24 tháng 12, 2018

Trekking TÀ NĂNG – PHAN DŨNG. Cung đường THỬ THÁCH TỘT BẬT! (Kỳ 2)


Đêm mệt nhòa. Nơi chúng tôi dựng trại tập kết là một mảnh đất khá bằng phẳng nằm bên bờ suối, cách mũi chóp ngã ba tỉnh Lâm Đồng – Ninh Thuận – Bình Thuận không xa. Rừng nhiều cây uy nghiêm trên đỉnh núi, phía dưới tiếng nước suối cứ chảy rì rào mải miết, chẳng đợi ngày hay đợi đêm. Lần đầu tiên cắm trại bên chân núi Tà Hoàng thật sự ai cũng có một trải nghiệm khó quên. Nằm giữa lòng đất trời, tạm biệt đi những xô bồ, bụi bặm bon chen của thành phố, đáng lẽ lòng cũng phải nhẹ nhàng, an nhiên. Thế nhưng tôi vẫn còn nguyên cảm giác đau ê ẩm như đang lội bộ khi chiều. Thấy tôi nhăn mặt vì đầu gối trái không thể nhúc nhích được, anh Cường cầm chai dầu xanh xoa bóp hộ. Thương mến làm sao, tôi không bao giờ quên điều đó trong đời! 

Cả đêm không ngủ được, tôi nằm nghe tiếng mưa rừng rơi tí tách và nghĩ ngợi mông lung. Chẳng hiểu động lực nào đưa tôi đến đây, một chuyến đi chưa từng thấy trong đời hay ở cả cơn ác mộng ghê khiếp lộn ngược từ đời (!). Tôi không biết mọi người trong đoàn sẽ nghĩ gì và cảm nhận như thế nào khi đêm nằm “ngậm nghe” nơi “rừng thiêng nước độc” này?. Riêng tôi, một màu lá nơi đây cũng chưa biết gọi tên và tôi chỉ biết mình dường như đã chạm tới tận cùng giới hạn của bản thân. Có lẽ phải đi thêm một buổi nữa may ra mới biết được sức lực của chính mình hoặc không bao giờ. ….. 


Trước khi đi tôi đã nói với bạn bè rằng đi là để khuây khỏa trước những áp lực cuộc sống và muốn trải nghiệm theo cái nghĩa văn hoa “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Vậy mà cả ngày đi với 28.000 bước chân tôi đã học được bao nhiêu sàng rồi mà vẫn chưa biết ?. Duy chỉ có một điều, tôi đã hiểu được bản thân. Đã đến tuổi đá buồn rồi, lại hàng ngày ít tập thể dục nên đi trekking như thế này là điều không nên. Có thể nào đi ngược thời gian và không gian, bước tới không đặng, bước lùi không xong!. Cuối cùng tôi phải dùng mệnh đề giả định để chêm vào an ủi bản thân …… “giá như khi ta còn trẻ”…. 

Một đêm không có một giấc mơ, không nghe được tiếng ngáy phò phò ở ông bạn già Nha sĩ Hiệp. Chắc mệt gần như “tắt thở” nên đêm nằm đến canh ba tôi vẫn không nghe được cái thói quen trong giấc ngủ của anh ta thường thấy. 

Một đêm mất ngủ vì đau nhứt, vì trời mưa lâm thâm bốc hơi mốc xì mùi củi mục và tiếng côn trùng da diết. Khi sáng hẳn, sương cũng bắt đầu loãng dần. Chui ra khỏi chiếc túi ngủ, tôi nhìn được rất rõ, người nào người nấy đều đã thức dậy và lếch thếch lôi thôi làm sao. Nhìn họ vậy, nhưng chẳng có chiếc gương để soi ở chính mình. Tôi bằng nhờ một người em trong đoàn chụp hộ ba chúng tôi tấm ảnh ở cửa ra vào lều bạt. Thì ra tôi có khác gì hơn, như Ngũ Tử Tư của ngày xưa nước Sở - Thức một đêm đã trắng bạc đầu….. 


Hừng đông, núi Tà Hoàng im phăng phắt. Nắng xiên qua đỉnh đồi mé đông chia nửa con suối bên láng trại chúng tôi cờm cợp trong râm mát, còn nửa hướng thượng nguồn ươm vàng, báo hiệu cho một ngày nắng ấm và còn đường hãy còn xa …. Lấy nước suối nấu pha chế mì tôm, lũ chúng tôi mỗi người nuốt vội một ít chuẩn bị lên đường. Và HDV Trí Sỹ chỉ kịp nói: “Quãng đường hôm nay có mức độ khó nhất trong ba ngày nên đỏi hỏi người đi phải cẩn thận và cố gắng….!”. 

Trời ạ, không lẽ là như thế, đôi chân của tôi còn quá đau, không thể nào nhấc nỗi, lại chẳng còn có con đường lui. Nghĩ bụng chẳng ai thèm quan tâm đến một người xa lạ như mình. Thế mà Dũng, một kỹ sư “Nhà Máy Điện Phú Mỹ” một người bạn đồng hành mới quen ngày hôm qua đã chìa cho tôi viên thuốc giảm đau cơ Alaxan thật là cảm động. Một điều đã cho tôi học được đúng nghĩa câu: “Người với người sống để thương nhau” khi gặp bất trắc giữa chốn rừng hoang. Cảm ơn bạn, động lực và tinh thần trong tôi đã được nhân lên gấp đôi, hơn thế nữa cho chính bản thân mình hoàn thiện những mảnh ghép về bức tranh xã hội đầy màu sắc hỷ-nộ-ái-ố. .. mà xưa nay tôi còn ngờ vực.


Đi được vài trăm mét, chúng tôi đến bờ suối và chuẩn bị lội qua. Nhìn hình ảnh con suối quen quen vì có lần nào ấy tôi đã được xem trên mạng. Tôi mới hỏi HDV Trí Sỹ: “ Có phải con suối này đã cuốn trôi cô gái 8 X (Nguyễn Việt Tuyết Q) vào tháng 10/2017 không hả em?”. “Đúng rồi anh!”. Trí Sỹ trả lời đã làm tôi lạnh xương sống, bởi clip của tai nạn đáng tiếc này tôi có dịp đã xem trên youtube.com dù có lời cảnh báo: “Video có nội dung nhạy cảm, cân nhắc trước khi xem”. Nhìn suối giữa rừng vẫn “bình thản” chảy nhưng nó có thể biến những điều khó hình dung nhất trên cõi người này thành hiện thực và đó có khi là nỗi khiếp đảm khó phai….Biết bao tai nạn đã xảy cho “Phượt thủ” trên cung đường Tà Năng – Phan Dũng. Tôi do dự trước con suối này. Nhưng không, HDV Trí Sỹ là người chăm sóc chúng tôi từng miếng ăn giấc ngủ khi nghỉ ngơi. Còn trên bộ hành cậu ta là người rất rành đường và cẩn thận. Trí Sỹ đã giăng dây cho chúng tôi qua từng người một. 


Bước qua bên kia suối, núi rừng Phan Dũng hiện ra trước mắt, rừng cây cổ thụ nguyên sinh, cây và dây leo bít lối. Đoàn chúng tôi đã có hai “người dẫn đường vĩ đại” – Trí Sỹ đi đầu còn Huy Công đi cuối, khóa đuôi. Vai đeo nhiều thứ đồ lĩnh khỉnh nhưng mỗi bước dài của họ đã làm chúng tôi theo đuối. Nhìn Trí Sỹ đi trước, tôi có cảm nhận cậu ta rất thảnh thơi như dắt trẻ đi dạo công viên. Chỉ có nhóm Dũng, Khánh, Lý và một vài người theo kịp. Còn tôi, hai ông bạn già của mình và mấy cô giáo viên rơi vào tốp cuối. Điểm dừng chân nghỉ trưa là chân con thác Yali hãy còn xa, trong đầu tôi bắt đầu có chút suy nghĩ oán thán cho chính mình: "Trekking Tà Năng – Phan Dũng là khát vọng ngông cuồng, làm sao sửa sai ở chốn nơi đây?!". Dốc núi lại có đoạn rất hiểm gần như lên đỉnh 1.200 mét hôm qua, gối chân bước lên như ngang ở ngực. Còn xuống dốc, gối chân tôi như khụy. Giả dụ không có cây gậy đi rừng, không có dây leo thì chỉ một sơ sẩy con người sẽ lăn như hòn bi. Đồng hồ sinh học báo đoàn chúng tôi mới đi được 10.000 bước chân. Lúc ấy nghe HDV Huy Công nói rằng chỉ còn mấy trăm mét nữa chúng tôi sẽ dừng chân ăn trưa. Thầm mừng trong bụng, trời lại đổ mưa, nước xóa mờ con đường xuống dốc thác Yali. Đi cứ đi, chúng tôi không ai nhận biết được “trời cao đất thấp” quả thật là điều nguy hiểm. Lạy chúa A – men! 

Cuối cùng chúng tôi đã đến được chân thác Yali. Mưa rất to, ai trong chúng tôi cũng đều sũng ướt. Nơi đây có rất nhiều tảng đá lớn trông giống trứng khủng long đẻ trên mặt đất. Gió như một thứ ma mị, luồn qua hốc đá nghe lạnh ngắt mà tôi cũng chợt nghe mùi hương thơm của cây xá xị nào đây rất dễ chịu. Chắc đó là phần thưởng của thần thác Yali dành cho những “người con thành phố” đã mỏi mòn chiến đấu với sức ì của ý chí và cơ bắp của mình suốt một ngày rưỡi qua 

Chúng tôi mỗi người nuốt vội chiếc bánh chưng và vài lát chả. HDV Trí Sỹ giục chúng tôi đi tiếp bởi trời đang mưa lớn mà còn đến … bảy con suối nữa chúng tôi mới đến điểm tập kết đêm thứ 2. Phía trước đoạn đường là những con suối được điểm mặt kể tên “nước chảy lơ thơ” nhưng rờn rợn, sặc sỡ vì đã được đánh dấu là sợi chỉ đỏ hung dữ trên bản đồ của cung đường Tà Năng – Phan Dũng. “Thành sự tại nhân” ta có thể tránh tử thần bằng sự mẫn cảm sông thiêng nước ác và sự cần mẫn của bản thân chứ không có phép màu nào khác. 

Rồi chúng tôi đi và ai cũng đã qua. Nhớ nhất khi qua dòng suối thứ 3, thấy tôi trượt chân giữa dòng suối, anh Cường trên bờ thản thốt hét lớn “Cẩn thận Nhật ơi!”. Tôi đã hãi hùng trước lưỡi hái và sẽ viết điều này ở phóng sự “Kỳ 3”. 

Chiều Phan Dũng không nắng, mặt sông mang một dáng vẻ khác hẳn. Tôi mới hoàn hồn khi đi lạc từ đỉnh núi cao 400 m xuống bãi tập kết mà chẳng có đường đi. Nha Sỹ Hiệp vô tình hỏi khi không biết tâm trạng tôi vừa thoát hiểm: “Trước đây ông có đọc tiểu thuyết “Nắng Đồng Bằng” không vậy, tôi thấy cảnh ở đây..... y chang!?”. Tôi ngạc nhiên trước một người làm chuyên môn như Nha Sỹ Hiệp lại còn nhớ chuyện văn chương từ thời "xa xưa cú đế” nên hỏi lại: “Của Nhà văn Chu Lai phải không, sao ông còn nhớ tác phẩm này dai ghê vậy?”. Thì cũng phải “ Nước ở đâu mà tuôn mãi không thôi. Nước rung rào rào trên lá. Nước tràn trên mặt đất. Nước chảy theo những thân cây. Rừng ướt sũng, đất ướt sũng, và trời mãi cũng chẳng thấy khô hơn. Mới xế chiều mà rừng đã muốn tối om. Rừng như xị ra. Mặt trời vẫn còn đâu đó ở đường chân trời. Nó đang thổi hồng một đám mây màu xám chì, giống như đống trấu ủ giữa sương mù đặc sệt. Dai dẳng trên cao, tiếng “đầm già” nhoè nhoẹt lúc gần lúc xa, nghe thuốn buốt như có cánh ong nào siết vòng ngay mang tai…..” (Nắng Đồng Bằng). 


Chiều, núi trong cái buồn của núi, nom ngẩn ngơ như thiếu phụ nhớ chồng. Còn tôi, một gã đàn ông tuổi đã 50 cũng vậy. Có khác gì hơn đâu….. hỡi núi ! (Còn tiếp). 




2 nhận xét :

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC