11 tháng 11, 2013

Những chuyến ngao du - (KỲ 14: Ai đi Tây Nguyên gọi mình với nhé!)





Tiếp theo kỳ 13:
http://nguyenanhnhat.blogspot.com/2013/11/nhung-chuyen-ngao-du-ky-13-tri-am-khong_8.html#comment-form

Tôi hay đi đó đây đến một vùng đất nào cũng là để ngao du, để tri âm với bạn bè xa cách, là cách thỏa mãn sở thích của chính mình. Hơn nữa đi đâu tôi cũng muốn trắc nghiệm cuộc sống một cách hiện thực và sinh động bằng trực quan. Đời người có va chạm, có biết điều này, điều khác trong sinh tồn rồi dẫu có khi cuộc sống lỡ bước hay tuyệt vọng, thành công hay hạnh phúc thì cũng đều mang đến cho tôi điều thỏa mãn….

Như một điềm buồn, có thể đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp lại, tri âm với bạn bè cũ của chung, sau hơn hai mươi năm xa cách, cũng là lần cuối chúng tôi có bên nhau. Đi và ghi chép tôi đã viết được 3 kỳ những kỷ niệm chúng tôi có nhau ở Tây Nguyên, những cuộc gặp gỡ cùng bạn bè với biết bao niềm vui.

Ở đời có tình bạn nào đẹp hơn, trước hôn nhân đôi bạn trẻ từng là bạn bè cùng học một trường Đại học, cùng quê. Cuộc sống có tình bạn nào quý hơn khi trong tình bạn ăm ắp hình ảnh những tháng ngày yêu thương thật đẹp. Họ lại từng là vợ chồng với nhau, đầu ấp tay gối và dâng hiến với nhau tận cùng cảm xúc. Không còn gì cả! Họa chăng chỉ còn Cát chết!. Dẫu nỗi buồn sẽ không dễ gì phôi phai, năm tháng còn lại là nỗi nhớ không nguôi... nhưng tôi xin post tiếp những gì chúng tôi từng có....

                     
KON TUM – MẶT TRỜI CHIẾU NGHIÊNG!

…..Tôi bỗng dưng nghêu ngao hát: “Thành phố buồn lắm tơ vương, cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn” , rồi phá lên cười nắc nẻ cho sự lãng mạn ngây ngô của mình trước việc con người mang văn hóa của mọi miền đất nước đến Măng Đen để đẻ ra văn hóa Tây Nguyên……

Tôi suy nghĩ mông lung, rồi hỏi ông bạn ngồi bên cạnh (người Kon Rẫy) về nguồn gốc từ Măng Đen, sao tên gọi đọc không gần giống với nhiều địa danh ở tỉnh Kon Tum như Kon Rẫy hay Konplong. Dù hơi mệt, nhưng ông ta đã chậm rãi giải thích cho tôi: “Măng Đen là tên một địa danh mà người kinh đọc chệch ra từ tên địa danh T’Măng Deeng của người M’Nâm. Tiếng M’Nâm, từ T’Măng có nghĩa là: ở nơi hoặc vùng; Deeng có nghĩa là bằng phẳng và rộng lớn. Vậy T’Măng Deeng dịch ra tiếng kinh có nghĩa là ở nơi bằng phẳng, rộng lớn (bãi bằng). T’Măng Deeng có từ rất lâu đời, gắn với truyền thuyết huyền thoại của dân tộc M’Nâm”.

Từ Măng Đen chúng tôi ngược về Kon Rẫy chỉ có hơn 20 km, nhưng ngồi trên ô tô, tôi nhẩm tính cung đường này có đến …52 khúc cua!. Đường khá tốt nên khi chiếc xe phóng nhanh hơn lúc trèo đèo Violac và liên tục bẻ chặt những khúc cua làm mọi người trên xe đều mệt nhòa và buồn nôn vì phải luôn ở trong trạng thái chao đảo, ngã nghiêng. Là một người “trường kỳ” với những chuyến xe ngược xuôi đến nhiều vùng miền đât nước, nên tôi vẫn khỏe và cảm nhận được tất cả những gì đã thực sự sinh sôi ở mảnh đất vùng núi này.

Ngày xưa, khi người Pháp đến Tây Nguyên trồng cao su và khai thát tài nguyên mang về chính quốc, họ vẫn luôn cho đây là vùng khép kín, biệt lập, ngưng trệ và bảo thủ. Nhưng sau những phát hiện khảo cổ tại nhiều vùng ở Kon Tum như ở Lung leng, ở Konplong v.v.v thì luận điểm ấy cũng như nhiều giả thuyết khác của lịch sử đã bị đổ nhào. Với những “chứng cứ” khai quật được thì ra địa bàn này là một trung tâm văn hóa thời tiền sử, không những mở rộng giao lưu với các nhóm cư dân khác mà còn bảo vệ được bản sắc văn hóa của mình. Đó là những là những vết tích công cụ ghè đẽo trong lớp đất Laterite ở Lung Leng đã gợi nhiều người nhớ lại công cụ của cư dân hậu kỳ đá cũ được tìm thấy tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam, tiêu biểu cho nền văn hóa Sơn Vi có niên đại từ 20.000- 30.000 năm. Hay loại di tích được tìm thấy tại Kon Tum người ta cũng đã tìm thấy tại làng Vạc (Nghệ An), nơi mà lớp văn hóa là khu mộ táng Đông Sơn….

Còn ngày nay, khi đi và chứng kiến nhà cửa cư dân hai bên đường từ Măng Đen về Kon Tum, tôi nghĩ, nếu ai đó như DH của tôi lần đầu tiên biết nơi này thì mọi ý nghĩa như người Pháp từng nghĩ cũng sẽ bị đảo lộn. Nhà cửa của người dân tộc M’Nâm được xây cất khang trang. Hình như ngày nay các nền văn hóa đã được người dân tộc thiểu số giao lưu, như ngay tại điểm đầu bước vào huyện Kon Rẫy, một cô bé M’Nâm đón xe chúng tôi để về thành phố Kon Tum. Lên xe, cô bé ấy ngồi chung với chúng tôi cùng một dãy ghế, nếu chỉ nhìn cách ăn vận mà không nghe giọng nói thì chắc chắn ai cũng nghĩ đó là một cô bé người Kinh sành điệu.


     Cùng với bạn bè khi xưa học cùng trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng
Chiếc xe chúng tôi chạy mải miết, nhìn hình ảnh có nhiều người ngược xuôi trên đường tỉnh lộ 24 như có vẻ xe đã chạy gần về đến thành phố. Đến 2 giờ chiều, chúng tôi bắt đầu chạm “cổng chào” thành phố Kon Tum. Bước vào thành phố Kon Tum, con đường dẫn Phan Đình Phùng chúng tôi đi thẳng tắp, rộng lớn đến 3 làn xe, không sầm uất, ồn ào như ở nhiều thành phố lớn khác. Song khi chiếc xe chạy đều đều, chậm chậm, trôi qua ô cửa xe là những ngôi nhà 2, 3 tầng với lối kiến trúc hiện đại, khang trang. Nhìn những ngôi nhà đẹp nằm trên con đường này, tôi nghĩ, đó là thành quả của người dân Kon Tum sau bao nhiêu năm lao động vất vả và phấn đấu ngay từ ngày đầu Kon Tum tách ra khỏi Gia Lai năm 1992. Một quần thể nhiều ngôi nhà ngói mới hiện đại và mái lợp thời nay không mang trong mình một chút gì để gọi đây là dáng dấp một khu vực tô giới hay nhượng địa xa hoa, hào nhoáng, thế giới ăn chơi kiểu mới của tướng tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hoặc của Mỹ để lại trong quá trình xâm lược Việt Nam. Vậy là thấm thoắt đã hơn hai chục năm trôi qua, nay ước vọng nhảy vọt của người Kon Tum đã sắp thành hiện thực.

Khi đã nhận phòng khách sạn và tắm rửa vội xong, chúng tôi mượn xe Honda lượn một vòng quanh thành phố Kon Tum. Dạo một vòng quanh thành phố được mệnh danh là “Làng cổ bên dòng sông Đăkbla ”, đôi mắt tôi không bắt gặp được một công trình kiến trúc nào cho là khổng lồ. Thành phố không Buiding, không có một công trình kỳ vĩ, nhưng qua cách ăn vận của người dân lã lướt cùng với những chiếc xe máy đời mới ngược xuôi trên phố. Du khách lần đầu đến Kon Tum vẫn có thể khẳng định nền kinh tế ở đây đã thật sự phát triển, nhưng mang một phong cách Tây Nguyên đặc trưng. Còn so với những nơi khác ở Tây Nguyên, Kon Tum địa hình bằng phẳng, không chộn rộn, nhiều dân cư và được gọi là phố núi như Pleiku, không rộng lớn và hiện đại như Buôn Ma Thuộc. Kon Tum xưa nay vẫn như một cô gái dịu dàng, đằm thắm, quý lắm nhưng cha mẹ cũng phải đành cho ra riêng cách đây hơn hai chục năm.

Về khách sạn đã hơn 10 giờ khuya, nhưng chúng tôi chưa ngủ vội, xách ghế ra ngồi nhìn bầu trời đầy sao. Nhớ những lần đi du lịch đó đây, chúng tôi không bao giờ đi ngủ sớm. Như lần ở Cù Lao Chàm lần trước, mười giờ đêm, tôi cùng DH dắt tay nhau đi ra cầu cảng. Giờ ấy hình như người dân vùng đảo nhỏ đã ngủ say. Hôm đó biển thật hiền, những con sóng nhỏ cứ lăn tăn vỗ nhẹ vào ghềnh đá dưới chân cầu. Ngồi trên phiếm đá ngắm biển, chúng tôi thật hạnh phúc ngắm bầu trời bình yên. Và mỗi chúng tôi, ai cũng được hít đầy vào lồng ngực vị tinh khiết của biển. Biển vắng mang cõi hồn chúng tôi đi lang thang trong khi bàn tay hai đứa nắm chặt để cảm ơn đất trời, cảm ơn cái chất lãng du của mỗi người đã đưa đẩy chúng tôi đến một khung cảnh đẹp và lãng mạn như thế này! Một đêm thật khó quên trong đời, tôi đã ôm hôn em ngây ngất giữa biển trời đầy sao !

Còn hôm nay, mùa đông miền Trung đang mưa phùn, gió bão, rồi cũng đến ngày người người sẽ thấm gió bấc từng cơn. Nhưng ngược lại, Kon Tum mùa này là mùa ấm áp nhất trong năm. Trời về khuya, thấy có chút gió se se lạnh, tôi khoác thêm cho mình chỉ một chiếc áo mỏng là đã nghe trong lòng người thật dễ chịu. Chúng tôi ngồi bên nhau như một cặp tình nhân, hình như đã khuya, DH khép vào lồng ngực tôi thỏ thẻ: "Khí hậu Kon Tum tuyệt quá anh nhỉ!?". Rất đúng, đông về, ai đi Tây Nguyên gọi tui mình với nhé! Để cho chúng tôi cùng hưởng một chút vàng của nắng, một chút khí thiêng của núi rừng về đêm lành lạnh..... Còn ban ngày, vòm trời trong xanh như viên ngọc. Hình như mặt trời luôn luôn chiếu nghiêng!.
                                           Những người bạn năm xưa!

 ẨM THỰC VÀ LY CAFÉ TÂY NGUYÊN

Kon Tum sớm mai, khi mặt trời bắt đầu ló dạng, ngọn cỏ bên đường ướt át, mềm mại bởi sương đêm. Dường như cây lá xanh hơn dưới ánh mặt trời vừa mới ửng hồng, nhìn mọi vật, tôi có cảm tưởng như báo hiệu tiếp một ngày cũng như mọi ngày mùa đông, nắng đẹp buông rãi đều khắp mọi buôn làng Tây Nguyên!.

Không khí ngoài trời rất dễ chịu, tôi xách xe Honda dạo một vòng quanh thành phố, nhân tiện cũng để kiếm cái gì bỏ bụng. Cuối cùng, chúng tôi bắt gặp một quán ăn đang rất đông thực khách và sạch sẽ. Hơn nữa, tấm biển quảng cáo đặt trước thềm hiên: “Phở - Cơm Tấm” đã níu chân tôi không cho đi tiếp. “Phở- Cơm tấm”, đó là những món ăn sáng mà tôi rất thích sau mấy chục năm sinh sống giữa đất Sài thành. Người Sài Gòn dù có đi Đông, đi Tây cũng ít khi nào gặp ăn được một bát phở như tại Sài Gòn chính gốc. Phở thơm lừng mùi ngò gai, ăn một miếng là nghe hồn quốc túy. Khi bước vào trong quán, thoáng nhìn người ngồi bàn bên cạnh đang ăn món phở khô trông gần giống với hủ tiếu Nam Vang của người miền Nam, hơi ái ngại nên tôi gọi món “Cơm Tấm sườn nướng”. Liếc mắt nhìn món “Cơm Tấm” chị chủ quán gắp, xới vào đĩa để chuẩn bị bê ra cho chúng tôi: Hạt cơm hình như không được nấu bằng gạo tấm. Chị gắp một lát Tàu hủ chiên, một ít đồ xào linh tinh, một miếng sườn đã nướng từ khi nào chẳng rõ và cộng thêm một lát chả trứng chiên. Rồi tiếp là một chén canh rau như cơm bình dân dành cho buổi trưa chiều ở mọi miền đất nước. Một thoáng ngỡ ngàng cho sự khác lạ cho món cơm tấm tại đây, tôi nhanh miệng đổi lại một bát phở, một đĩa cơm tấm cho hai người chúng tôi. “Nhanh trí” vậy cũng chỉ để là “chữa cháy” chuyện đã lỡ và muốn nếm thử hương vị ăn sáng ở Tây Nguyên, chứ tôi đoán chắc không thể nào hợp khẩu vị.

Bây giờ ngồi ghi loạt bài ghi nhận này, tôi không nói món ăn sáng ở Tây Nguyên ngon hay dỡ, hay nếu so sánh ẩm thực giữa miền này và miền khác cũng là điều khập khiễng. Nhưng sau khi ăn sáng tại Kon Tum, tôi lại càng nhớ và yêu món phở, món cơm tấm có gốc bự ở Sài Gòn nhiều hơn. Ẩm thực là nét văn hóa lâu đời khó thể thay đổi, trong khi đi du lịch vài ba ngày thì vấn đề này cũng là chuyện nhỏ.Còn đặc sản của Tây Nguyên? Ở đây phải nói có rất nhiều "của ngon, vật lạ", tôi sẽ đề cập trong kỳ sau.
       Cafe Adam nằm trên đường Phan Chu Trinh - Kon Tum
Tôi có một anh bạn, khi đi Tây Nguyên về hài hước: "Nều lên trên đó mà không đi uống Cafe là ....mất nửa cuộc đời!". Riêng tôi nhiều lần lên Kon Tum chơi thắm thú, tôi biết người dân Kon Tum nói riêng hay Tây Nguyên nói chung vốn rất sành về cà phê, cái gu thưởng thức của họ cũng rất đặc biệt, nó trở thành sắc độ văn hóa ẩm thực độc đáo. Ngay cả cái quán bình dân cũng phảng phất một phong cách Tây Nguyên. Người dân ở đây uống café thuộc số đông so với nhiều vùng miền khác. Họ có thể uống cà phê: sáng-trưa-chiều-tối, khi buồn, vui, suy tư, căng thẳng hay chỉ vì thói quen không thể bỏ, nhưng không phải loại cafe nào cũng có thể được chấp nhận hoàn toàn. Còn một điều đặc biệt nữa là hầu như các thành phố ở Tây Nguyên không có café hẽm như Sài Gòn hay những thành phố khác.

Nói đến café Tây Nguyên tôi cũng xin vòng vo đôi chút. Người dân Tây Nguyên uống cafe không chỉ là thói quen ưa thích mà đây còn là nét văn hóa đặc biệt đầy tinh tế, cá tính của mỗi người. Và hình như thức uống này đã thâm trầm mê hoặc cả một vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Cách thưởng thức cà phê của người Tây Nguyên thường không đòi hỏi lượng cà phê trong ly phải nhiều và cách uống thì luôn chậm rãi, nhấp từng hớp nhỏ để cảm nhận. Tôi may mắn được đi nhiều nơi và thưởng thức cà phê tại nhiều vùng khác nhau, nhưng khi so sánh tôi có thể khẳng định rằng không đâu cà phê ngon như ở Tây Nguyên. Cũng với những sản phẩm cà phê đó nhưng mỗi nơi có mỗi cách thưởng thức, pha chế khác nhau, như các tỉnh phía Bắc lại thích uống cà phê có vị đắng chát, loãng và ít quan tâm đến mùi vị tự nhiên, miền Trung thì lại ưa chuộng độ sánh, ngậy và khét, còn văn hóa uống cà phê của người miền Nam thì thích loãng, nhạt, số lượng cà phê nhiều và ít độ béo. Còn riêng thành phố Kon Tum tôi rất thích và hợp với gu cà phê nơi đây. Ăn sáng xong, chúng tôi cùng một vài người bạn đang làm việc tại thành phố này kéo nhau đi cafe A -Dam nằm trên đường Phan Chu Trinh.

Bước vào quán nằm ngay giữa thành phố, nhưng tôi có cảm tưởng đứng giữa buôn làng thâm u mang đậm nét Tây Nguyên. Nhìn những chậu phong lan rừng tinh khiết, những cây giây leo bám rễ trên thân cây độc mộc xù xì, lòa xòa thả lơi những nhánh kiêu sa. Tất cả từng chi tiết đã mê hoặc tôi như một vũ điệu tuyệt luân giữa thiên nhiên hoang dại. Đẹp quá! Hai chúng tôi, mỗi người cứ để tự nhiên cảm xúc của mình trào dâng giữa một khoảng lặng không thanh âm. Và cảm giác tĩnh yên sâu lắng trong tâm hồn. 

Đến Kon Tum, khi ai đó đã thưởng thức Cafe tại quán này rồi, tôi nghĩ nếu đến nơi khác sẽ rất khó hài lòng và níu chân họ. Uống cafe ở quán Adam hôm ấy và một vài quán trong thời gian ở Kon Tum, chắc ai cũng đều nghĩ cafe là hình ảnh thu nhỏ của nếp sống văn hóa của người Kon Tum. Và nay cuộc sống đã tốt hơn nhiều nhưng người Tây Nguyên vẫn không ngừng vươn lên để tìm kiếm phồn vinh, hưởng thụ.....
(Còn nữa) Kỳ 15 : Tri âm - không là đó đây hay Đôi mắt Pleiku.
Andi Nguyễn Ánh Nhật




12 nhận xét :

  1. HN sang chúc gia đình một mùa đông hạnh phúc .

    Trả lờiXóa
  2. Làm gì mà ôm chặt nhau thế em ơi
    Cẩn thận kẻo siêu bão đến thăm đó nghe (~_~)

    Trả lờiXóa
  3. Đến tây Nguyên giữa bầu không khí trong lành, cái cảm giác lành lạnh đưa con người ta đến gần nhau hơn phải không em?

    Trả lờiXóa
  4. Chuyến ngao du thật tuyệt đó anh , chúc anh luôn vui và HP nhé!

    Trả lờiXóa
  5. Bài hay quá anh, ảnh đẹp nữa ...Nhưng sao có gì buồn buồn ...

    Trả lờiXóa
  6. Tây Nguyên thì cũng có cái thú vui của nó, và có nét hoang sơ hùng vĩ lắm.

    Trả lờiXóa
  7. Bài viết đầy cảm xúc cùng với hình ảnh của các em , có thể nói thật tuyệt vời đó Ánh ơi !! Nói đến café là chị mê lắm ( nhưng café sữa đá đó à nhen ! ) , thế nên mỗi lần về thăm gia đình ở VN và khi trở qua đây , chị cũng tải được vài ký café Buôn Mê Thuột để dành uống đó em ạ ! Giờ đọc bài của em ...thấy thèm thèm rùi đó ...nhưng tối rồi , để ngày mai pha uống mới được ....ngày thật vui và thật hạnh phúc nhé em !

    Trả lờiXóa
  8. Chúc anh chị chuyến đi du lịch ngập tràn niềm vui và hạnh phúc

    Trả lờiXóa
  9. Em không bình bài, em chỉ bình ảnh, anh hỉ?!

    Một voi lẻ loi, cái vòi trơ trọi
    Hai người nồng ấm, tay vòng đôi tay.

    Đệ nghĩ huynh nên quay sang ôm em Voi kia một phát tượng trưng "cái gọi là chia sẻ". Đệ thấy em ấy tủi thân, tội nghiệp!

    Dạ, xin hết, Đệ chạy!

    Trả lờiXóa
  10. Mình đã đến những KonTum và những địa phương có trong bài và hiểu rằng ánh Nhật cảm nhận thật sâu sắc.

    Trả lờiXóa
  11. Vi Vu cùng tình yêu..thật là tuyệt..Anh A.N hả?

    Trả lờiXóa

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC