10 tháng 12, 2013

Những chuyến ngao du. (Kỳ 16 - LAN MAN ĐÀ NẴNG)



Tiếp theo kỳ 15:
“Quê hương mỗi người chỉ một” vậy mà tôi có đến ….hai: Quảng Nam và Đà Nẵng. Tôi vẫn thường gọi hai nơi đây là “đất mẹ”, dù tôi là dân Quảng Nam chính gốc. Tôi được sinh ra tại Đà Nẵng, đến năm lên 8 mới theo cha mẹ dọn về sinh sống nơi đất tổ Quảng Nam, rồi sau này lớn lên đi học đại học ở nơi đây. Bởi thế tôi luôn dành nhiều hơn tình cảm yêu thương của mình đối với mảnh đất Đà Nẵng thân thương!. 

Thử hỏi có ai vênh váo nói rằng mình không yêu quê hương, chắc người ấy là một kẻ dị giáo và sự nói “không” này chắc chắn cuộc đời người đó sẽ là một bi kịch. Đỗ Trung Quân từng viết: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Và tự sâu trong lòng của những người xa quê như chúng tôi là sự thôi thúc nên làm được gì cho quê hương và phụng sự cha mẹ ở quê nhà.

Đà Nẵng – Nơi sinh ra những vị tướng lĩnh, nhà chính trị, nhà văn hóa..., tên tuổi đã gắn với nhiều thời kỳ lịch sử của đất nước, của dân tộc như: Ông Ích Khiêm, Nguyễn Văn Thoại, Thái Phiên, Lê Văn Hiến, Thái Thị Bôi v.v.v. Và nếu thiếu họ, tôi nghĩ trang lịch sử dân tộc sẽ thiếu đi ánh ngời của những kỳ tích, cũng như không có những bài giảng tuyệt vời.

Nhân dịp bạn của chúng tôi Amal H từ Mỹ về thăm quê hương Đà Nẵng. Tôi lại có dịp về với Đà Nẵng thân yêu dài ngày hơn mọi khi để cùng chung vui với các bạn bè xưa cũ, rồi ngẫm nghĩ cảm nhận.

Tôi có một thói quen đi đâu viết đó, nhưng với Đà Nẵng thì quả thật quá khó so với kiến thức mạc học, cũng như sự hiểu biết của tôi. Tùy bút? Ký sự? Phóng sự?. Có lẽ mọi thể loại đều chưa đúng hoặc có thể dẫn tôi đến sự rắc rối về bút pháp, cũng như không đủ xứng tầm với một Đà Nẵng hôm nay đang trên đà phát triển vượt bậc. Vậy nên tôi chỉ có thể lan man với Đà Nẵng trong nhiều mảnh ghép khác nhau, lồn xộn.

                                  Về thăm trường sau 20 năm
Tôi vẫn thường đi về Đà Nẵng, về Quảng Nam nhiều lần trong một năm, có khi bằng tàu lửa, khi là xe khách đường dài hoặc máy bay. Nhưng tôi thích nhất là đi bằng phương tiện hàng không và được ngồi bên của sổ. Khi “bà đầm” này gần về đến sân bay, tôi luôn có được dăm ba phút ngắm Đà Nẵng đẹp lạ lùng từ độ cao khoảng vài trăm mét, đặc biệt là được nhìn dòng sông Hàn, sông Cẩm Lệ như một dải lụa, còn bãi biển Đà Nẵng uốn cong như ôm lấy biển xanh như ngọc.

Còn lần này, từ Tam Kỳ, tôi cùng với Diệu Hương và Kiều Ngân về Đà Nẵng bằng xe buýt. Mấy năm gần đây, người dân Quảng Nam và Đà Nẵng thường chọn phương tiện này để đi lại, đó cũng là một xu hướng hiện đại. Hơn nữa đường quốc lộ 1 tại miền Trung nhỏ hẹp, nếu không có những chuyến xe buýt tiện ích như thế thì ắt hẳn việc đảm bảo an toàn giao thông là một vấn đề ai cũng ngần ngại. Bởi vậy chuyến xe buýt nào từ Tam Kỳ ra Đà nẵng hoặc ngược lại cũng đông nghẹt hành khách. Thật may nơi chúng tôi đón xe là đầu tuyến, nên có được một băng ghế 2 chổ ngồi dành cho ….3 người.

Khoảng một tiếng rưỡi, chiếc “lò hấp bằng năng lượng….sinh học” mang trên mình một màu vàng "nóng lạnh" đã đưa chúng tôi đến Miếu Bông, một cửa ngõ phía nam của thành phố Đà Nẵng. Nhớ khi xưa đoạn đường từ đây về Cẩm Lệ là “con đường đau khổ”, quanh năm đất đá gồ ghề lởm chởm, xa xa cách một đồng ruộng lớn là làng quê Trung Lương, Cồn Dầu, Lỗ Giáng, Cổ Mân của Hòa Xuân quanh năm man mác buồn, nỗi cám cảnh ấy tưởng chừng như tiếng thở dài muôn thưởu của làng quê nông thôn miền Trung. Vậy mà ngày nay con đường chạy về Cẩm Lệ rộng rãi, phẳng lỳ, có hàng cây như đã được ba bốn chục tuổi (hình như người ta mua về trồng), những chiếc cầu được nối về hướng ấy duyên dáng đâu có khác gì cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước ngay trung tâm Đà Nẵng.

Nhớ “sự kiện Cồn Dầu” cách đây mấy năm và hiện nay hình như vẫn còn dùng dằng chưa dứt điểm. Tôi dõi mắt tìm làng quê này bây giờ ra sao, nhưng sự thịnh vượng của Trung Lương, Cổ Mân, Lỗ Giáng đã che khuất lũy tre làng Cồn Dầu đang còn sót lại nơi kia.

Nghĩ đến “sự kiện Cồn Dầu”, tôi nhớ lại câu hỏi của một người nói với tôi cách đây vài năm: “Anh cảm nhận gì về ngài Bí thư thành ủy của thành phố Đà Nẵng – Nguyễn Bá Thanh?”. Thú thật, tôi học ở Đà Nẵng, nhưng rời xa nơi đây từ lâu, nên chẳng có cảm nhận gì nhiều, chỉ loáng thoáng vài nét về ngài Nguyễn Bá Thanh qua báo chí, nhưng không biết đó là “bản chất” hay “hiện tượng”. Nếu nghĩ “tốt” về ông, tôi sợ ấy là lời khen dối ngọt ngào thì nó chẳng ra sao với chính mình!. Còn nghĩ điều “xấu”, thật tình lúc ấy tôi cũng hơi “nghi ngờ” về suy nghĩ của mình có vội vã quá hay không?. Còn bây giờ nếu nhận xét hay viết điều gì đó về ông, thì tôi cũng chẳng biết sẽ viết thế nào?. Đằng thẳng mà nói, viết về vị Bí thư thành ủy Đà Nẵng này cũng chẳng có gì mới mẻ, nghĩa là tôi cũng không đưa ra được một điều gì để gọi là phát hiện mới về ông, một con người có cá tính nổi trội hơn các vị lãnh đạo khác trước đây ở Đà Nẵng: Bản lĩnh, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm…  . Và như thế có người lại sẽ nói tôi lẩn mẩn tầm chương trích cú rồi tung hê, xu nịnh v.v.v. Nhưng mọi điều đã có câu trả lời, dư luận được rõ hơn như những ngày đầu năm 2013 vừa qua, giới truyền thông trong và ngoài nước đã “dậy sóng” nói hộ cho tôi về “hiện tượng Nguyễn Bá Thanh”- Ủy viên TW Đảng, Trưởng Ban Nội chính TW, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, về tính nỗi trội của vị bí thư nổi tiếng này.! Dù con đường chính trị của ông đi cũng không ít chông gai, có cả “lời ra tiếng vào” của nhiều người ganh ghét công trạng. Nhưng tôi nghĩ Đà Nẵng có được diện mạo hôm nay cũng nhờ vào sự đóng góp tích cực của ông ấy. Dấu ấn về cơ sở hạ tầng, vật chất của ông để lại đối với Đà Nẵng chắc cũng trở thành thách thức lớn lao đối với những người kế cận sau này. Cũng như những ngôi làng xưa kia của Hòa Xuân nếu không nhờ ý tưởng của người lãnh đạo thành phố thì hôm nay làm gì có phố xá đẹp đẽ này.

Không biết sao, khi qua vùng đất Hòa Vang xinh đẹp hôm nay, tôi lại nói nhiều về vị công thần Đà Nẵng này vậy, âu đó cũng là cái nhược điểm lan man thường có của người viết.

Quay trở lại chuyến đi, xe chúng tôi gần đến cầu Cẩm Lệ, vùng đất nằm hai bên cầu cùng mang tên dòng sông. Đi ngang qua đây, chắc ai cũng biết vùng đất này xưa kia nổi tiếng khắp nước là đất trồng thuốc lá ngon. Và thương hiệu thuốc lá Cẩm Lệ đã “dụ” được người người “nghiện” nặng. Xưa kia có người thường nói, miền Trung không có câu ca dao, dân ca giai điệu tươi vui và nổi tiếng như “Tình bằng có cái trống cơm” của người miền Bắc hay nhịp điệu nhí nhảnh, rộn rã như “Khốp con ngựa (ngựa )ô” của người Nam Bộ. Nhưng ắt hẳn họ sẽ biết đến câu ca dao: Thanh Hà vẫn gạch bát nồi/ Thuốc thơm Cẩm Lệ mấy đời lừng danh” đã ghi dấu ấn một thời hoàng kim của đặc sản thuốc lá Cẩm Lệ. Còn ngày nay, thành phố hóa nông thôn, nên thuốc lá Cẩm Lệ không còn nổi tiếng như trước nữa, nhưng người vào Nam ra Bắc khi ngang qua đây đều biết vùng đất này một thời “lừng danh” thuốc lá.

Có lẽ mỗi con sông đều mang tải một vẻ đẹp riêng của những vùng đất nơi nó đi qua – như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết “Dòng sông là chứng nhân già nua nhất của địa cầu”. Nhìn dòng sông Cẩm Lệ uốn lượn, bao bọc về hướng Nam như là chứng nhân của những đổi thay hàng ngày thành phố. Và không biết có phải vì dòng sông này đẹp hay sao, trong tôi lại “bỗng dưng” thích sông hơn thích biển. Biển thì mênh mông, không thấy bến bờ và con người lại nhỏ bé với vũ trụ bao la nên rất dễ làm tâm hồn cảm thấy cô độc. Con sông bao giờ cũng hiền hòa và thường gắn liền với ký ức cuộc đời đối với những người con trai nông thôn như tôi trong những ngày thơ ấu chăn trâu bên bờ sông, bờ suối. Nay tuổi đời con người ngày càng lớn, nên cái nhìn về dòng sông tôi lại càng tìm sâu hơn gốc cội trong sách sú. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển VII tỉnh Quảng Nam, phần Núi sông có chép: “Sông Cẩm Lệ ở địa giới hai huyện Diên Phước và Hòa Vang, có hai nguồn (…) chảy về phía nam 3 dặm qua thôn Đông Cao thì hai nguồn hợp nhau lại chảy về phía đông 17 dặm qua xã Bồ Bản, có sông Thạch Bồ (còn gọi là sông Yên – NV) chảy vào lại chảy về phía đông chừng 5 dặm qua xã Cẩm Lệ, làm sông Cẩm Lệ, lại chảy chừng 7 dặm, qua xã Hóa Khuê Trung (nay là phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ - NV) và Hóa Khuê Tây làm thành sông Hàn, rồi đổ ra cửa biển Đà Nẵng”.

Ngồi trên xe, nhìn những khu phố đẹp mới hình thành xây cất trôi qua cửa kính, chúng tôi biết quang cảnh này chưa hẳn là đặc sắc nhất của thành phố Đà Nẵng hôm nay. Bởi nơi đây xưa kia là một nông thôn bình yên, nay chỉ mới “hòa trộn sắc thái” chung với một thành phố đang phát triển. Tôi nghĩ, sự nhộn nhịp cũng như vẻ đẹp hồn nhiên cuộc sống của vùng đất Hòa Xuân này có khi quen thuộc, hoặc bình thường với người Đà Nẵng, song lại rất hấp dẫn với nhiều người đến từ phương xa. Cuộc sống của người dân "vùng nông thôn lên phố" đây đã có sắc màu. Con người thường vốn chi phối bởi ngoại cảnh xung quanh, nhưng hầu hết sắc màu trang trí ngôi nhà hay chiếc xe Honda chạy trên đường đều mang màu trung tính dễ làm dịu mắt, nhẹ nhõm tâm hồn. 

Đà Nẵng hôm nay khác xưa nhiều quá. Ai đặt chân đến cũng phải ngạc nhiên trước những gì Đà Nẵng đang có. Người ta thường nói “Đất lành chim đậu”, nên đã có một thời gian dài, cư dân của nhiều địa phương đổ về Đà Nẵng làm ăn sinh sống. Bởi thế thành phố hiện nay có đến gần 1 triệu dân sống trên diện tích  978,1 km2. Đà Nẵng hiện tại là nơi giao lưu và hội tụ những nét văn hóa của nhiều vùng miền trong cả nước. Dẫu một số nơi chưa hình thành nét đặc trưng rõ rệt, nhưng người Đà Nẵng vẫn có tính cách riêng và ngày càng được hun đúc cùng tiến trình phát triển đô thị.

Trời mùa đông càng về dần tối, thường thường thành phố nào của miền Trung cũng mang nét  buồn, âm u. Nhưng khi chúng tôi đến Đà Nẵng là lúc ánh đèn từ các căn nhà hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám bật sáng. Tuy đây không phải con đường trung tâm, nhưng đã có sự “náo nhiệt”, bởi nhiều cửa hàng thời trang, dịch vụ nằm san sát bên nhau. Đường phố buổi tối mùa này, người Đà Nẵng ít đi dạo nhiều hoặc chen chúc ồn ào như Sài Gòn, Hà Nội, song nếu người nào lần đầu tiên đến cũng thấy sự thịnh vượng bậc nhất của một thành phố miền Trung.

Chúng tôi xuống xe buýt đi dọc đường 2-9 nằm bên bờ sông Hàn để đi về nơi trọ phía Quận 3. Con đường dọc bờ sông nhiều nơi sáng rực ánh đèn điện nhiều màu, đó là những quán cafe và nhà hàng sang trọng, trong ấy dân Đà Nẵng và du khách phương xa đang cười tươi vui và chuyện trò. Chúng tôi chợt nhớ lại điều đã bàn tính tứ lúc lên xe buýt: “Tối nay, ba chúng mình sẽ chào Đà Nẵng bằng những ly bia!”

Về đến nhà trọ tắm rửa xong xuôi, ba chúng tôi bắt đầu đi "ăn đêm". Quán xá Đà Nẵng về đêm nơi nào cũng đông nghẹt khách và trong quán chúng tôi đến cũng vậy. Có một điều tôi đã nhận ra, "bọn trẻ" Đà Nẵng trong ăn nhậu cách ăn mặc cũng đàng hoàng lịch sự, không "nửa người, nửa ngợm" như Sài Gòn hay nhiều thành phố mà tôi đã đến. Chỉ từ cách ăn vận rất đời thường nhưng đậm nét nhân văn, bình dị đó của giới trẻ Đà Nẵng, đã làm toát lên một Đà Nẵng rất đáng mến, thân thiện, chân thành.

Đi đó đây, ăn uống chỉ là một phần của chuyến đi, nhưng chúng tôi rất ấn tượng về món lẫu cá Kèo hôm ấy ở Đà Nẵng. Lẩu cá Kèo đâu có gì lạ, là món ăn quen thuộc và nổi tiếng của người miền Nam xưa nay. Nay dân Đà Nẵng cũng quen và ghiền hương vị thơm ngon của loại cá này. Hồi nhỏ tôi thích món cá Nhét nhà quê Quảng Nam. Chỉ một hai con cá Nhét là nấu được một tô canh chua, thế là xì xụp ăn đến cạn tô và dù có ăn xong, mùi thơm của tô canh chua cá Nhét vẫn còn bay khắp nhà. Lớn lên vào Sài Gòn, tôi biết ở miền Nam có loại cá Kèo, hình dáng gần giống với loại cá Nhét miền Trung. Nhiều bạn bè tôi đến Sài Gòn chơi, khi trở về họ bảo, cá Kèo ngon hơn cá Nhét. Còn bây giờ lẫu cá Kèo không còn là niềm ao ước của bất lỳ người dân miền Trung và hôm ấy tôi đã thích ăn món này hơn tại Sài Gòn, chắc ở Đà Nẵng người ta nấu ngon hơn !.

Chúng tôi rời quán khoảng 10 giờ đêm, cuộc sống ở thành phố lúc này như chuẩn bị ngưng đọng lại. Ba chúng tôi chỉ có duy nhất một chiếc xe Honda mượn của bạn bè nơi đây khi chiều tối. Diệu Hương và Kiều Ngân nằng nặc đòi đi về nơi trọ bằng taxi. Nhưng tôi bảo hãy cứ lên xe “tống ba”, nếu bị Police tuýt còi thì cũng thỏa mãn vì đã dạo được một vòng ngắm thành phố Đà Nẵng về khuya. Từ đầu cầu Trần Thị Lý phía bên quận Hải Châu, tôi đèo hai “của nợ” đi xuôi về đường Bạch Đằng hướng về phía cầu Thuận Phước. Từng dòng xe Taxi đổ trước nhiều nhà hàng, khách sạn đưa đón khách về đêm. Ánh đèn điện ngự trị khắp nơi. Tôi thả hồn lãng du theo những chiếc cầu: Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu quay Sông Hàn và bên kia là bán đảo Sơn Trà có nhiều bóng đèn sáng rực trên đỉnh, quây lại thành một hình cánh cung trông giống như một tấm phên giậu bao bọc Đà Nẵng. Giữa một đêm đông, chúng tôi vẫn không thấy lạnh chắc cũng nhờ buồng phổi khổng lồ này. 

Nhiều lần đến Đà Nẵng, tôi vẫn thường thích đi dạo thành phố một vòng về đêm. Chỉ đơn giản như tôi đã nhìn những chiếc cầu bắt ngang qua sông Hàn hôm ấy cũng đủ tạo nơi tôi cảm giác hòa nhập với Đà Nẵng. Mấy năm gần đây tôi về miền Trung làm ăn, nhưng thất bại liên miên. Sự uẩn khúc chưa quen trong việc làm ăn ở mảnh đất này, sự trầm tư mặc tưởng nhiều lần của tôi dường như đã được phá vỡ sau một đêm đi dạo Đà Nẵng về khuya. Chính những chiếc cầu thanh thoát, duyên dáng của thành phố này trong vũ điệu cuộc sống như chắp cho tôi đôi cánh để tự tin hơn trên bước đường còn lại chông gai. Tôi chợt nghĩ đến cuộc đời người ngắn ngủi và vạn vật phù du, nhưng có những chiếc cầu được tồn tại từ đời này sang đời khác để làm đẹp cho đời. 

Trời càng về khuya, ba chúng tôi đi dưới những con đường rực sáng, sự lặng thinh của những chiếc cầu dường như là thứ âm thanh dễ chịu nhất trong tôi. Những tòa nhà cao chót vót hắt sáng xuống mặt nước sông Hàn lấp lánh. Còn gì đẹp hơn khi thành phố có nhiều nhiều tòa nhà cao tầng đã khuấy động cuộc sống hằng đêm bằng những mảng màu sắc sặc sỡ xanh, đỏ, tím, vàng….. Người ta gọi đó là cuộc sống trong những bức tranh. Còn riêng tôi nghĩ, những cây cầu hôm nay ở Đà Nẵng là nhịp cầu nối bờ vui và những tòa nhà sắc màu vui tươi ở bên phía quận 3 Đà Nẵng như đã cân bằng cuộc sống giàu nghèo muôn mặt giữa hai bên bờ sông Hàn đã có lâu nay ở mảnh đất này.

Cho đến bây giờ viết một vài dòng này, thỉnh thoảng tôi lại thả hồn lãng du về Đà Nẵng để mong tìm lại những giây phút hạnh phúc được nhìn Đà Nẵng đẹp lạ lùng về đêm. Tôi tự hỏi vì sao Đà Nẵng lại gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi đến thế. Dường như ở nơi sâu thẩm tâm hồn của mỗi chúng ta đều ghi đậm phong cảnh riêng đầy ấn tượng. Với tôi đó là thành phố Đà Nẵng tôi yêu.

(Còn nữa - Kỳ 17 - ƠI ĐÀ NẴNG QUÊ NHÀ VÀ TÌNH BẠN PHƯƠNG XA!)

Andi Nguyễn Ánh Nhật

NHỮNG HÌNH ẢNH ĐÀ NẴNG XƯA.








































2 nhận xét :

  1. Đà nẵng giờ đẹp quá anh. Em đang định cố gắng thu xếp đi ĐN chơi lâu lâu chút nè ...

    Trả lờiXóa
  2. Lâu quá Diễm mới thấy anh Ánh Nhật sang thăm em nha....Đúng rồi anh Sài Gòn người ta bán sen rất nhiều....anh nhớ dùng nhiều sen anh nhé....

    Trả lờiXóa

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC