11 tháng 4, 2018

Một vài cảm nghĩ bài thơ "CÓ THỂ NÀO EM NGỪNG YÊU ANH ĐÂY?! "



Có thể nào bầu trời thôi xanh,
Ngày không đến
Đêm bạc đầu ngóng đợi.
Lá chẳng chịu vàng, thu chạnh lòng không tới.

Mùa lạc mùa phai
Chênh chếch sợi thương gầy....
Có thể nào tay chẳng kịp níu tay?
Chới với chiếc hôn rơi...

Thềm ngực buồn ngơ ngác.
Sương rụng đầu hiên lần câu kinh lầm lạc.
Môi chạm mùa say,
Lướt khướt vũng trăng đầy.

Có thể nào...
Có thể nào em ngừng yêu anh đây?
Có thể không?
Ngày không nhau, đêm dài hơn nỗi nhớ.

Phố ngút ngắt tím bầm từng hơi thở
Đỏ bỏng chiều
Rưng rức...
Một miền yêu.

Có thể nào em ngừng nhớ anh nhiều.
Sài Gòn không anh Sài Gòn hoang mạc quá!

(VÕ ĐAN THÙY)

40 năm trước (1976) trên dòng kẻ Đồ Rê Mi của mình, Trịnh Công Sơn từng viết riêng cho người đồng điệu Khánh Ly tác phẩm cùng tên “Thí dụ” hay còn gọi “Rơi Lệ Ru Người”. Trịnh là một thiên tài âm nhạc nhưng trong sáng tác này, sự nổi tiếng tác phẩm lại không nằm trong nhịp phách và trí tuệ mà chính đó là sức hút kinh hoàng của hơi thở ngôn ngữ. Dù ai đó có hiểu hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Thí dụ” đi chăng nữa, thì ngôn ngữ kia vẫn có sức hút lôi cuốn đến khó cưỡng: “Thí dụ bây giờ em phải đi. Em phải đi. Đôi tay em dù ưu ái đời. Em phải đi…”

Và nay, tôi lại được đọc một bài thơ “CÓ THỂ NÀO EM NGỪNG YÊU ANH ĐÂY?!” của Võ Đan Thùy, một người con gái Nam Bộ làm thơ như hơi thở cuộc sống hàng ngày, chân tình mà rất nhạy cảm và dễ tổn thương.

Thoạt tiên, mở đầu là những dòng thơ có chút âm luật như còn “lưu luyến với Đường thi” (thể thơ 5 chữ, 7 chữ). “Có thể nào bầu trời thôi xanh”, “Đêm bạc đầu ngóng đợi”, mà cứ tưởng như một triển hạn ngáng đường cho những tâm hồn đồng thanh đồng ý hướng cùng nhau đến chân trời mơ ước:

“Có thể nào bầu trời thôi xanh,
Ngày không đến
Đêm bạc đầu ngóng đợi.
Lá chẳng chịu vàng, thu chạnh lòng không tới”.

Tôi thích cách nhập đề này của Võ Đan Thùy, dễ cảm nhận, đậm chất tình và chưa có ai hơn nhiều bằng sự thành thực giữa thơ và tình được như vậy!. Vả lại, giữa ước muốn và hư ảo, ngôn ngữ của Thùy lại rất đằm, không chót vót ngân nga. Tác giả đã phân thân chính mình từ câu hỏi như lời tựa của bài thơ, đầy khiêm nhẫn và khát khao: “Có thể nào em ngừng yêu anh…”. Cái rung của tình yêu mong manh vàng vọt nơi cõi lòng lại tiếp tục thấp thoáng trong ám ảnh dục tính rất đời thường “Thềm ngực buồn ngơ ngác”, “Môi chạm mùa say” .....không thỏa.!

Con người luôn tìm thấy trong tình yêu sự sống vĩnh cửu, vượt ra khỏi giới hạn đời người trăm năm để quyện chặt. Vậy có buồn không khi nụ hôn “Lướt khướt vũng trăng đầy”. Một khổ thơ đầy nội tâm và hay biết dường nào:

Thềm ngực buồn ngơ ngác.
Sương rụng đầu hiên lần câu kinh lầm lạc.
Môi chạm mùa say,
Lướt khướt vũng trăng đầy.

Làng quê miền Tây muôn đời “Gạo trắng nước trong” nhưng ra cửa biển lại đục ngầu. Thùy rất sợ đứng giữa đôi dòng nước trắng trong hay mắc đó là con đò giữa dòng chảy nhân sinh và tình yêu đầu không bao giờ muốn quay lại. Thời gian vẫn biến cải, còn Thùy chỉ biết tự sự, giải bày đến sáu (6) lần “Có thể nào….” trong bài thơ. Sự lặp từ lại nhiều lần ta thường gặp trong thủ pháp nghệ thuật làm thơ của những người nổi tiếng thơ tình như Ta- Go, V.Huygo, Lecmantop v.v.v nhưng rất khác với thơ Việt là luôn phải cố gắng tránh lặp từ. Còn sự vô thức được nhắc lại “Có thể nào…” này để nói một sự thật “em chỉ nhìn thấy có anh trong ngọn lửa tình không nguôi tắt nơi trái tim em!”

Bởi thế nên khi đọc nhịp thơ vẫn cứ liền mạch dù không có cấu trúc khép kín hay cú pháp chặt chẽ của thi ca truyền thống. Trong diễn ngôn Thùy chỉ mở ra những điều để người đọc tưởng tượng. Cái tôi trong tình yêu thông thường của lứa đôi được thể hiện bằng sự đối trọng của không gian trong trạng thái hỗn mang cảm xúc:

“Mùa lạc mùa phai
Chênh chếch sợi thương gầy....”

Kế tiếp là một khổ thơ nổi loạn, không chỉ đập phá vần mà còn phá bỏ nhịp điệu của thơ. Tôi nghĩ tác giả đã vượt qua chính mình trong cách viết và cố gắng cách tân trong bút pháp khi viết về đề tài tình yêu. Bởi đơn vị ngữ âm cuối cùng vẫn thể hiện được chức năng theo luật hòa thanh của thi ca, tựa như theo cách nói của Phan Khôi, một thành viên của “Nhân văn – Giai phẩm” trước đây: “Đem ý thật có trong tâm khảm tả ra bằng những câu, có vần mà không bị bó buộc bởi những niêm luật gì hết”.

Thế nên giữa thinh không trong thinh không, nội tâm phân thân đầy nghịch lý, rồi chừng như trời đất đã có lời đồng vọng theo cách diễn đạt bước đi của tác giả ở mọi cung bậc ,lúc tưởng tượng, lúc tự hỏi mình. Tuy nhiên dù ở cung bậc nào “Ngày không nhau (là) đêm dài hơn nỗi nhớ”

“Có thể nào...
Có thể nào em ngừng yêu anh đây?
Có thể không?
Ngày không nhau, đêm dài hơn nỗi nhớ”

Trái tim của mỗi người, có ai muốn biến thành đáy biển. “Phố ngút ngắt tím bầm từng hơi thở. Đỏ bỏng chiều. Rưng rức...Một miền yêu”. Tôi, tác giả và mọi người đều là những nhà ảo thuật tài hoa có thể biến nhiều điều bất hạnh để được phục sinh. Bởi bên cạnh những điều không mong đợi có thể đến với ta, vẫn còn một cõi hạnh phúc nào đó xúi giục tôi và chúng ta phải đi về phía trước dù bao chông gai.. Và “Có thể nào…” khi con người cảm thấy thừa ra gấp đôi, vậy là đã mất đi một nữa!?.

“Có thể nào em ngừng nhớ anh nhiều.
Sài Gòn không anh Sài Gòn hoang mạc quá!”

CÓ THỂ NÀO EM NGỪNG YÊU ANH ĐÂY?! Là một bài thơ bày tỏ hết được xúc cảm của trái tim yêu, chẳng bằng thứ nghệ thuật nào ngoài ngôn ngữ sáng trong và mộc mạc chân tình như cuộc sống của người miền Tây vậy. Tôi đã hiểu và yêu tác giả nhiều hơn!

5 nhận xét :

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC