7 tháng 9, 2018

AI RA XỨ BẮC (Kỳ 2)

Sau giấc ngủ trưa dài tôi phần nào cảm thấy “thích nghi”. Đất kẻ chợ có 4000 năm kham khổ để chống đỡ không biết bao nhiêu cơn mưa đợt lũ chứ đâu phải chờ đến ngày nay người Việt mới hiểu để xây dựng thủy điện sông Đà chế ngự thiên nhiên. Cuộc sống không an lành, nóng lạnh khủng khiếp thay đổi trong năm, nên sự lệ thuộc vào thiên nhiên khiến người dân xứ Hà Thành càng trầm mình bảo thủ.

Vả lại theo sách sử đã ghi, quá khứ người Thăng Long tứ xứ từng có nạn kiêu binh mang mảng màu phức tạp về lịch sử, như một tấm mosaic đầy tâm tư của người họ vậy. Bởi thời xưa, sự nghi kỵ của triều đình trung ương Huế luôn coi người dân xứ Hà thành là con cháu nhà Lệ. Triều đình nhà Nguyễn đã đưa các quan xứ Quảng như Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu về trấn giữ Bắc thành. Bởi vậy, khi người Pháp tấn công Hà Nội thì người dân ở đây cũng khá thờ ơ. Triều đình nhà Nguyễn buộc phải nhờ quân cờ đen Thái bình thiên quốc của Lưu Vĩnh Phúc mới vượt biên vào Đại Nam (1865) với chức tước được phong “Cửu Phẩm Bách Hộ” để quấy phá người Pháp và bình định vùng này.

Trời gần về chiều. Ông bạn già Que Hoang của thời học NN Đà Nẵng biết tôi mới ra Hà Nội nên có hẹn 6 giờ tối đến phố Hàng Tre để lai rai vài cốc bia hơi Hà Nội kèm theo câu nói mới ghê (!?): “Bác ra đây mà không thưởng thức một cốc bia hơi là chưa biết Hà Nội!”. Mới 5 giờ chiều là tôi đã phóng xe xuôi về Hồ Tây như muốn tìm một chút mộng mị sương chiều thu Hà Nội ngẩn ngơ. Nhớ lúc còn nhỏ thời bao cấp khốn khó tôi có một lần theo chú mình đi tham quan Hà Nội. Nơi đây có những chiều đầu thu ráng đỏ, “Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ ….” mây trôi. Bên “Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về” (Trương Quý Hải), là những cặp đôi bập bềnh giữa hồ tâm sự và còn ai đó dong buồn cho vơi một nỗi Trương Chi….

Đường Cổ Ngư có từ thời Pháp thuộc nhưng đến đầu năm 60 thế kỷ trước được Bác Hồ đặt lại với cái tên “ Đường Thanh Niên” mang đầy tính…. “Cách mạng”. Và không biết kể từ đó hay do đâu, tôi có những người bạn cùng trang lứa ở Hà Nội có những tên gọi do cha mẹ đặt, nào là “Chiến Thắng”, “Anh Dũng” hay là tên của những vị anh hùng cùng thời. Tính cách mạng rất cao như vậy chắc con người Hà Nội đã quá ăn sâu trong tiềm thức giáo điều Lão Khổng mà vơ vội bất kỳ những thứ gì mà họ cho là lý tưởng – Tôi băn khoăn suy nghĩ.

Tôi dừng chân trước ngôi chùa Trấn Quốc tĩnh lặng gần một ngàn năm. Vẫn còn đó cây bồ đề do đích thân Tổng thống Ấn Độ Prasat trao tặng tận tay Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1959. Bồ Đề vẫn còn đó để tỏa bóng như an ủi chúng sanh.Thiêng liêng và cổ kính, nhưng rất tiếc án ngữ trước chùa xây bằng bê tông cốt thép như cái lô cốt, cứng đơ. Người đi đường còn thoảng nghe mùi mắn muối mỡ khét xông lên cả một cảnh trời mây nước trữ tình. Thật oan uổng cho trận “thi chiến” đâu là đỉnh cao của văn phú thơ Nôm có đến hai năm đầu tiên của thế kỷ XIX giữa hai bài “Tụng Tây Hồ phú” và “Chiến tụng Tây Hồ phú” của Nguyễn Huy Lượng, Phạm Thái. Nhớ năm ngoái ra Hà Nội và tôi có đến ăn bánh tôm Hồ Tây với cô giáo cũ Hồng Maivà cùng một vài người bạn. Tôi nhận thấy cũng "bình thường thôi" chắc vì chưa hợp khẩu vị. nhưng không biết nhà chức trách có hiểu, bánh tôm Hồ Tây dẫu có ngon với người Hà Nội thì đâu phải nhất thiết kinh doanh làm món mồi nhậu nhẹt giữa nơi cần tao nhã hào hoa này (?).

Hồ Tây, gương mặt đẹp của Hà Nội nghìn năm, đẹp như Nàng Kiều, Trương Quỳnh Như, Nguyễn Thị Lộ hay công chúa Ngọc Hân và gương mặt của biết bao thế hệ từng soi vào đấy. Chiều Hà Nội, tôi đã thấy rất nhiều già ngồi trên những chiếc ghế đá công viên hóng mát, chắc hồn họ vẫn còn thẩm sâu trong ký ức, ước gì có một câu ca dao xưa chợt vẳng:
“Mịt mù khói tỏa ngân sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”…. (Còn nữa)

1 nhận xét :

BÀI ĐƯỢC NHIỀU ĐỘC GIẢ ĐỌC