20 tháng 2, 2013

Hội chứng Freedom forever và “To be or not to be” của Hamlet !





Vừa phút trước, anh ấy là một người hoàn hảo, phút sau đã khiến bạn bực bội và ngán đến tận cổ. Lúc ấy, bạn đinh ninh rằng mình và anh ấy không hợp tính cũng như mối quan hệ này khó bền vững. Có ai đã từng rơi vào tình huống này chưa? Nếu câu trả lời là “có”, bạn có khá nhiều đồng minh đấy. 

Yêu và ghét, kiểu mâu thuẫn tưởng như không có đất diễn trong tình yêu. Thế nhưng, hầu hết các mối quan hệ lâu dài đều không thoát khỏi cảm xúc đối lập khó hiểu này.

Cảm xúc trái chiều trong một mối quan hệ. Nếu đang ở trong một mối quan hệ tình cảm đầy mâu thuẫn như vậy, hẳn bạn sẽ vô cùng bối rối để rồi dẫn đến một quyết định đáng tiếc: chia tay. Vậy mà khi cả hai đã trả tự do cho nhau, có người đau lòng phát hiện người ấy mới ....tuyệt. Cảm giác yêu đấy, ghét đấy là chuyện bình thường và hầu như ai cũng gặp, chỉ tiếc đã không nhận ra sự bình thường đó mà thôi.

Sống ở bên nhau, không ít người chán ngán và chỉ muốn bước ra khỏi cuộc hôn nhân. Thế nhưng, thật điên rồ đến khi lại cầu mong cuộc hôn nhân của người ấy mau chóng tan vỡ để được sống bên nhau và tiếp tục… chịu đựng nhau. Quả thật, đó là những suy nghĩ ở bản thân mà ai cũng có thể hiểu nổi. Những cảm xúc cực đoan và trái chiều là một phần không thể tránh khỏi trong các mối quan hệ.

Yêu và ghét là hoàn toàn bình thường


Các nhà tâm lý học gọi đây là hiện tượng vừa yêu vừa ghét, một dạng mâu thuẫn trong tư tưởng hoặc là “Hội chứng Hamlet”. Nếu Hamlet của Shakespeare cứ mãi quay quắt “sống hay không sống” thì nhiều phụ nữ hiện đại lại băn khoăn mình “yêu hay không yêu” người ấy.

Trái tim mách bảo họ đang yêu, cảm giác cho thấy họ hạnh phúc bên người mình yêu. Thế nhưng song song đó, đôi khi họ vẫn căm ghét nửa kia. Vì thế mới có chuyện nhiều người thấy mâu thuẫn và nghi ngờ ngay cả tình yêu của mình. Từ đó, một số chọn cách chia tay để đi tìm một nửa đích thực nhưng không bao giờ có thật. 

Còn nếu quyết định đi đến hôn nhân, sau một thời gian duy trì “trạng thái Hamlet”, họ sẽ mau chóng chán nản, thất vọng và đôi khi dẫn tới ly hôn với một lý do rất kinh điển: Không hợp nhau. Tuy nhiên, chẳng ai giống nhau một cách tuyệt đối để hoàn toàn hợp ý từ chuyện bé tí như thói quen, sinh hoạt hàng ngày cho đến lối sống, cách nghĩ. Vì thế, những mâu thuẫn của cảm xúc yêu và ghét là hoàn toàn bình thường và không cần thiết phải “điều trị”.


Lý do phổ biến khiến nhiều cặp chia tay:
Bạn thấy hạnh phúc khi người ở bên cạnh động viên, đưa ra lời khuyên khi bạn gặp khó khăn, thỉnh thoảng làm bạn bất ngờ. Ngược lại, bạn bực bội chỉ vì họ làm những điều không hợp ý. Thế nhưng, đó chỉ là những điều bé như hạt cát giữa sa mạc thôi, đúng không?

Bởi vậy, nó hoàn toàn là chuyện cỏn con so với tình yêu, một báu vật không dễ kiếm và giữa triệu người, bạn mới cảm thấy yêu một người. Hơn hết, họ yêu bạn, luôn bên bạn và biết cách sống chung với bạn. Vậy thì có đáng để những khó chịu vụn vặt làm tan vỡ một tình yêu?

Nếu ai đó cũng rơi vào tình huống này thì liệu họ có thực sự yêu và có nên tiếp tục, tôi sẽ quả quyết: "Có, bạn đang yêu và đừng để cảm giác tiêu cực làm lu mờ tình yêu".

Mâu thuẫn là một dạng tồn tại của những cảm xúc mạnh mẽ và trái chiều, như là yêu và hận, lòng tốt và sự thù địch mình dành cho cùng một người. Điều này giống như các bà mẹ đối với con của họ. Họ luôn ý thức sẽ dành tất cả tình yêu thương và thời gian cho con cái, nhưng lại không nén được cơn giận khi đứa con cứ gào thét hàng giờ.

Điều đó cho thấy, sự mâu thuẫn được hình thành trong đời sống hàng ngày và là một phần của cuộc sống. Trong cuốn “Being in love”, nhà tâm lý Judith Pickering đã nhận xét: “Khía cạnh khó hiểu nhất của các mối quan hệ thân thiết đều do những cảm xúc trái ngược tạo nên”. Trong khi đó, nhiều phụ nữ lại không dễ chấp nhận sự thật: Ở mỗi hoàn cảnh, chúng ta có những trạng thái tình cảm dành cho người yêu khác nhau, với các mức độ: say mê, chán nản, oán giận, ghen tỵ, sở hữu… Lúc này, nếu thiếu khả năng chịu đựng, bạn sẽ bị lầm lẫn trong cảm giác và dẫn đến suy nghĩ: “Mình không thật sự yêu người ấy”.

Một số nhà tâm lý lại cho rằng lý do phổ biến nhất trong những trường hợp chia tay là do mâu thuẫn. Việc này giống như sự biến chuyển từ trạng thái đam mê ban đầu thành lạnh nhạt, thờ ơ theo thời gian. Và hai trong những tín hiệu khiến nhiều người muốn chia tay là: “Em muốn anh hơn bất cứ điều gì, nhưng em vẫn còn rất nhiều ưu tiên khác. Vì vậy, xin đừng trông đợi ở em quá nhiều” hoặc: “Em muốn mối quan hệ của chúng ta càng thân mật càng tốt, nhưng lại không dám đến quá gần anh vì sợ tụi mình không đi đến đâu”. 

Những mâu thuẫn không thể giải quyết được có thể khiến con người mắc kẹt trong vũng lầy của sự không dứt khoát. Có người sẽ tìm cách giải quyết gút mắc theo kiểu: “Mặc kệ, đến đâu thì đến”. Tuy nhiên, cũng có người nhìn nó bằng một thái độ quá căng thẳng khiến cho cuộc sống càng trở nên trầm trọng với những thứ rối như tơ vò.

Giống như những đứa trẻ, hầu hết chúng ta có khuynh hướng nhìn thế giới qua hai màu đen và trắng, tốt hoặc xấu, đúng hoặc sai, hân hoan hay chán nản mà không nghĩ rằng: "Có lúc, cuộc sống là một ly Cocktail mà trong đó, nguyên liệu là tất cả cảm xúc trên". Đó là chúng ta chưa thực sự biết sống sao để yên bình cùng những lo lắng, mâu thuẫn và sự mơ hồ trong cuộc sống.

Rõ ràng trong cuộc sống, ngoài màu đen và trắng, chúng ta cần trải nghiệm nhiều hơn ở những vùng xám rộng lớn. Do đó, đừng ngại khi thấy cuộc sống đầy những mâu thuẫn khó hiểu.

Vì thế, tôi quả quyết những mâu thuẫn trong cảm xúc luôn tồn tại. Tôi cũng tâm đắc những lý giải dưới đây về sự mâu thuẫn của nhà tâm lý Neil Rosenthal:
- Bởi vì chúng ta sợ. Chúng ta sợ bị vạch trần. Chúng ta không muốn bị cự tuyệt.
- Chúng ta sợ gây ra những sai lầm mà chúng ta từng mắc phải trong quá khứ.
- Chúng ta sợ làm tổn thương chính bản thân. Chúng ta không muốn mạo hiểm.
- Chúng ta sợ rằng nếu ai đó hiểu quá rõ về mình sẽ không muốn có mình nữa.

Trên tất cả, sự mâu thuẫn luôn tồn tại và không thể bị “khai tử” trong cuộc sống. Chính vì vậy, một mối quan hệ không phức tạp, không sóng gió chẳng dễ đạt được. Bạn chỉ có thể đối mặt với nó một cách tích cực và đơn giản hóa nó tối đa mà thôi.

Nên nhớ:Mâu thuẫn là một dạng tồn tại của những cảm xúc trái chiều và là lý do khiến nhiều cặp chia tay.


Không vượt qua “hội chứng Hamlet”, bạn sẽ:

1. Mắc kẹt mãi mãi trong đầm lầy của sự do dự và những cơ hội tình yêu sẽ trôi qua một cách phí phạm. Tìm kiếm, yêu, nghi ngờ rồi chia tay, cứ thế, bạn chẳng bao giờ nhận ra người của đời mình vì ai cũng có những khuyết điểm khiến bạn không chịu nổi. Đến lúc nào đó, bạn một mình gặm nhấm nỗi cô đơn và tự an ủi: “Tất cả do duyên phận”. Thực ra, bạn đang thể hiện sự yếu đuối khi không dám đối mặt và chiến thắng mâu thuẫn để giành lấy hạnh phúc.

2. Có người sẽ phản ứng theo chiều ngược lại: chịu đựng những mâu thuẫn. Rong ruổi mãi mà chẳng có bến nào thực sự lý tưởng, bạn đành cam chịu chấp nhận sự thật.

Tuy nhiên, nếu không hiểu hết bản chất của “hội chứng Hamlet” mà cứ chấp nhận nó một cách tiêu cực, kiểu như: “Thôi, chịu đựng cho xong, người đó quả là chẳng ra gì”, bạn đã chai sạn cảm xúc. Một khi “liệt” dây cảm xúc, bạn chẳng thể vui vẻ để vun đắp cho đời sống tình cảm. Một ngày nào đó, bạn và người ấy sẽ sớm chán nhau, kết cục chia tay chỉ là sớm hoặc muộn.

3. Mất niềm tin vào tình yêu và dễ lao vào những cuộc tình một đêm thay vì đầu tư cho mối quan hệ lâu dài. Bởi lúc này, tình một đêm là giải pháp để bạn luôn có những cảm giác tươi mới và mãnh liệt, nhưng lâu dài thì không. Hậu quả, bạn rơi vào cảnh “lắm mối tối nằm không” và chẳng có lấy một người thực sự gắn bó, cùng xây dựng tương lai.
Andi Nguyễn Ánh Nhật!

3 nhận xét :

  1. Cũng lằng nhằng ,khó hiểu nhỉ ,yêu lắm thì ghét nhiều ,chẳng là gì của nhau ,vừa đỡ đau cũng vừa đỡ chán ...hihi

    Trả lờiXóa





















































  2. Cám ơn anh Andi đã cho đọc một en-try rất nhiều trải nghiệm về tình yêu và cuộc sống !





    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn anh Andi đã cho đọc một en-try rất nhiều trải nghiệm về tình yêu và cuộc sống !

    Trả lờiXóa

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC