7 tháng 9, 2018

Khi đất PHÚ trời YÊN vẫy gọi! (Kỳ 2)

Theo “Đại Nam Nhất Thống Chí” lịch sử Phú Yên được hình thành và phát triển rất sớm. Từ năm 1611, Chúa Nguyễn Hoàng cử viên chủ sự Văn Phong mang quân tấn công Chăm Pa. Thành Ayaru thất thủ, Nguyễn Hoàng đã sát nhập vùng Ayaru vào lãnh thổ Đàng Trong với tên gọi Phú Yên. 

Thế nhưng cho đến bây giờ, Phú Yên vẫn chưa sánh bì về sự phong phú hay dày dặn một nền văn hóa nghệ thuật, ngồn ngộn di tích lịch sử như ở Huế, Hà Nội hoặc nhiều nơi khác. Nhưng nói về du lịch, Phú Yên có một thế mạnh với bờ biển dài gần 200 km lại có rất nhiều bãi, đầm , vịnh, gành , hòn … hoang sơ, tự nhiên và cực đẹp. Còn núi thì có Đá Bia, núi Chóp Chài như một thắng cảnh. Bãi tắm thì có Long Thủy, bãi Xép, bãi Rạng, bãi Bàu, bãi Môn, bãi Nồm, Tràm là những bãi tắm đẹp “thần sầu” chẳng kém gì như ở …..Hawaii. Nơi đây quanh năm được che chắn những con sóng lớn và gió dữ. 

Biết là vậy nhưng vì thời gian không có nhiều nên lũ chúng tôi cũng cần sự lựa chọn lịch trình cho mỗi ngày đi theo một hướng: bắc Tuy Hòa và nam Tuy Hòa. Ngày thứ hai, chúng tôi chọn bãi Môn và Mũi Đại Lãnh là điểm cực đông của dải đất hình chữ S làm điểm đến.

Đêm trước ông bạn già Phuoc Tran một thời ăn cơm ký túc xá với chúng tôi hiện đang sống ở Phú Yên. Vợ chồng họ lò đò đến khách sạn thăm đoàn . Trời đổ mưa như trút nước, song lâu ngày gặp lại bạn bè xưa nên tất cả ai cũng không ngại cho một đêm say khướt….

Sớm tinh mơ chiếc xe bắt đầu lăn bánh đưa chúng tôi về mũi Đại Lãnh đón bình minh đầu tiên trên dải đất Việt. Chỉ vừa đi hơn chục ki lô mét, thành phố đã ở phía sau lưng. Bình minh chầm chậm lên, ánh sáng ngu ngơ xua bóng đêm còn lờ mờ phía trước. Từ ô kiếng cửa xe, tôi đã nhìn được rất rõ hình ảnh bãi cát trắng mịn tô điểm cho những resort và những công trình đang khởi động của khu công nghiệp Vũng Rô. Biển trước mặt, êm ả xanh ngăn ngắt một màu lục bảo. Gần về hướng mũi Điện, chiếc xe ngoặc theo con đường men triền núi, thiêm thiếp một rừng nguyên sinh. Gió vườn mây, mây gió vô cùng…. làm mọi người trên xe ngây ngất. 

Bên trái con đường chúng tôi đi, biển một đời mất ngủ, âm thầm vỗ về bên vách đá trầm tư. Mênh mang dọc theo những bức tranh hoang chợt hiện, chợt mất, tôi bỗng giật người cười một mình và hạnh phúc như một đứa trẻ khi nhớ lại bài thơ của Đỗ Trung Quân:
“Xin cảm ơn những con đường ven biển .
Cho rất nhiều đôi lứa dẫn nhau đi
Cám ơn sóng nói thay lời dào dạt
Hàng thùy dương nói hộ tiếng thầm thì”

Hơn ba mươi phút đi xe đoàn chúng tôi đã có mặt tại mũi Đại Lãnh. Nhìn về hướng đông, tia nắng sớm chiếu qua làn sương mong manh như những sợi tơ giăng hồng phơn phớt trên mặt biển, bờ cát lấp lánh. Nắng gọi, núi rừng cũng vừa thức giấc. Trong tĩnh lặng, tôi cảm nhận, ánh sáng chậm rãi trải dần trước mắt. Buổi sáng sớm nơi đây không khí thật trong lành, ai ai trong số chúng tôi cũng đều thấy bình yên kỳ lạ. Mới hôm qua về hướng bắc lang thang trên “đồng cỏ hoa vàng” nay được về chơi với gió nghe lá rừng xào xạc. Còn hạnh phúc nào hơn…..

Bước xuống xe chạm đất, gió vuốt ve đôi bàn chân, nhìn xung quanh tôi bỗng thấy mình ngẫn ngơ. Núi và biển không giống như bất cứ nơi nào tôi từng đến. Đứng dưới nhìn lên ngọn hải đăng cao 200 mét nằm trên đỉnh núi chót vót chon von trông giống như ngọn cờ cắm trên hòn non bộ của đất trời vậy. Nhiều du khách xuýt xoa, tán phục bàn tay tài hoa của tạo hóa. Biển và núi đẹp như tranh vẽ, bởi giữa nơi có đồi núi và đồng bằng ven biển tự dưng có ngọn núi cao mọc lên lại có đủ hoa thơm và cỏ lạ. Nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, mũi Đại Lãnh là nơi đầu sóng ngọn gió biên cương:
“Theo ngọn sóng trông mù xa tít tắp
Nơi mặt trời sà xuống biển mênh mông
Ở nơi đó là bến bờ Tổ Quốc
Sóng yêu thương vỗ mãi đến vô cùng …( Hoàng Kim)

Đường leo lên Mũi Điện thật xa được phân chia bậc thang trải dài. Từ mặt đất liền đi lên con đường được lát đá không rộng, chỉ khoảng chừng hai mét, song cảm giác lại càng chật chội hơn vì khách du lịch đến thăm thú đông đúc, núi lại đồ sộ và cao sừng sững sát bên đường. Đổi lại chúng tôi được hưởng cảm giác sát ngay bên cạnh mình ngoài những cây phô bày bộ rễ gân guốc bện thành mạng nhện. Chằng chịt là rừng cây lá thấp nguyên sinh đang mặc sức sinh sôi, hương sim tràn khuôn ngực biếc. Vịn lan can bảo hộ, tôi đưa tay về hướng biển mênh mông vẫy ngoài vô tận, nghe trong lòng mát rượi liêu trai….

Lưng chừng dốc chúng tôi bắt gặp con đường dẫn xuống bãi Môn, hai bên là hàng phi lao xanh ngát. Nhớ hồi mới lớn biết đọc thơ, vì ngộ nhận, tôi không thích “Liễu Chương Đài” trong một bài thơ cổ vì ở đó là câu chuyện đầy nước mắt, chia ly. Tôi cứ ám ảnh hàng dương liễu quê tôi cũng là “liễu” trong thơ. Lớn lên một chút, tôi mới hiểu hàng dương liễu quê tôi là họ “phi lao”. Đã hiểu về loài cây nhưng tôi không hiểu vì sao mình yêu những hàng cây dương liễu trong những lần về thăm quê ngoại ở Tú Nghĩa – Bình Tú quê mình. Tình yêu ấy còn mãi với thời gian, bao nhiêu lần không nhớ hết!. Rời xa quê sống trong màu phố xá, hình ảnh của cây phi lao với nhiều chiếc lá dài như những ngón tay vươn tôi không bao giờ bắt gặp.

Tình yêu là món nợ, nay đã về bên tôi trong mắt nhớ - Rất thuần khiết và mạnh mẽ!. Không thể chịu được, gọi vài người bạn  làm mẫu để làm mẫu chụp vài kiểu ảnh thì lòng tôi mới nguôi ngoai trước vẽ đẹp khôn cùng ..…

Gần một ngày ở mũi Điện rồi đến ngọn hải đăng Đại Lãnh. Cảnh đẹp quá, trong lũ chúng tôi ai cũng móc điện thoại ra “tự sướng” cho biển kịp nhớ mặt người, cho núi còn ghi bước chân. Thời gian đã về xế!. Ô hay! Chiều ngẫn ngơ mà nỗi hứng, chúng tôi cùng kéo đến tắm bãi Tiên. Bãi biển rất nhỏ nằm gọn trong một vịnh, gió không dài như bằng tóc ai bay, sóng cũng vậy cứ ở ngoài khơi mà chẳng chịu về. Được vài mươi phút tung tăng giỡn đùa trong nước biển xanh màu ngọc bích. Nhớ kúc sáng, chúng tôi đâu có dự định đến nơi đây mà chiều nay ai cũng thấy thích vô cùng!. 
Dưới biển nhìn lên là những hòn đá với hình hài kỳ thú xếp chồng lên nhau để đẹp mãi cho đời….

Hoàng hôn nhuộm đỏ cả vùng cũng là lúc lũ chúng tôi chỉ vừa mới bén ghiền, nhưng phải về khách sạn thu gom hành lý. Niềm hạnh phúc hòa mình vào thiên nhiên lại ngắn chẳng tày ngang. … Hic!

Tạm biệt Phú Yên nơi có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Ẩm thực xứ “nẫu” lại đầy đủ món ngon, tươi, lạ, bổ rẻ hương vị lại đậm đà đến điếc mũi, nhưng không phải hao xu cho nhiều nhiều lắm lắm !.

Tạm biệt “non sông gấm vóc” của dải đất miền Trung như tôi đã đến và sẽ nhất định trở lại nay mai……….

1 nhận xét :

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC