16 tháng 11, 2013

Những chuyến ngao du . (Kỳ 15 - ĐÔI MẮT PLEIKU!)



Tiếp theo kỳ 14 :

Quê hương Quảng Nam là đất mẹ đã cho tôi niềm tin. Sài Gòn, Biên Hòa hơn hai mươi năm qua đã cho tôi cách sống chung với nhiều người có những niềm tin khác với mình. Còn những nơi khác tôi từng đến, sự quyến rũ của mỗi nơi, mỗi chốn đã cho tôi sự giao thoa tự nhiên, giàu về kiến thức và ý tưởng cũng như thêm sự từng trải với đời. 

Tôi đã nhiều lần đến với Tây Nguyên, tôi đã thấy, đã cảm nhận, đã nghĩ những điều hay, nét đẹp của nơi đây. Vậy mà đến khi ngồi vào bàn viết, trước mặt tôi trang giấy như là một pháp trường trắng, tiêu đề đã có mà vẫn lo, vì sợ không phát họa được những gì miền đất Tây Nguyên đang có: Con người hài hòa, thành phố đẹp và núi rừng hùng vĩ, cũng như sự thanh thoát, nhẹ nhàng của từng con phố núi, nếu có lặng thinh nhưng đó vẫn là thứ dễ chịu nhất trong lòng tôi.

Tôi đã yêu Tây Nguyên! Có thể ai đó sẽ cho tôi đã quá lời. Xin thông cảm, bởi tôi thật sự yêu mảnh đất luôn ẩn tàng nhiều điều thú vị và yêu con người nơi đây như lỡ yêu một cô gái mà mọi điều không thể cưỡng. Mà tình yêu luôn là điều đẹp nhất trên đời.
Andi Nguyễn Ánh Nhật
 

KON TUM HẸN NGÀY GẶP LẠI

Đời sống thì dài, nhưng Kon Tum lướt qua chúng tôi chỉ hai, ba ngày ngắn ngủi, nên tất nhiên còn nhiều điều tiếc nuối. Thời gian chỉ có vậy, chúng tôi không thể đi tham quan những vùng, những khu du lịch nổi tiếng nơi đây như: Ngục Kon Tum, Tòa Giám mục, các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu du lịch sinh thái, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, cũng như di chỉ khảo cổ học Lung Leng, lòng hồ v.v.v . Vì chương trình đi lên thăm Tây Nguyên đã lên lịch từ lúc ở nhà, không gì khác hơn, chúng tôi đành phải chuẩn bị hành trang để sáng ngày hôm sau lên đường về thành phố núi Pleiku.

Sáng sớm, chúng tôi ra đường Phan Đình Phùng - Kon Tum, chỉ một cái vẫy tay, chiếc xe khách lạ hoắc chạy tuyến đường Bắc – Nam, lem lấm bên ngoài len bùn, len đất, đổ xịch. Chúng tôi nhảy lên xe, xuôi theo đường quốc lộ 14 về thành phố núi Pleiku.

Chiếc xe chạy qua chiếc cầu bắt ngang qua dòng sông Đăk Bla rộng lớn. Từ trên cao nhìn xuống, mực nước đang mùa khô cạn nhưng dòng sông vẫn còn biếc xanh, uốn lượn bao bọc quanh thành phố Kon Tum thật đẹp. Dòng sông Đăk Bla lừng lẫy, kiêu hãnh mà tôi vẫn ngưỡng mộ trong "Đất nước đứng lên" của Nguyên Ngọc. Khi tạm biệt thành phố, dòng sông, trong tôi dâng lên một xúc cảm khó tả. Hình như những gì kì vĩ cũng đều giản dị và thật gần gũi. Tạm biệt Kon Tum, tôi muốn nhắn gởi bạn bè thân quen của mình nơi thành phố này treo dùm tôi status “Kon Tum hẹn ngày gặp lại!”.


QUỐC LỘ 14: CON ĐƯỜNG ĐAU KHỔ

Ngồi trên chiếc xe khách chạy đường dài từ ngoài Bắc vào Nam, bỗng nhiên lịch sử con đường quốc lộ 14 lại hiện về trong ký ức, hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong đi phá núi mở đường năm xưa, hình ảnh "Nếu phải đi trở lại, tôi lại đi đường này. Gặp mùi cỏ cháy suốt thời trai" của Hoàng Nhuận Cầm trong bộ phim tư liệu "Mùi cỏ cháy", mọi thứ như bám lấy tôi. Một mét đường có được hôm nay, lịch sử đã ghi nhận, quân và dân ta phải đổi biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Vậy mà hiện nay hình ảnh con đường quốc lộ 14 trông thật là thảm hại.

Đường quá xấu, sáng sớm, sương mù quấn quýt những chiếc xe nối đuôi nhau nhích từng chút một, trông giống như những chiến xa của bộ đội giải phóng năm xưa (1975) đổ về Tây Nguyên “bức tử” Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Khi ấy Tây Nguyên bị “điểm đúng huyệt”, hơn 15 nghìn tàn quân của chế độ Sài Gòn ở đây buộc phải chạy theo con đường quốc lộ 14 để rẽ qua quốc lộ 25, quốc lộ 19 rút quân xuống đồng bằng. Trong cuộc tháo chạy hoảng loạn này, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa đã ép hàng nghìn đồng bào Tây Nguyên di tản. Đã 38 năm rồi, nhưng người dân Tây Nguyên vẫn chưa quên được lịch sử của con đường quốc lộ 14 trong những ngày hè đỏ lửa đau thương…


Nhớ những năm đầu thông tuyến, con đường này thật là thông thoáng, xuyên qua nhiều khu rừng già bên sườn Đông Trường Sơn. Người người đánh giá là tuyến lý tưởng cho hành trình Bắc-Nam và đã chọn đi, nhất là trong mùa mưa lũ, để trách đoạn qua miền Trung. Vậy mà mấy năm nay, phương tiện truyền thông thường xuyên phản ánh chất lượng đường đã xấu, xuống cấp, lại thi công kéo dài dở dang. Thế nhưng mọi điều “vũ như cẩn” (vẫn như cũ) trong khi đây vốn là những cung đường  phức tạp do có nhiều chủng loại phương tiện tham gia giao thông. Anh tài xế chở chúng tôi đi than vãn, trong 30 năm kinh nghiệm lái xe, anh không sợ đèo cao, dốc đứng, mà chỉ sợ những cung đường như thế này, chỉ cần sơ sẩy là tai nạn có thể xảy ra. Đoạn đường chúng tôi đi từ Kon Tum sang Pleiku chỉ 50 km, nhưng cũng có hết hơn 30 km “mặt đường như mặt trận năm 75”, vụn nát. Một tiềm ẩn tai nạn giao thông sẽ đến lúc nào chẳng hay, bởi tôi mỏi mắt nhìn nhiều đoạn đường đang thi công dang dỡ mà vẫn không thấy biển bảng cảnh báo, hướng dẫn phân luồng cũng như lực lượng tham gia điều phối giao thông. Trong khi xe công nông, xe chở nông sản và cả xe máy của những thanh niên là người dân tộc bản địa "phóng nhanh vượt ẩu", không tuân thủ Luật Giao thông, rồi có khi lại “đua” với các xe loại lớn như chúng tôi đang đi.

Chiếc xe khách chúng tôi chạy cứ lắc lư liên tục, có khi phải gầm rú ga mới có thể vượt qua liên tiếp những đoạn hư hỏng, nát tan, tôi cũng phải nhổm người lên, gồng mình chịu trận. Nhìn DH, người đồng hành với tôi trông “mềm” như là con bún. Tôi nghĩ giá cứ điệp khúc những dốc cua tay áo, hay núi cao, vực sâu như hôm chúng tôi leo đèo Violac thì chắc có lẽ cố ấy cũng sẽ khỏe hơn nhiều.

Thông tin truyền thông báo động thực trạng này đã khá lâu, song chưa được giải quyết dứt điểm, nghe nói do các dự án đang thiếu vốn trầm trọng (?). Tây Nguyên là khu vực kinh tế giàu tiềm năng, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, trong khi mức sống người dân còn thấp, nên từ năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch-Đầu tư  xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng Tây Nguyên. Vậy không biết phải cần thêm một “cây đũa thần” nào đây để giải quyết dứt điểm cảnh dang dở, xuống cấp trầm trọng này?- Tôi một thoáng băn khoăng.


Đi trên đường bụi mị mù khủng khiếp, nhìn nhà của người dân hai bên lem luốc đất đường bám dính, tôi vẫn nhận ra đó là những buôn làng trù phú, những thị trấn, thị tứ sầm uất nối tiếp nhau. Chúng tôi đi giữa màu xanh bạt ngàn của cà phê, lúa, bắp, hồ tiêu tương phản với đường sá hiện nay quá xuống cấp. Và cũng chính màu xanh này đã làm cho chúng tôi vơi bớt những xa xót trong lòng. Núi rừng Tây Nguyên không chỉ là trùng điệp hùng vĩ với những huyền thoại, những giá trị bản sắc văn hóa điệp trùng mà nay còn có cả tiếng thở dài, nặng trĩu……

Nhìn bộ mặt Tây Nguyên ngày nay, chắc tôi sẽ thực sự khâm phục và kính nể khi một ai đó là nhà báo, nhà văn đến với Tây Nguyên và đi trên con đường quốc lộ 14 này, không bị mờ mắt trước cái lạ, cái đẹp của Tây Nguyên mà dấn thân vào cuộc đấu tranh quyết liệt, để bảo vệ Tây Nguyên nguyên vẹn, cũng như phản ánh, thúc giục mọi thứ để ngày càng tốt đẹp hơn. Còn các cấp Ðảng và Nhà nước cần có những quyết định, cũng như chính sách ưu tiên để phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào Tây Nguyên. 


MỘT GÓC NHÌN VĂN HÓA TÂY NGUYÊN

Đường về thành phố núi, lâu lâu trôi qua cửa xe chúng tôi là những chiếc cổng sắt cao có dòng chữ “Làng Văn Hóa”, đã làm tôi hơi ngỡ và buộc mình suy nghĩ, sao cụm từ này lại giống ở miền xuôi?. Bởi xưa nay nói đến Tây Nguyên, người ta thường hay nghĩ đến cái buôn của người Ê-Đê, Mơ- Nông, hay vùng của người Bahnar, Jrai v.v.v mới đúng. Thì ra điều tôi bâng khuâng ấy là một khái niệm mới của nông thôn Tây Nguyên ngày nay, họ là một cộng đồng dân tộc khác nhau, là quần cư với nhiều khác biệt, nay đã trở thành một cộng đồng thống nhất, thành đồng bào hòa trộn máu huyết sau chiếc cổng “Làng Văn Hóa” ấy. Vùng đất Tây Nguyên ngày xưa dân cư thưa thớt, đến sau năm 1975 mới bắt đầu những cuộc di dân từ miền Trung lên, từ miền Bắc vào, chính “dân ngụ, dân lậu” đã thực hiện thành công việc cộng cư với dân bản địa, phần nhiều là dân tộc thiểu số mà không cần bất cứ sự thôn tính bạo lực nào. Tôi nghĩ đây có lẽ là ý của riêng tôi, “Làng Văn Hóa” hiện nay ở Tây Nguyên cuộc sống sung vui, hòa hợp cũng chính nhờ người dân bản địa ở đây, họ chứ không ai khác, họ đã chấp nhận và bảo trợ những “di dân tự do”, đã chia đất và nguồn nước, rồi khi tối lửa tắt đèn có nhau. Đó là bản tính tốt của người Tây Nguyên bản địa. Nay sau chiếc cổng “Làng Văn Hóa” là một nếp sống mới cộng đồng, hưởng thụ được chia đều, nhưng đến lúc khó khăn thì  hạt muối cắn đôi. Tây Nguyên mãi mãi là nơi cư ngụ của tình yêu, chứ không phải hận thù trong lịch sử hình thành và phát triển hơn một trăm năm nay.

ĐÔI MẮT PLEIKU!

Đến hết địa phận huyện Chư Păh, xe chúng tôi chạy chậm trên đường Phạm Văn Đồng cũng là quốc lộ 14 để vào thành phố Pleiku. Như thế chỉ còn vài km nữa là đến ngã ba Hoa Lư nơi có người thân của chúng tôi đang chờ đón. Khi chúng tôi đến đường Tô Vĩnh Diện, nhìn quang cảnh nhà dân đang sinh sống dọc hai bên con đường mang tên vị anh hùng cứu pháo, là thung lũng rộng lớn, khó có thể hình dung ra là họ đang sinh sống trên một ngọn núi lửa như lịch sử  Pleiku ngày nay được hình thành trên tàn tích của 15 ngọn núi lửa (có tài liệu ghi là 30, đã tắt cách đây chừng trên dưới 10.000 năm).

Chưa đi về thẳng nhà, chiếc xe 4 chỗ ngồi của người thân đưa chúng tôi chạy một vòng quanh thành phố. Theo quan sát của tôi, có lẽ điểm nhấn lãng mạn của thành phố núi Pleiku này là những con đường đồi dốc. Tôi đã đến đây nhiều lần nên bảo DH hãy quan sát kỹ, những khu vực hõm và tròn nằm rải rác trong thành phố đó có thể là một vết tích còn lại của một miệng núi lửa xưa kia. Nếu như mấy ngày trước tôi được chiêm ngưỡng thành phố Kon Tum, dịu dàng, đằm thắm khi màng đêm buông xuống với đèn điện và sao trời hòa trộn, thì nay Pleiku lại hiện ra trước mắt tôi rực rỡ dưới nắng vàng gần về ngọ. 


Trong lần tôi đi tìm hiểu, vì sao có tên gọi Pleiku, thì có một bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân trên một tờ báo, đã đưa ra căn cứ  một giả thuyết về cái tên “Pleiku” thuyết phục : “Trong tài liệu thư tịch, tại Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 4-7-1905, Plei-Kou đã xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản, với nội dung: Đem vùng miền núi phía Tây tỉnh Bình Định thành lập một tỉnh tự trị, lấy tên là Plei-Kou-Derr”.

Phân tích cách viết tên “Plei-Kou-Derr” và tên “Pleiku” ngày nay là cách viết được biến đổi từ cách viết  “Plei-Kou”. Còn cái đuôi “Derr”, tra từ điển Pháp-Việt, không có từ “Derr”. Như vậy, “Derr” ở đây chính là một yếu tố của từ tiếng Jrai. Cái tên “Plei-Kou-Derr” có thể đây chính là từ “Plơi Kơdưr” được phiên tự theo cách viết tiếng Pháp.

Xưa kia Pleiku là một thị xã nhỏ, nằm trên độ cao gần 1 ngàn mét so với mặt nước biển, được hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ bao quanh, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm chỉ dao động ở mức từ 21-25oC. Những năm tháng chiến tranh, Pleiku bị tổn thất khá nhiều, vậy mà ngày nay đã là một thành phố rộng hơn 26.166,36 ha với gần 214.710 người sinh sống. Nhà cửa, đường phố khang trang, đẹp nhiều hơn tôi tưởng. Quả là xứng đáng khi TP vừa được Chính phủ ký quyết định công nhận là đô thị loại II. Dẫu cũng còn một vài tiêu chí chưa đạt chuẩn, nhưng chắc chắn trong tương lai không xa, thành phố trẻ này sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa.
 

Mượn chiếc xe Honda của người thân, chúng tôi đèo nhau thả hồn trên phố. Con đường phố núi cứ nhấp nhô dốc. Từ trên đỉnh nhìn xuống thung lũng phía xa kia là những mái nhà chen trong tầm mắt. Với tôi thành phố Pleiku đẹp nhất vào buổi chiều. Phố núi có sự tĩnh mịch của phố, những dãy phố trong những khu mới phát triển im ắng đẹp đến nao lòng. Nhưng sẽ thiếu sót nếu chúng tôi không đến thăm Công Trường Đại Đoàn Kết mang một tinh thần Tây Nguyên, nằm trong lòng thành phố được xây dựng và hoàn thành vào cuối năm 2012. Một chiều lảng bảng nắng, chúng tôi đứng trước tượng đài Chủ Tịch Hồ Chí Minh được đặt ngay tại quảng trường bằng tấm lòng thành kính. Nhiều người tham quan như chúng tôi đều lặng yên trước tác phẩm điêu khắc cao 10,8 mét bằng đồng nguyên chất, đứng trên bệ bê tông đá quý. Bác đứng đó giữa bầu trời Tây Nguyên với dáng vẻ uy nghi nhưng thật dung dị, tay phải giơ cao trong tư thế vẫy chào. Phía sau tượng Bác là dãy phù điêu bằng đá uốn cong như vòng Xoan Tây Nguyên bất tận với những hình ảnh được chạm khắc tinh tế về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu của đồng bào nơi đây. Đó cũng là hình ảnh gần gũi, thân thương của vị Cha già dân tộc Việt Nam với con cháu các dân tộc Tây Nguyên. Tại quảng trường này, tôi gặp một du khách đi từ Hà Nội vào tham quan. Anh ta cho biết địa điểm đầu tiên anh đặt chân tham quan tại TP Pleiku chính là quảng trường Đại Đoàn Kết. Anh  chia sẻ: “Pleiku có một bức tượng Bác Hồ rất lớn. Tôi đã được nhìn thấy rất nhiều tượng Bác Hồ tại Việt Nam nhưng chưa có nơi nào có bức tượng Bác Hồ hoành tráng và làm bằng chất liệu quý đến vậy”. 


Một buổi chiều đầu đông, trời trong, mây xanh, gió se se mát, chúng tôi lòng vòng trong lòng thành phố dưới nắng vàng như rót mật. Một cảm giác say mê ngay lập tức len nhẹ trong lòng khi tôi thấy những cô con gái Pleiku má hồng như nỗi nhớ. Sực nhớ một bài thơ thật hay của Nguyên Đỗ viết về thành phố Pleiku:
“Ôi ánh mắt người Pleiku có khác
Nhiều suy tư, đằm thắm, chứa chan ghê
Anh nhìn theo, thoáng thoáng muốn theo về
Mưa tháng Sáu, có chớp loè sấm sét

Ôi ánh mắt người Pleiku tha thiết
Cửa hồn mơ mây trắng Hàm Rồng xưa
Trường Pleiku, Minh Đức, dáng Bồ Đề
Áo dài trắng màu tranh thanh thiếu nữ”

Tôi không thể làm được thơ, nhưng trong khung cảnh y như thể “Phố núi cao, phố núi trời gần. Phố xá không xa, phố núi tình thân” mà không có một ly rượu vui với bạn bè thì chẳng còn gì ý nghĩa cho một đêm Tây nguyên, có khi còn lại chán cho mớ đời ngược xuôi. Nhưng may thay, chúng tôi đã có một cuộc hẹn với đầy đủ các bạn bè học cùng trường Đại học khi xưa tại nhà hàng Cao Nguyên, nằm trên đường Phan Đình Phùng. Họ là những người đang sinh sống và làm việc nơi đây, là những người bạn mà chúng tôi chưa gặp lại một lần sau hơn 20 năm dài dăng dẳng……

Nắng chiều khuất dần trên đỉnh núi xa xa, chúng tôi bắt đầu đi đến nhà hàng đã hẹn……
(Còn tiếp – Kỳ 16 – TRI ÂM KHÔNG LÀ ĐÓ ĐÂY!)
Andi Nguyễn Ánh Nhật.

20 nhận xét :

  1. Hí..hí....hí....HÊN quá TEM VÀNG đó nhé ANN

    Trả lờiXóa
  2. hihihi...TEM BẠC phần nầy của NL nhé

    Trả lờiXóa
  3. Trưa nay trốn nghỉ trưa qua đây cùng một vòng Pleikucùng em nè! Một chuye6n1 đi thật thú vị phải không em! Luôn ngọt ngào trong hạnh phúc nha! ctim thương mến chúc em.
    ctim chỉ xin tem đồng thôi...

    Trả lờiXóa
  4. Chú làm con bị thèm đến Tây Nguyên :((

    Trả lờiXóa
  5. "Em Pleiku má đỏ môi hồng. Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông. Nên mắt em ướt và tóc em ướt. Nên em mềm như mây chiều trong..." Đọc bài của Nhật khiến nhớ đến những câu thơ rất thơ của Vũ Định, bài thơ hay nhất về Pleiku!

    Trả lờiXóa
  6. E em Tây Nguyên chưng dài thòn anh nhỉ ? .hehe .Tây Nguyên thật tuyệt vời trong anh ! ...thấy mưa lụt mà e sợ quá chừng ...sợ người thân của mình bị trôi mất ..huhu

    Trả lờiXóa
  7. Bạn ơi sao bạn sướng thế
    Ngao du thiện hạ khắp đó đây
    Thả hồn ngắm cảnh núi rừng ,trời mây
    Hoa thơm cỏ lạ khắp nơi hưởng đều

    Trả lờiXóa
  8. Ngao du nhiều vào, sau này đến U70 ngồi nhà viết hồi kí em nha.

    Trả lờiXóa
  9. Nhìn "con đường đau khổ" lại nhớ con đường quê tôi cũng khổ đau không kém. Pleiku bừng sáng, đẹp hơn nhờ có bóng hồng mặc chiếc váy đỏ rất yêu kiều dễ thương đấy nhé. Nhất bạn Andi :)

    Trả lờiXóa
  10. Anh đi lên đất Phờ Lây
    Cafe thì có cái Cu chẳng còn
    ........
    Hihi........ Vui chút anh nhé, nhớ uống cafe "Chồn" anh nhé
    Chúc anh có chuyến ngao du tràn ngập niềm vui

    Trả lờiXóa
  11. Cuộc sống của người dân trên Tây Nguyên sao mà còn cực quá em há ? Đất đỏ ...nắng chói chang ...cả một đời của người dân ở đây chắc lam lũ mãi ! Thế nhưng , thấy có bóng dáng người đẹp áo đỏ xinh xinh xuất hiện , chắc là họ sẽ tỉnh ...và hết mệt ngay đấy ! Mong em sẽ có thêm những chuyến đi đầy ắp kỷ niệm như thế này nữa nè để chia sẻ với bạn bè Ánh nhé !

    Trả lờiXóa
  12. Độ rày em ít vô blog nên ko ghé thăm anh thường được-anh thông cảm cho em nhé!Chúc anh đón tuần mới vui nha!
    http://www.comments.zingerbugimages.com/Days/week/have_a_great_week_red_gradient.gif#great%20week

    Trả lờiXóa
  13. Bạn đã đi khắp mọi miền,
    bao giờ có đến quê mình xin phone với nhé.
    Chúc bạn luôn an vui trện mọi nẻo đường.

    Trả lờiXóa
  14. Em đi được nhiều nơi,thích nhỉ?Chúc em luôn vui.

    Trả lờiXóa
  15. Chả có ai sướng bằng Anh .... ngao du hoài . Cứ đi Anh nhé , rùi về kể cho bà con nghe nha ...

    Trả lờiXóa
  16. Chèn ơi đôi mắt đâu hỏng thấy mà thấy toàn bụi giăng ngập trời không hà.
    Biển hồ đâu anh, đi PLEIKU mà không ngắm biển hồ, suối và thưởng thức cá suối. Thăm nhà thờ gỗ và V.v... Tiếc.

    Trả lờiXóa
  17. Nhìn ảnh áo đỏ,thấy NNA vẫn còn trẻ,nhưng nhìn ảnh ngồi ở bàn,thì cũng RA DÁNG lắm,nên SC ko biết nên gọi NNA là EM hay BẠN,hay ANH nữa,cho PHẢI PHÉP ? Hihi...SC sang thăm,vội nên chưa kịp đọc bài đâu,hẹn dịp khác,nên ko có lời bình ,mong lượng thứ,chỉ kíp chúc NNA một đêm ngủ ngon,mơ đẹp nha

    Trả lờiXóa
  18. MC sang chia vui với anh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

    Trả lờiXóa
  19. Qua entry, qua hình ảnh tôi muốn đến ngay thành phố này...để thưởng thức. Niềm tin, sự lạc quan, tình yêu và chen lẩn với con đường cát bụi bị cày xới như bãi trận địa...khakhà ! Thế gian không gì tròn trịa. Dẫu nơi đây nơi kia còn những góc khuất, nhưng cái chung nhất đã toát lên vẽ đẹp của non sông tình người. Sức bật dậy sau ngần ấy năm, không phải ngắn nhưng rõ ràng chưa đủ dài để hoàn thành một đất nước phồn vinh. Xin hẹn Pleiku lần ân ái/Ngắm môi hồng...mấy ải quan san ! khkhakha !

    Trả lờiXóa
  20. Sao anh không vô Biển Hồ chộp mấy tấm về " Đôi mắt" Pleiku hả anh?

    Trả lờiXóa

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC