5 tháng 4, 2013

Mẹ tôi là Vua đầu bếp!


 

Ngôi nhà cổ xưa có hơn 100 năm tuổi đã có "trùng tu", nơi ba mẹ tôi đang sống.....hai mình!
Tôi thường hay gọi mẹ tôi là như thế! Mẹ là vua đầu bếp, nhưng đâu chỉ có mẹ tôi mà tất cả bà mẹ Việt Nam, ai ai cũng đều là vua….. Với riêng tôi, mẹ phải là vua dù cho ai đó cho rằng …. một vua không ngai (!). 
Gia đình tôi sinh sống ở vùng nông thôn nghèo khó, những năm tháng thời bao cấp thiếu gạo, thiếu khoai, mẹ tôi phải nuôi …..sáu người con nhưng mẹ chẳng cần vú nuôi hay nhờ con, nhờ cháu. Ba tôi là một thầy giáo nghèo, còn mẹ, ngoài chuyện đồng áng, về nhà mẹ chỉ quanh quẩn trong nhà để chăm lo cho chồng với con từng miếng ăn, miếng uống.

Gia đình là bầu trời thương, là bầu nhớ của mẹ! Từ ngày mẹ lấy chồng rồi sinh con đẻ cái, bao nhiêu năm rồi mẹ vẫn là người đầu bếp chính cho cả gia đình tôi. Và cũng như bao nhiêu người phụ nữ phương Đông gian bếp nhỏ là không gian gắn bó với suốt cuộc đời của mẹ. Nhớ ngày xưa kia, lúc bếp ga chưa về thay thế “Ông táo” bếp củi, lửa rơm, nên căn bếp nhà tôi quanh năm đen đúa màu bồ hóng. Người đời thường bảo muốn hiểu chủ ra sao, hoặc người giàu sang hay nghèo khó, chỉ cần bước vào căn bếp là biết điều rõ rệt. Nhưng nhà tôi ở nông thôn, gian bếp cũ khi ấy ba tôi làm lại trông quá đơn sơ, đó là một khoảng không gian nhỏ hẹp chỉ có 4 mét vuông, nó nằm trong khoảng cách nhau của bậu cửa nhà dưới với lối bước ra sau hè vườn chuối, bờ tre. Một khoảng chu viên nhỏ dành cho gian bếp, ba tôi “thiết kế” đến…..hai lò, một nấu trấu và một nấu rơm. Thật nhỏ và "rền rang" vậy, nhưng mỗi khi nấu một bữa ăn xong, mẹ tôi đều dọn dẹp thật là gọn gh. Một bó củi gai góc hay bó rơm có xù xì nhưng khi đã ở trong gian bếp nhà tôi rồi cũng hàng hàng tắp tắp. 
 Tôi đang đứng trước vườn cây cảnh (bên phải), nơi ba tôi đã trồng gần 30 năm

Thuở còn bé, ngày tôi còn Nội, tôi biết bà có tiếng cốt cách của một “Bà già xưa”, bà là vợ của một người đàn ông có chức sắc trong làng , trong xã. Và mẹ tôi về làm dâu Nội từ cái thuở “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Nội chọn mẹ vì Nội tin mẹ tôi sẽ là người dâu hiền thảo, giản dị và đảm đang. Tôi biết ở đời bà ít vội tin cái mẽ bên ngoài. Có người chỉ bình thường, dung dị nhưng bà lại tin ẩn trong hình dáng chất phát ấy là những bà Tiên, ông Phật…. Còn có khối người đàn bà, con gái trông cứ sáng choang, thơm nựng mùi nước hoa xa xỉ, nhưng có khi bà lại nghĩ là những người không biết làm dâu hay biết nấu một cái thứ chi chi……. . Nay ngẫm nghĩ lại những trải nghiệm của Nội bao giờ cũng đúng!

Mẹ thường nói với chúng tôi “Hạt cơm như một phép tiên, hạt muối như viên thuốc bổ, hãy quý và nâng niu hạt cơm như từng giọt máu..”. Nhớ mỗi sáng sớm, mẹ phải rón rén xuống bếp nấu cơm cho chúng tôi ăn đi học, còn ba đi dạy ở một ngôi trường trong xã. Mẹ “âm thầm và lặng lẽ” bao nhiêu nhưng tiếng nồi cơm sôi cứ kêu lên sùng sục. Mùi thơm của “Hạt gạo làng ta” đã len lỏi lên tận nhà trên buộc cho cái ngái ngủ buổi sáng sớm của mọi thành viên trong gia đình chúng tôi gần như tỉnh hẳn. Thật d chịu biết bao!. Cuộc sống thường ngày của phụ nữ ngày xưa, mẹ tôi cũng chẳng suy nghĩ điều gì ngoài việc chăm lo chồng con no đói. Mẹ nghĩ thật giản dị,  tiếng gà gáy sớm hay tiếng heo đói, vịt kêu inh ỏi trong mỗi sớm mai, mẹ thức dậy xuống bếp, nấu cho chồng con ăn là một cách để mẹ hạnh phúc. Mẹ tôi đã yêu cuộc đời này là thế, hơn tất cả những hạnh phúc đã có trong cuộc đời của mẹ!

Hàng ngày mẹ đã nấu ra cho chúng tôi ăn, những hạt cơm trắng như dòng sữa, thật đậm tình mẹ con và đậm chất nhân văn. Những hạt cơm trắng ngần trong lòng bát, lại ngào ngạt hương quê và như thể tràn đầy tình phụ mẫu yêu thương.

Chỉ với “công thức” nấu cơm, mẹ như “thừa” kinh nghiệm. Có lần mẹ dặn dò và truyền kinh nghiệm cho hai chị gái của tôi từ lúc nhỏ : “Sau này con gái lớn, nhớ nếu nấu cơm mà gặp phải gạo cũ là vo thật sạch, rồi dùng nước ngâm cho được 2 tiếng, xong mới vớt ra để cho ráo nước. Sau đó, con mới cho gạo vào nồi, đổ một lượng nước sôi vừa phải, nhớ thêm 1 thìa dầu thực vật hoặc mỡ lợn trộn đều , dùng lửa to đun sôi, rồi tiếp tục dùng lửa nhỏ đun cho đến khi chín. Nấu bằng cách này, con sẽ thấy cơm sẽ ngon như cơm hạt gạo mới. Còn nữa, thường thường người ta nói nấu cơm bằng nước sôi chỉ khi nào gấp gáp, nhưng thực tế, đó lại là cách nấu khoa học nhất đó con. Vì khi nấu bằng nước sôi, lượng vitamin B1 có trong gạo sẽ không bị mất đi, vừa đảm bảo chất lượng gạo, cơm lại ngon…”. Nghe lời mẹ căn dặn chị, tôi cứ nghĩ mẹ không là một nhà dinh dưỡng học, nhưng chí ít ra cũng là người ham đọc sách báo và học hỏi xung quanh…

Nay cuộc sống đã sung túc hơn, nhiều nơi, nhiều vùng xa xôi cũng đã đun bếp điện, bếp ga và người người được ngồi ăn những bữa cơm dưới ánh đèn Nê-ông sáng quắc. Nhưng có lẽ mọi thứ xa xỉ hôm nay vẫn không làm tôi quên được những hạt cơm trên đôi đũa tre được mẹ nấu khói đến cay xé đôi mắt bằng nắm rơm, nắm rạ hay mớ củi ngoài bờ rào mang vô. Cơm với rau luộc, cá kho mẹ nấu thật dễ dàng như một thứ trò chơi “ Buôn bán đồ hàng” của bầy em bé gái nhỏ. Quả thật là mẹ đã nấu quá ngon dù chúng tôi có ăn trong chiếc bát sành sứt mẻ và cơm xới trong chiếc niêu đất ám nặng khói tro. Với :

“Hạt gạo làng ta

Có bão tháng bảy

Có mưa tháng ba

Giọt mồ hôi sa

Những trưa tháng sáu...”  (Hạt gạo làng ta)
                Đồng lúa xanh trước nhà tôi ở quê Quảng Nam!

Và mẹ nấu bữa ăn nào, ngày nào cũng là nhất nhất !

Vua Yan Can Cook khi nấu ăn có biết bao cộng sự giúp việc cùng đội dụng cụ, đội nồi xoong chảo, có “bác bếp tuyệt vời” để có thể muốn lửa to hay lửa nhỏ tùy ý. Còn mẹ tôi khi ấy hàng ngày lo chồng con ăn trong giữa đám tro trấu xù xì, nhưng lúc nào hồn mẹ cũng gửi hết vào từng miếng rau, khúc cá, tô canh nên bữa cơm quê ngon đến lạ lùng. Hơn cả sơn hào hải vị chúng tôi từng được hưởng ngày hôm nay. Mẹ tôi không phải là một trong những tay đầu bếp lừng danh, hay là những học giả phải bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu và tiền bạc học hành, rồi để viết hay nấu ra những cuốn sách với thiên hình vạn trạng những món ăn  Á , Âu…..

Mẹ tôi chẳng biết làm buffet, và không biết nấu những món ăn Tây nhưng có lẽ không nhà đầu bếp giỏi nào như mẹ tôi là làm được nhiều món ăn dùng cho cả nhà mà chỉ cần một nguyên liệu chính.

Nhớ lịch sử xa xưa gạo cơm áo khó, có hôm rau muống hái từ vườn đem vào, mẹ chỉ mua thêm một chén hến luộc Hội An. Như một trò chơi, mẹ tôi quả tài tình nấu ra những món ăn ngon hết biết. Có khi bữa ăn chỉ toàn là những món rau muống, rau muống nấu canh hến, rau muống trộn đậu phụng rang, rau muống xào tỏi. Vậy mà sau khi mẹ kỹ càng dọn đặt trên bàn những món ăn “toàn rau” nhưng tôi nghĩ đến Yan Can Cook cũng phải….ngắm nhìn (!?). Tất cả những món ăn được dọn lên, món nào cũng nóng bốc mùi thơm ngun ngút. Mẹ thường hay nói : “Người Việt thích ăn nóng, nên vậy thì mới ngon !”. Tô canh rau muống với hến, mẹ nấu thường có màu đục gần như dòng phù sa của đất, khói và mùi thơm của hến cứ ngang ngát bay xa, nhưng cọng rau muống lại rất xanh, xanh tựa như là mầm sống…… Rau muống nấu với hến có điều chi đâu lạ, vậy mà cái mùi hến thấm nguyện vào rau như lòng tôi với mẹ bao giờ cũng ngọt ngào và thiết tha….

Bây giờ khi tôi đã quê hương, xa vòng ôm của mẹ, nhưng tôi đã quen với món “rau muống nấu canh hến” mẹ nấu ngày xưa. Một vài tháng không ăn khi ở đất khách quê người, tôi lại nhớ một nét quê hương Quảng Nam, ôi quá chi là gần gũi.

Nhớ món canh hến mẹ nấu ngày xưa, nếu bây giờ ăn một miếng là như đã nghe thấy tiếng nói của hồn quê, hay chỉ nhấm nháp chút xíu là con tim như đã rưng rưng nỗi nhớ. Món canh này thật là giản dị, nguyên liệu chỉ là rau lá trong vườn có sẵn với đặc sản hến của vùng quê đất Quảng - rất sạch sẽ và rất thơm ngon

Ngày xưa mẹ tôi bảo : “Ăn uống không chỉ như chỉ là nạp năng lượng để có sức làm việc mà ăn uống có khi còn như một nghi lễ, ăn phải nhấm nháp món ăn như nhìn một bức tranh nghệ thuật”. Người ta thường nói “Miếng ăn là miếng tồi tàn”. Đừng nghĩ thế, món ăn nay đã thành nghệ thuật rồi, không còn là vật chất thô tục nữa mà đó là vẻ đẹp thanh cao của tinh thần con người không phải đó sao!”

Còn với hàng xóm, mẹ người sống có tình người và tình làng, nghĩa xóm như vốn văn hóa sống cộng đồng của những bà me Việt Nam. Mẹ thường sẻ chia với hàng xóm láng giềng những kinh nghiệm cuộc sống, kinh nghiệm nấu nướng, như những ngày chúng tôi còn nhỏ là kinh nghiệm nuôi con. Như khi xưa, những ngày trời yên biển lặng hay vụ mùa khấm khá, mẹ mua về nấu cho chúng tôi những món không gì cho sang mà dinh dưỡng là mối quan tâm hàng đầu của mẹ.

Bây giờ có những lần tình cờ tạc về quê thăm mẹ. Đường làng nay được bê tông hóa khắp nơi, mọi chốn. Xe Honda đời mới ngược xuôi, bọn trai trẻ cứ nẹt pô ầm ỉ, tôi lại thèm nghe một tiếng gà gáy trưa hay một tiếng heo đói kêu inh ỏi.  Ngôi nhà xưa tôi ở đã được sửa chữa khang trang. Mẹ vắng nhà chưa gặp, chạy xuống bếp không thấy mẹ lòng lại càng buồn thêm. Tôi bật lửa chiếc bếp ga đời mới mà chúng tôi đã mua thay thế cho mẹ từ lâu. Không biết sao lòng lại như muốn một điều nghịch lý đó là căn bếp có chút tro bay cho sặc sụa, hay có chút khói um tùm như thuở xưa lúc cơ hàn mẹ nấu.

Mẹ tôi là vua đầu bếp! Ai ai cũng có mẹ và cũng nghĩ như tôi. Tôi bây giờ đã lớn và cứ muốn thốt lên :  “Con yêu mẹ! Mẹ đã nuôi con đã lớn và trưởng thành nhưng nay con cần có mẹ hơn thuở nhỏ đó mẹ yêu ….!”

Andi Nguyễn Ánh Nhật

23 nhận xét :

  1. thật hạnh phúc cho những ai còn mẹ- vậy mà nhiều người bây giờ diều kiện có- nhưng nuôi ba mẹ thì những ng con lại thấy như một trách nhiệm nặng nề-
    ..........
    cơn bệnh nặng đã cướp mất ba mẹ của mưa khi mưa còn rất nhỏ- những kỷ niệm ngắn ngủi về ba mẹ vẫn luôn trog suy nghĩ , giúp mưa vững vàng hơn suốt bao năm qua..
    thật đồng cảm và chia sẻ cùng bài viết của a..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Mưa đã đồng cảm và chia sẻ bài viết này của tớ. Mình hạnh phúc khi còn ba mẹ dù tuổi đã 84, nhưng anh em mình tất cả sống xa quá (Saigon), không biết một vài năm nữa tính sao đây?, "cưỡng chế" là không được rồi?. Mưa có cách nào hiến kế với mình với!?

      Xóa
  2. Đọc bài này, anh làm em nhớ nội em quá. Nhớ cái ngày ở quê nhà làm gì có đồ ăn, cả đám trẻ con trong nhà chờ nội giở nồi cơm để xin ...cơm cháy. Cơm cháy nấu lò củi, nội em lấy ra vo thành từng vắt, làm chút mỡ hành , thơm ui là thơm. Có kh là khoai nấu độn cơm, bửa cơm chỉ có rau bao la món...
    Giờ đây, dù có thể ăn bất cứ gì mình muốn, nhưng chắc vắt cơm cháy ấy ...không có được nữa rồi.
    Mẹ anh, nếu đọc được những lời này, chắc bà vui và sống lâu hơn nữa
    Cảm ơn anh vì đã chia sẻ. Có lẽ, những người trẻ nên đọc để thấy giá trị của hai tiếng : " gia đình ".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ai cũng có kỷ niệm về miền quê phải ko Đan Thùy?. Còn cha mẹ bậc sinh thành, bọn mình mang nhiều công ơn quá!.Khi bây giờ ở tuổi này chúng ta vừa làm con, vừa làm cha, làm mẹ mấy đứa nhỏ điều này mới thấm thía trong ta phải không Đan Thùy?. Cuối tuần chúc Đan Thùy vui!

      Xóa
  3. Sư huynh vui và viết nhiều nữa nghe anh! Muội theo dõi thường xuyên những bài viết của Sư huynh. Chúc sư huynh mãi ...đẹp trai!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Muội nhiều! Lâu ngày không gặp Muội cũng nhớ nhiều đó, làm ăn ra sao? Có người yêu chưa Muội? Phải giới thiệu cho anh Giai nghe!Thân!

      Xóa
  4. Nay Về nhà rồi hả anh, chà nhà xổ giá trị quá he. Cam ơn anh chia sẻ nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đâu, mình đang ở Tây Nguyên nơi bạn đang sống và làm việc đây! Không biết bạn ở đâu...Nhậu! Heee

      Xóa
  5. Chào đồng hương QN, quê mình thời nay đổi mới nhiều, người quê mình vẫn chân chất như hạt lúa củ khoai.... Mẹ bạn và có lẽ mẹ mình cũng rứa.... đều là vua đầu bếp.... Chúc mừng những ai đang còn cha mẹ để yêu thương...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào đồng hương "Quảng Nôm" ! Uhm! Mẹ là vua đầu bếp và "Quảng Nôm" chúng ta mãi ..yêu thương! heee!

      Xóa
  6. Cám ơn mẹ của chúng con,
    Nắng mưa khổ ải vẫn tròn niềm vui,
    Cho con một kiếp làm người,
    Cho con mật ngọt giữa đời đắng cay,
    Sáu con mẹ phải luôn tay,
    Làm vua đầu bếp đêm ngày chăm lo.
    Mỗi khi xa cách quê nhà,
    Con mơ bóng mẹ hiền hoà yêu thương.
    Cầu cho mẹ mãi thọ trường,
    Trong con có mẹ tình thương vô vàn.
    THĂM ANH VÀ KÍNH CHÚC HAI BÁC LUÔN MẠNH GIỎI ANH NHÉ.

    Trả lờiXóa
  7. một kỷ niệm đẹp về người mẹ dấu yêu,một tình cảm thiêng liêng nhất. chúc bạn ngày mới ấm áp, vui vẻ và tràn đầy niềm vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh Mẫn nhiều, kỷ niệm về mẹ là một vùng trời bao la!

      Xóa
  8. Sáng nay sang nhà em c tím được đọc bài viết sao mà cảm xúc c tím cứ dâng tràn. Người mẹ Quãng Nam!!! Tiếng gọi nghe sao mà thân thương quá đỗi. Mẹ c tím cũng là một vua đầu bếp tài ba của gia đình. Những món ăn tầm thường nhưng sao qua tay mẹ chế biến lại ngon đến như vậy. Đôi lúc nhớ lại c tím cũng không thể lý giải được là vì sao cũng cùng một món ăn nhưng lúc nhỏ ăn lại thấy ngon đến lạ. Phải chăng là do bây giờ ta có nhiều điều kiện hơn hay là ngày ấy món ăn mẹ nấu thắm đượm tình MẪU TỬ? Nhưng c tím lại không được sinh ra và lớn lên ở quê ngoại cho nên những gì thuộc về Quãng Nam mà c tím gặp trên trang blog này c tím đều đọc rất kỹ. Có một chút gì đó gắn bó thật gần gũi thân thương mặc dù c tím chưa một lần được về thăm quê...
    c tím luôn cầu mong cho những người mẹ của chúng ta luôn sống vui sống khỏe cùng con cháu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghe chị Chiều Tím là con cháu Quảng Nam, vậy mà chưa một lần về thăm quê! Cố gắng đi nghe chị! Quê hương Quảng Nam không đẹp hơn xứ khác, nhưng có nhiều cái hay, một lần chị về thăm rồi sẽ tựa hồ như" Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, như rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say". Chúc chị một tuần vui vẻ và hạnh phúc!

      Xóa
  9. Thật là hạnh phúc cho những ai còn mẹ phải không anh?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uhm! Mẹ thật thiêng liêng, hạnh phúc với tất cả những ai còn mẹ!

      Xóa
  10. Đi khắp thế gian không tốt bằng mẹ anh nhỉ…bài viết hay quá anh ạh,,,ngày mới bình yên anh nhé!

    Trả lờiXóa
  11. Bạn thật hạnh phúc khi còn ba với mẹ, Gái thì chỉ còn mẹ thôi ba mất lâu lắm rồi, bài viết thật nhiều cảm xúc rất hay, ghé thăm bạn chúc bạn tuần mới tràn đầy niềm vui!

    Trả lờiXóa
  12. Cháu sang thăm chú.Đầu tuần làm việc tốt nhé chú!

    Trả lờiXóa
  13. Mẹ là vua đầu bếp vì gia vị mẹ nấu có thêm cả ngọt của yêu thương ,đậm đà của nhọc nhằn cay đắng ,bao nhiêu nỗi niềm của cuộc đời mẹ dành hết những tốt đẹp hết cho con ,phải không ?

    Trả lờiXóa

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC