27 tháng 2, 2014

ĐẦU NĂM ĐI VỀ HƯỚNG TÂY!

Từ trái qua: Andi, Xuân Thu, Tuyết Lê, Thu Thủy, Tuấn "ngố"

Trước khi về học chung tại trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng, tất cả chúng tôi đều là những người xa lạ với nhau. Và như một chân lý sinh ra, dù cùng học chung trong một mái trường đại học, nhưng khi ra đời, cuộc sống của mỗi người có nhiều thay đổi, khác nhau….. 

Có thể bây giờ, dù chúng tôi không thể lấy lại được những năm tháng đẹp của ngày xưa ấy, cũng như có lại cảm xúc nguyên vẹn của một thời cùng ăn cơm ký túc. Mọi thứ đã “sang trang”, nhưng vẫn còn lại trong chúng tôi một điều mãi mãi, đó là tình bạn “tri âm tri kỷ”, không khoảng cách giàu nghèo, địa vị và luôn gọi, xưng hô với nhau bằng ông, bà, tui, tớ v.v.v. 

Cuộc sống thường ngày nhiều khi con người không thể điều khiển được sự dao động vốn có, nhưng trong tình bạn chúng tôi, mỗi người đều luôn chủ động và cháy mình với nhau cho mỗi khi có dịp gặp gỡ hoặc cùng nhau ngao du đến một vùng miền nào ấy. 

Theo lời hẹn của bạn bè xưa cũ ấy, giữa ngày cuối tháng giêng, tôi rời công trường gần Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) về Sài thành nhộn nhịp để chuẩn bị hành hương đến Miều Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Núi Cấm (An Giang) nơi có nhiều huyền thoại và truyền thuyết dân gian có từ thời tiền nhân khai mở đất phương Nam. 

Trước khi đi, trong mỗi chúng tôi, ai cũng đều có tâm nguyện đến nơi ấy để cầu mong mọi sự tốt lành năm mới cho chính mình và người thân. Sau đó cũng là đi cho "biết đó biết đây" với mọi người, mùa hành hương về hướng Tây, nơi địa đầu Tổ quốc.

Lời đầu tiên tôi xin cảm ơn chị Ái Châu, người tôi đã quen biết và “thân thiết” qua thế giới ảo Blog và nay tôi mới được gặp gỡ ngoài đời nhưng chị đã dành cho chúng tôi sự đón tiếp chu đáo và ân cần hiếm có. Hẹn gặp lại chị trong một ngày không xa!. Thành thật cảm ơn chị nhiều! 

Xin cảm ơn sự nhiệt tình và chân thành của các bạn: Xuân Thu, Tuyết Lê, Thu Thủy, Tuấn “ngố” và bác tài có cái tên rất “dễ nhớ”: Trộng!. Chính sự nhiệt tình, vui vẻ và vô tư của mọi người đã mang lại cho chuyến đi thành công mỹ mãn…. 

8 GIỜ TỐI TẠI PHÀ VÒM CỐNG
ĐƯỜNG VỀ MIỀN TÂY. 

Đúng hẹn, 1 giờ chiều tài xế Trộng chạy chiếc xe Inova màu trắng bạc đến nhà từng người để đón chúng tôi. Dù khoảng cách giữa các nhà cũng gần với nhau, nhưng vì đường phố Sài thành lúc nào cũng người người đông nghẹt nên gần đến 2 giờ chiều, chúng tôi mới chạm quốc lộ 1 để hướng về miền Tây. 

Hiện nay, đoạn đường từ Ngã tư Gò Me chạy về chợ Đệm- Bình Chánh để vào đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương không còn là “con đường đau khổ”, nhưng chiếc xe chúng tôi vẫn phải chạy rì rì vì lượng xe cộ ngược xuôi trên tuyến đường huyết mạch này đông như đàn kiến. Rồi dẫu có khi xe chạy đến đoạn đường được cho là “dễ thở”, vậy mà chẳng có một bác tài xế nào dám cho xe vượt phạm luật. Theo kinh nghiệm của cánh lái xe đi về miền Tây, nơi cung đường nào “sáng nhất” (dễ chạy nhất) luôn là nơi “tốt nhất” để Police ngụy trang chĩa súng bắn tốc độ. Biết "nguy hiểm" ở nhiều nơi "ẩn nấp", nên tài xế Trộng của chúng tôi cứ lừ đừ nối đuôi xe trước. Mãi đến gần 3 giờ chiều, xe chúng tôi mới chạm lối dẫn vào đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương. 

Mặt đường cao tốc Sài Gòn- Trung Lương mới làm thật đẹp. “Chiếc áo” siêu mỏng tạo nhám mặt đường bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay đã giúp cho những chiếc xe có lúc đạt đến tốc độ 100 km/h vẫn không hề bị rung hay lắc. 

Cùng đi xe lôi với thủ lĩnh XUÂN THU
Chiếc xe cứ thế lao về phía trước thật êm. Đỗ Xuân Thu - cô bạn học cũ của chúng tôi quả thật là người thủ lĩnh của nhóm vì sự chuẩn bị chu đáo và tỉ mỉ của cô ấy cho chuyến đi. Ngoài những chiếc khăn lạnh (dùng cho lúc buồn ngủ), cùng với mấy thùng nước khoáng, “bà” còn mang theo nước nhiều loại trái cây để cho mọi người trên xe “lai rai” vui miệng. Tôi thầm nghĩ, chắc ở nhà “bà” luôn là người chăm bón cho chồng con tốt, bởi như một điều rất nhỏ, “bà” bóc tách từng múi mít cho tôi, Tuấn “ngố” và tài xế Trộng ăn thỏa thích. Hơn nữa, giữa thời kinh tế thị trường đang eo xèo, đi du lịch mà Xuân Thu đã mượn được chiếc xe của công ty nơi mình đang làm việc và cả luôn tài xế trẻ, năng động như Trộng quả thật là quá quý. Mọi thứ như giảm bớt cho chúng tôi về sự lo ngại tính cằn nhằn gần xa, cũng như giới hạn đi thêm đó đây, vốn thường có ở những người lái xe dịch vụ cho thuê. Còn thêm, mọi thứ đều dễ dàng, như mùa này miền Nam bắt đầu nắng nóng, nên nhu cầu của hệ bài tiết có cấp thúc cũng chẳng mấy khó khăn và e dè bảo bác tài tìm WC dọc đường. Gần 60 km trên đường cao tốc, chúng tôi cứ trò chuyện rôm rả, không bận tâm đến mọi vấn đề, thị giác cứ thả theo từng cảnh vật quen thuộc dọc đường. 

Thư giản trên Chùa Núi Cấm
Ngao du tự do trên chiếc xe, ai cũng mang cảm giác tự nhiên thoải mái và như thế nhiều câu chuyện kể bắt đầu. Tuấn “ngố” của ngày xưa ấy cũng chính là nguyên cớ của những trận cười bể bụng trong suốt chuyến đi và về. Bao nhiêu năm rồi nhưng hắn vẫn vậy, chân thành, thật thà và “ngố, ngố” với mọi người trông quá dễ thương. Còn Tuyết Lê và Thu Thủy đều là những "bà Tám chính hiệu" nên khi bắt câu chuyện hài hước nào cũng có thể tham gia, không bỏ sót. Lại có khi hứng chí, hai "bà Tám" này cứ hồn nhiên tầm phào, cứ y như tôi, Tuấn “ngố” và tài xế Trộng là …. “liệt sĩ”. Cũng phải, là bạn bè cùng trang cùng lứa, lại học cùng với nhau, nay cũng đã gần thành “ông già bà cả”, vui là chính chứ e dè sẽ mất vui. 

"Xì, Già, Đầm, Ri, Thập"
Xe chạy vừa qua khỏi cầu Mỹ Thuận rồi rẽ phải theo quốc lộ 80 hướng về Sa Đéc. Từ thị xã Sa Đéc chạy về Long Xuyên, chiếc xe chúng tôi nhiều đoạn đường song song bên những con sông, con rạch êm ái, không hề biết đến thác ghềnh. Sau vài ba năm tôi mới trở lại mảnh đất này nên thấy cuộc sống của người dân ở đây khác quá. Nhớ những năm trước, khi đi ngang qua đây, ai cũng đều thấy hai bên đường những mái nhà lá, nhà sàn, những con lạch con sông chằng chịt, những mẻ lưới buông, tiếng cò, tiếng vạc hòa cùng với tiếng máy ghe khua rộn trên mặt sông. Tất cả tạo nên một không gian nguyên sơ, hồn nhiên và rất dỗi yên bình nhưng cuộc sống của bà con lại thiếu thốn và trần ai. Nhưng hôm nay trong nắng chan hòa của buổi chiều cuối tháng giêng, dù lướt qua nhưng tôi đã cảm nhận được cuộc sống của bà con nơi đây đã thư thả và khấm khá. Và không biết có phải vì “tháng giêng là tháng ăn chơi” hay không mà tôi đã thấy dưới mặt sông, những chiếc ghe lớn ghe nhỏ hay những chiếc đò dọc, đò ngang nằm im ngang ngãng dọc hai bên bờ. Tâm tính của người dân miền Tây khác với mọi miền Tổ quốc, họ sống rất chậm, thư thả, thong dong, không bị thúc bách hối hả cho mọi sự nhiêu khê. Bởi thế mùa viếng miếu, viếng chùa trong tháng giêng tháng hai hàng năm, người miền Tây đã bủa đi muôn nơi ở các tỉnh miền Đông và nhiều tỉnh thành khác. 

NGƯỜI NGƯỜI VIẾNG MIẾU BÀ CHÚA XỨ 

Đêm viếng Miếu Bà Chúa Xứ
Xe bị kẹt phà Vòm Cống, cho nên đến 8 giờ tối, chúng tôi mới đặt chân đến thành phố Long Xuyên để ăn cơm tối. Và như thế chỉ còn vài chục cây nữa là chúng tôi đến được nơi đã định – Miếu Bà Chúa Xứ. 

Đường đi về hướng ấy, màn đêm mang vẻ nguyên sơ. Mà nguyên sơ cũng chính là nguyên cớ của vô vàn những điều gian khó cho người dân xứ này. Có nhiều cái khó đều xuất phát từ việc giao thông đi lại quá khó khăn. Người dân sống ở nơi đây, hàng ngày họ phải dùng "vỏ", dùng ghe đi làm, đi chợ, để nâng bước trẻ con đến trường như xe hai bánh, dùng thuyền để chuyên chở như xe tải nặng ở vùng miền Đông. Ấy vậy mà nói đến đường bộ lại có nhiều đoạn đường nhỏ hẹp, không ánh đèn đường, lại nhiều gấp khúc nên giới hạn tốc độ cho mọi phương tiện xuống chỉ còn 20 km/h. Chiếc xe cứ chầm chậm xuyên màn đêm.

Đích đến càng gần, trong tôi lại nghe hồn mình đang nghĩ về sự an lành cần có của đời người, một điểm tựa tâm linh nơi Bà Chúa Xứ. Dù rằng ở đây vẫn còn nhiều điều bí ẩn nhưng luôn ở trong tâm thức của nhiều người miền Nam. 

Trước đây tôi đã từng nghe nhiều người nói, không biết pho tượng Bà Chúa Xứ là đàn ông hay đàn bà. Nhưng theo tôi được biết, nhà “Nam bộ học” Sơn Nam có viết trong công trình khảo cứu: “Đồng bằng sông Cửu Long - nét sinh hoạt xưa” (NXB Trẻ) ông đã đưa ra nhận định, tượng Bà Chúa Xứ thực ra là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer. Pho tượng này bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Rồi sau này người Việt từ Bắc di cư vào, đã đưa tượng vào miếu, dùng sơn điểm tô, mặc áo lụa, đeo dây chuyền, và biến pho tượng đàn ông thành đàn bà. 

Cũng giống như Sơn Nam, nhà nghiên cứu Trần Văn Dũng cũng có nhận định như vậy trong cuốn sách: “Lịch sử khai phá vùng đất Châu Đốc 1757 -1857”. Và ông đã nói rõ hơn là phần đầu của tượng không phải nguyên gốc, mà là được chế tác sau bằng loại đá không giống thân tượng. 

Còn nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret sau khi đã khảo sát tỉ mỉ miếu Bà Chúa Xứ và kết luận: Tượng Bà Chúa Xứ thuộc loại tượng thần Vishnu, tạc dáng ngồi nghĩ ngợi, quý phái, bằng chất liệu đá son, có giá trị nghệ thuật cao, ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI. 

Nói như thế thì cho dù pho tượng mang hình thức là thế nào đi chăng nữa, thì trong tâm thức của mỗi chúng tôi, sự thành tâm với đấng tối cao luôn là điểm tựa tâm linh, sẽ che chở cho chúng tôi nhiều điều trong cuộc sống 

Cùng với cô bạn TUYẾT LÊ
Gần 9 giờ đêm. Xe chúng tôi mới đặt chân đến khu vực miếu Bà. Mọi ngã đường dành cho xe hơi đều bị phong tỏa. Nhưng thật may, ngay từ lúc chiều, tôi đã liên hệ được với chị Ái Châu, một blogger tôi từng quen biết và thân thiết qua mạng ảo. Chị có bảo: “Khi nào đến nơi, em nhớ gọi để chị cho người đến đón!”. Lại có thuận lợi thêm, khách sạn HT của chị nằm ngay đối diện cổng Miếu Bà Chúa Xứ nên việc di chuyển đến viếng sẽ bớt phần vất vả đi nhiều. 

Khi chiếc xe chúng tôi được đưa vào bãi gởi xe chung, cũng là lúc người nhà của chị Ái Châu vừa đến. Mặc dù chúng tôi đã có dân “thổ địa” nhận là người quen, nhưng tiếng mời chào năn nỉ ỉ ôi của cánh xe lôi lao nhao lên từ mọi phía. Từ bãi gởi xe về khách sạn của chị Ái Châu đi xe lôi chỉ có 10 ngàn đồng một người và như thế mỗi chiếc xe “kéo” đến 2 người trong chúng tôi. 

Hòa trong dòng người hành hương đi bộ tuôn về Miếu Bà Chúa Xứ, có rất nhiều khuôn mặt lớn, mặt nhỏ, đàn ông, đàn bà nhễ nhại mồ hôi. Họ đứng san sát hai bên đường rao bán hương, bán đèn và đủ các thứ lộc để cúng viếng Bà Chúa Xứ với nụ cười nửa vời bí hiểm chực hiện trên môi. Không những thế, những người này còn bu sát theo khách thập phương chèo kéo. Tôi nhớ lời chị Ái Châu căn dặn  trước, người dân ở đây, một năm buôn bán trông vào thời điểm này. Và đây cũng là mùa “làm ăn” của các thành phần bất hảo với những trò lừa được giăng ra để “bẫy” khách thập phương. Bởi vậy chúng tôi bảo trọng, cảnh giác mọi thứ hơn. Ấy vậy mà trong lúc chúng tôi hành hương hướng thiện, ai cũng băn khoăn trước đám người ăn xin nhan nhãn đang chờ lòng thương cảm của du khách ngó ngàng. Hoàn cảnh của họ có thật không?. Hay mình giúp họ dù chỉ vài ngàn đồng rồi nhận lại từ họ lời cảm ơn mỉa mai, vì mình là người dễ tin và khờ nhất trên đời! 

Len lõi trong dòng người tấp nập, cuối cùng năm đứa chúng tôi cũng đã chiêm bái và dâng được lể vật cúng Bà Chúa Xứ. 11 giờ khuya chúng tôi trở về khách sạn, dòng người đổ về Miếu Bà Chúa Xứ nườm nượp không ngớt. Tôi đứng trên ban công khách sạn HT nhìn xuống, dù đã khuya nhưng dòng người vẫn kiên nhẫn nhích từng bước để được vào lễ trong miếu. 

Mặt trời đang ngủ yên! Gần chấm dứt một ngày hành hương về hướng thiện. Chương trình ngày mai, chúng tôi sẽ về tham quan ngọn núi Cấm (cao 710 m), uy nghi và hùng vĩ. Nơi ấy còn được ví như một Đà Lạt thứ 2 vì khí hậu mát mẻ quanh năm cũng như có nhiều thắng cảnh độc đáo. Núi Cấm đang chờ đón bước chân của những người vừa hành hương, vừa phiêu lãng như chúng tôi sẽ là một ngày nắng đẹp......

(Kỳ sau: Núi Cấm - Nơi huyền bí của núi rừng phía Tây.)
Andi Nguyễn Ánh Nhật

32 nhận xét :

  1. Một chuyến đi thật vui vẻ và ấm áp quá anh nhỉ, thế giới ảo nhưng không ảo chút nào :)

    Trả lờiXóa
  2. Miếu bà Chúa Xứ An Giang, An Giang em đi nhiều lần quá rồi. Quen thiệt là quen, anh đi núi cấm rồi đồi tức dụp, rồi đến lăng bác Tôn Đức Thắng, rừng tràm Trà Sư là gần đủ bộ rồi. Kế bên miếu Bà Chúa Xứ có Lăng Thoại Ngọc Hầu (người có công đào kênh Vĩnh Tế.
    "... Bởi thế mùa viếng miếu, viếng chùa trong tháng giêng tháng hai hàng năm, người miền Tây đã bủa đi muôn nơi ở các tỉnh miền Đông và nhiều tỉnh thành khác...." chưa chắc đâu anh chàng Đà Nẵng à.

    Trả lờiXóa
  3. Ánh Nhật lại đi, lại viết, lại hẹn kì sau. Mấy bài rồi cứ hẹn kì sau vẫn chưa thấy?

    Trả lờiXóa
  4. Quá vui phải không ANN ơi .còn gì vui hơn nữa đâu HQ qua thăm chúc ANN luôn thật vui và thật hạnh phúc nhé.

    Trả lờiXóa
  5. Cùng di chơi miền Tây với AN nè! Vui quá! Du lịch ảo cũng thiệt thú vị qua ngòi bút đầy hình tượng của bạn! Xin cảm ơn. Chờ bài Đi Núi Cấm...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Núi cấm có tượng Phật Di Lặc ngồi rất lớn và đẹp.

      Xóa
  6. Được đi đây đi đó thích quá chú nhỉ? :)
    Chúc chú luôn vui nhé :)

    Trả lờiXóa
  7. Viết vậy mới là viết nè, khơi khơi thôi mà đọc hình dung được cả hành trình.
    Em ở miền Tây nhưng thú thiệt là ..chỉ nghe tên thôi chứ chưa bao giờ tới đây. Mà chỗ nào đông và chen chúc như vầy thì thiệt sự là cũng hổng khoái lắm.
    Chờ cái kỳ sau của Ca.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đông chỉ khi nào là ngày lễ Bà thôi, chứ những ngày thường cũng "ít xịt" à không đông như cái ảnh được lấy từ trên mạng xuống đâu.
      Chỉ có điều, chặc chém và chèo kéo khách tại nơi linh thiêng thì hổng khoái là rất đúng. Tôi đi mấy lần rồi.

      Xóa
  8. Ồ, hay quá! Bây giờ em mới được nhìn thấy cái xe lôi, cho dù nghe tên nó thì lâu rồi. Vậy xe lôi có nghĩa là ...lôi mình đi ấy à?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô sống ngoài ấy sao thấy được, cứ vô Nam sống dài hơi sẽ thấy thôi. Nào xích lô, xe bò, xe trâu, xe ngựa và cả xe lôi....

      Xóa
  9. Theo chân em về nhà, chị thấy em có chuyến đi miền Tây thú vị quá, chị có dự định đi du lịch miền Tây mà chưa thực hiện được.Em thì ước ao ra Bắc, còn chị ước ao vào miền tây...

    Trả lờiXóa
  10. Lại được một chuyến du lịch ảo cùng em thật thú vị. Một chuyến đi thật vui những cũng thất đáng nhớ phải không em!
    Chờ bài tiếp theo của em nè! Chiều thêm nhỉu an vui bên em nhá

    Trả lờiXóa
  11. Theo chân Ánh Nhật...đi về hướng Tây.

    Trả lờiXóa
  12. Em sang thăm và Chúc anh ngày nghỉ cuối tuần bình yên và dạt dào niềm vui

    Trả lờiXóa
  13. Sao bạn sướng thế nhỉ
    Du ngoạn khắp muôn nơi
    Ngắm hoa đẹp đất trời
    Vui cùng thiên nhiên cảnh

    Trả lờiXóa
  14. Vậy là anh đã đi qua đất Long Xuyên của Ngoc Le rồi đó

    Trả lờiXóa
  15. Chuyến du hành của anh thật vui .

    Trả lờiXóa
  16. Anh viết nhầm tên địa danh rồi phà Vàm Cống anh nhá.
    Bến phà Vàm Cống nằm trên quốc lộ 80, nối liền 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang, với bờ phía Đồng Tháp đặt tại ấp Bình Lợi, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, và bờ phía An Giang đặt tại khóm Thới An, phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên.

    Trả lờiXóa
  17. Chuyến đi thật nhiều kỷ niệm với bạn bè phải không em ? Chị cũng có ghé cúng và khấn vái bà Chúa Sứ ở Châu Đốc một lần lúc chị còn trẻ ...có dịp về VN chắc chị cũng phải về để cúng tạ ơn Bà thôi ...

    Nhìn em nằm tòn ten trên võng thật thoải mái gì đâu Andi hén ?

    Trả lờiXóa
  18. Mong sớm được đọc bài "núi cấm". là dân miền tây chình hiệu mà chưa một lần đến những nơi nầy, buồn. sang thăm chúc bạn nhiều niềm vui nhé.

    Trả lờiXóa
  19. Chúc mừng NAN có cuộc hạnh ngộ chuyến đi thật là vui vẻ nha

    Trả lờiXóa
  20. Cứ như kí sự Cửu Long Giang ấy!
    Lôi cuốn và hấp dẫn, chờ kì sau để biết thêm về Nam Bộ. Cảm ơn NAN đã kể rất hay!

    Trả lờiXóa
  21. Thăm em Ngày 8/3. Thương mến chúc một nửa của em luôn dịu dàng xinh đẹp. Thương mến chúc cho những người phụ nữ thương yêu bên cạnh em luôn ấp áp ngọt ngào, an vui hạnh phúc.
    http://laisuat.vn/Images/FCKimg/image/khuyenmai/mung%208-3(1).jpg

    Trả lờiXóa
  22. Chúc anh luôn có nhiều chuyến du hành vui vẻ .

    Trả lờiXóa
  23. Em có những chuyến đi thật thú vị ! cho chị gửi lời chúc 8/3 đến người pn của em lời chúc sức khỏe, tươi trẻ, hạnh phúc nhé !

    Trả lờiXóa
  24. Bạn du lịch tới đâu rồi, chúc bạn luôn bình an nhé.

    Trả lờiXóa
  25. Ông anh đi về hướng Tây lâu quá rồi đấy nhé, đi về hướng Đông thử đi!

    Trả lờiXóa
  26. Viết bài mới đi chú ơi!con đang chờ đợi để đọc ạ!

    Trả lờiXóa

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC