28 tháng 4, 2013

Canh Bầu nấu với cá Trê !


Nhớ những năm 90 thế kỷ trước, tôi là  tay “dịch giả” cộng tác cho một số tờ báo, tạp chí thời bấy giờ như Báo Công an Quảng Nam- Đà Nẵng, Tạp chí Kiến thức ngày nay, Tạp chí Phổ thông, Mỹ thuật thời nay v.v.v. Rồi có khi khan hiếm tư liệu dịch, tôi  “trổ tài” chuyển sang viết lách. Với tôi viết là một điều quá khó so với.. ….dịch ( Nhưng khi dịch thì lại thấy khó hơn là..….. viết)! Vậy là tôi đã chọn cách viết như thế nào để dể xâm nhập vào làng báo, làng văn bấy giờ, đó là viết về những món ăn Đất Quảng như Mít non nấu với Cá chuồn, Mì Quảng, bánh bèo v.v.v. Khi vào Sài gòn năm 1993, tôi cũng chọn một số món ăn dân dã của Miền Trung khác “Tấn công” tạp chí “Áo trắng” với mục đích “làm quen” tờ báo. Tuyệt nhiên là không có món “Canh bầu nấu với cá trê” cũng vì nhiều lẽ…. bởi tôi chưa biết món ăn này khi còn sinh sống ờ Miền trung, bởi ở đây bầu thường hay nấu với tôm đồng . Rất ngon!
17 năm sau, tôi trở về Miền Trung, mỗi khi đến nhà của người quen thân thiết, tôi thường trổ tài “Yan Can Cook” với món Canh bầu nấu với Cá trê tôi đã ăn thường ngày ở Miền nam. Có lẽ đây là món ăn người miền Trung không quen, bởi tôi từng nghe nhiều bà nội nói : “Bầu nấu với Cá trê. Tanh! Ai chịu được !?”. Vậy mà tôi vẫn  “trổ tài” nấu món canh “Bầu nấu với cá trê” và đọc cho người ta nghe hai câu ca dao:
“Canh bầu nấu lộn cá trê
Anh đi làm rể, anh mê canh bầu”
Đó là câu ca dao đời nay nhưng không biết xuất phát từ đâu? Nhưng khi đọc hình ảnh Cá trê và trái bầu lại hiện về thật giản dị và mộc mạt như làng quê nước Việt , như tình thủy chung, hạnh phúc vuông tròn trong mái ấm gia đình trong câu ca dao :
“Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”



   
Bầu – Tên khoa học: Lagernaria siceraria (Molina) Standl và có bao nhiêu loại bầu? Chúng ta có thể kể những loại bầu sau : Bầu trắng, Bầu thước, Bầu sao, Bầu thúng hay bầu nậm…. Cây bầu có nguồn gốc Châu Phi và Ấn Độ, ngày nay được trồng rộng rãi ở các nước vùng nhiệt đới và á nhiệt đới trên thế giới. Trái non là bộ phận sử dụng để luộc, nấu canh hay xào khi ăn hoặc thái nhỏ, có khi người ta còn phơi khô để ăn dần. Bầu là loại trái mọc trên thân dây leo. Ở Miền trung, người ta thường gieo hạt vào khoảng tháng 11, 12. Còn ở Miền nam bầu được trồng quanh năm, mùa nắng cho trái nhiều hơn mùa mưa. Bầu là loại cây dễ trồng, không cần bón phân chỉ cần tưới nước nhiều và bón thêm dưới gốc một mớ rơm, trấu mục v.v.v.Trái bầu phát triển 10 – 12 ngày sau khi trổ hoa là có thể thu hoạch để ăn. Cắt trái để ăn khi vỏ còn mềm, trái thon dài, hạt bên trong vừa tượng là ngon. Không nên để trái già, bà con ta thường bắt giàn cho dây bầu leo lên. Chỉ cần nhánh tre ngoài vườn, mớ đọt chà thả qua thì dây bầu cứ vươn ra thỏa thích. Giàn bầu vừa che bóng mát vừa tạo nên cảnh quan môi trường thơ mộng. Ở ngoài quê tôi, mùa này trời nắng gắt, ai đó đi đường tạt vào, được chủ mời uống ngụm nước , ngồi hóng mát dưới giàn bầu hít thở không khí trong lành thì thật là… …dễ chịu
Còn cá trê ? Tên khoa học là Clariidae. Loài cá này có nhiều họ, nhiều nhánh, nhưng tất cả đều sống ờ nước ngọt .Cũng phải nói có nhiều loại cá trê như cá trê vàng, cá trê trắng, cá trê dừa, cá trê năng v.v.v
Mọi thứ đã sẳn sàng chúng ta cùng thử nấu thật dể dàng như “Yan Can Cook :
Cá trê được làm sạch bằng nước muối hay với tro bếp hoặc nước trà với chanh, nhớ móc bỏ cục “máu tanh”ở hai bên mang cá ra, cho cá vào nước sôi để luộc.


Bầu dài!
Bầu gọt vỏ và xắt sợi để sẵn. Khi nước sôi, để lửa lớn cho đến khi nào thấy da cá nứt, hình dáng cá hơi cong là đã chín. Vớt cá ra cho vào một tí nước mắm, tiêu, ít lá hành xắt nhuyễn để cá dậy mùi thơm. Sau đó cho Bầu vào nấu. khi sôi nhớ vớt bọt, bầu đã chín trong xanh cho đĩa cá trở lại nồi, chờ nước vừa sôi lên lại là xong! Cá lại vớt ra riêng, đặt nguyên khúc trên đĩa chấm với nước mắm gừng là…..hết biết!
Cá trê nấu với bầu, đặt biệt lại thơm lừng hơn nấu những thứ khác, và sợi bầu và nước trong veo
Còn một cách bạn nấu như kiểu nấu canh cá lóc ở Miền trung. Đó là  sau khi cá Trê được làm sạch rồi bỏ vào nước sôi luột chín. Nước dùng để nấu canh, còn cá được “tao” lấy sạch xương và ướp với hành tỏi và một ít nước mắm, knor trong vòng 10 phút. Xong bắc chảo lên xào cá đã ướp sẽ nghe thơm ngát, rồi cho vào nồi canh bầu khi vừa sôi.
Đây là món ăn Việt có bản sắc riêng rất độc đáo, rất đáng tự hào, nhiều chất, nhiều vị, vừa ngon và có lợi cho sức khỏe. Chần chừ gì nữa, bạn hãy tự tay làm đi, rồi bạn sẽ thấy sau một ngày làm việc vất vả, một tô canh nóng “ Bầu nấu với cá trê” thơm mùi ngò hành bưng lên, bạn húp mồ hôi như vã ra, mệt nhọc sẽ cùng tan nhanh như khói, ăn với cơm gạo của miền quê Xứ Quảng, như Vợ tôi có khi xới ba bốn chén lúc nào chẳng hay!
Andi Nguyễn Ánh Nhật !


4 nhận xét :

  1. Xem một loạt bài nhà anh, đang tự hỏi hổng biết chủ nhân nhà này có phải là người có tâm hồn ăn uống bao la bát ngát hông nữa ?
    Từ món bình dần đến cap cấp, thượng vàng hạ cám chi anh cũng gom gần hết rùi !
    Hè này em cũng ra Đà Nẵng,bắt chước anh 1 chuey61n ! hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À! Tâm hồn anh có ăn luôn cả ...uống nữa đó Đan Thùy ơi! Mong một lần em đi Đà Nẵng thăm chơi. Thân!

      Xóa
  2. Nghe cũng hơi lạ đó sếp ạ em chỉ biết cá trê kho tộ thôi ,mà bầu chỉ nấu với hến hay tôm, chẳng lẽ hôm nào phải thử ...hihi

    Trả lờiXóa
  3. Anh lại chưa ăn món cá trê kho tộ này, nhưng theo cách anh làm ở nhà mình là cá trê kho gừng. Nhưng trước khi kho cá nên nướng con cá cho vàng rồi kho. Em có biết nó ngon ...ngậm nghe và ăn rất hao cơm.Heee

    Trả lờiXóa

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC