13 tháng 1, 2014

MỘT NĂM CÓ BAO NHIÊU CÁI TẾT ?


Trải qua bao biến thiên của thời đại, đến nay, ngoài Tết Nguyên Đán ra, người Việt của chúng ta còn rất nhiều cái Tết khác trong năm. Hơn nữa ngày nay mọi người cũng đã có nhiều thay đổi về mặt khái niệm lẫn cách vui chơi, như  người ta quan niệm là “nghỉ Tết”, “nghỉ Lễ” chứ không còn là “ăn Tết”, “ăn lễ” nữa. 

Trong đời sống hiện đại, văn hoá Đông – Tây cũng đã làm cho cách sắm sửa của mọi người trong ngày Tết, ngày Lễ thay đổi và ”hiện đại”, cũng như phải chịu sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây rất rõ nét. Một cái lễ thường có ăn uống, nhưng phần nhiều người dành cho du ngoạn. Hoặc có cái lễ đi dù không được nghỉ ngơi hoặc đi đây, đi đó, như lễ Giáng Sinh ai cũng thấy vui như…. Tết. Hoặc một số lễ lộc, được nghỉ ngơi, ăn uống, đi chơi nhưng không có cúng kiếng như 30/4 -1/5, Quốc Khánh 2/9, Giỗ Tổ Hùng Vương (ở Phú Thọ và 1 số nơi có đền thờ Vua Hùng thì có cúng kiếng, nhưng chỉ cúng tại đền, chứ không cúng tại nhà) cũng có thể coi là.... Tết.

Ở Việt Nam ta, xưa nay với một hệ thống lễ nghi vô cùng phong phú và giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc, như Tết Nguyên Đán là một phong tục đẹp mà nhân dân ta còn duy trì tới ngày nay, đó là cúng kiếng. Nhưng Tết Dương Lịch là ngày Tết lớn nhưng lại chả có cúng kiếng gì.

Vậy một năm ở Việt nam ta có bao nhiêu cái Tết?. Bài viết sau đây, tôi chưa thống kê đầy đủ tất cả các cái Tết trong năm của người Việt Nam. Như Tết Chol- chnam-thmay của người Khơ Me ở Sóc Trăng vào ngày 14, 15 và 16 tháng 4 Dương lịch hàng năm, hay nhiều cái Tết của các dân tộc khác nhau đang sinh sống trên bản đồ chữ S. Mỗi dân tộc anh em Việt Nam đều có một kiểu ăn tết riêng mang bản sắc văn hóa của họ. Như có những cái Tết được kéo dài cả vài ba tháng liền được tạo thành là …..mùa Tết. Và nay tôi đã tổng hợp lại, sau Tết Nguyên Đán người dân Việt Nam còn nhiều cái Tết nữa. Mời các bạn cùng vui cùng những cái tết sau đây:

Tết Khai hạ: 
Tết này còn gọi là tết Hạ nêu đúng vào ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch. Bởi theo cách tính của người xưa là hoàn toàn không phải. Mà theo cách tính dân gian, là ngày mùng Một tháng Giêng ứng vào gà, mùng Hai – chó, mùng Ba – lợn, mùng Bốn – dê, mùng Năm – trâu, mùng Sáu ngựa, mùng Bảy – người, mùng Tám – lúa. Trong 8 ngày đầu năm cứ ngày nào sáng sủa thì coi như giống thuộc về ngày ấy cả năm được tốt. Vì vậy, đến mùng Bảy, thấy trời tạnh ráo thì người ta tin cả năm mọi người sẽ gặp may mắn, hạnh phúc. Mùng Bảy kết thúc Tết Nguyên Ðán thì cũng là lúc bắt đầu Tết Khai hạ – như Tết mở đầu ngày vui để chào mùa Xuân mới. Hiện nay Tết “lại” này vẫn còn được tổ chức sau Tết Nguyên Đán cổ truyền, nhưng chỉ còn thấy ở một số vùng ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn… Năm 2014 này Tết Hạ nêu đúng vào ngày 06-02 dương lịch (Thứ 5). Thật ra theo quy định của Thủ tướng Chính phủ ngày nghỉ Tết Nguyên Đán năm nay là 09 ngày (Theo đó, trong dịp Tết Âm Lịch năm nay, cán bộ, công nhân viên chức được nghỉ từ ngày 28/1/2014 (Tức ngày 28 tháng chạp âm lịch) đến hết ngày 5/2/2014 (tức ngày 6 tháng giêng âm lịch) và đi làm bù vào ngày thứ Bảy 25/1/2014 và thứ Bảy ngày 8/2/2014. Vậy nên tết “Khai hạ” năm Bính Ngọ này gần như không có Tết.

Tết Thượng nguyên (Hay còn gọi là tết Nguyên Tiêu) :
Tết Nguyên Tiêu cũng gọi là Nguyên Tịch, Nguyên Dạ và là Tết Thượng Nguyên. Đó là sau những ngày Tết Nguyên đán ấm áp, những ngày lễ hội tưng bừng, người dân lại náo nức chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên tiêu. Bởi vậy mới có câu : "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng giêng”. Câu nói ấy chứng tỏ ngày Tết Nguyên Tiêu là ngày Tết vô cùng đặc biệt để mọi người tưởng nhớ đến gia tiên và cầu ước một năm nhiều may mắn.Tết này đúng vào rằm tháng giêng, đó là ngày trăng tròn của đầu năm mới. Tết Nguyên Tiêu năm Bính Dần – 2014 này nhằm vào ngày 14-02 dương lịch (Thứ 6) và trùng với ngày lễ Tình yêu - Valentine.

Tết Hàn thực : 
Đa phần Tết của người Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, Tết Hàn thực – vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm, đã trở thành một ngày Tết không thể thiếu trong năm của người Việt Nam theo phong tục cổ truyền. Vào ngày này, người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên.
Từ thời Lý, Tết Hàn thực đã được Việt hóa. Tết Hàn Thực giờ cũng hiếm thấy, chỉ một vài nơi phía Bắc,giáp với Tàu, còn miền Trung đổ vào thì không thấy . Người Việt Nam ăn tết Hàn thực với mục đích chủ yếu là để lễ Phật và cúng gia tiên. Tết Hàn thực ở Việt Nam không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện. Người Việt tượng trưng cho Tết Hàn thực bằng bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa đó là những thức ăn nguội (hàn thực) và gọi tết này là “Tết bánh trôi-bánh chay.”. Cũng xin nói thêm rằng nhiều người đã cho rằng Bánh trôi và bánh chay có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng sự tích bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương. Tục làm bánh trôi, bánh chay để nhắc lại sự tích ”bọc trăm trứng” của bà Âu Cơ.
Hiện nay, Tết này vẫn được duy trì ở miền Bắc, nhất là các tỉnh xung quanh Hà Nội.
Tết Hàn thực năm nay đúng vào ngày mồng ba tháng ba âm lịch hàng năm. Năm nay TẾT Hàn thực đúng vào ngày 02-04 dương lịch (Thứ Tư). Hàn thực có nghĩa là ăn đồ nguội. Nguồn gốc Tết này có ở Trung Quốc thời Xuân Thu

Tết Thanh Minh:
Tết Thanh minh có nghĩa là tiết trời mát mẻ, trong lành. Tết Thanh minh thường được tổ chức vào tháng hai hoặc tháng ba âm lịch và trùng với ngày 4 hoặc ngày 5 tháng 4 dương lịch tùy theo mỗi vùng miền
Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, từ xa xưa Tết Thanh minh đã trở thành lễ hội quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của biết bao người Việt Nam trong và ngoài nước, so với các Tết khác Tết thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam – bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên. Từ ngàn xưa ông bà ta đã có câu :
“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”
Cũng chính vì ý nghĩa của Tết Thanh minh nên từ năm 2007, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nâng lên thành quốc giỗ, quốc lễ  vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, lễ hội  này ở một số nơi như dân tộc Mường ở phía Bắc, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã diển ra  từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng), hành hương tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên Đền Thượng.
Năm 2013 này ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đúng vào ngày 09-04 dương lịch (Chủ nhật).

Tết Đoan ngọ: 
Tết này còn có một tên gọi khác là tết Đoan Dương
Trước hết là xuất xứ của ngày tết này có liên quan đến cái chết vào ngày 5/5 âm lịch của Khuất Nguyên ở sông Mịch La, một vị quan của nước Sở (Trung Hoa cổ đại) cách đây hơn 2.000 năm.
Tết Đoan Ngọ bắt đầu từ giữa trưa giờ Ngọ.Theo học thuyết âm dương ngũ hành, Ngọ được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa. Trong một ngày, dương khí cao nhất là giờ Ngọ. Trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần (đầu tháng). Trong năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ (tháng 5). Như vậy, dương khí đạt cực điểm vào giờ Ngọ của ngày Ngọ đầu tiên trong tháng Ngọ.
Nhưng tại sao người ta lại chọn ngày 5/5 mà không chọn ngày Ngọ đầu tiên của tháng 5 làm tết này ?
- Thứ nhất là để mọi người dễ nhớ.
- Thứ hai là để tưởng nhớ Khuất Nguyên.
- Thứ ba, theo lịch cổ thì ngày này xuân vận đã hết, hạ vận chuyển sang. Sự chuyển tiết giữa hai mùa dễ gây bệnh thời khí ở con người. Sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển, gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Bởi vậy vào tiết này, người ta làm lễ dâng hương cầu cho sâu bọ có hại bị tuyệt diệt, người tai qua nạn khỏi, được mùa.
- Thứ tư, 5/5 là ngày cực dương hoặc gần với cực dương, con người cũng như mọi vật cần dự trữ năng lượng để chống lại dương khí quá cao của trời đất. Họ cần ăn một số hoa quả hay thực phẩm giàu năng lượng như trứng luộc, cái rượu, cháo chè kê, bánh đa, uống rượu xương bồ… để khai mở cửu khiếu (9 cái lỗ tự nhiên trên cơ thể), thông dương khí hòa cùng trời đất. Nhiều người còn ăn những hoa quả có vị chua như mận với hàm ý giảm sự mãnh liệt của Can (gan khí), hạn chế những tác động xấu tới tạng Tâm và hệ thống mạch máu.
Nhiều người cho rằng vào tết Đoan Ngọ, cây cối sẽ tích trữ nhiều dược chất để chống lại dương khí khắc nghiệt. Do đó nhiều lương y tổ chức hái thuốc vào trưa 5/5 để mong có hiệu quả cao hơn.
Tết Đoan Ngọ năm 2014 đúng vào ngày 02 – 06 dương lịch (Thứ 2).

Tết Trung Nguyên :
Lễ rằm tháng Bảy trùng với Tết Trung Nguyên của đạo Lão. Ngày xưa, tin theo sách Phật, người dân cho rằng ngày rằm tháng bảy là ngày vong nhân được xá tội. Lễ lớn tại các chùa, gồm có: lễ Vu Lan của Phật giáo (còn gọi là lễ xá tội vong nhân) – lễ báo hiếu của nhà Phật: cầu kinh giải oan, lễ mở cửa xá tội vong nhân, lễ cúng vong và thí thực. Đây cũng là ngày địa quan xá tội cho các linh hồn chết được lên trần hưởng lộc. Bởi vậy trên dương thế mọi gia đình đều làm cỗ bàn, đốt vàng mã cúng gia tiên và đồng thời cúng những linh hồn bơ vơ không được ai chăm sóc. Người ta cũng thả chim lên trời, thả cá xuống sông, để làm điều phúc đức.
Tết này có tục cúng cháo tại các cầu quán, đình chùa. Còn ở tư gia, ngoài lễ cúng Thổ Công, người ta còn bày ra trước nhà cháo để cúng gia tiên cho các cô hồn. Và tục đốt mã, tục này có từ bên Trung Hoa truyền sang ta. Nguyên đời xưa dùng đồ bạch ngọc để cúng tế. Ðời sau, vì bạch ngọc đắt và hiếm, người ta dùng tiền để thế cho bạch ngọc. Những tiền này cúng xong đều bỏ đi, rất phí tổn. Trước sự phí phạm này, vua Huyền Tôn nhà Ðường ra lệnh dùng tiền giấy thay cho tiền thật.
Những thoi vàng, thoi bạc giấy được cúng thay cho vàng bạc thật, những hình đồng tiền vẽ trên giấy được cúng thay cho tiền quan. Ðến đời vua Ðường Thế Tôn, quan Từ tế sứ, lo việc tế tự là Vương Dữ, đã cho cúng toàn tiền giấy rồi đốt đi. Về sau, từ đời Ngũ Ðại, có thêm tục cúng quần áo, mũ và đồ dùng bằng giấy. Ta theo ảnh hưởng đó, cũng có tục đốt mã.
Rằm tháng 7 và tết Trung Nguyên năm 2014 đúng vào ngày 10 -08 dương lịch (Chủ nhật).

Tết Trung Thu: 
Tết này là rằm tháng tám. Tết này còn gọi là Tết thiếu nhi…..Tết này đúng vào ngày 08-09 dương lịch (Thứ hai)

Tết Trùng Cửu: 
Tết này còn có tên gọi khác là tết Trùng dương. nhằm vào ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch hàng năm. Đây là tết truyền thống quan trọng trong dân gian TQ Trong mấy cái Tết của Andi đưa ra, thì cái Trùng Cửu (9/9 Âm lịch) là đặc Tàu, Việt mình không có truyền thống ăn cái Tết này. Mỗi khi đến ngày này, mọi người đều dìu già dắt trẻ, đi leo núi, ngắm hoa cúc, còn cắm thủ dũ (một loại thực vật để làm thuốc có mùi thơm), ăn bánh bò. Theo giải thích của nhiều người, ngày này gọi là tết Trùng cửu là vì người xưa lấy 9 là “số dương”, ngày 9 tháng 9 là 2 số 9, cũng tức là ngày trùng cửu. Theo thời cổ Tết Trùng Cửu còn có ý là “Trường thọ”. Bởi vì người ta cho rằng, những tập tục của tết Trùng Cửu”có thể khiến con người trường thọ”. Thêm nữa về lai lịch của ngày tết Trùng cửu, còn có một truyền thuyết mang đậm màu sắc thần thoại, bắt nguồn từ sự tích của Đạo Lão. Trước đây nhân dân ta trong dịp này uống rượu cúc nhấm với cá khô để thưởng ngoạn Tết Trùng dương. Tết Trùng cửu năm 2014 nhằm vào ngày 02-10-2014  (Thứ năm)

Tết Trùng Thập : 
Tết này nhằm vào ngày 10 tháng 10 âm lịch. các thầy thuốc bắt và thuốc Nam đều chọn ngày này đi hái lá thuốc về sao vàng, hạ thổ vì họ cho rằng trong ngày tết này tích tụ được sắc của bốn mùa Xuân- hạ- Thu- Đông. Còn nhân dân trong ngày Tết này thường hay làm bánh dày, nấu chè để cúng tổ tiên. Tết này năm 2014 đúng vào ngày 01-12 dương lịch ( Thứ hai)

Tết Cơm mới 
Người ta truyền tụng rằng vào đời nhà nhà Lý cách đây 1000 năm, Tết này tổ chức vào ngày mùng 1 hay ngày rằm tháng mười âm lịch tùy thuộc vào vụ mùa kết thúc sớm hay muộn. Bởi vậy trong dân gian có câu: "Rằm tháng mười, mười người mười quảy”. Tết này được người dân ở nông thôn tổ chức rất trọng thể, vì đây là dịp nấu cơm mới cúng tổ tiên, sau là hưởng lộc cày cấy một năm

Tết Táo Quân: 
Tết này nhằm vào ngày 23 tháng 12 âm lịch. Ngày xưa người dân cho rằng ngày này vua bếp lên chầu trời để tâu việc làm ăn của gia đình mà mình đã ở một năm. Tết này ở năm 2014 trùng đúng vào ngày 11-02-2015 dương lịch
Tết Dương Lịch : Đây là cái Tết của phương tây và cũng là cài Tết mọi người được nghỉ lễ
Cuối cùng là tết Ất Tỵ 2015 tiếp theo.

Andi Nguyễn Ánh Nhật




15 nhận xét :

  1. Hihihi.....TEM TEM TEM cho HQ đó nhé ANN .

    Trả lờiXóa
  2. hihihi......HQ chỉ có 2 cái tết thôi TẾT NGUYÊN ĐÁN và TẾT TRUNG THU còn thì.....mấy tết kia hình như không có thời gian để nhớ nữa đóa ANN ơi .hihihi....Tết Dương Lịch còn không được nghỉ mà ....hì..hì....sao tính TẾT được .hahaha...

    Trả lờiXóa
  3. Sang nhà anh, đọc Entry này em mới biết một năm có nhiều cái Tết đến vậy.
    Cảm ơn anh và chúc anh chiều đầu tuần an vui, hạnh phúc

    Trả lờiXóa
  4. Qua thăm em được biết thêm nhiều cái Tết quá làm chị tím không nhớ hết được đâu em à!
    Chiều nhiều niềm vui bên em và gia đình nha! tím thân mến chúc em.

    Trả lờiXóa
  5. Chắc tuỳ dân tộc,tuỳ vùng miền tổ chức những lễ tết khác nhau em nhỉ?chị chỉ biết những lễ tết chung của cả nước thôi!Nhờ em thống kê chị mới biết thêm nhiều ngày lễ rết nữa đấy,cám ơn em.
    Chúc em luôn vui.

    Trả lờiXóa
  6. Andi Nguyễn Ánh Nhật Nhiều tết quá Chúc em luôn luôn vui như tết

    Trả lờiXóa
  7. Ơ, hoá ra xưa giờ mình không biết là Việt Nam nhiều Tết như vậy! Cám ơn bạn đã bổ sung cho mình những kiến thức đáng lẽ ra phải biết này! :)

    Trả lờiXóa
  8. Chắc chỉ có nước mình mới có nhiều cái tết và ngày lễ như vậy, đó cũng là nét đặc thù của văn hóa dân tộc mình, nhưng nếu không khéo thì những ngày lễ, tết đó sẽ trở thành xa xỉ với một đất nước còn nghèo như nước mình. Chúc em có buổi chiều vui .

    Trả lờiXóa
  9. Mã đáo thành công bác Nhật nhé

    Trả lờiXóa
  10. Ngày em còn nhỏ, bà nội em thường cúng những Tết này: tết Nguyên tiêu; Tết Hàn thực. Tết Đoan ngọ (còn gọi là Tết giết sâu bọ anh ạ); Tết Trung nguyên.
    Em nhớ và thích Tết Đoạn Ngọ nhất, vì được ăn vải, mận thỏa thích.
    Em ấn tượng với Tết Trung nguyên, vì bà em nấu cháo trắng rồi em và mẹ dùng lá chuối túm tưngf túm nhỏ và đem ra ngoài đường treo lên những cành tre, cành duối chứ không phải là để ở trong bát và cúng ngoài sân như bây giờ anh ạ

    Trả lờiXóa
  11. Bài viết thật hay và rất có ý nghĩa bổ sung kiến thức về nền văn hóa cổ truyền của dân tộc ! Thật ra chị cũng không biết là VN mình lại có nhiều Tết đến thế ? Bây giờ chị mới được học hỏi thêm là nhờ em đấy . Cảm ơn em rất nhiều Ánh nhé . Tuần mới vui nhiều nha em ...

    Trả lờiXóa
  12. UI trời sao nhiêu tết thế anh...Hum nay có anh thống kê ra em mới biết hết đấy...sắp tết rồi anh đã sắm sửa đc gì chưa???

    Trả lờiXóa
  13. Hay vậy, em tưởng có mấy cái tết thôi chứ ... Anh moi ở đâu ra mà dây dây dọc dọc thế ? :))

    Trả lờiXóa
  14. Lần thứ hai mới viết còm được nè Nhật ui. Hỏng hiểu bị sự cố gì nữa, hic...
    Giáo viết lần trước là chỉ ăn có một cái Tết âm lịch mà còn... ngất ngư. Nếu ăn cho đủ hết những cái Tết của Nhật kê ra đây thì Giáo đây vừa nghèo vừa khổ luôn đó, huhu...

    Trả lờiXóa

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC