18 tháng 12, 2021

CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN..

Ngày cuối tuần, nhiều khi tôi chưa biết phải làm gì khi chỉ với một mình “ta với ta”. Nhiều lúc tôi như muốn kéo căng dây thời gian trong hai mươi bốn tiếng của ngày để cho mình có một ngoại lệ xứng đáng (!?). Bởi các ngày trong tuần, dẫu có mệt mỏi và chán chường đến thế nào đi chăng nữa, thì vẫn luôn còn đó một ít thời gian, là đẹp đẽ, niềm vui và sự xoa dịu. Một khoảng trống nhỏ, tôi tạm nhìn cuộc đời trôi đi mà không phải cố nắm lấy hay tranh giữ một thứ gì ….

Cuối tuần phượt hay có được một chuyến lang thang bé thì cũng là điều thú vị!. Tôi thường đi một mình, rồi có lúc đi với nhóm bạn già và có khi lại là Millennials – Một thế hệ có lối sống lành mạnh, nhiều hoài bão và tuỳ hứng được kiểm soát. Được phượt mải miết đó đây, tâm trí tôi luôn có những niềm vui và cả sự va đập khó chịu nhất định của mỗi điểm đến. Dù có mệt mỏi nhưng khi được nạp nhiều trải nghiệm và hạnh phúc ở điểm mình đã chọn thì cái gì của cuộc đời tôi cũng muốn lướt qua. Tôi bằng lòng hiện tại, không bóc tách cả sự phản bội, “quay xe” và chẳng tìm hiểu vì sao tôi đã từng cho nhưng chưa nhận lại được điều gì (!?).

Cuối tuần về thành phố. Người dân nơi đây, già trẻ đều thức đêm như vạc. Bởi họ nghĩ lúc này có những khoảng khắc là “phần thưởng” để con người được thở phào rồi tận hưởng. Như thời hiện tại, cuối tuần nhớ làm gì khối bùi nhùi lo toan mùa dịch dật. Ta có thể bỏ những ưu tư vào nồi lẩu, cụng quại bia chan chat giữa xung quanh tiếng đời. Câu chuyện của họ, phảng phất còn nhiều lời than thở, nhưng rồi phải biết “quẳng gánh lo đi và vui sống”. Tạm nhìn đời vô thường giả tạm hư không..!!!.

Đêm thời Covy, người thành phố tạm quên cái thời “Trẻ đi Bar, già ngồi Lounge” nhưng vẫn còn đó nhiều công viên có chỗ ngồi đẹp, nhìn mênh mông là những ánh sao đêm. Có thể thấy cái nắm tay nhẹ nhõm của một cặp đôi tình già đi dạo ven kênh. Còn ta dù không đói nhưng có thể là món quà ăn vặt của gánh rao đêm  như để cho ta được nạp một  “năng lượng tâm hồn”

Cuối tuần chạy về thành phố, Café!. Đã có câu: “Cà phê vô tận mưa nguồn. Thành thân vô lượng vui buồn gọi nhau”. Thưởng thức cafe của người thành phố ngày nay rì rào muôn nẻo nhưng không khác gì nhiều so với thời kỷ niệm cỏ thơm của tiên sinh Bùi Giáng. Café một mình hay với ai đó cũng có thể là nơi được gia chủ tận dụng quy hoạch “tân cổ giao duyên” theo đặc trưng khu vực. Đó là những khoảng vườn nhỏ ẩn mình bên trong một toà nhà theo lối cũ, hoặc đôi khi rất bất ngờ là bên dưới một mặt tiền chung cư hào nhoáng….

Café muôn nơi và đủ loại hình thức độc đáo. Tôi đã từng ngồi Café bệt, Café đọc sách, café Container, café thú cưng, café Vitage, café Bicycles và như tuần nay tôi vừa đi….cafe Thư Pháp. Một khoảng không gian “café nội tâm” thật tuyệt như bản chất giá trị của bộ môn nghệ thuật này. Tôi nhận thấy nơi đây mang một chân dung riêng khác biệt. Chân dung ấy được vẽ lên bởi ý tưởng xuyên suốt trong nội thất của một người em trai – Nhà Thư Pháp Minh Vương. Giữa ngỗng ngang những bức tranh thư pháp, những vật dụng khác đời, đâu đó tôi còn nghe thơm ngát mùi gỗ xá xị không phai mất theo trần bụi thời gian.

Là dân sáng tạo và yêu thích nhiệt thành bộ môn nghệ thuật và thẩm mỹ biểu hiện tâm tư và tình cảm con người. Nên từ khoá ở đây không chỉ là vị giác của hương café mà còn là sự tận hưởng của thú tao thanh nghệ thuật. Chủ nhân Minh Vương và người thầy Kỳ Anh dạy thư pháp trên củ quả, lon bia đã biến quán café nơi đây thành nơi trú ngụ bình yên trong một thế giới hậu tận thế. Trong nhà được bài trí những bức tranh Thư Pháp siêu thực, còn ngồi ngoài vườn là những “Ông Đồ” phảng phất phong cách nho xưa. Khách đặt chân vào quán, chợt nhận ra, mình vừa đánh rơi nỗi phiền muộn riêng tư ở bên ngoài cổng. Và tôi cũng vậy như một lần đã đến đây cuối tuần- Café THƯ PHÁP!



































1 nhận xét :

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC