơ. Trong ấy có màu vàng của đất, có sông Hương, có núi Ngự, có chiều mây tím chân trời vần vũ, đất Kinh Đô quách thành dọc ngang một màu cổ kính. Ông đã chìm ngập bản thân mình trong màu sắc, như nếu thoáng nhìn màu xanh của những rặng cây đuổi theo nhau phủ vây những kiến trúc cổ uy nghiêm trầm mặc thì người xem sẽ rơi vào chiều sâu và chỉ giữ lại sự cân bằng …. 

Những năm tháng của cuộc đời, hình như họa sĩ Dương Đình Sang sống là để vẽ và vẽ bằng niềm đam mê nhiệt thành. Đối với tranh trừu tượng của Dương Đình Sang thường là những gam màu trung hòa, chuyển đổi sắc độ tinh tế đòi hỏi người vẽ phải có một sự am hiểu văn hóa và lịch sử sâu sắc như “Vũ điệu APSARA”, “Dấu tích Chàm”, Tôtem I, Tôtem II …. Còn tranh hình thể, như vẻ chú Tiểu, vẻ Tăng ni, Dương Đình Sang đã quệch cây cọ đường thanh thoát như tiếng chuông chùa Thiên Mụ nhịp nhàng buông. Thường trong tranh ông mặt người chiếm khoảng nhỏ, có hướng xô lệch. Hình như Dương Dình Sang muốn giành quyền đối thoại với khát vọng phiêu lưu của mỗi một con người, một hành trình đầy thách thức và hiểm họa vô thường ….

Rồi cứ lãng mạn, mãi rong chơi giữa vườn trí tưởng tượng, Dương Đình Sang chưa chuẩn bị cho mình chuyến đi lần sau cuối của cuộc đời. Mỗi cuộc ra đi, Thượng đế luôn dành chuyến đò riêng cho mỗi người. Đời nghệ sĩ, người nào lại không muốn đi theo lời mời gọi đầy khói hương lãng mạn trên biển sóng của riêng mình. Tôi nghĩ, với họa sĩ Dương Đình Sang, ông đã có, sự bất tử của một kẻ dấn thân.
Huế giữa tháng 10/2016
Andi Nguyễn Ánh Nhật



-->Đọc thêm...

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC