17 tháng 12, 2018

Trekking TÀ NĂNG – PHAN DŨNG. Cung đường THỬ THÁCH TỘT BẬC (Kỳ 1)

Sáu giờ sáng ba anh em chúng tôi có mặt nơi cửa rừng Ma Bó – Đức Trọng – Lâm Đồng. Ở đây đã có đoàn theo tour từ Đà Lạt xuống, đoàn của 4 cô giáo viên xinh đẹp: Huỳnh Hợp, Phạm Hoa, Lưu Thùy Anh Đức, Nhật Minh từ Biên Hòa và Sài Gòn đi lên. Vậy là chúng tôi có tất thảy 13 người “xa lạ” đã hợp thành một hội “Đồng khổ tương thân” cùng với hai Porter Trí Sỹ và Huy Công hướng dẫn chỉ đường. Còn tất cả lều bạt, túi ngủ, thức ăn, nước uống ….. được giao trọng trách cho chú “tuấn mã” đảm đương. 

Bắt đầu qua khỏi cửa rừng, chúng tôi đi men theo triền núi địa hình bát úp, một đặc điểm địa lý của dải đất “Hoàng Triều Cương Phổ”. Cảnh đẹp nơi đây cứ ở mỗi bước chân bày ra trước mắt, sương vẫn còn lãng đãng chưa tan bên sườn đồi khiến ai cũng cảm thấy như đang lạc vào thiên đường hạ giới. Suốt con đường đi, hai bên là cỏ tím hoang sơ mà hầu hết chúng tôi chỉ được nhìn thấy một vài nơi ở Đà Lạt. Còn trên đồi, bạt ngàn cây thông già như cột chống trời với bộ rễ và vỏ lộ rõ từng mảng trông giống như bộ giáp trụ lẫm liệt bị tuột hết đinh ốc của một võ tướng ngày xưa. Núi đồi Việt Nam đẹp và hùng vĩ làm sao! Dốc thấp, suối cạn nên đi gần hết 4 km đoàn chúng tôi ai cũng vui cười hết cỡ trong niềm vui khi được thấy khoảnh khắc tươi đẹp này dưới những tia nắng đầu tiên của một ngày mới. Nhiều người đã nghĩ, bức tranh thiên nhiên này sự thật còn đẹp hơn những hình ảnh trên mạng PR cho những người làm tour Trekking Tà Năng – Phan Dũng. 

Còn tôi, một “ông già” mới bước qua tuổi 50 thích đi lang thang bởi sự mời gọi, hấp dẫn khi đọc qua những trang mạng nhưng chưa biết sự thai nghén, sinh thành, số phận và cả suy nghĩ của các ngọn núi, dòng sông hay những con thác ghềnh của cung đường cũng là thật mạo hiểm. Duy chỉ một lần trước khi trekking, tôi đã lục tìm trong tủ sách của mình cuốn “Thiên Nhiên Việt Nam” (Xuất bản năm 1977) của Giáo Sư Lê Bá Thảo để đọc. Một bức tranh Tây Bắc được GS Thảo ghi: “Ngay đến vẻ đẹp kỳ lạ của lãnh thổ này cũng còn khó nhận thức hết được. Chúng ta chưa kịp nhìn xem ánh sáng chiều nô rỡn như thế nào trên các vòm cây trong thung lũng của đồng bào Thái có những bước bánh xe khẳng khiu đang quay một cách chậm chạp thì các tia nắng đã chuyển lên đến các đỉnh cao hơn, nơi lác đác những mái nhà của đồng bào Mèo đang nhẹ nhàng tỏa khói lam nhạt bên những vườn hoa thuốc phiện sặc sỡ…”. Sách chẳng nói gì nhiều về Tà Năng - Phan Dũng, nhưng bây giờ đã cho tôi điều so sánh. Nơi đây, đẹp hơn nhiều mọi nơi, rất trữ tình và thảng thốt!. 

Trưa xế, đến một quả đồi, chúng tôi dừng chân lại, mỗi người ăn một gói xôi cầm tay cho đỡ đói. Chỉ nghỉ được dăm ba phút, porter Trí Sỹ và Huy Công giục chúng tôi đi hướng về “Đỉnh 1200 m” nơi có cột mốc giữa ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đường về hướng ấy buộc phải qua đỉnh 500 m. Ghé tai Porter Trí Sỹ, tôi hỏi: “Tụi mình sẽ về đỉnh nào vậy em?”. “Hướng đó anh!”. Trí Sỹ trả lời với tôi cụt ngủn, nhưng trước mặt là những dãy núi dài giăng ngang thành bức tường sừng sững, còn đường đi lên lại hẹp và rất dốc. Cột mốc “Tà Năng –Phan Dũng”, trước khi tôi đi trekking cũng đã biết rằng mình sẽ đến nơi này. Vẫn biết, một cột mốc giao nhau của ba tỉnh mà thôi, nhưng đấy lại là sự quyến rũ, lôi cuốn không thể cưỡng được của không biết bao du mục xưa nay ở nơi rừng sâu âm u. 

Đã đến lúc những chiếc gậy rừng là đôi chân hữu ích. Gậy chống để đi lên và tì đè bước xuống. Những ngọn núi cứ nối tiếp nhau và giữa chúng với nhau có khi là con suối. Suối, chúng tôi vừa lội ngang qua bỗng nhiên mất hút trong những hốc thẳm sâu. Lúc đầu chúng tôi di chuyển cách nhau chỉ vài ba mét. Càng về sau khoảng cách từng người lại càng xa. Riêng chỉ nhóm Kỹ Sư “Điện Phú Mỹ – Bà Rịa” theo tour Đà Lạt ghép chung nhóm chúng tôi như Khánh, Dũng, Hải, Lý và Linh, một Kỹ sư làm việc ở Bình Dương bức tốp. Còn tất cả chậm lại và ơi ới khuyên bảo với nhau: “Cẩn thận anh Cường, anh Nhật, Nha Sỹ Hiệp ơi!”. Mới chỉ lên xuống được 2 ngọn núi, chiếc đầu gối trái của tôi bắt đầu đau buốt. Tôi sợ đi xuống hơn đi lên. Hướng lên có gậy làm sức rướn, hướng xuống chỉ có gối mới trụ được toàn thân. Vừa lo cho bản thân, chúng tôi cũng gọi lại nhắc nhở với mọi người "Hãy cẩn thận và tập trung!". Mệt nhòa chống gậy leo lên từng bước một, vô tình tôi bắt gặp một chiếc cúc áo màu xanh cánh chả nằm ngang tầm mắt. Hẳn đây là chiếc cúc áo của một cô gái nào đó từng đi phượt nơi đây. Một chút gì buâng khuâng bởi vì sao người khách lạ như mình bắt gặp?. Tôi cảm thấy mình lãng mạn thật và lạc quan hơn ở cuộc sống này. Có thể ở đời người người chưa thật lòng với nhau. Còn kèn cựa, còn ganh tỵ và chưa yêu thương như mình mong muốn. Dĩ nhiên tôi có thể cũng như mọi người, nhưng ở “phút sinh tử” như thế này mọi người đều luôn động viên và nhắc nhở. Khoảng khắc ấy đã làm cho tôi day dưa nhớ, nhớ đến mức cứ lo rằng, viết ra kẻo nữa rồi quên… 

Trời càng về chiều, porter Trí Sỹ chờ đợi mọi người ở một ngọn đồi và nhắc nhở: “Điểm tập kết của chúng ta nằm dưới con suối dưới dốc Mẹ ơi!. Đoạn đường chỉ một Km nhưng dốc đến 60 độ nên phải đi hết 1 giờ đồng hồ”. Tất cả chúng tôi nghe vậy và bắt đầu đổ dốc. Mới đi chỉ được hơn 100 mét là rừng già tối om vì cây cối bao trùm, đường lại rất hẹp và sâu. Hình như con đường sinh ra để cho Khỉ học chuyền cành từ...... mặt đất!. Mưa lâm thâm, đất đỏ bazan trơn trợt đến khiếp dường nào. Người nào cũng bị té ngã nhưng nhờ “bản năng sinh tồn” kịp chộp những nhánh dây leo mới cứu lấy sinh mạng bản thân. Tiếng hú của người trước gọi người đi sau bắt đầu í ới liên hồi. Tôi đi xuống trước, ngoảnh mặt lại mà chẳng thấy 2 ông “bạn già” của mình ở đâu. Đợi một lúc sau tôi đã thấy mấy ông bạn mình đi bằng cả “hai chân và hai tay” bò xuống trông thật là thảm hại. Anh Cường là một đối tác làm ăn xưa nay với công ty tôi. Anh em thân thiết, nay mới có dịp để tôi trách yêu: “Xưa nay có tour ngon thì một mình ông đi không à, đến cục xương này ông mới rủ tôi. Chán thiệt!”. Nghe tôi nói vậy, Nha Sỹ Hiệp tiếp theo làm tôi cười đau bụng như muốn ngã lăn: “Thì tui cũng vậy, ổng rủ đi Tà Năng – Phan Dũng, tui nghĩ ổng có chiếc Mô Tô chở tui đi chứ!?. Ai lại biết đi là sống chết 50/50 như thế này!”.

Cười chưa xong, ba chúng tôi không còn nghe tiếng hú của mọi người trong đoàn. Chiều gần tối, sương giăng, núi như rộng thêm ra. Ba chúng tôi nghĩ như đã lạc đường. Nhìn lên cao, những đàn chim kêu khàn khạt về tổ, cánh bay mềm mại nhưng trễ nải, anh Cường thúc giục tôi: “Lạc đường rồi ông Nhật ơi, thôi tụi mình phải đi lên chứ không trời tối!”. “Nếu lạc đường mình phải ngồi ở đây cho porter tìm vì hồi xuất phát đến giờ tôi không có gặp ngã ba” – Tôi trả lời như vậy nhưng không biết sao lại cũng lò mò đu dây rừng theo anh trèo lên”. Trước mặt tôi, một con chim buồn vừa sà xuống nhặt lá khô về tổ ấm cho đêm. Tôi hú vang trời nhưng không ai đáp lại, chỉ nghe tiếng chim bìm bịp kêu tím đỏ chiều sương. Thân xác tôi gần như tan rữa và nơi trú ngụ của lòng tin cũng có còn đâu. Đêm nay ta ở đâu ?.

Gần nửa đồng hồ sau, porter Trí Sỹ đã quay ngược lại “giải cứu” chúng tôi. Về đến láng trại nơi bờ suối, trăng trung tuần đang lên, vần sáng như nửa cuộc đời còn non ngọn. Những hẻm núi sợ hãi như lúc xế chiều sẽ dẫn về quá khứ, cả vòm núi đen ngòm như màu cồng chiêng lâu ngày không đánh bỏ quên làm cho tôi phát khiếp cũng qua. Còn đó một trải nghiệm với biết bao cung bậc cảm xúc ám ảnh mà khó quên và nhớ mãi cuộc đời này. 

Mặt trời tự thiêu để ban phát đoàn chúng tôi một bếp lửa hồng. Thịt nướng, gà luộc, rượu nếp - Tất cả đã mang đến cho mỗi người một nguồn năng lượng mới. Trước hết là giấc ngủ bình yên. Đoạn đường còn dài, ngày mai hãy còn tiếp bước. Nhìn chiếc đồng hồ đếm nhịp sinh học trên tay, chúng tôi mới đi được 28.000 bước chân trên cung đường Tà Năng – Phan Dũng . (Còn tiếp)

NHỮNG HÌNH ẢNH CỦA CHUYẾN TREKKING













































































2 nhận xét :

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC